Theo quyết định luân chuyển cán bộ lãnh đạo, ông Mão sang huyện bên nhận nhiệm vụ từ hồi đầu năm. Dù làm ở cơ quan nào thì ông cũng vẫn là thủ trưởng. Tuy có đi quãng đường xa hơn cơ quan cũ hàng chục cây số nhưng bây giờ đường xá thuận lợi, lại có xe hơi, ông chẳng ngại gì mưa nắng. Môi trường làm việc mới, lúc đầu có lạ nước lạ cái thì dần dần ông cũng quen, đâu sẽ vào đấy thôi. Mấy chục năm kinh nghiệm công tác, ông chẳng nề hà việc gì, dù khó dù khổ đến đâu ông cũng vượt qua. Nhưng việc “tề gia” đã làm ông mất ăn mất ngủ bao ngày. Ở cơ quan, ông là thủ trưởng, nói câu nào cũng có trọng lượng, nhân viên cứ nghe lời răm rắp vì họ biết ông là người nói được, làm được, lại liêm khiết và luôn quan tâm đến anh em. Vậy mà ra khỏi cơ quan, ông trở thành con người khác hẳn. Ông băn khoăn, nghĩ ngợi xem nên về đâu trước, về ngôi nhà ba tầng khang trang nằm ngay mặt tiền trên phố, nơi có bà vợ tháo vát đảm đang, một tay nuôi dạy con cái, một tay lo toan kinh tế để ông yên tâm công tác hay là về ngôi nhà ngói cổ kính ba gian ở làng quê hẻo lánh tận cuối huyện, giáp con đê bao bọc dòng sông Kinh Thầy yên ả? Nơi ấy còn mỗi người cha già lặng lẽ ra vào, chiều tối nào cũng ngồi ở bậc thềm ngóng ông trở về.
Trước kia, để thuận tiện việc chăm sóc cha mẹ già yếu, ông Mão bàn với vợ đón cha mẹ lên phố ở cùng để tiện phụng dưỡng, chăm nom. Các cụ không muốn rời xa làng quê bao năm gắn bó nhưng hai thân già, người bị huyết áp cao, người bị bệnh tiểu đường, không thể không ở cùng con cháu. Nhưng từ ngày cụ Thi, mẹ ông mất, cha ông nhất mực đòi về quê. Bệnh tiểu đường của cụ không nghiêm trọng bằng tâm bệnh nên ông Mão đành chiều theo ý cha. Ông muốn bà Hoan, vợ ông từ bỏ việc buôn bán, về quê trồng rau nuôi gà, chăm sóc cha già nhưng bà giãy nảy lên:
- Không được! Ông thích về thì về. Tôi thì không. Công việc kinh doanh đang thuận lợi, tự dưng ông bắt tôi về quê là sao?
Ông Mão dịu giọng:
- Tôi xin bà! Bà vì tôi một chút. Cha già rồi, sống được bao lâu nữa mà không chiều theo nguyện vọng của cha.
- Ơ hay! Từ trước đến nay tôi luôn vì ông đấy thôi. Không có tôi thì ông lấy đâu tiền bạc mà xây nhà, sắm xe hơi, cho con đi du học?
Ông Mão lặng thinh vì biết vợ mình nói đúng. Tranh luận thêm với bà ấy chỉ tổ làm tổn thương nhau. Ông quyết định dứt khoát:
- Thôi! Bà cứ ở phố mà buôn bán. Tôi đưa cha về quê sống cho cha thanh thản tuổi già. Ban ngày gửi gắm họ hàng, xóm giềng để ý còn buổi tối, tôi về ngủ với ông cụ.
Bà Hoan buông hai tiếng gọn lỏn:
- Tùy ông!
Trước thái độ dửng dưng của vợ, ông Mão cảm thấy khó xử. Một bên là đạo hiếu với cha, một bên là tình nghĩa vợ chồng, phải vẹn cả đôi đường quả là rất mệt đối với ông trong hoàn cảnh này. Ông là con một nên càng không thể để cha sống một mình. Người già sợ cô đơn, lại hay đau ốm những khi trái gió trở trời. Thành ra, ông cứ chạy đi chạy lại. Nhà có năm người mà sống cảnh một chốn bốn nơi. Thằng con trai lớn lấy vợ, định cư ở nước ngoài. Cô con gái làm việc trên Hà Nội, gần ba mươi tuổi mà bị bố mẹ khuyên về quê lấy chồng vẫn cứ lắc đầu nguây nguẩy, giục nhiều nó còn không chịu về nhà. Thành ra đã rất lâu rồi, ông Mão chưa được ăn một bữa cơm đông đủ các thành viên trong gia đình. Bữa sáng ông dậy sớm, tập thể dục qua loa rồi đi mua cháo cho cha. Ông lên phố ăn sáng cùng vợ, sau đó lái xe gần ba chục cây số đến cơ quan làm việc. Trưa ăn cơm ở cơ quan, tối thì bữa ăn với cha, bữa ăn với vợ, gần một năm rồi mà ông vẫn chưa quen. Việc bếp núc, chợ búa vốn xa lạ với ông thì bây giờ ông phải thường xuyên vào bếp. Nhiều khi ông thèm cái cảm giác cả nhà quây quần bên mâm cơm buổi sáng, buổi tối, bật ti vi xem thời sự, xem bóng đá, nói cười, bình luận rôm rả.
Bà Hoan lúc đầu giận dỗi nhưng rồi cũng hiểu ra. Cha già như trái chín trên cây, con cái nỡ nào để cha ở một mình. Bề ngoài dù bà không nói gì nhưng trong thâm tâm bà rất thương chồng. Nhìn ông Mão tất bật hàng ngày, tóc bạc thêm mấy phần, bà xót lắm nhưng bà còn phải buôn bán, còn phải kiếm tiền. Bao năm nay bà gắn bó với phố xá nhộn nhịp, phải về quê chăm cha chồng, quanh quẩn gà vịt, rau cỏ thì bà chịu làm sao được. Ông Mão mang tiếng là sếp nhưng lương chỉ đủ tiêu cho các khoản thuốc men, xăng xe, cỗ bàn. Còn lại tất tần tật từ A đến Z, hàng trăm khoản không tên, bà phải cáng đáng hết. Nhiều khi bà trách ông ra miệng: “Người đâu mà liêm khiết quá thể. Nhân viên biếu một thì cho lại hai. Thế thì đến bao giờ ông mới giàu được”. Những lúc như thế, ông Mão chỉ cười xòa:
- Giàu mà làm gì? Quan trọng là sống như nào để anh em nó nể. Về hưu rồi nó vẫn còn nhớ và đến thăm. Thế mới là hạnh phúc bà ạ!
Bà Hoan lắc đầu, ra chiều ngán ngẩm:
- Thôi! Tôi chịu ông! Ông muốn làm gì thì ông làm.
Dọc đường lái xe từ cơ quan về nhà, ông Mão thấy người ta bày bán rất nhiều cành đào và những cây quất cảnh. Sắc xuân rực rỡ khiến ông giật mình, thầm nhủ: “Nhanh thế! Đã sắp Tết rồi”. Lòng ông nôn nao nhớ về những cái Tết đông đủ cả nhà. Từ ngày ông Táo lên chầu trời là các thành viên trong gia đình đã tíu tít dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng. Ông sẽ mang cái khuôn gỗ ra để tự tay gói bánh, lại gói thêm hai chiếc bánh nhỏ, thật xinh dành cho hai đứa con. Ba bố con sẽ đi chợ hoa, sắm đào, sắm quất về chưng, cài đèn nhấp nháy sáng rực cả phòng khách. Ông nhớ giờ phút giao thừa thiêng liêng, cha ông sẽ thắp một tuần nhang lên ban thờ, cùng ông cầu khấn những điều thiêng liêng, mong một năm mới tốt lành và bình an. Mùi hương trầm thơm ngát ấm áp tỏa khắp gian nhà. Mẹ và vợ ông sẽ đi chùa, trên đường về thể nào cũng hái một cành lộc xanh, đem cắm vào bình. Hai đứa nhỏ háo hức khai bút đầu xuân và diện quần áo mới… Ký ức ùa về làm ông cay cay khóe mắt. Ông băn khoăn không biết Tết này sẽ ăn Tết ở đâu? Thằng lớn ở Đức gọi điện báo tin sẽ dẫn cả vợ con về Việt Nam ăn Tết. Nếu về quê thì hơi chật chội và bất tiện. Vả lại, vợ ông có chịu đóng cửa ngôi nhà trên phố để về quê không? Gần một năm nay, bà ấy vẫn sống một mình trong ngôi nhà rộng, không trách ông nửa lời, để ông chuyên tâm công tác và phụng dưỡng cha già. Nếu ăn Tết ở phố thì cha ông có đồng ý không? Mẹ ông mất chưa được một giỗ, đời nào cha chịu để ban thờ hương tàn nhang lạnh. Nghĩ đi nghĩ lại, ông Mão cảm thấy đầu đau như búa bổ. Chẳng biết có phải thời tiết dạo này thất thường hay không mà thi thoảng ông lại lên cơn đau đột ngột.
Đêm, cơn đau đầu dữ dội ập đến, ông Mão bấu vào tay cha, lay mạnh. Cha ông lần công tắc, bật điện. Nhìn con trai nhăn nhó, miệng méo xệch, cụ hoảng hồn kêu cứu. Hàng xóm sát vách chạy sang, cuống quýt bấm máy gọi cho bà Hoan. Bà về đến quê thì tắc - xi đã đưa ông Mão vào bệnh viện huyện cấp cứu. Cả đêm, bà đi đi lại lại ngoài hành lang bệnh viện, lạnh cóng, tê buốt cả chân tay nhưng ruột gan bà nóng như lửa đốt. Chỉ đến khi bác sĩ trưởng khoa bước ra khỏi phòng cấp cứu, thông báo: “May mà gia đình đưa vào viện sớm. Ông ấy bị tai biến nhẹ thôi” thì bà mới thở phào nhẹ nhõm. Giọt nước mắt nén lại bao ngày trào ra trên gương mặt tái mét của bà. Từ giây phút ấy, bà quyết định không thể sống cảnh vợ một nơi, chồng một nẻo được nữa. Nhất định ông đi đâu, bà sẽ theo đó.
Trước Tết năm ngày, ông Mão được ra viện. Bác sĩ dặn bà Hoan:
- Bà để ý chăm sóc ông ấy. Đừng để tái phát, sẽ không tốt đâu.
Bà nhìn ông, thủ thỉ:
- Ông thích về đâu?
Ông nắm bàn tay bà, nói ra những lời tự đáy lòng:
- Về đâu cũng được, miễn là cả gia đình ta quây quần đông đủ bà ạ! Sắp Tết rồi. Nhà ai cũng sum họp, đoàn viên. Tôi chẳng muốn gì hơn thế.
Đúng lúc ấy, anh con trai lớn của ông Mão gọi điện thông báo: “Bố ơi! Chúng con đã xuống sân bay Nội Bài”. Ông mừng quá, giục bà:
- Về nhà thôi!
Bữa cơm tất niên của gia đình ông Mão hôm ấy có đông đủ cả nhà quây quần. Hương trầm thơm ngát vấn vương bên di ảnh mẹ ông. Ngôi nhà ba gian nhỏ bé nhưng ấm cúng hơn bao giờ hết. Bà Hoan quyết định bất ngờ: “Từ nay tôi dọn về đây với ông để cùng chăm sóc cha. Nhà trên phố cứ tạm thời cho thuê đã”. Cha ông đã lãng tai, chẳng biết cụ có nghe rõ không nhưng cứ mỉm cười gật gù. Ông Mão nhìn vợ trìu mến, thầm cảm ơn bà biết nghĩ trước nghĩ sau. Ngoài kia, mùa xuân đã về đến sân vườn. Cây bích đào ở đầu hồi bắt đầu bung hoa rực rỡ.