Mùa thu là mùa của thơ, mùa của những nỗi buồn vẩn vơ, những cảm xúc mơ hồ, đẹp đẽ. Bằng cảm hứng lãng mạn, trữ tình các nhà thơ trên đất Hải Dương đã vẽ nên bức tranh thu thật đẹp, đầy màu sắc và qua đó gửi gắm những nỗi niềm riêng tư của mình.
1. Cảnh thu
Hình ảnh gắn liền với mùa thu nhất có lẽ là chiếc lá vàng- “thông điệp”, “vị chủ nhân quý phái của mùa thu”. Mùa thu cám dỗ ta bằng chiếc lá vàng rơi. Thơ ca tỉnh Đông cũng viết nhiều về lá thu. Tác giả Nguyễn Ngọc Bội thì viết về một sân đầy lá vàng sau một “Đêm thu”: “Đêm qua thu đã hạ tuần/ Sáng nay thức dậy đầy sân lá vàng”. Chỉ sau một đêm, sáng ra sân đã đầy lá rụng. Thu đến nhanh quá, ở đây có cái ngỡ ngàng của người thơ. Cũng viết về lá vàng, nhà văn Nguyễn Thị Việt Nga đã có những câu thơ gợi cảm về chiếc lá bàng mùa thu: “Lá bàng rụng rồi vẫn đỏ tựa môi son/ Những nụ hôn lăn lóc hè phố hẹp”. Thành phố Hải Dương trước kia trồng nhiều bàng, nhất là phố Quang Trung xưa cứ được gọi là “Phố cây bàng”. Câu thơ gợi nhớ về những đường phố ở Hải Dương khi mùa thu sang. Nhưng viết về lá thu vàng với đủ các sắc thái phải kể đến tác giả Vũ Minh Tuấn. Ở bài thơ “Mùa thu xanh”, người đọc gặp hình ảnh: “Ghế buồn đậu chiếc lá khô” trong công viên có “Nắng chiều vàng rực long lanh mặt hồ”. Cũng hình ảnh chiếc lá thu ấy trong bài “Nhớ bạn” của Vũ Minh Tuấn lại hiện ra thật yêu kiều diễm lệ, tô điểm cho bức tranh thu thêm duyên dáng: “Hàng cây ngơ ngẩn bên hồ/ Lặng buông đôi giọt lá khô vào chiều”. Những chiếc lá vàng rơi lẻ loi ấy làm cho bức tranh chiều thu thêm tịch mịch, cô liêu. Đến bài “Cuối thu” thì chiếc lá vàng đó cũng như người nhìn ngắm run lên vì lạnh: “Lá vàng run rẩy rơi rơi trước thềm”. Bốn âm “r” (âm rung) đặt liền nhau trong một câu thơ tám chữ đã diễn tả thật sinh động cái lạnh lạnh của một ngày cuối thu. “Lá vàng run rẩy” hay lòng người cũng run rẩy, lạnh giá, cô đơn khi thu về?
Tuy nhiên, cái đẹp diễm ảo của mùa thu không chỉ ở lá vàng rơi trong gió mà còn ở gió heo may (đó là thứ gió nhẹ, hơi lạnh và khô hay có vào tháng Tám âm lịch hàng năm). Khoác cho mùa thu một làn gió se sắt, trong cái lạnh mơn man sẽ sàng, heo may về đi cùng với lá vàng rơi như một cặp song sinh. Trong bài “Gửi bạn phương xa”, tác giả Vũ Minh Tuấn viết: “Quê mình giờ gió heo may/ Nơi bạn đang ở có bay lá vàng?”. Với tác giả, gió heo may ngỡ vô hình nhưng có lúc lại hiện hình trên cánh đồng lúa: “Heo may, chiếc lược trải êm lúa đồng”. Với tác giả Khúc Hà Linh thì heo may về hiện ngay trên bậc thềm vô cùng gần gũi: “Một sớm dậy, ô kìa thu gõ cửa/ Mảnh gió may bẽn lẽn bậc thềm” (Thu đến sớm). Còn trong thơ của tác giả Phạm Trọng Tuấn thì gió heo may về đã thành một “dòng sông heo may”. Với nhà thơ Hà Cừ, làn gió heo may về choán ngập cả không gian thu: “Đi về phía lá vàng rơi/ Thu còn gửi lại một trời heo may” (Gửi). Đó là một câu thơ đẹp về mùa thu.
Nhưng cái đẹp diễm ảo của mùa thu còn ở tiết thu với nắng vàng như từng sợi tơ óng ánh thả xuống nhân gian; còn ở sương khói bảng lảng trên mặt hồ; ở không khí dìu dịu mát; ở khung trời xanh biếc cao vời vợi; ở mây trắng bồng bềnh như mơ; ở sương thu, trăng thu, mưa thu…
Về trời xanh, mây trắng, nắng vàng nhà thơ Hà Cừ có câu thơ đẹp: “Mây bông trắng trời cứ xanh vời vợi/ Nắng tơ vàng hoa cúc thả hương bay”. Về sương, tác giả Trịnh Dũng có câu thơ thật ảo: “Sương mai thấp thoáng giăng màn”, còn Nguyễn Thị Việt Nga thì: “Sương run trên từng lá cỏ”.
Mưa thu cũng lạ: mùa xuân mưa bụi, mùa hạ mưa dông, mùa đông mưa phùn còn mùa thu mưa rả rích, dầm dề, lê thê suốt ngày này sang ngày khác. Nhà văn Vũ Oanh trong bài “Mưa thu” đã viết về cái mưa dầm dề ấy: “Mưa khắc khoải, tàn thu khắc khoải/ Dầm dề đêm, loang vỡ ánh đèn đêm”. Giọt mưa thu hiện ra ở đây như giọt sầu nhân thế.
Mùa thu cũng là mùa hoa: hoa trong vườn, hoa trong đầm, hoa trên cánh đồng, hoa trên phố… Mỗi loài hoa một vẻ, mỗi loài một hương, nhưng chung lại chúng đều đáng quý đáng yêu, làm nên một mùa thu vừa dịu dàng, vừa nồng nàn thơ mộng. Nói về mùa thu phải nhắc đến hoa cúc. Cúc vàng nằm trong “tứ quý”: Lan, Sen, Cúc, Mai. Đến mùa thu cúc vàng nở rộ, lung linh hệt như vệt nắng, như gom hết nắng thu. Hè đi, người ta chưa kịp nhớ nhung cái nắng hè chói chang, chợt bắt gặp một mảnh nắng hè còn vương vấn trên cánh hoa cúc. Cái màu vàng ấm áp ấy như sưởi ấm cho những ngày sắp sang đông. Ta gặp cái màu vàng hoa cúc ấy trong thơ Nguyễn Thị Việt Nga: “Hoa cúc vàng mùa thu/ Cứ vô tình lộng lẫy”; trong thơ Nguyễn Việt Thanh: “Cúc vàng chưa kịp nở/ Cho hương trà thường lệ/ Lấy gì cảm cùng thu”; trong thơ Phương Thảo: “Khi hoa cúc bên thềm hé mở/ Một chút vàng e ấp, phân vân”; trong thơ Nguyễn Viết Luyện: “Người thiếu nữ/ gánh mùa thu qua phố/ hoa cúc nở/ vàng nắng mai”.
2. Tình thu
Nhưng có cảnh nào không mang vóc dáng và tâm hồn con người? Từ xa xưa người phương Đông đã biết dựa vào tự nhiên để sống. Nguồn gốc văn hóa nông nghiệp khiến con người học cách sống hài hòa với thiên nhiên, thấy mình là một phần không thể thiếu được của tự nhiên thanh sạch, thuần khiết. Trong tâm hồn của người phương Đông, người ta thấy tình yêu với thiên nhiên thật sâu nặng.
Trong những trang thơ của các thi sỹ tỉnh Đông về mùa thu, người đọc thấy một tình yêu vĩnh cửu với thiên nhiên vô tận, với vẻ đẹp tráng lệ của trời xanh, mây trắng, nắng vàng, cũng có khi là vẻ đẹp giản dị, gần gũi của ngọn cỏ, bông hoa, chiếc lá, giọt sương… mỗi độ thu về. Tiêu biểu cho tình yêu ấy phải kể đến những vần thơ của nhà thơ Hà Cừ. Anh là người viết nhiều và viết hay về mùa thu. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã nhận xét một cách chí lý: “…ngỡ như mùa thu đã thuộc về người thơ và người thơ đã thuộc về mùa thu vậy”; và: “Dường như mùa thu ám ảnh Hà Cừ mỗi khi tâm hồn anh xao xác vui buồn. Hay nói cách khác, không có mùa thu thì anh không thể làm thơ”. Tình yêu mùa thu ấy của nhà thơ được bộc lộ thật nồng nàn say đắm trong bài “Không đề với mùa thu”: “Lòng như tan vào bầu trời cao rộng/ Ơi mùa thu ngọn cỏ cũng bừng say/ Trong khoảnh khắc biến mình thành siêu tưởng/ Ta như rơi trong ba chiều không định lượng/ Trong dịu dàng dùng dắng của mùa thu”. Và có khi là cái nghi ngờ đáng yêu: “Hình như thu chín đầy cành/ Chín lây sang cả lòng mình đầy thu”, cái “dùng dằng lấn bấn” khi phải chia tay mùa thu khi mùa đông sắp đến: “Những cơn mưa đang gọi rét trở về/ Thu lặng lẽ chia tay khi nào ta chẳng biết/ Gió và cây nói gì thao thiết/ Cứ dùng dằng lấn bấn với mùa thu” (Chia tay mùa thu).
Mùa thu trong thơ thường đẹp và buồn. Thơ ca từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây thường viết về những nỗi buồn bàng bạc, những cuộc chia ly ngậm ngùi, những bâng khuâng u hoài, những nỗi niềm vẩn vơ hiu quạnh, những cảm xúc mơ hồ nhưng đẹp đẽ khi mùa thu đến, đặc biệt là nỗi nhớ. Khi là nỗi nhớ bạn. Vũ Minh Tuấn trong bài “Gửi bạn phương xa”, khi thấy ngọn gió heo may trở về dưới trời thu hiu quạnh, đã bâng khuâng thầm hỏi: “Quê mình giờ gió heo may?Nơi bạn đang ở có bay lá vàng?”. Một cảm xúc đẹp. “Gió heo may” đã là một tác nhân gợi nhớ bạn. Câu thơ như tìm kiếm, mong mỏi sự đồng điệu, đồng cảm của người bạn phương xa. Có khi là nỗi nhớ những ngày xa xưa: “Hai mươi năm đã xa rồi/ Vẫn còn thao thức một trời lá bay”. Nhìn lá bay mà nhớ về quá khứ xa xôi. Câu thơ của nhà thơ Hà Cừ mang một vẻ đẹp đượm buồn. Khi người ta đã bước sang tuổi thu, tất cả những gì là đẹp, là mộng mơ đã vĩnh viễn ở lại phía sau. Nhà văn Vũ Oanh trong một đêm “Mưa thu” cũng một tâm trạng nhớ ngày xưa như thế: “Mưa khắc khoải, tàn thu khắc khoải/ Dầm dề đêm, loang vỡ ánh đèn đêm/ Hơi thu gợi câu thơ ngày xưa cũ…”. Có một thoáng buồn nhớ trong không gian nhạt nhòa của mưa thu.
Mùa thu cám dỗ ta bằng nỗi quạnh hiu. Thu sang gợi nhắc thi nhân nhớ người xưa: “Dòng sông heo may một trời lá đổ/ Trăng ngay đấy mà em vời vợi quá/ Để bên trời ai hóng gió bơ vơ”. (“Còn một nửa vầng trăng”, Phạm Trọng Tuấn).
Mùa thu – “buổi chiều của năm”. Đa số người làm thơ đã, đang và sắp bước sang buổi chiều của đời người. Vì vậy, tiếc nuối, u hoài, cảm thức về thời gian, suy tư cắt nghĩa về thời gian, về sự trôi chảy của thời gian, sự chóng vánh qua đi của kiếp người là một cảm hứng mang đậm chất triết học, thường thấy xuất hiện ở những cây bút nhạy cảm, đầy xúc cảm. Cảm thức này người đọc gặp nhiều trong thơ Nguyễn Thị Việt Nga, đặc biệt trong tập thơ “Ở phía mùa thu”. Cả tập thơ hầu như ở rất nhiều bài có sự hắt bóng của thời gian, sự cô đơn định mệnh của kiếp người. Ở bài thơ “Thu”, người thơ bâng khuâng tự cảm: “Thu… thu… thu về rất khẽ/ Mà lòng rách nỗi chia xa/ Cả hoa. Cả cây. Cả lá/ Cả người. Cả nắng. Cả ta”… Và “Sương run trên từng lá cỏ/ Cầu vồng bảy sắc phôi pha/ Đâu rồi tóc xanh môi thắm/ Ngang vai bóng đổ chiều tà”.
Cũng viết về xúc cảm thu, bài thơ “Mùa thu đến” của nhà thơ Trần Nhuận Minh là một thi phẩm đẹp về ngôn từ, thi ảnh, nhịp điệu và buồn về cảm xúc:
“Mùa thu đến thăm tôi và để lại
Bước chân vu vơ… những chiếc lá vàng
Và nỗi buồn mong manh tinh khiết
Giữa sắc trắng mây trời lang thang…”
Nỗi buồn trong bài thơ thật đẹp, thật dịu dàng, mong manh, tinh khiết và thấm thía. Nỗi buồn đó khi thì vu vơ, khi thì tái tê bi thiết với nỗi khổ đau viên miễn. Đó là nỗi buồn khi mùa thu của đất trời, mùa thu của cuộc đời đến. Tất cả những gì là xanh tươi, mộng đẹp đã để lại phía sau. Và cái “giọt sương lạnh buốt” từ “tuổi thơ ngây” thuở “mộng mơ” ấy cứ “đọng lại không tan” trong trái tim của nhân vật trữ tình. Bài thơ buồn nhưng không u ám, bi lụy; tất cả đều trong trẻo, thanh cao và đẹp như mùa thu.
Mùa thu đã đem đến cảm hứng thi ca cho các nhà thơ tỉnh Đông và đến lượt mình các nhà thơ trả lại cho mùa thu những vần thơ đẹp đẽ.