Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Mục Tác giả, tác phẩm: "Tác giả của những bức họa Bác Hồ" của Ngọc Hùng
07/10/2024 12:00:00

Họa sĩ Đỗ Chuyển, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Ban Mỹ thuật Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Dương được biết đến là tác giả của hàng trăm bức họa Bác Hồ. Ông luôn mang dáng dấp nghiêm nghị, điềm đạm của một nhà giáo. Nhưng tiếp xúc, trò chuyện mới thấy họa sĩ Đỗ Chuyển là một người phóng khoáng, gần gũi, cởi mở. Đặc biệt những chuyện về sáng tạo nghệ thuật của ông chuyện nào cũng truyền lửa, sâu sắc, ý nghĩa.

 

Chân dung họa sĩ Đỗ Chuyển
 
 
Họa sĩ Đỗ Chuyển sinh năm 1950 ở thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên trong gia đình truyền thống công tác trong ngành văn hóa. Thời kỳ những năm 1968-1975, khi cha ông làm Trưởng phòng Văn hóa huyện Yên Mỹ, họa sĩ Đỗ Chuyển có cơ hội được gặp gỡ, quen biết nhiều họa sĩ tên tuổi của tỉnh cũng như của trung ương. Môi trường đặc biệt đó đã tình cờ nhen nhóm, nuôi dưỡng niềm đam mê hội họa trong ông lúc nào chẳng rõ. Những kiến thức lĩnh hội được từ các bậc tiền bối đi trước là tiền đề giúp ông dành trọn niềm đam mê cho hội họa.

Họa sĩ Đỗ Chuyển tâm sự: Từ niềm đam mê đó, ông quyết tâm thi vào ngành hội họa. Sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Thể dục - Nhạc họa Trung ương, năm 1979 ông về công tác tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Hưng với cương vị giáo viên giảng dạy môn mỹ thuật. Mặc dù đã đứng trên bục giảng song ông không ngừng học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn. Năm 1980, họa sĩ Đỗ Chuyển tiếp tục theo học Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Qua những năm đào tạo, với kỹ năng sư phạm cũng như chuyên môn nghiệp vụ sâu, ông dành trọn tâm huyết cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Sau này những lớp sinh viên mỹ thuật ông đào tạo đã trở thành những thầy cô giáo giảng dạy bộ môn mỹ thuật ở các trường trong tỉnh. Nhiều người trở thành họa sĩ có tên tuổi trong làng hội họa.

 

 Bác Hồ trong chiến dịch biên giới - Sơn dầu: Đỗ Chuyển

 
Mặc dù dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp trồng người, song ngọn lửa đam mê sáng tạo luôn thường trực trong ông. Dù công việc giảng dạy ở Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Hưng và sau này là Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương (nay là Trường Đại học Hải Dương) rất bận bịu nhưng họa sĩ Đỗ Chuyển vẫn dành thời gian rảnh rỗi sáng tác. Ông vẽ bất kể lúc nào có thể: buổi tối, đêm khuya, sáng sớm, vào ngày nghỉ, trên đường đi công tác...

Họa sĩ Đỗ Chuyển vẽ nhiều dòng tranh khác nhau. Các sáng tác của ông thường thiên về tả thực, kỹ lưỡng, tinh tế đến từng đường nét. Chất liệu được ông ưa chuộng là sơn dầu và acrylic. Ngoài ra lụa cũng là chất liệu được ông lựa chọn để thể hiện các tác phẩm của mình. Đề tài được họa sĩ Đỗ Chuyển lựa chọn thể hiện khá đa dạng, trong đó nổi bật là mảng công nghiệp và nông nghiệp. Những năm gần đây, chủ đề miền núi cũng được ông thể hiện khá phổ biến trong các sáng tác của mình.

Trên con đường sáng tác nghệ thuật, họa sĩ Đỗ Chuyển đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. Nhiều tác phẩm của ông được chọn treo tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, khu vực và của tỉnh. Trong đó, năm 1982, tác phẩm "Toàn cảnh công trường Phả Lại", chất liệu thuốc nước và tranh cổ động "Chào mừng Đại hội Đảng lần thứ V""được Bảo tàng Mỹ thuật đặt mua. Ngoài ra họa sĩ Đỗ Chuyển còn có 2 tranh được Hội Mỹ thuật Việt Nam chọn lọc vào tuyển tập "Tác phẩm chọn lọc trong sưu tập của Hội Mỹ thuật Việt Nam từ 2013-2023.

Mặc dù vẽ ở nhiều mảng đề tài, song những năm 70 do các cơ quan, đoàn thể, đặt hàng nên họa sĩ Đỗ Chuyển vẽ nhiều tranh Bác Hồ. Chủ yếu là Bác Hồ vẫy tay chào và chân dung Bác. Vẽ Bác Hồ là mảng đề tài được họa sĩ Đỗ Chuyển ưa thích thể hiện. Cùng với các sáng tác về công nghiệp, nông nghiệp, những bức vẽ về Bác của ông được treo ở nhiều cơ quan, đơn vị, trường học, nhà máy... trong tỉnh Hải Hưng.

Với ông vẽ Bác Hồ là niềm đam mê mà cọ vẽ luôn ngập tràn cảm xúc. Những tác phẩm hội họa về Bác cũng đem lại cho họa sĩ Đỗ Chuyển nhiều niềm vui khó quên trong đời. Ông nhớ nhất bức tranh đầu tiên vẽ về Bác là sử dụng chất liệu màu nước vẽ trên giấy troki khổ A0. Bức vẽ đó đã được UBND huyện Yên Mỹ treo trong buổi mít tinh để chào mừng ngày ký hiệp định Paris năm 1973.

Họa sĩ Đỗ Chuyển tâm sự, ông đã rất vui khi bức tranh vẽ Bác Hồ đầu tiên đó của mình được UBND huyện chọn treo. Bức tranh đó đã trở thành động lực cho những bức vẽ về Bác Hồ sau này. Để có thể vẽ về Bác vị lãnh tụ được cả dân tộc Việt Nam kính yêu, ông đã đọc, nghiên cứu rất nhiều tư liệu về Người, kể cả tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.

Năm 2001, họa sĩ Đỗ Chuyển vẽ tác phẩm "Bác Hồ làm việc ở Việt Bắc". Đây là một trong những bức vẽ về Bác ông tâm huyết nhất. Tác phẩm sau đó được triển lãm tại thành phố Hải Phòng. Một năm sau đó, tác phẩm "Bác Hồ trong chiến dịch Biên giới" vẽ khổ lớn, dài 2m của ông được trưng bày tại một cuộc triển lãm của tỉnh, được lãnh đạo tỉnh đánh giá cao. Sau đó tác phẩm được chọn treo tại triển lãm khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Họa sĩ Đỗ Chuyển chia sẻ: "Tôi vẽ Bác bằng lòng thành kính bởi Người đã dành trọn cuộc đời hy sinh cho đất nước, nhân dân Việt Nam. Điều tôi luôn mong muốn thể hiện về Bác trong các bức vẽ của mình là thần thái của vị cha già kính yêu".

Nói đến Họa sĩ Đỗ Chuyển không thể không nói đến những thành quả ông đã đạt được trong cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của mình. Với tài năng hội họa cộng với nỗ lực không ngừng nghỉ, ông đã giành nhiều giải thưởng mỹ thuật của trung ương, khu vực và của tỉnh. Tiêu biểu, năm 2003, tác phẩm "Cầu phao Cổ Pháp", chất liệu sơn dầu được Giải tặng thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực II các tỉnh Đồng bằng sông Hồng lần thứ VIII. Tác phẩm "Gạo xuất khẩu""chất liệu sơn dầu giải Khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật khu vực II các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Tác phẩm "Tan ca""chất liệu sơn dầu, giải Khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật khu vực II các tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 2017. Cụm tác phẩm tranh sơn dầu "Dây chuyền thành phẩm", "Cầu phao Cổ Pháp", "Bận rộn ngày mùa"" được trao giải Khuyến khích Giải thưởng Văn học nghệ thuật Côn Sơn -Hải Dương lần thứ V (2001-2005). Đặc biệt chùm tác phẩm "Về bản mới, Gạo xuất khẩu,"Tan ca" được trao giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật Côn Sơn Hải Dương lần thứ VIII (2016- 2020)...…

Mỗi câu chuyện về chặng đường sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ Đỗ Chuyển là những kinh nghiệm nghề quý báu cho các thế hệ đi sau. Nay tuy đã nghỉ hưu, tuổi tác cũng đã cao song họa sĩ Đỗ Chuyển vẫn miệt mài sáng tác tham dự các triển lãm của trung ương, khu vực và của tỉnh, nhiều tác phẩm của ông được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đặt hàng. Ngoài ra ông còn mở lớp truyền thụ hội họa cho 25 học sinh cấp 3 luyện thi vào các trường kiến trúc, mỹ thuật. Chắc hẳn với người họa sĩ, sáng tạo nghệ thuật và truyền nghề là niềm vui không tuổi chẳng phải ai cũng dễ dàng có được.
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Đêm Côn Sơn(04/10/2024)
Lục bát đêm thu(04/10/2024)
Tản văn "Hương lúa" của Hồ Đăng Thanh Ngọc(04/10/2024)
Hoa Ban(03/10/2024)
Truyện ngắn "Mầm họa" của Vũ Thị Thanh Hòa(03/10/2024)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na