Thơ
Cú pháp tạo dựng cổ tích trong thơ Nguyễn Quang Thiều
11/01/2022 03:29:28

(Về bài tựa Châu thổ, thơ tuyển lần thứ nhất của Nguyễn Quang Thiều)

 Trong một dịp bình luận về tập thơ Cây ánh sáng – một trong các tập thơ có những bài được chọn đưa vào tập tuyển lần đầu này – tôi đã đề nghị một cách đọc thơ Nguyễn Quang Thiều bằng trí tưởng tượng hơn là bằng một quá trình đọc hiểu diễn nghĩa theo cung cách ngữ văn bình giảng. Điều này đã khiến một vài nhà thơ thâm niên phẫn nộ, nhưng thực ra đó chỉ là một cách nhấn mạnh: bởi lẽ, nếu không có trí tưởng tượng thì văn chương làm được gì cho ta và ta biết làm gì với nó. Tuy vậy cũng đã có nhiều khác biệt diễn ra trong trường tưởng tượng chung khi ta chuyển vào sống trong một thời hiện đại mới sau những năm hậu chiến, khi mà thơ ca nói chung ngày càng suy giảm ảnh hưởng so với văn xuôi, báo chí và phương tiện nghe nhìn.

Và tôi cũng tiếp tục đề nghị cách đọc đó đối với tập thơ này mà tôi thấy, đúng như kết cấu của tập thơ, nó vạch lại một chặng trên con đường tác giả Nguyễn Quang Thiều trải nghiệm cái có thể gọi là những dự án thơ ca của anh, nối tiếp nhau và đã từng được bộc lộ hiển ngôn ở tập thơ Nhịp điệu châu thổ mới (Hội Văn học nghệ thuật Hà Tây xuất bản, 1997), những dự án cho thấy sự nhất quán về nền tảng hướng đến dựng nên một vương quốc thơ đặc thù như một “châu thổ mới” – khái niệm về mặt lịch sử phổ biến khiến người ta liên tưởng tới một nền văn minh, một kiểu phóng chiếu tâm thức làng cổ thành cảnh tượng thế giới bởi cách thức nó vừa dung nhập một số yếu tố ngoại lai vào biểu hiện của tín ngưỡng cổ xem vạn vật đều có linh hồn vừa độc tôn hình ảnh một quê hương cụ thể và các truyền thống quê hương, với giọng điệu của một tính hướng ngã mạnh nổi bật.

Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan ở Hà Nội

Điều khiến ngay cả một vài cây bút bình luận với đầy thiện cảm vẫn phải nói rằng thơ Nguyễn Quang Thiều “khó hiểu” nằm hiển hiện trên mặt chữ trong phép dựng câu, dựng hình và đặt tên của các bài thơ. Tuy nhiên, ở tập tuyển này, tác giả lần đầu trực tiếp gợi ý bằng một bài tùy bút thay lời tựa mà cái tên bài hoàn toàn có thể xem như đầu đề một bài thơ nào đó của anh – Trong căn phòng của một người bại liệt.

Bài tựa này kể hồi ức về việc “bà nội tôi ốm nằm liệt giường suốt bốn năm cho tới khi qua đời”, và nhìn thấy trong chuỗi sự kiện buồn thảm kéo dài đó một quá trình “tự ý thức về mình” của “một người đàn bà nông dân không biết chữ”, quá trình bắt đầu bằng việc bà soi gương để kiểm tra hình ảnh “cái mình” rồi tiếp đến dùng lời nói để khẳng định “cái mình” tồn tại; kể về quá trình đó như một chiêm nghiệm phản chiếu – “bà tôi” chiêm nghiệm bằng các hành vi ứng xử với cảnh trạng mất dần cảm giác thực thể về sự tồn tại của “cái mình”, và “tôi” thấy các ứng xử đó, “tôi” giải thích các hành vi đó là cảnh tượng của chiêm nghiệm, do đó mà “tôi” đi vào một cảnh giới của sự bừng nở tâm linh trong chính “tôi” và sự bừng nở này vượt ra ngoài thời gian thực, vượt ra ngoài hồi ức, là phi thời tính: có thể thấy ở đây một ý tứ rõ ràng khi tác giả thuật rằng “bà tôi” nằm liệt trên giường và liên miên kể chuyện suốt bốn năm,“ không chỉ kể về bà tôi mà còn kể về những câu chuyện ám ảnh và trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến đời sống tinh thần của người.” để “dựng lên một cách sống động nhất lịch sử của mình”, và đó, “Hiện thực này, theo tôi, nó giống như hiện thực của một bài thơ.”

Trình thuật nói trên là phần thứ nhất trong bài tựa và vạch ra một mô hình căn bản của các bài thơ Nguyễn Quang Thiều, mô hình kết hợp ba thành tố chính: chuỗi sự kiện quan sát được – chuỗi diễn giải chiêm nghiệm – chuyển hóa các đối tượng quan sát sang/vào một hiện thực tâm linh.

Nhìn lại chuỗi sự kiện trong phần thứ nhất của bài tựa này, có thể thấy một trình thức tạo nghĩa thông qua việc cấp cho các đối tượng mô tả những lời diễn giải/ định nghĩa, tức là biến các đối tượng đó từ dạng thức sự kiện sang thành dạng thức khái niệm:

Chuỗi sự kiện gồm: bà ốm, nằm liệt giường, mất đi “rất nhiều các hoạt động sống trước đó”, soi gương, rồi “bắt đầu nói lan man đủ thứ chuyện từ sáng tới khi đi ngủ.”

Tương ứng là chuỗi diễn giải: “Tôi thấy bà tôi thích thú và kinh hãi… Bà tôi không mảy may công nhận mình trong cái bản sao ở không gian phẳng của mặt gương.”, “Bà tôi đã cố định nghĩa mình bằng dụng cụ – chiếc gương.”, “Bà tôi đã thất bại trong việc tìm kiếm hình ảnh của mình trong chiếc gương.”, “bà tôi phải dùng giọng nói đã trở thành tấm gương để bà tôi soi ký ức và ý thức sống của bà.”, “Bà tôi nhận thấy sự hiển thị của mình trong giọng nói. … đồng nghĩa với chân dung của bà tôi. Sự tồn tại ấy – chân dung ấy đã hiện lên bằng tiếng nói”.

Ở đây có những danh ngữ, những cụm từ, hay là cách nói – những biểu hiện của logic nội tại – đã trở nên quen thuộc khi nhắc đến thơ Nguyễn Quang Thiều: những công nhận mình, định nghĩa mình, thất bại trong việc tìm kiếm, hình ảnh của mình, dùng giọng nói, nhận thấy, sự hiển thị của (mình), là các diễn đạt rất tương hợp của cái phong cách thể hiện trong những cái tên Sự mất ngủ của lửa, Chuyển dịch màu đen hay Nhân chứng của một cái chết, v.v…

Dạng thức khái niệm về sự vật sự kiện hay trạng thái như vậy xuất hiện thường xuyên như một thứ mẫu tổng quát trong phép tu từ của thơ Nguyễn Quang Thiều.

Trong chuỗi diễn giải nói đến trên đây, dạng thức khái niệm đó tạo nghĩa cho các sự kiện mô tả trước đó, hay có thể nói là định nghĩa các sự kiện đó – điều mà tác giả đưa ra ngay từ đầu: “Trong những năm tháng nằm bất động, bà tôi … bắt đầu tự ý thức về mình”. Theo cách diễn giải của trình thuật này, ta có thể đánh dấu bằng (=) giữa những sự kiện soi gương, kể liên miên, với “tự ý thức về mình”; cũng như vậy giữa sự kiện kể liên miên với “dựng lên một cách sống động nhất lịch sử của mình”; và theo trình tự logic, “tự ý thức về mình” = “dựng lên một cách sống động nhất lịch sử của mình”.

Như vậy, sự phát triển một kết hợp các lập luận diễn giải với các hình ảnh mô tả có thể thấy trong trình thuật nêu trên tuân theo một cú pháp xắp xếp và chuyển các sự kiện thành dạng thức khái niệm mà đích đến là chuyển hóa chúng sang “hiện thực của một bài thơ”, mà trong câu chuyện của bài tựa này cũng là chuyển chúng thành hư cấu – một hiện thực của tưởng tượng – khi tác giả kể rằng nhiều lần sau khi bà anh mất, anh vẫn trở lại căn buồng đó để cảm nhận sự hiện hữu của bà, “Hiện hữu này không phải là hiện thực của thể xác mà là hiện thực tinh thần của bà tôi.”; hiện thực đó “luôn chuyển động và sinh nở, và biến ảo.”

Lưu ý đến thực trạng là trong hầu hết những bài thơ của Nguyễn Quang Thiều điểm phát xuất đều từ các mô tả sự kiện sự vật tình trạng hay nhân vật và điểm đến bao giờ cũng là một hiện-thực-của-tinh-thần, có thể nhận xét lớp mô tả đó mang một vai trò chức năng như là đối tượng của quá trình chuyển hóa bằng thơ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và Tuyển thơ Châu thổ

Thơ của tác giả này hầu như không bao giờ có cấu trúc ngâm vịnh thù tạc hay cảm thán; anh không mượn hình ảnh sự vật sự kiện để “nói lên” lòng mình hay gửi gắm điều này nọ kia hay biến chúng thành các hình ảnh ngụ ý, cũng không giãi bày các hồi tưởng với tình cảm, mà hầu hết là đưa chúng vào các trình tự của chiêm nghiệm diễn giải mà ở đây anh gọi là sự “tự ý thức” . Như vậy, con đường của thơ này khác với kiểu thơ “dĩ ngôn chí”, cũng không theo các cấu trúc “tỉ” hay “hứng” hay “phú” mà thơ ca xưa truyền lại cho thời nay ứng dụng một cách tự do. Tuy nhiên cú pháp truyền thống biểu hiện chặt chẽ trong thơ niêm luật cũ không hoàn toàn mất đi hay mất tác dụng. Cú pháp Đề – Thực – Luận – Kết đã hình thức hóa sự cấu tạo của biểu hiện thơ ca một cách hết sức khái quát. Và có thể thấy cái trình thức cấu tạo đó trong thơ Nguyễn Quang Thiều; cũng như trong bài tựa đang nói đến ở đây.

Phần thứ hai của bài tựa này chủ yếu là sự phát triển cái hiện-thực-tinh-thần, hay cái hiện thực tưởng tượng, “hiện thực của một bài thơ” – là kết quả chuyển hóa của các đối tượng mô tả ban đầu, thông qua trung giới của những dạng thức khái niệm biểu đạt sự chiêm nghiệm diễn giải – nói cụ thể là các mô tả về những gì tác giả trải nghiệm trong không gian căn buồng cũ sau khi người bà của anh đã khuất.

Đây là những mô tả ở cấp độ thứ hai; nếu coi những mô tả ban đầu về hồi ức những cảnh ốm đau, những phản ứng như soi gương, nói và kể liên miên, là cấp độ thứ nhất, trực tiếp của việc mô tả đối với thực tại, thì những mô tả ở cấp độ thứ hai này là trí tưởng tượng mô tả chính nó thông qua các hình ảnh của thực tại – đây là một phương thức mà theo đó người xưa dựng lên các cổ tích thần thoại, những truyện kể đã chuyển hóa cái hiện thực gọi là tự nhiên, bên ngoài vào bên trong không gian của văn-hóa-người, những truyện kể mà trong đó những tia sáng đem hình ảnh thực tại xuyên qua các lớp lăng kính vào đến võng mạc đã tụ lại thành một hình ảnh được tạo dựng, có chủ ý, không còn là một phản ánh đơn thuần.

Các mô tả ở phần này là do tưởng tượng và diễn giải tạo nên, chẳng hạn như: “Tôi cảm thấy tôi đang lướt qua những khoảng tối trong nhà. Tôi ngửi thấy mùi dầu cao Con hổ bà tôi vẫn thường dùng và mùi nước tiểu tràn ngập căn phòng. Tôi thấy cả một con chấy đang cố lẩn vào đám tóc bạc và dày của bà tôi. Hơn thế nữa, tôi thấy đời sống của bà tôi sau khi chết mà có lúc tôi gọi đó là tương lai của những kết thúc.”[…] “Nhưng bố tôi, mẹ tôi, cô tôi không bao giờ thấy bà tôi sau khi chết như tôi thấy. Bởi vì họ đang giữ mối quan hệ với bà tôi bằng những kinh nghiệm. Còn tôi giữ bà tôi bằng trí tưởng tượng vô cùng hoang dại, và bằng những cơn mơ bất tận, đầy nhạc tính bởi sự va chạm của những đồ vật quen biết và gắn bó trong suốt tuổi thơ của tôi.”

Bạn đọc nào từng ít nhiều đọc thơ Nguyễn Quang Thiều hẳn có thể nhận ra ngay cái chất thơ xuyên suốt những đoạn văn như trên; thậm chí có lẽ nói được rằng vẫn cùng là một chất thơ ở các tập thơ đã biết; tức là cái chủ đề quán xuyến trong thơ anh nó dai dẳng, bao trùm và dường như không bao giờ thỏa mãn, không bao giờ ngần ngại trước cơ hội chiếm lĩnh một trường biểu đạt nào.

Trong hai trích đoạn trên, chức năng diễn giải và chiêm nghiệm rất rõ, nhưng trật tự cú pháp vẫn được tuân thủ từ mô tả sang diễn giải rồi chuyển hóa. Và quan trọng nhất, sự chuyển hóa này luôn luôn là chuyển hóa vào cái nhà thơ gọi là một “hiện thực của tinh thần”, với nét nhấn rất mang tính phong cách ở chỗ đó là cái “hiện thực” tương đương về mặt khả tính, về tính không-thời gian, về sự có thể hình dung và mô tả như với hiện thực bên ngoài.

Dạng thức khái niệm trong diễn giải ở phần này được thể hiện cũng đặc thù về phong cách ngôn từ như thế: “Trong trạng thái sợ hãi ấy, giọng nói bà tôi cất lên. Giọng nói được cất lên không với ý thức là để lưu giữ những điều kia, mà cất lên như sự kêu cứu trong phút giây tuyệt vọng nhất rằng toàn bộ con người mình sẽ bị hủy hoại.” Thao tác khái quát hóa này là rất quen thuộc trong phong cách thơ Nguyễn Quang Thiều mà người đọc sẽ thường xuyên gặp thấy: từ “giọng nói bà tôi” ở cuối câu trước sang “Giọng nói được cất lên” ở đầu câu kế tiếp dưới dạng chủ ngữ ẩn, tác giả đẩy cái giọng-nói-cất-lên thành một khái niệm đang vận động; và đó cũng là một thao tác chiến thuật để đưa trí tưởng tượng vào vị trí lợi thế khi trừu xuất một khái niệm từ một hình ảnh, dọn đường cho khái niệm đó gắn vào một hình ảnh khác nào đó mà tác giả kể đến như một kinh nghiệm riêng mình: “Qua giọng kể của bà tôi, một đời sống khác của những gì tôi đã từng biết hiện lên.”

Và rất quan trọng là cái sự hiện lên của những kinh ngiệm cá biệt, ngẫu nhiên, rời rạc thậm chí đôi khi đã xa lạ, cái sự hiện lên đó được mô thức hóa trong một câu có hàm ý rằng sự thể đó mang tính quy luật vì nó liên quan đến một hoạt động mang tính quy luật – hoạt động nhận thức: “…đời sống khác ấy đặt trước tôi một câu hỏi và tôi đi tìm câu trả lời đến kiệt sức mà chưa thấy, … Nhưng nó lại đặt tôi sang một nhận biết khác.” Nhận thức đó là một hoạt động chưa hoàn tất, song dạng thức khái niệm về nó đã mang quá trình chuyển hóa vào một viễn cảnh của sự hoàn mãn cánh chung, hoàn toàn có tính chất cảnh tượng, thực sự như là một thần thoại cổ tích: “Một đời sống đã hóa giải dục vọng của chúng ta. … Và kỳ diệu hơn, là trong thế giới trong suốt, hay trong cõi hư vô làm ta có thể chết vì khiếp sợ lại hiện lên một phong cảnh đầy đủ nhất.”

Như đã nói ở trên, theo tôi thì bài Thay lời tựa độc đáo này thật sự cung cấp một hình dung đầy đủ về cú pháp thơ của thơ Nguyễn Quang Thiều, tức là một chiếc chìa khóa cho việc giải mã thơ của anh. Tuy nhiên, dù rằng trật tự cú pháp có vai trò quan yếu trong sự cấu tạo tác phẩm thơ thì nó vẫn luôn luôn không phải là lời giải đáp về ý nghĩa tác phẩm, dẫu chỉ là giải đáp chung chung nhất. Nó đảm nhiệm vai trò một tấm biển chỉ đường. Nó không làm thay công việc của trí tưởng tượng đặc thù riêng có nơi mỗi người đọc tiềm tàng. Nó cũng có thể khiêm tốn nhắc nhở một cách phân câu hợp lý, một cách nhấn nhá hợp lý hơn trong cái biểu hiện một vẻ đẹp mà nó góp phần làm quy tắc nhận biết.

Rốt cục thì bài tùy bút này, theo tôi, cũng là một bài thơ trong khu rừng cổ tích của thơ Nguyễn Quang Thiều. Khác chăng thì không phải vì dạng văn xuôi của nó, không phải vì nó mạch lạc tính chất truyện kể hơn, mà vì cái cây này mọc ở một vị trí cao dễ nhận biết hơn và tập hợp một tiêu bản đầy đủ những tính chất nổi bật của cây cối trong khu rừng đó. Một trong những điều có lẽ nên nhắc lại, là dạng thức khái niệm trong ngôn ngữ thơ ở đây biểu đạt tính phức tạp của thực tại mà thơ ấy phải đối diện, và nếu chúng gây cảm giác trở ngại thì hẳn là chúng nói lên tính chất gai góc của con đường chuyển hóa thực tại mà thơ ca này dựng lên thành những cảnh tượng lớn lao.

 
Nguồn: https://vanvn.vn/ 
Các tin mới hơn
Khi người lính cầm bút làm thơ(15/09/2022)
Thơ ca chống lại sự cách ly(26/04/2022)
Xuân Diệu và thơ Hồ Xuân Hương(15/04/2022)
Chùm thơ của nhà thơ Nga Kabishev Alexander Konstantinovich(30/03/2022)
Về mối liên kết giữa toán học & thi ca(29/03/2022)
Các tin cũ hơn
Cuộc thi thơ “Sống và hy vọng” hướng tới Ngày Thơ VN lần 20(05/01/2022)
Những giai thoại thú vị về cuộc đời thi sĩ Bùi Giáng(28/12/2021)
Trúc Thông – ‘người đi đầu trong các nhà thơ đổi mới ở miền Bắc’(28/12/2021)
Đề tài chiến tranh cách mạng trong thơ dân tộc thiểu số(20/12/2021)
Tôi không muốn những gì người lính đã hi sinh cho Tổ quốc lại bị quên lãng(20/12/2021)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na