Tên tác phẩm làm người đọc nhớ đến tích Trương Chi. Đây là một trong những câu chuyện hay nhất trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam; nguồn cảm hứng cho rất nhiều lĩnh vực ca nhạc, sân khấu, kịch và phim, đa số đều theo hướng phê phán hiện thực xã hội.
“Gió Trương Chi” là truyện ngắn kể về nhân vật nhạc sĩ ở một nhà hát thành phố cấp 2. Ông đã có một đời vợ, vợ ông hiện tại cũng là tái giá. “Tiền không có mà cha cứ bình tâm đứng kéo Violon. Tiếng đàn vóng vót làm cơn dông trong bà càng cuồn cuộn” (trang 55), như trêu ngươi bà vợ hai xinh đẹp và cô con gái.
Bằng văn phong giản dị, chân mộc, nhà văn Phan Đình Minh đã khắc họa chân dung một nghệ sĩ nghèo, không tên tuổi, tiền bạc, chức vụ; những thứ mà giờ đây người ta thường đo đạc, định danh “giá trị” con người.
Nhạc sĩ nghèo, có vẻ là con người “cổ điển”, khác xa với gã chủ thầu thường lân la tới quán cà phê nghèo, chỉ để ngắm bàn tay búp măng của vợ ông và những người xung quanh. Bù lại, ông sống thật với lao động nghệ thuật, với con người. “Cô biết những ngày đầu khi bắt tay vào dựng “Gió Trương Chi”, cha cô gặp nhiều khó khăn lắm. Từ việc tập hợp nhạc công đến bố trí nhạc cụ… Ông muốn truyền hết ý tưởng của mình tới nhạc công, để thổi bùng “Gió Trương Chi” thành tác phẩm giao hưởng đặc biệt hoành tráng” (trang 61).
Nhạc sĩ nghèo sống nặng tình với quê hương, trân trọng tình cảm với tổ tiên, với gia đình, con cái; đặc biệt trọng nhân nghĩa, trước sau. Ông lặng lẽ vào Tây Nguyên mang hài cốt người em vợ hy sinh, xương cốt còn nằm mãi ở đại ngàn… Qua nhân vật nhạc sĩ, nhà văn Phan Đình Minh đã cảnh tỉnh xã hội thờ phụng vật chất, xem nhẹ tình người.
Kết thúc truyện ngắn “Gió Trương Chi” thật ám ảnh. Buổi hòa nhạc “Gió Trương Chi” cũng là buổi biểu diễn cuối cùng của nhạc sĩ nghèo. Ông ngã gục, chết trên sân khấu biểu diễn do một khối u não lâu nay ông vẫn giấu người thân. “Buổi biểu diễn cuối cùng trong đời ông cũng là buổi diễn thành công nhất”. Và rồi “Cuối cùng, cô con gái cũng đọc được trong ánh mắt hiền từ của cha mình câu nói về miền đất không có dã tràng” (trang 72). Làm điều thiện, nhân ái, không bao giờ là công cốc dã tràng, hãy làm khi có thể. Đó cũng là thông điệp tư tưởng của “Gió Trương Chi”
***
Xã hội, ờ cái xã hội mà mình đang sống, tiêu cực từ lâu đã xâm nhập vào mọi ngóc ngách, kể cả nhà tang lễ. “Nắng là nhân viên nhà tang lễ, trực tiếp việc mổ xẻ, vệ sinh, khâm liệm xác người chết. Nhưng để được biên chế vào đấy, Nắng cũng phải chạy chọt cầu cạnh nhược người, rồi cả chuyện lươn lẹo sửa ngày sinh tháng đẻ tụt xuống cho chuẩn tuổi” (Bệnh tự miễn, trang 24). Bị kiện, nhưng Nắng vẫn giải quyết ổn thỏa, nhờ biết “lo lót”, đấm tiền vào mặt mấy gã có quyền chức, dù nhỏ bé như Trưởng phòng hành chính nhà tang lễ… Nắng đã lén lút bán cả mảnh đất hương hỏa để “chạy” cái chân trông coi nhà tang lễ “mất cả đống tiền” như lời mẹ hắn thường than vãn trước bàn thờ bố hắn.
Cái “xã hội” thu nhỏ ấy, làm biến thái tính cách Nắng. Hắn biết cách làm tiền ở nhà tang lễ. “Mới sơ sơ hành nghề tang lễ dăm năm, Nắng vỗ ngực khoe mình giầu nhất nhì cái huyện ngoại thành thuần ruộng, trồng rau xanh, quê Nắng” (trang 26).
Có thể nói, xã hội với những hỷ, nộ, ái, ố xuất hiện trong hầu hết 16 truyện ngắn như: “Bánh cuốn Tam Rì”, “Của Chùa”, “Khúc rẽ và vạt đất hoang”, “Mật đắng”, “Mùa hoa liễu quế hương”, “Cha tôi – kép Cúc”, “Nút send”, “Ơi đò”, “Phần mềm”, “Sẻ cụt ngón bay đi”, “Sông quê tráng gió”, “Những ngày gió cả”, “Bay trong tuyết trắng”, “Viên đá trên gò Giá Ngự”…
Hoàn cảnh của các truyện ngắn, kéo dài từ ngày “khoán 10” trong nông nghiệp cho đến hiện nay. Không gian của các vấn đề đặt ra trong tập truyện “Gió Trương Chi” có đủ từ nông thôn “Những ngày gió cả” đến thành phố, từ quá khứ đến thời công nghệ số “Nút send”, “Phần mềm”.
Nhà văn Phan Đình Minh xây dựng nhân vật, đan cài các tình huống, đẩy kịch tính, gỡ nút thắt… bằng tất cả sự trải nghiệm, quan sát, bản lĩnh nghề văn và trái tim nhân hậu, hướng thiện của người viết. “Tôi vô thức đưa chiếc bắp lên miệng. Từng hạt ngô ngọt lịm vỡ ra thấm thứ nước thơm mát mềm đầu lưỡi làm tôi tỉnh cả người” (Sông quê tráng gió, trang 213).
“Gió Trương Chi” có mạch tư duy kiểu mới, cách nhìn cuộc đời, nắm bắt đời sống rất riêng của Phan Đình Minh. Ông là người có nhiều sáng tạo ngôn ngữ trong truyện ngắn. Chỉ riêng điều này, hẳn làm ông mệt hơn. “Cô bé buông câu ráo hoảnh, sau khi vứt bộ quần áo xanh như không thể xanh hơn cùng cái ga trải giường xuống trước mặt tôi, rồi cùn cụt đi ra cửa, mất tăm” (Bệnh tự miễn, trang 23). Phan Đình Minh chủ yếu viết văn, nhưng thơ ông cũng nhiều chiêm nghiệm, tư duy thơ riêng. “Bệnh” nhà thơ là sáng tạo ngôn ngữ đã “phơi nhiễm” sang cả truyện ngắn là vậy. Và ông thành công, mang đến sự “lạ” cho văn phong.
Nhà văn Phan Đình Minh vốn là kỹ sư điện tử, từng là trợ giảng cho một trường trung học kỹ thuật của ngành. Năm 1980, ông sang chiến trường Campuchia làm người lính tình nguyện. Ông thuộc lớp người như cố nhà văn Nam Cao nói “Sống đã rồi hãy viết”. Ông chầm chậm, thong thả, nghiền ngẫm…; sống kỹ với đời để rồi, ông truyền hết năng lượng vào nhân vật.
Truyện ngắn Phan Đình Minh mang giọng điệu nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, nhiều trải nghiệm, nặng suy tư về tình người bằng nỗi lòng trắc ẩn, ngôn ngữ chắt lọc. Đó cũng là trách nhiệm của người cầm bút sáng tạo. “Có truyện tôi viết xong, người bã ra ông à. Cứ như vắt hết sinh lực vì nhân vật”, Phan Đình Minh chia sẻ.
Cho đến nay, Phan Đình Minh đã cho ra mắt các tập truyện ngắn: “Ra phố”, “Nơi dòng sông nghẹn”; “Biển không có dã tràng”; “Ơi đò… đi lại”; “Nút send”; “Gió Trương Chi”…
Phan Đình Minh còn sung mãn, con đường sáng tạo còn dài nên chưa thể gọi chừng ấy tác phẩm là “gia tài” văn chương. Tuy nhiên, ông đã kịp ghi tên mình vào nhiều giải thưởng như ở các cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Báo Văn Nghệ, Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm và các cuộc thi Cây bút vàng của ngành Công an phối hợp với Hội Nhà văn tổ chức. Tác phẩm của ông từng nhiều lần được tuyển chọn vào TOP truyện ngắn hay hằng năm của Báo Văn Nghệ.
“Tớ nói thật, trong “Gió Trương Chi“, cách chọn không phải là những truyện ngắn đã được giải này nọ. 16 tác phẩm trong tập cũng là cách chọn của sự chiêm nghiệm. Ông đọc mệt, thì cũng coi như chia sẻ với người viết”, nhà văn Phan Đình Minh chân thành thủ thỉ.
Nhà văn Phan Đình Minh quê gốc Cẩm Giàng, Hải Dương, hiện sống và viết tại Hà Nội. Ông có thâm niên hơn bốn mươi năm trong ngành Công an, từng là Tổng Biên tập Tạp chí Hậu cần – Kỹ thuật CAND, trước lúc nghỉ hưu.
“Ra phố” tập truyện ngắn đầu tay của ông và nó cũng vận vào cả đời viết. Anh nông dân ra phố thì bỡ ngỡ lắm. Đọc tác phẩm của ông luôn nhận ra cái sự ngơ ngác của một người quê mới lần đầu ra phố.
Cách đây vài hôm, nhà văn Phan Đình Minh chia sẻ trạng thái trên trang cá nhân: “Lại một lần giật mình choàng dậy… nhưng vội nghĩ, nhà không còn dột nữa. Hai chục năm ở căn buồng cấp bốn 8 mét vuông, như chiếc container treo ngược, mùa hè nóng như rang… Có trận mưa đêm, tôi phải khoác áo mưa, ôm chiếc chậu ngủ ngồi. Mưa đêm với tôi là một nỗi buồn dài”. Ông đã sống một thời gian không ngắn vất vưởng thời thuê trọ để lo cho lũ em và cho mình, sau khi “ra phố”.
Đến nay, cho dù “ra phố” đã quá nửa đời người, thành “công dân phố” từ lâu, nhưng những tác phẩm đã viết của ông thường sâu đằm tình người, hướng thiện, coi trọng giá trị mỹ học của văn chương.
“Người quê chỉ có tấm lòng”, ca từ này trong ca khúc “Ngẫu hứng lý qua cầu” của Trần Tiến đúng với tính cách Phan Đình Minh. Ông sống hồn hậu, điềm nhiên để cúi mình như bông lúa quê nhà và ấm áp trên mỗi trang văn.
Người ta thường nói, nghề văn chương là lao động cô đơn. “Với tôi, viết văn như kẻ cô đơn đào giếng, dẫu phải đào sâu, đào mãi cũng phải tìm cho ra mạch nước ngon”, Phan Đình Minh có cách nói rất riêng, ẩn dụ.
Nguồn: https://vanvn.vn/