Dòng sông trầm tích
Ngược dòng lịch sử, lần theo dòng chảy về đời sống ông cha trong tài liệu thư tịch cổ “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, sông Cửu An (Cửu Yên hà) là một trong tám con sông lớn được đào dưới triều Nguyễn, một triều đại luôn lấy việc đầu tư cho thủy lợi, giao thông vận tải là việc trọng yếu, được coi trọng phân bổ ngân sách tài chính thời bấy giờ.
Sử sách đã ghi lại, trong ba triều vua đầu triều Nguyễn, tức chỉ khoảng 30 năm, từ năm Gia Long thứ 13 (1814) đến năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), các Vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị đã cho đào tám con sông lớn trên lãnh thổ Việt Nam, không kể các dòng sông nhỏ cùng hệ thống kênh rạch và ngay cả Hộ Thành hà nằm phía ngoài kinh thành Huế với mục đích làm giảm thể lưu lượng nước của các sông lớn nhất là khi vào mùa mưa lũ. Sông Cửu An, khi đó có tên là Cửu Yên được đào vào năm 1835 đời Vua Minh Mạng là sự tiếp dòng của con sông cũ nằm trên địa bàn hai tỉnh Hải Dương - Hưng Yên bây giờ. Khi đó, sông Cửu Yên dài chừng 40 dặm (khoảng 17,5km) bao gồm ba con sông nhỏ chảy từ Xích Đằng (huyện Đông Yên), đến sông Vĩnh Đồng, sông Bằng Ngang (huyện Kim Động) chảy vào sông Than Khê (huyện Thiên Thi). Bắt đầu từ đoạn này (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), sông Cửu Yên được đào tiếp kéo dài sáu dặm (dài chừng 2,6km nữa chảy về phía đông hợp vào sông Quang Liệt thuộc huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên rồi đổ ra sông Văn Trường huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Dù chỉ đào chiều dài chừng 2,6km nhưng sau đào, sông Cửu Yên đã liên kết các nhánh sông nhỏ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên lại.
Sau khi công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải được hoàn thành, Cửu An kết nối với hệ thống sông nhánh của hệ thống thủy nông này, tạo nên một dòng sông lớn có lưu lượng dòng chảy mạnh, xuyên dọc các huyện Bình Giang, Thanh Miện, Ninh Giang, Tứ Kỳ trên địa bàn tỉnh Hải Dương góp phần làm giảm thế nước sông Hồng, hạn chế tình trạng ngập lụt khi vào mùa mưa lũ. Từ đó, Cửu An không chỉ mang phù sa bồi đắp cho ruộng đồng tạo nên những mùa màng bội thu mà còn trở thành mạch chảy giao thông đường thủy quan trọng trong sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế của những vùng quê nơi nó chảy qua!
Với vai trò quan trọng và vị trí địa lý chiến lược như vậy nên Cửu Yên xưa nay là Cửu An là một trong số không nhiều các con sông được khắc trên hệ thống Cửu đỉnh - chín chiếc đỉnh đồng lớn chạm khắc các hình ảnh mang tính biểu tượng cho nước Việt dưới triều Nguyễn. Trên mỗi chiếc đỉnh của Cửu đỉnh có hai con sông được nhà Nguyễn vinh danh, trong đó, Cửu Yên hà (sông Cửu An) được khắc trên Nghị đỉnh - đỉnh thứ 8 của hệ thống Cửu đỉnh hiện đang đặt tại thành Nội, kinh thành Huế cùng với sông Bạch Đằng (Bạch Đằng giang). Cửu An còn có nhiều tên gọi khác như sông Cửu Yên, sông Si, sông Ba Đông, sông Bằng Ngang, sông Sặt... Các tên gọi này phụ thuộc vào tên làng, tên xóm của cư dân nơi con sông chảy qua. Sẽ không là quá lời khi ai đó từng nói: “Mỗi con sông ra đời, tồn tại và phát triển không chỉ là một dòng chảy đơn thuần mà nó còn là lưu vực lưu trữ nhiều giá trị văn hóa trong đời sống lao động sản xuất, trong sự hình thành, phát triển bảo tồn và lưu trữ của một quần thể cư dân. Nó góp phần lưu giữ, bảo tồn và truyền tụng nét văn hóa này theo thời gian và không gian mà nó chảy qua. Sẽ không khó và không ngạc nhiên khi những nhà khảo cổ đã tìm thấy di chỉ của văn hóa Đông Sơn thông qua hiện vật ngôi mộ thuyền thuộc Văn hóa Đông Sơn có niên đại chừng 2.500 năm tại lưu vực của sông Cửu An này thuộc thôn Động Xá, xã Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên năm 2004. Bởi vậy khi nói tới Cửu An, người ta không chỉ nhắc tới một dòng chảy lớn mà còn nhớ tới một con sông mang trong lòng đầy trầm tích lịch sử.
Và dòng sông của sự phát triển
Với chiều dài và vị trí là nhánh chính trong hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải, một phân lưu của sông Hồng chảy quanh cả khu vực rộng lớn của tỉnh Hải Dương và một phần phía đông tỉnh Hưng Yên, Cửu An không đơn thuần chỉ là con sông, là dòng chảy phân bổ thủy nông mà còn tạo nên một vùng đồng bằng rộng lớn với sự điều tiết thủy triều lên xuống đã tạo nên một khu vực đồng bằng màu mỡ, trù phú, phong phú về vật nuôi, cây trồng; phong phú về những giá trị vốn riêng có trong đời sống từ gieo trồng đến thu hái, chế biến... Điều đó tạo nên nét riêng biệt, mang giá trị văn hóa độc đáo của cư dân sinh sống ven bờ Cửu An và cả sự phát triển kinh tế xã hội của những vùng đất mà nó chảy qua.
Ven bờ Cửu An hôm nay, những khu công nghiệp liên tiếp mọc lên, chủ yếu là may mặc, chế biến và nuôi trồng thủy sản. Các địa phương đã tận dụng sự thông thương đường thủy và cả lưu lượng nước rất lớn từ con sông này. Nhiều khu nuôi trồng thủy sản tập trung được quy hoạch, đầu tư với mục tiêu cụ thể nhằm chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế nhất là trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Không chỉ tập trung phát triển quy mô cây trồng ven sông Cửu An thuộc địa bàn huyện Bình Giang, Hải Dương tập trung xây dựng những khu nuôi trồng lớn thuộc địa phận huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ, Thanh Miện với cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ với điện lưới, đường giao thông; hệ thống cấp thoát nước đầu mối, đê bao kè, ao hồ phù hợp với quy trình nuôi trồng khép kín từ con giống tới thành phẩm. Chỉ tính riêng dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung huyện Ninh Giang (nằm trên cả bờ bắc và nam sông Cửu An) được HĐND tỉnh Hải Dương phê duyệt đã trị giá gần 100 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công của Trung ương hỗ trợ và nguồn nhân dân tự đóng góp với thời gian thực hiện từ 2021 đến 2025 theo kế hoạch cấp vốn hằng năm. Bên cạnh đó, còn có những khu nuôi trồng thủy sản trên địa bàn các huyện Tứ Kỳ, Thanh Miện với quy mô nhỏ phát triển đồng hành cùng các trang trại nuôi trồng do người dân canh tác. Những con rươi, con cáy, con cá, con tôm... từ giống bản địa đã thành đặc sản đến những con giống được phát triển bởi khoa học kỹ thuật đã và đang đồng hành cùng dòng chảy của Cửu An.
Vậy là từ những vùng đất bồi, lở tự nhiên theo dòng chảy của Cửu An với những vụ mùa bấp bênh dựa vào con nước của những làng xóm bám dọc bờ sông, Cửu An hiện tại đã đem tới nguồn sinh khí mới cho mảnh đất ven bờ. Từ một dòng sông nhỏ, với độ dài không lớn, qua các triều đại cùng tầm nhìn chiến lược của những nhà quản lý, Cửu An được khơi nguồn, mở rộng, kéo dài, kết nối thông thương với những dòng chảy khác để phục vụ cuộc sống dân sinh nơi nó đi qua. Những xóm làng trù phú hiền hòa ven bờ. Những nhà máy, khu chế biến mang tới hơi thở hiện đại, những khu nuôi trồng thủy sản tập trung... Đó là những gì Cửu An đã cùng với con người bao thế hệ bồi đắp.
Tuy vậy, cũng chính con người đang từ từ từng ngày hủy hoại Cửu An. Từ một dòng chảy trong xanh hiền hòa, điều tiết thủy nông, Cửu An hiện nay đang có nguy cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đó là vào mùa những khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên xả thải. Lượng nước thải công nghiệp chưa qua xử lý đổ thẳng ra dòng Cửu An, khiến nguồn nước ô nhiễm, chuyển mầu đen kịt, sủi bọt, bốc mùi nồng nặc. Những kiến nghị của người dân sống hai bên bờ đã được chuyển tới các cấp nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để, phần vì địa lý của dòng Cửu An chảy qua nhiều tỉnh, nguồn gốc ngay ô nhiễm ở đầu nguồn và người bị hại lại ở cuối nguồn, lại là cư dân của tỉnh khác. Đó chính là cái khó, cái mắc rất cần sự chung tay tháo gỡ của chính quyền các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương - địa bàn sông Cửu An chảy qua hoặc có sự liên kết với các dòng sông khác trên địa bàn đó. Nhìn cảnh những người nông dân ngồi bệt nhìn đàn cá chết trắng nổi lềnh bềnh khắp mặt đầm khu chăn nuôi thủy sản tập trung do nước lấy vào từ sông Cửu An bị ô nhiễm hay những ruộng lúa, ruộng rau màu chết cháy vì khô hạn dù dưới kia sông Cửu An vẫn chảy là một thực tế đáng buồn. Sông vẫn chảy, nước vẫn trôi nhưng đó là nước của một dòng sông chết, một dòng sông ô nhiễm không thể tưới tắm cho đời sống con người.
Cửu An hay con sông nào khác luôn dung dưỡng cuộc sống cùng hành trình phát triển của nhiều thế hệ từ sơ khai tới cư dân hiện đại hôm nay. Cho đến ngày nay, những con sông vẫn chảy, đang chảy và sẽ chảy không ngừng cho tới khi nào dòng chảy của nó hoàn thành sứ mệnh trong đời sống con người. Chỉ mong, con người đừng tự giết chết sông và tự giết chết mình với thói vô trách nhiệm.