Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Truyện ngắn "Sông quê tráng gió" của tác giả Phan Đình Minh
25/04/2022 12:00:00

 
 
 

 Minh họa của Nguyễn Tiến Quân

 
- Chị Thảo dạo này làm gì anh?

- Nhặt thóc sạn cho đời.

- Vẫn công việc liên quan với ngũ cốc.

- Ừ. Đại lý gạo quê. Kiêm, bắc “thõ xôi”.

Giọng anh Thay nhừa nhựa, vậy nhưng vẫn cố tỏ ra tỉnh táo.

Chiếc xích lô thỉnh thoảng bổ vập vào ổ gà, nhảy chồm lên.

Hơi thức ăn, hơi rượu, bia chua lòm lòm tuôn vào cổ vào mang tai, khiến tôi phát khiếp hồn. Dấn thêm mươi mét rồi ngoặt trái, chiếc xe dừng khựng chính diện ngôi nhà ba tầng. “Đích thị ngài là khách say quen mặt”- Tôi nghĩ. Nâng đầu anh Thay dậy, tôi rút khăn mùi soa lau vệt rớt dãi trên áo mà suốt đoạn đường ba cây số rưỡi, cứ phát lợm, ghê ghê rồi luôn có cảm giác trên vai mình đang mang một cục thịt thừa. Vừa đưa hai chân chạm đất, anh Thay bất ngờ gạt mạnh tay một cái, làm tôi suýt ngã. Nguyên do cũng bởi anh muốn giữ cái chân dung oai phong thước mực trước mặt chị nhà, trước cả mấy ông bà hàng phố lỡ nhòm ra, thấy. Anh Thay không thích tôi cứ quàm ngang bụng anh như thế này.

Mải quay ra trả tiền cho ông lão đạp xích lô, tôi nghe một tiếng:

Kịch…

Hoảng hồn quay lại, thấy anh Thay đang dúi dụi vào gốc cây xà cừ. Tôi nhoài người ôm chặt lấy vòng bụng phưỡn kềnh của anh. Mảng vỏ cây xà cừ sần sùi vỡ vụn, rơi lẹt xẹt dưới chân hai người. Tương tác lại, trán anh Thay phồng lên một ụ, như quả trứng gà ta. Tôi rùng mình. Nếu không phải đầu mà là răng!

- Mình đâu. Chúng mày đâu?

Anh Thay rống lên.

Cả đoạn phố bật thức.

Vài cánh cửa sổ cùng lúc mở.

Trên gác, dưới gác đèn điện chậm rãi sáng, duy có gian buồng ông hoạ sĩ già ở góc đường, bóng điện đang bật bỗng tắt phụt. Tất cả, như một tổ hợp, chỉ chờ tiếng gọi cửa của chủ nhân ngôi nhà ba tầng là đảo ngược mọi hiện trạng được thiết lập từ đêm.

- Đồ chết dịch. Hôm nào cũng về muộn.

Ông họa sĩ già càu nhàu.

- Muộn thế nào. Phải là sớm chứ, bây giờ mới chỉ hai giờ sáng.

Tiếng cười của ai đó trên gác bật lên, tan trong gió đêm leo pheo.

Cuộc đời bất tận và lắm sự dây dưa. Bất cứ ai cũng đều biết, không có cái dại cái khổ nào bằng cái dại cứ phải đeo đẳng tháng tháng ngày ngày với một con người vô vàn trái khoáy. Nghĩ, tôi thì chỉ thoáng qua vì là em họ xa đằng vợ của anh Thay, dây dướng một vài sự việc. Nhưng chị Thảo, con Hạnh, con Sao hay các đồng sự gần gặn với anh thì vô cùng khổ. Dầu, anh là người đàn ông duy nhất trong nhà. Nhưng lúc này, sự rường cột đã hết. Con Hạnh, con Sao đã có nghề, có lương. Mà tháng trước con Hạnh đi lấy chồng rồi. Chị Thảo thì có thúng xôi và dăm bao gạo. Mọi thứ thường nhật vẫn trải ra đều. Ở công ty, anh Thay suốt ngày đỏ mặt, không ai thấy anh làm công việc gì cụ thể. Chỉ mỗi năm, đến kỳ văn thể, anh von ven, xăng xít loạn xì ngầu như chú tễu trong trò rối nước. Trong mắt mọi người, hình ảnh anh “chơi dài, không việc” là chuyện thường. Phần, anh lớn tuổi, sắp hưu. Hai nữa, công việc ai nấy chuyên môn riêng, nhất là ở cái phòng Kiểm định Hợp quy. Kể cũng lạ. Trạng thái này diễn ra không chỉ một tuần, một tháng, một năm, mà đã gần chục năm nay. Có chăng, gay cấn là vào dịp tổng kết thi đua, bình bầu lao động tiên tiến, rồi chia tiền thưởng. Mọi người chỉ phê nhẹ: “Đồng chí Thay đôi lúc nóng nảy, nhiệm vụ vẫn hoàn thành và sống hơi cá tính”. Cá tính cái con khỉ, cá tật thì có. Cá tính có thể không dở, không xấu, còn bia rượu quá mức, nói năng bừa bãi, một ngày ra khỏi nhà là gây đủ chuyện cho thiên hạ rõ ràng là tật xấu báo hại cho vợ con và cho người nào trót mang nợ với anh.

…Anh Thay vốn dân ở tỉnh xa, đâu phải gốc Hà Nội. Trước, anh theo nghề đo đạc cắm mốc giới những con đường. Lên rừng, xuống xuôi nơi nào anh cũng qua... Bên cốc bia cỏ, anh Thay dốc bầu mà cũng để thưởng, trả công tôi về chuyện ân tình đêm trước. Cả hai đều sướng, hạnh phúc. Một đằng là giải quyết được sự nói, một đằng nhuốt thông tin, giải quyết sự nghe. “Chập nghỉ phép năm - đã lâu, không nhớ. Tao gặp thằng bạn thời tắm truồng rủ đi làm thêm ở bãi vàng Cam Vạn, nó đang là Bưởng. Sau gần tháng lấm lưng không rớ gì. Tưởng đợt phép thành kỷ niệm cười thì trời cho, tao trúng ục. To. Tựa người đi câu câu cá Mú - Mày biết không, chỉ vàng một ký cá đấy. Tao vớ được hai bao đất sạn vìa, xay, kiếm hơn lạng vàng cốm. Thế là có tiền tậu căn nhà mặt ngõ…”. Khuôn mặt anh Thay chập chờn, lớn mãi trước tròng mắt dài dại của tôi. Gió chiều thốc ngược cái mái quán nhếch nhác lợp giấy dầu. Trời tối. Côn trùng trong ao rau muống nước đen ngòm ngòm bên cạnh đồng thanh ngọ nguậy rên la như muốn hoá người, khiến ba bàn nhậu đang sồn sồn, bỗng ắng tịt. Tôi trầm ngâm nhớ. Nhờ cẩm nang. Đúng vậy. Có công việc ổn định. Một căn nhà hình thù cấp phối ra sao. Người đàn ông chủ nhân sẽ cao giá ở cái thời đang mở cửa. Anh Thay vênh vang. Những lúc trượt mồm, gân cốt, anh đã định ra tiêu chuẩn về người vợ tương lai của mình mà nghe qua, ai nấy đều lắc đầu. Anh Thay tuổi cũng rung rúc xém trung niên. Răng miệng vô vao, không hàng lối. Cái trán anh bành bạnh, gồ trồi. Ai cũng ngờ vực những tiêu chuẩn mà anh Thay đặt ra. Riêng tôi thì rất tin. Đúng sáu tháng sau, anh Thay đã chinh phục được bà chị họ của tôi, xinh xắn, lại kém anh mười tám tuổi. Công bằng, cũng là nhờ tôi mai mối nhược người thôi. Vốn, chị Thảo là nhân viên hợp đồng một tổ hợp ép lốp xe đạp thồ. Nhà quê, thân gái ít học. Ông bác họ trên Hà Nội của chị hão huyền nhân lần về làng ăn giỗ, hứa là sẽ đưa chị ra phố xin việc trong cơ quan nhà nước. Thế là chị Thảo khăn gói theo ông bác. Thổi cơm, lau nhà, giặt quần áo, hầu hạ năm nhân mạng ông bác gần hết năm mà công việc làm vẫn hoàn không. Chị Thảo héo hắt. Cuối cùng chị đành cất bước đưa chân làm công tại một tổ hợp ép lốp cao su tái sinh với đồng lương ít ỏi lại độc hại kinh người. Chị Thảo không muốn quay về nhà vì sĩ diện bởi hồi đầu mới lên thành phố, về quê, chị lỡ mượn mấy bộ quần áo mốt của cái Quy, con gái ông bác, diện. Chị còn bịa với láng giềng là đang làm việc bàn giấy, có lúc còn tiếp cả Tây.

***

Con Hạnh ngã nhoài xuống đi văng. Nửa bên mặt nó nặng chịch, tê cứng. Nước mắt nước mũi túa ra. Chưa kịp định thần, con Hạnh nhận ngay luồng thông tin rin rít, nhỏ, nhưng tần số rất cao:

- Nhớ cú tát này, ghi sâu vào cái đầu đất của mày. Dù có bằng nọ bằng kia nhưng thiếu thứ bằng lòng thì không bao giờ mở mặt đâu con ạ.

Tôi chứng kiến toàn bộ sự việc nhân một ngày tới nhà anh Thay chuyển yến gạo bố chị Thảo ở quê gửi cho. Nguyên nhân sâu xa cú bạt tai trời giáng đứa con gái cưng cũng là tại tay đối tác đối tiếc gì ở xí nghiệp cái Hạnh đang làm việc. Thì nó loanh quanh chân văn phòng, nước nôi kiêm chuyện đánh máy vi tính cho ông giám đốc vốn là chiến hữu bên bàn nhậu từ thủa nảo của anh Thay không biết. Tay đối tác vật vờ - con Hạnh còn nghi là lừa đảo vì cặp mắt của gã cứ gian gian, ti tiện làm sao ấy. Trong lúc ông giám đốc Than bận hí hoáy trước gương tập thắt cà-là-vạt. Ngoài phòng khách, tay đối tác cười nói hềnh hệch. Hết khen bộ sa lông da đẹp lại khen con Hạnh có cái mũi giống hệt mũi người xứ Monaco. Rồi bàn tay gã vuốt loáng cái eo của con Hạnh. Tiện, đang cầm chiếc bô đựng bã trà, con Hạnh choang luôn... Ông giám đốc lạnh lùng phạt con Hạnh một tháng lương rồi đưa ngay nó xuống phân xưởng gia công quai túi xách, bất chấp bề dày quan hệ với anh Thay ra sao. Nghĩ mà buốt ruột. Thà cuộc sống của tôi sau này có thế nào, chứ ngữ công ăn việc làm mà con anh con tôi kiểu đó thì thề dù phải cho con mình bán rau muống hồ ở chợ đêm. Kiếu nhanh.

Buổi trưa, mọi người trong ban đi công tác hết.

Mình tôi xuống bếp ăn tập thể. Ăn tự chọn. Mặn, nhạt, món xào, món hấp... tựa cơm bình dân cao cấp. Gọi suất, tôi uể oải nhai.

- Ừ. Lão Thay có mỗi cái bằng sơ cấp về men, thế mà lương sánh ngang người cất bằng cao đẳng.

Tôi ngoái nhìn. Giọng quen quen phát ra từ bàn ăn phía góc tường.

Lại một giọng nói khác:

- Đồn rằng, lần xét lương nào lão cũng có thành tích đặc biệt, mới tài. Ông trưởng phòng, hoặc ông phó giám đốc Biền cứ luân phiên bảo lãnh lão với những lý do khó mà bác, để rồi đa số hiển nhiên biểu quyết tăng lương cho lão ấy. Cứ hiểu, mỗi lần, cảm giác mọi người trong hội đồng lương sẽ cùng thoải mái công nhận cái sự đúng vị trí hồ Núi Cốc lại ở tỉnh Thái Bình, hay tự nhiên tung hô tờ báo nọ kể rất thật về việc bà con nông dân vùng chiêm trũng Hưng Yên đang hăng hái xây đập thuỷ điện.

Tiếng lanh canh chạm cốc.

Tiếng xì xụp, chan, húp, và.

Người trong công ty đến năm sáu trăm. Nhân sự đa sự bên bàn kia tôi chỉ hao hao. Còn câu chuyện trong bữa, đích thị là họ đang ám chỉ anh Thay nhà tôi rồi.

Thường ngày, ông phó giám đốc Biền cực kỳ khó gần. Cũng bởi chức vụ và công việc, ông phải tạo khoảng cách. Ông Biền đặt ra vài nguyên tắc mà ai muốn gần hay lợi dụng tiếng nói, uy tín đều bị vô hiệu hoá. Cuộc sống kinh tế bề ngoài của ông Biền, tạm coi nghèo so với cương vị phó giám đốc. Tiếng, ngày xưa thường gọi là Bôn sệt. Nhân lần đi công tác dưới cơ sở cùng với anh Thay đúng đận tháng Sáu ta, trời nắng to ghê gớm.

Anh Thay nháy tay lái xe:

- Khi nào tớ bảo nghỉ, dừng, là dừng, còn, cứ đi.

11 giờ, 11giờ 30, 12 giờ, rồi. 1giờ chiều.

Anh Thay vẫn chưa cho ông Biền nghỉ ăn trưa. Trời nắng như trải lửa. Chiếc xe Lada đời cũ không máy điều hoà không khí, hầm hập như cái lò. Mồ hôi, mồ kê ông Biền túa ra. Phiến bụng kềnh càng lớn thêm dù cơn đói cồn cào ngấu nghiến nhai cái da dày tóp lóp của ông. Ông Biền thì thụp thở. Cúc áo nới đến chiếc thứ ba rồi. Mồ hôi túa từ mặt xuống cổ, xuống ngực, chạm rốn, bò lan sang dẻ sườn cụt, nhớp nhớp. Xe chạy đến một gốc cây to tướng, anh Thay bảo lái xe: “Họ lại”. Ông Biền chưa kịp bước xuống hớp tí gió giữa đồng, thì anh Thay đã vọt ra sau. Mở cốp. Khệ nệ bê quả dưa hấu tướng, nặng đến mươi cân. Dưới bóng mát tán cây lim trắng, quả dưa hấu được ngả ra, đỏ au, mát lịm... từ hôm đó, không ai là không ganh tị về ánh mắt trọng thị, dịu dàng của ông Biền mỗi khi nhắc đến anh Thay. Và đương nhiên, danh sách nghỉ chế độ trong công ty năm tới, không có tên anh Thay nhà tôi. Nghe đồn, anh Thay còn có kiến thức y thuật. Không nhiều, nhưng đủ bô lô ba la, cãi ngang với vài người dính dáng đến ngành y. Không biết anh phán từ sách hay theo gia phả ông nội anh hành nghề thầy lang, để lại. Đến lúc bệnh quáng gà quý tử nhà ông Biền thuyên giảm khi chữa đông chữa tây, không khỏi, thì tôi mới thực sự tin lời đồn. Phương thuốc chữa quáng gà với vị thuốc chủ đạo có tên Dạ minh sa, diễn giải ra là thứ mắt của loài muỗi chưng cất từ hàng đống phân dơi lấy trong các hang sâu trên núi cao. Cái cách gom mắt muỗi kỳ công và độc chiêu kiểu này tôi đồ rằng chỉ có sách Tầu mới đúc rút ra. Đó là ngày xưa thôi, chứ bây giờ thứ này bán ê hề ở các hiệu thuốc đông y phố Thuốc Bắc bây giờ. Dạ minh sa lấy về, sao vàng, hạ thổ rồi cộng với vài thứ rễ cây mà anh Thay giấu không phổ biến. Ngày ba cữ, thứ hỗn hợp tựa như vừng đen mang ra làm thức chấm của gan lợn luộc chín tới, ăn trong vòng bốn tháng, bệnh quáng gà sẽ khỏi. Anh Thay cậy cục gửi tận bên Tầu cơ số Dạ minh sa rồi làm thành thuốc đem biếu ông Biền. Thế đấy, khi công dụng của món quái dược kiểm nghiệm qua thực tế thì ông Biền đã thực sự coi anh Thay nhà tôi là ân nhân ruột.

Chuyện “bằng lòng” của anh Thay trước đây cũng đã đưa căn nhà anh, xưa, nằm ở lô hai thành nhà mặt ngõ rộng. Chọn, gian phòng khách hai mươi mét vuông vốn của chủ khác. Một sĩ quan quân đội nghỉ hưu. Gian nhà là liên hoàn nhà công vụ cấp bốn. Sau, được hoá giá. Bất ngờ cái ngõ mở rộng thông với khu điều dưỡng mé kia. Gian nhà tự dưng thành mặt ngõ. Từ trước, chủ cũ kề sát vách với ông Bá. Ngày nhận sổ hưu, ông Bá định về dưới Thái Bình với vợ nhưng lại mắc thằng con đang học Ác-cóc-đê-ông trường Cao đẳng nhạc họa. Hai triệu lương hưu hằng tháng ông tằn tiện, để đôi tay đôi tai cậu con duy nhất tinh luyện thành nghề. Hiềm, thằng bé ở nội trú, nhiều khi ông phải một mình. Tuổi già sầm sập đến, mệt mỏi, đau mình mẩy chẳng nhờ cậy được ai. Hoạ hoằn anh Thay ghé sang. Có chén rượu ngâm hay ấm trà ngon, thấy bóng anh Thay là ông gọi.

- Tôi định bán gian nhà, rồi về quê chú ạ.

- Thế à. Mà sau,… thằng Oánh?

- Nó sắp đi Hung-ga-ri học tiếp- Sau khi hớp cạn chén trà, ông Bá thũng thẵng - Tôi cứ về, cũng chẳng biết sao. Sáu năm, dài lắm.

- Vậy à.

Anh Thay vừa rót thêm trà vào chén cho ông Bá, vừa ậm ờ.

- Cô Thanh trả mười lăm cây vàng nhưng tôi không muốn để. Việc nhượng đất nhượng cát như giao của, phải chọn mặt, chứ không mắc lỗi với thần linh. Chú lấy được gian nhà này thì tốt quá.

“Thì ra con mụ vú vẹo đánh hơi, nhòm rồi. Anh thường dùng nhời mấy tay chéo cánh bia hơi ám chỉ cái chị công tác tại quỹ tiết kiệm số 73, nhà đầu ngõ. Mà mình có tiền đâu. Kể, đập thông phòng thì còn gì bằng”.

Ánh mắt anh Thay đầy ắp tiếc nuối.

Ông Bá nắm bàn tay anh, giọng chân tình

- Nếu anh chị lấy, mười bốn cây rưỡi tôi cũng để.

- Con làm gì có tiền, ông.

Anh Thay ngạc nhiên: “Không hiểu sao mình buột miệng xưng con với ông cụ”.

Khi anh Thay ra về, ông Bá vẫn đai đi đai lại:

- Cố gắng, cố gắng lên chú.

Anh Thay gật gật đầu, rồi bỗng dưng nghệt mặt. “Không hiểu ông Bá bảo mình cố gắng là cố gắng gì”.

Rồi sự việc diễn ra đến vèo. Anh Thay dồn dịch được tám cây vàng và ngã giá dứt khoát với ông Bá nhượng căn nhà cho vợ chồng anh với giá mười hai cây bẩy. Trước mắt, anh Thay lo trả tám cây, chín tháng sau sẽ về tận Thái Bình trả nốt bốn cây bẩy vàng ba con số chín rồi xin giấy tờ nhà luôn. Khi bức tường ngăn cách hai nhà phá thông thuông, anh Thay vẫn bàng hoàng chưa hiểu tường tận lý do sao ông già kinh qua bao nhiêu chiến trường, súng đạn, bom bi, sốt rét kiềng hết lại nhân nhượng vợ chồng anh trong vấn đề kinh tế như vậy. Chắc ông Bá sợ sự cô đơn ập đến khi đứa con trai sẽ đi sang phương trời Tây hay ông vừa nghe tin vợ ở quê đang ốm nằm một chỗ nên ông già quyết tâm bán. Đêm trước, khi ông Bá giao nhà về dưới Thái Bình, ông thức trắng. Ông cứ thu lu trên chiếc giường rộng mét tư. Bóng ông đổ nghiêng lên bức tường cạnh tủ ly nhìn cong queo như cây thế. Bên ngoài căn nhà, phố phường cứ nhộn nhạo, rú lên tựa cảnh tắc đường. Ông Bá không biết, hôm nay World cup khởi tranh.

***

- Mẹ ơi. Sao con chẳng bao giờ thấy bố uống nước nhỉ?

Chị Thảo túm góc bao gạo, san vào cái rá, vừa nhúm tay nhặt hòn sạn bằng hạt đỗ xanh, vừa thủng thẳng.

- Thì bố mày uống bia ở cơ quan nhiều quá. Về nhà đâu cần uống nước nữa.

- Ở cơ quan làm gì nhiều bia mà bố uống đến thay cả nước.

Con Hạnh, lẫn con bé Sao - ở nhà gọi nó là Su hào, và chị Thảo đột nhiên tròn mắt. Rồi cả ba mẹ con cùng phì cười phát hiện kỳ khôi về người đàn ông rường cột.

Sáng, từ bốn rưỡi mùa hè, năm giờ vào mùa đông. Tối đêm hì hục gạo nước, tận mười hai giờ khuya mới đi ngủ. Thực sự quỹ thời gian của chị Thảo sít sao. Với người khác việc ốm đau một ngày chỉ là sự phiền ngại, nhưng với chị Thảo việc ốm đau sẽ là... không đừng. Nói đến lương, anh Thay đưa về đồng nào chị Thảo biết đồng nấy. Khó khăn, đôn đáo với chị xem ra là chuyện đương nhiên. Mỗi lần thấy ánh mắt xầm xì của tôi lúc đến nhà chơi, chị lại nói:

- Lấy chồng, nhà chồng có phúc thì hưởng còn có họa thì gắng mà lo, mà chịu chứ đâu được phép kêu ca.

Lúc này, tôi chợt nhớ đoạn văn trong một cuốn sách nào đó: Ta nhìn thấy những khuôn mặt thuần hậu của Martha vợ Tổng thống Oa-sinh-tơn và Mary Todd vợ Tổng thống Linh-côn và còn nhiều lắm những khuôn mặt hiền thục - những bà vợ của các chính khách lỗi lạc, bác học tài năng, văn sĩ chân chính. Tất cả, là những con người hy sinh trong im lặng, tận hiến không chỉ cho sự nghiệp lẫy lừng của chồng mà còn là tự hiến cho nhân loại ánh sáng tinh hoa nhất. Những bà vợ mang thiên chức âm thầm vĩ đại đến mức nhiều thiên tài phải thốt lên: Mọi người chỉ tưới vinh quang lên tài năng của chúng ta, mà lãng quên công lao những người vợ - công lao dâng hiến và hun đúc những thiên tài. Những người vợ của các thiên tài thì vậy, còn nhiều, phải nói là vô vàn người vợ thế gian này ở vào hoàn cảnh tương tự như chị Thảo, vợ anh Thay. Xét khía cạnh nào đó về cái gọi là thiên chức có lẽ họ còn xuất sắc hơn rất nhiều Martha hay bà Mary Todd kia tận lực cống hiến cho chồng. Ấy thế mà anh Thay luôn nói với mọi người ở cơ quan: Không hiểu ta nhất trên đời là vợ. Cái mạnh, yếu của ta vợ là người vô... tư lự.

***

Đã mấy năm rồi anh Thay chưa về quê nội. Trước, chị Thảo, rồi hai đứa nhỏ mỗi lần thấy anh Thay chuẩn bị xe cộ là tỏ ý xin về cùng. Thế mà lần nào anh cũng gạt phéng. Nguyên do là anh có mâu thuẫn với chú Cường, anh em con chú con bác. Vậy nên anh Thay sợ vợ con cùng về, sẽ lắm phiền nhiễu. Lúc anh Thay mua thêm gian nhà trên Hà Nội, chú Cường phải bán con trâu và cái ao để anh khỏi nhượng mảnh vườn mà ông Khoả chủ lò gạch muốn tậu. Chú Cường quyết giữ đất hương hỏa họ Tô. Rồi lúc anh Thay xây nhà, tiền công, tiền gạch dăm năm nay anh chưa trả đồng nào. Chú Cường đã vậy, còn bà con xóm làng chú kéo một đoàn lên làm ba tháng trời. Anh Thay lờ tịt, ậm ờ lấy lý do nhà nứt, lún không chịu thanh toán. Bao lần chú Cường nhắn về giải quyết. Anh chỉ mang được cái xác. Lần nào giáp mặt, hai anh em cũng căn vặn, rồi xô xát. Việc, nhiều lúc căng tựa dây đàn. Vậy đấy. Sang năm anh Thay nghỉ hưu. Tuổi già ai chẳng nghĩ đến quê quán. Dù, giờ anh Thay còn có nhà cửa đâu để về. Thế mà nhiều lúc vui miệng, anh Thay vẫn doạ mẹ con chị Thảo là nghỉ hưu, anh sẽ về quê sinh sống, mặc kệ mấy mẹ con - Bôn ba biệt tích mãi rồi, bon chen, chành chụa vất vả mãi rồi.

… Hôm nay bến đò Gừng vắng vẻ.

Chiếc thuyền con chở khách tong teo nằm sát rệ bờ.

Nắng hung, gió hây oi ả.

Cứ tầm vắng khách này ông Hệ lại giao thuyền cho thằng cu Tiến đạp đò. Ông về ăn cơm, nghỉ chốc trưa. Anh Thay đến được một lúc trên bờ. Anh nhóng mắt nhìn mãi thằng bé đen nhẻm. Ái ngại. Ngần ngừ lâu lắm rồi anh cũng quyết định qua, về bên làng Pháo. Bàn chân anh Thay lục tục bước thấp bước cao xuống cái bến đò quê gập ghềnh.

Thằng cu Tiến ngồi co ro sát mạn thuyền thả chân đập tênh tênh. Từng vệt nước kéo màng dưới bàn chân đen đúa to quá khổ. Bất chợt nó nghiêng mình nhìn lên dốc đê. Nó thấy ông khách ăn mặc sang trọng, quần tây, áo com lê, xe máy mới. Thằng bé nhỏm đứng trên đầu thuyền, nín thở. Nó cứ trân trân nhòm mãi anh Thay. Mắt nó tựa hòn bi ve. Nhìn mãi rồi thằng Tiến cũng nhớ đến nhiệm vụ của mình. Nó chộp vội cán chèo, ghìm thuyền khi anh Thay bước sát mạn. Thằng Tiến còn nhẩy cả xuống nước, giơ đôi cánh tay dài nguềnh giữ chắc thuyền cho anh Thay xếp xe. Đôi vai gầy khẳng của thằng bé rung lên khi ông khách lấy đà dùn chiếc xe máy trượt trên chiếc cầu đò.

Anh Thay lặng phắc trên dóng thuyền đưa ánh mắt như chiếc lá khô nhìn khắp mặt sông quê mênh mông. Anh nhận ra dòng sông cất giữ bao kỷ niệm ấu thơ giờ không gấp khúc và cuộn nước như xưa nữa. Thằng cu Tiến phóng con sào một cái, cong người đẩy thuyền rời bờ. Chiếc thuyền chở anh Thay trúc trắc dướn theo nhịp chân ì ạch của thằng bé mười ba tuổi.

Bầu trời lặng và oi ả.

Nhìn kỹ, phía đằng Tây chợt đùn lên cái mống mây to như nấm rạ.

Cái mống lớn nhanh khác thường.

Con thuyền cứ chậm rãi rẽ nước tiến ra giữa dòng.

Bỗng, gió ào ào nổi.

Từng quầng bụi lớn từ mặt đê quăng rào rào xuống nước. Xen giữa những đám bụi là hai cột lốc liếm ầm ầm khủng khiếp. Hai cột lốc di chuyển với tốc độ kinh người lúc quén bờ sông bên này lúc lại quén sang bờ sông bên kia rồi bất ngờ quờ một cái giữa sông chụp lấy con đò. Dòng sông chùng quai võng thoắt dựng ngược. Chiếc thuyền bất tuân theo sự điều khiển của thằng cu Tiến mà cứ xoay tròn, xoay tròn. Chiếc xe máy của anh Thay xô bên phải, lại xô sang bên trái rồi đổ vật vào bập bùng sóng nước. Con thuyền như chiếc mủng mất thăng bằng nghiêm trọng, lật èo một cái. Thằng Tiến ngộp giữa lòng sông bão gió. Khi thằng Tiến nhoi lên mặt nước thì không còn thấy con thuyền và ông khách đâu cả. Nó nhoáng nhoàng bơi vội vào bờ mặc kệ ông khách bị mắc chân vào khe thuyền chìm nghỉm. Mấy chục người làng Pháo xúm xít chuyển đống phân lân mà chiếc ô tô tải vừa đổ ra trên bờ đê chứng kiến từ đầu đến cuối chuyện cơn lốc nhuốt con đò. Tiếng kêu la ầm ĩ. Ai nấy cuống cuồng lao xuống rệ sông cứu người. Mấy người đàn ông lực điền để cả quần áo nhảy ào ngụp lặn mong vớt kịp ông khách lạ. Khoảng dập bã trầu, cuối cùng họ cũng gỡ được ông khách ra khỏi lòng thuyền. Anh Thay lên đến bờ thì đã thẳng đờ, không động đậy. Mọi người tiếp tục hò nhau vác anh đi bệnh viện. Bốn ngày sau, anh Thay mới tỉnh lại. Khi lục soát trong người anh có gói tiền lớn, những hai mươi triệu đồng. Hai mươi triệu toàn giấy bạc trăm ngàn bọc ni lông cẩn thận. Cấp cứu thập tử nhất sinh thế, rồi tiền thuốc, tiền lưu viện, tốn kém bao nhiêu mà không hiểu sao chú Cường và bà con trong họ Tô chẳng suy chuyển một đồng nào trong gói tiền của anh Thay.

***

Buổi trưa ở cơ quan, khi đang nằm nghỉ mươi năm phút trên cái ghế dài. Bác thường trực nhắn tôi ra có khách. Từ xa, tôi nhìn thấy chị Thảo, mũ nón không đội, vẻ mặt đầy lo lắng.

- Cậu à. Anh Thay về quê hơn chục hôm rồi, vẫn chưa lên. Tôi nóng ruột quá.

Mời chị Thảo vào phòng khách cơ quan. Rót cho chị cốc nước lọc, rồi tôi khẽ khàng:

- Chắc không có chuyện gì đâu. Lâu ngày mới về quê. Anh Thay muốn ở chơi thoải mái đấy mà.

- Hay cậu về với chị. Tiện thể thăm chú Cường luôn.

- Tết vừa rồi chị có về quê anh Thay không?

- Không. Dễ đã đến dăm năm... Năm kia xây mộ, năm ngoái sang cát cho ông Thực. Cưới xin bao nhiêu đám. Anh Thay cứ gạt phắt. Con chú Cường ốm nặng, chị trốn về bệnh viện huyện thăm, khi lên, anh Thay cứ hầm hè, rồi còn mắng... chuyện bên nội, anh ấy như người dưng.

Ánh mắt chị Thảo vời vợi.

Sáng hôm sau tôi xin phép cơ quan nghỉ một ngày, cùng chị Thảo lên đường về quê anh Thay xem sự thể thế nào. Vừa đến bờ đê bên này làng Pháo hai chị em nhìn thấy một người đàn ông bị điên đang ngồi hướng mặt ra sông Gắng. Lưng ông ta gò xuống, hai bàn tay cứ giơ lên, vuốt vuốt mặt liên tục. Thỉnh thoảng người đàn ông lại rống một cơn, nghe thảm. Trông đằng sau, hình dạng người đàn ông giống hệt anh Thay nhà tôi. Hai chị em hoảng hốt rảo bước đến gần thì may quá, không phải. Người đàn ông nọ chắc cùng chạc với anh Thay.

Những rẻo ngô bánh tẻ chỗ bãi bồi trước mặt tôi mướt mát trong nắng nghệ vàng. Chị Thảo dấn bước đưa cho tôi chiếc bắp ngô còn nóng hổi chị vừa mua của bà lão bán ngô luộc ở điếm canh đê lối rẽ từ đường cái. Tôi vô thức đưa chiếc bắp lên miệng. Từng hạt ngô ngọt lịm vỡ ra thấm thứ nước thơm mát mềm đầu lưỡi làm tôi tỉnh cả người. 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Bỗng tiếc dáng ngồi chợt nhiên nghiêng (22/04/2022)
Thơ 1, 2, 3(21/04/2022)
Truyện ngắn "Cánh tay dài" của tác giả Vũ Tuyết Mây(20/04/2022)
Truyện ngắn "Thanh minh" của tác giả Bùi Thu Hằng(20/04/2022)
Bút ký "Người về từ Trường Sa!" của tác giả Trần Quỳnh Nga(19/04/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na