Trước tiên, đó là một trong những ấn phẩm rất quan trọng gửi đến độc giả nhân kỷ niệm 65 năm Nhà xuất bản Kim Đồng (cùng cuốn 65 truyện hay đi đôi với tập thơ này).
Tập thơ do Cao Xuân Sơn, một nhà thơ viết cho thiếu nhi, tuyển chọn từ nhiều văn bản của nhiều tác giả. Chỉ riêng một người tuyển chọn thôi, và dù là ai cũng chỉ một bài, thì đó là việc xưa nay hiếm thấy đối với một sự kiện văn học, một sự kiện thơ ca.
65 năm tương ứng 65 bài, tuyển chọn thế nào đây? Hẳn là Cao Xuân Sơn đã có lúc thấy rất khó xử. Số lượng bài thơ hay viết cho trẻ nhỏ, viết bởi trẻ nhỏ đâu chỉ dừng ở 65? Nhà thơ ẩn khuất đi, lùi hẳn vào bóng tối để tìm ra 65 tia sáng óng ả nhất, không thuộc về mình. Ông táo bạo, khắt khe và cũng không ít cảm thông đối với nhiều hướng viết của bạn nghề. Cao Xuân Sơn viết cho trẻ em đã đạt đến trình độ đáng nể, nhưng ông không nghĩ mọi người phải theo lối viết của ông. 65 bài thơ là 65 kiểu viết, mỗi kiểu có cái hay riêng. Các thế hệ sáng tác người mất, người còn, nam hay nữ, trẻ hay già, đóng góp nhiều hay ít đều có đủ, miễn khi vào sách phải là thơ hay. Ông dành nhiều thiện cảm đối với bài thơ được phổ nhạc. Tác giả đã tâm sự ở đầu sách: “Nhân kỷ niệm 65 năm NXB Kim Đồng - nơi tôi có 20 năm liên tục gắn bó trong vai người làm sách cho các em, tôi may mắn được hưởng một đặc ân: cắm một bình hoa thơ từ những đóa hoa đẹp nhất mà tôi có thể nhìn thấy. Tôi chọn những đóa thơ đẹp nhất theo cảm nhận của tôi nhưng có tham chiếu góc nhìn từ các em. Sau một thời gian ngó nghiêng, ngắm nghía, đắn đo hơn thiệt, giờ đây bao nhiêu hương sắc tôi yêu tôi quý đang ở trên tay bạn”. Nhờ Cao Xuân Sơn, chúng ta được gặp lại những người đã thân, thơ đã quen: Hoàng Minh Chính với Đi học, Lâm Thị Mỹ Dạ với Truyện cổ nước mình, Trần Thanh Địch với Chào mào, Đặng Hấn với Quạt và chong chóng, Phạm Hổ với Chú bò tìm bạn, Hoài Khánh với Đồng hồ báo thức, Trần Đăng Khoa với Mẹ ốm, Nguyễn Ngọc Ký với Chú nhện chơi đu, Nguyễn Thị Mai với Nhà không có bố, Bế Kiến Quốc với Bóc lịch (nhan đề khác là Ngày hôm qua đâu rồi), Xuân Quỳnh với Chuyện cổ tích về loài người, Nguyễn Hoàng Sơn với Con vện, Nguyễn Văn Thắng với Cháu nghe câu chuyện của bà, Trần Quốc Toàn với Ong mật rừng U Minh, Ngân Vịnh với Cánh cam lạc mẹ v.v… Và đây là những bất ngờ thú vị: Cây nhóm lửa của Nguyễn Thái Dương, Bà của Trần Mạnh Hảo, Ra vườn nhặt nắng của Nguyễn Thế Hoàng Linh, Triều đình của Trần Văn Loa, Cái roi tre của Nguyễn Vĩnh Tiến, Gạo tắm của Nguyễn Lãm Thắng, Tiếng chiêng của Nguyễn Thị Hường Lý. Một số tác giả tên tuổi được người làm sách không dùng bài cũ mà chọn bài mới, thí dụ: Định Hải có Đàn kiến nó đi, Võ Quảng có Câu chuyện vẽ tranh… Có nhiều bài đã được tuyển vào sách giáo khoa tiểu học từ trước năm 2020, in đi in lại qua nhiều năm học, đó là Mèo con đi học, Chuyện cổ nước mình, Thì thầm, Đồng hồ báo thức, Mẹ ốm, Cháu nghe câu chuyện của bà, Con vện, Làm anh, Ngày hôm qua đâu rồi, Cánh cam lạc mẹ, Chuyện cổ tích về loài người. Một số bài thơ khác có thể đã được tuyển vào 3 bộ sách giáo khoa mới hiện nay.
Độc giả dễ nhận ra người tuyển chọn rất chú ý đến tố chất hồn nhiên trong những tứ thơ độc đáo viết cho lứa tuổi nhỏ. Không chỉ vậy, trong 65 bài vẫn có những áng thơ giàu mĩ cảm, đầy xúc động về các vấn đề xã hội, trong đó có nỗi mất mát, đau buồn. “Có thơ rộn ràng vào nhạc và thơ tung tăng bước ra từ ca khúc. Có trong vắt, trong veo của tia nắng hạt mưa. Có vị chát đầu đời của lấm lem, cơ nhỡ” - lời Cao Xuân Sơn. Đó là các trường hợp: Triều đình của Trần Văn Loa, Làng em cơn bão đi qua của Chử Văn Long, Mai mẹ lấy chồng của Phạm Việt Thư, Lời ru của vòm lá của Trương Hữu Lợi, Cánh cam lạc mẹ của Ngân Vịnh, Mẹ ơi! của Nguyễn Ngọc Hưng…
Nhà thơ Cao Xuân Sơn tin rằng các em sẽ thích tập thơ này. Chúng tôi xin bổ sung: bạn nghề thơ và phụ huynh của các em cũng coi đây là món quà rất đẹp và rất có ích đối với mọi lứa tuổi độc giả.
Nguồn: http://baovannghe.com.vn/