Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Truyện ngắn "Mầm họa" của Vũ Thị Thanh Hòa
03/10/2024 02:15:45

 

1. Bà Sự cắp cái rổ rau ra bờ ao cặm cụi ngồi nhặt. May mà có cây vải thiều như chiếc ô xanh che rợp mát chứ nắng hanh hao đến nhức cả đầu. Rau muống là loại rau bà thấy dễ ăn nhất, nếu như thứ rau khác chỉ ăn bữa trước bữa sau đã chán, phải đổi món rồi. Rau muống trộn hay rau muống luộc chỉ cần thả mấy cành tầm bỏi, hay vài quả sấu vào lấy bát nước canh chua, húp háp tỉnh cả người. Mùa nọ gối mùa kia, bà trồng rau muống quanh năm. Bà có vạt rau cạnh bờ ao, đợt vừa rồi mưa to, nước ao tràn lên vườn, rau xanh non mơn mởn như mới vừa được rắc đạm. Hôm trước ra chợ có mớ cá rô đồng bà mua về thả trong vại nước để đấy ăn dần. Bữa canh chỉ cần bắt hai con, đánh vẩy, luộc lên rồi gỡ xương đem giã, chắt nước nấu với mớ rau muống, cho thêm vài ngọn rau ngổ thơm lừng. Thằng Long cháu bà cứ phải làm ba bận lấy cơm.
 
 

Minh họa: Bùi Quang Đức 

 
Bà Sự nhìn đồng hồ sốt ruột, mười hai giờ kém rồi mà thằng Long vẫn chưa thấy về. Nhà chỉ có hai bà cháu, hễ nó đi đâu ra khỏi nhà là bà sốt hết cả ruột, kể cả khi nó đi học. Thấy nó về đến nhà rồi bà mới yên tâm. Mới sáng nay, cô Huệ hàng xóm bế con đi ăn rong rẽ vào đã kể chuyện bên thị trấn vừa có vụ tai nạn của con bé học lớp 9 hơn thằng Long một tuổi. Nghe đâu mượn xe máy của mẹ đi mua đôi dép, thế nào mà trong lúc quay đầu xe xảy ra va chạm với một chiếc xe đi ngược chiều, cả hai được đưa vào viện cấp cứu. Cô Huệ bảo lúc đi qua chỗ xảy ra tai nạn vẫn còn thấy be bét máu khiến bà ám ảnh.

- Con đi có chút việc nên mới về muộn. Bà vẫn đợi cơm con đấy ạ?

Thấy thằng Long về, bà thở phào:

- Ui chao, bà đã dặn bao nhiêu lần rồi hở Long? Đi đâu về muộn cũng phải bảo cho bà biết chứ. Mày mà cứ vài lần như thế này bà lo thót tim mất thôi. Bây giờ ra ngoài đường xe cộ phức tạp lắm, tai nạn ối ra kia kìa còn chưa biết sợ sao?

Thằng Long thản nhiên dong xe vào, nó lôi từ chiếc túi ba lô đeo sau lưng ra ba chiếc áo phông đựng trong túi nilon, hí hửng:

- Đây là những đơn hàng đầu tiên của con. Con sẽ bắt đầu "làm ăn" từ hôm nay bà ạ.

Bà Sự lườm cháu, mắng vốn một câu:

- Cha bố nhà anh. Làm ăn gì mà đơn với chả hàng? Anh định đi buôn chắc? Gớm, anh lo mà học đi chứ làm ăn gì ở tuổi này. Vốn liếng ở đâu ra, mà biết gì cũng đòi buôn bán. Còn non và xanh lắm anh ạ.

Buổi tối thằng Long chìa ra cái điện thoại:

- Con cho bà xem cái này.

Bà Sự liếc nhìn cái điện thoại mà bố thằng Long mới gửi về cách đây nửa năm. Bố nó bảo nhà không có chiếc điện thoại thông minh bí lắm, cái điện thoại cục gạch trao đổi liên lạc về chỉ gọi với nhắn tin được thôi. Nhiều khi muốn gọi video về để nhìn thấy khung cảnh nhà, dòm mặt hai bà cháu, biết bà cháu ở nhà khoẻ mạnh mới cảm thấy yên tâm. Vả lại, năm tới thằng Long vào lớp cuối cấp rồi cũng cần phải tra cứu thông tin, tham khảo tài liệu trên mạng, thuận tiện cho việc học tập. Bà nhìn mấy tấm ảnh trong điện thoại ngạc nhiên:

- Quần áo, giày dép ở đâu mà lắm thế. Tiền đâu ra mà mày lấy về nhiều hàng thế hử con? Nhìn thế này khác gì bằng cả một cửa hàng?

Thằng Long hào hứng:

- Không phải bà ơi. Đây là trang cá nhân của con. Con đăng ảnh các mặt hàng lên để khách chọn. Con mổ lợn đã tiết kiệm được từ năm ngoái để làm vốn, trả tiền hàng quay vòng vốn lúc cần thôi chứ bình thường ai mua người ta đã trả tiền con ngay mà.

Bà Sự cảnh báo:

- Gớm, anh tưởng giỏi lắm đấy. Mới nứt mắt ra. Không cẩn thận có khéo lại bị ăn quả lừa rồi mới trắng mắt.

2. Cuối thu rồi mà có hôm nắng vẫn chao chát. Khúc sông cuối làng buổi chiều vẫn nhộn nhịp những cô cậu học trò ra tắm mát. Chúng đàn đúm tranh thủ lúc đi học về rẽ ra sông nhảy ùm xuống vùng vẫy một lát cho thoả thích rồi mới cắp cặp về nhà. Con trai đi xuất khẩu lao động bên Đài Loan, cô Luyến con dâu bà Sự đi làm công ty về muộn, mỗi tối ngó vào phòng thấy thằng Long ngồi ở bàn học bài thì an tâm. Ỷ lại có bà Sự ở nhà trông nom đứa cháu nội, quán xuyến nhà cửa cơm nước lại càng không phải lo lắng gì. Cả ngày cô Luyến ở công ty, gần như ngốn hết quỹ thời gian, dạo này công ty nhiều việc phải tăng ca suốt, cắm đầu cắm cổ vào làm, không còn biết xã hội bên ngoài ra sao, tối về buông bát đũa là chỉ muốn lên giường lăn ra ngủ cho đến sáng hôm sau lại thức dậy và bắt đầu ngày mới với những công việc lặp đi lặp lại đến nhàm chán. Mệt mỏi, nhức mắt và căng thẳng thì vẫn phải làm để kiếm tiền lo cho con cái ăn học, trang trải sinh hoạt phí thường ngày. Ở nhà chỉ có mấy sào ruộng thì lấy gì mà sống.

Cô Luyến làm việc mà cứ thắc thỏm, sốt ruột. Trong phân xưởng người ta bàn tán xôn xao. Thế nào mà thằng Bin nhà cô Mão ở xóm trên, học dưới thằng Long một lớp, biết bơi từ hồi còn học tiểu học, từng giành Huy chương Bạc trong giải bơi thiếu niên nhi đồng cấp huyện lại bị đuối nước. Trong khi các nhóm khác về hết, thằng Bin cùng hai đứa bạn mới xuống tắm. Được một lúc, khi hai cậu bạn vừa lên bờ, cu Bin cũng chuẩn bị bơi vào thì bỗng dưng chân bị chuột rút. Hai cậu bạn mải đi tìm quần áo đồng phục trên bờ đê thì thằng Bin ở dưới sông vùng vẫy đuối sức dần. Lúc hai đứa quay lại chỉ còn nhìn thấy cánh tay chấp chới của thằng Bin mới hốt hoảng, chân nọ líu ríu chân kia rồi nhảy ùm xuống định cứu bạn nhưng vào đúng chỗ cái hố sâu hun hút, đứa nọ bám víu vào đứa kia, người lả dần. Thật may vừa đúng lúc có anh trung uý công an xã đang có công việc ngang qua lối đê sang làng bên nhìn thấy vội lao ngay xuống nước kéo được ba đứa trẻ vào bờ. Hai cậu bạn chỉ lờ đờ một tí rồi tỉnh lại ngay nhưng thằng Bin thì đã tái nhợt người. Anh công an nhanh nhẹn còn làm một vài động tác hô hấp, sơ cứu rồi vội đưa thằng Bin sang bệnh viện huyện để cấp cứu. Nhận được tin báo, cô Mão mẹ thằng Bin chỉ vội kể với mọi người được vài câu như thế rồi hốt hoảng xin phép nghỉ làm sang bệnh viện với con. Cô Luyến lo ngay ngáy, chẳng biết thằng Long đi học có về nhà ngay không hay lại la cà, rẽ ngang rẽ tắt thì khổ.

Tối ấy đài truyền thanh xã thông tin sốt dẻo về vụ đuối nước của thằng Bin được chú công an tên Sáng kịp thời phát hiện, đưa đi cấp cứu và cảnh báo, đề nghị các gia đình quan tâm, nhắc nhở con em mình. Cô Luyến vừa về đến nhà chạy sộc vào phòng. Thằng Long đang cặm cụi làm bài, tưởng mẹ cả ngày đi làm chưa biết chuyện thì vội kể:

- Thằng Bin nhà cô Mão bữa nay suýt bị đuối nước mẹ ạ.

- Còn anh nữa đấy. Đi học mà không về nhà ngay, đàn đúm ra sông tắm thì chẳng biết chừng.

Nghe cô Luyến giọng gay gắt, răn đe, bà Sự thấy cháu bị mắng vội đỡ lời:

- Hôm nào nó chả về nhà đúng giờ, có đi đâu nó cũng xin phép bà rồi mà. Có hôm về muộn cũng chỉ chừng sau mười lăm, hai mươi phút thôi. Mẹ mày trách mắng nó làm gì, tội thằng bé.

Cô Luyến mặt đăm đăm, lẳng lặng vào phòng tắm, đoạn cô mở máy giặt lấy ra chiếc quần đùi vẫn còn lem nhem bùn đất đưa ra trước mặt bà Sự:

- Bà xem đây ạ. Nếu thằng bé không ra sông tắm thì vết bùn bám trên quần đùi ở đâu ra.

Bà Sự mặt nghệt ra, lúc chiều thằng Long đi học về đến sân, bà thấy nó mặc quần áo đồng phục chỉnh tề cơ mà. Ngờ đâu. Bà Sự nhìn thằng cháu đang mặt cúi gằm, lí nhí nhận lỗi với mẹ nó thì lấy làm thương xót, đành nói lảng cho qua chuyện:

- Ơn giời, nhà cô Mẫn may thế. Thằng Bin qua được vụ này là nhờ có anh công an không quản nguy hiểm lao ngay xuống cứu kịp thời. Chứ không thì giờ cả nhà ngồi khóc với nhau rồi còn gì.

Trước khi ngồi vào bàn ăn cơm, cô Luyến còn cao giọng:

- Vâng, thế con mới bảo bà phải quản thằng Long chặt vào, chứ bà bảo có hôm nó về muộn sau mười lăm, hai mươi phút cũng là nên chuyện rồi đấy ạ. Bị đuối nước thì chậm vài phút đã chẳng kịp nữa rồi bà ơi.

Bà Sự tự ái. Việc dạy dỗ con cái thì ở vợ chồng nó mới là chính. Bố mẹ bận đi làm ăn, phó thác trách nhiệm cả cho bà sao được. Chúng nó tưởng chỉ đưa mấy đồng bạc để bà chợ búa cơm nước là xong trách nhiệm sao. Bà cũng còn phải xoay xở với mấy sào vườn chứ có ngồi không đâu.

3. Thằng Long cầm chiếc áo lụa bà ba màu nâu sòng, hí hửng đưa cho bà Sự:

- Bà có thích chiếc áo này không? Con mua tặng bà đấy ạ!

Bà Sự đưa tay vân vê hai vạt áo ngắm nghía:

- Màu nâu hợp với bà rồi này. Nhưng sao mày có tiền mà mua cho bà vậy hử?

- Bà yên tâm ạ. Tiền con đi ship hàng, làm thêm được mà bà. Tuần này con có gần chục đơn hàng. Mỗi đơn hàng con lãi được hai, ba chục nghìn đó bà.

Bà Sự nghe cháu nói làm thêm kiếm được tiền mua áo tặng bà thì phấn khởi, nhưng cũng không quên dặn dò:

- Tiên sư nhà anh, cũng biết mua áo nịnh bà cơ đấy. Anh lo mà học đi, chứ mải kiếm tiền, xao nhãng học hành là không được đâu.

Nói rồi bà Sự cầm áo đi thử. Chỉ hơi rộng nhưng bà sẽ mang ra tiệm sửa ở đầu ngõ, chỉ cần người ta may bóp vào một tí là vừa thôi. Nghe bà tò mò hỏi thằng Long bán loại hàng nào chạy nhất, liệu có sợ bị ế và lỗ vốn. Nó khoe ngoài bán quần áo, giày dép nó còn bán mũ, túi ba lô phục vụ lứa tuổi teen, dùng tài khoản mạng xã hội để trưng bày hình ảnh các mặt hàng, có đơn hàng khách đặt nó mới lấy về rồi giao cho khách. Bà không biết thằng Long đã giấu nhẹm chuyện nó mới bán thêm mặt hàng thuốc lá điện tử. Tuần trước nó đang ở trên facebook cá nhân bán hàng thì có mấy đứa học sinh nhắn tin hỏi mua thuốc lá điện tử. Thế là nó đặt mua trên mạng rồi về rao bán. Mỗi cây thuốc nó được lãi 35 nghìn. Mỗi đơn hàng giao xong, bà Sự thấy nó về trải tiền ra giường ngắm nghía, đếm đi đếm lại món tiền trong tay, thành quả lao động đầu đời mà nó đã gặt hái, cầm nắm được, nó lấy làm vui sướng. Nhưng trường thằng Long vừa rồi tổ chức ngoại khoá chuyên đề về phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong đó có cả thuốc lá điện tử làm nó thấy lo lo. Các thầy cô có vẻ làm quyết liệt vấn đề này. Nó suy nghĩ ghê lắm, hoang mang và lo lắng, rồi nó quyết định không bán cho các bạn trong trường nữa. Nếu các bạn sử dụng thuốc mà bị phát hiện, lúc làm bản tường trình thể nào cũng lại khai ra hết. Nghĩ vậy nên nó chỉ bán cho đối tượng trường ngoài. Lãi cao khiến nó ham, lừng khừng chưa muốn bỏ mối này. Tiền lãi từ các đơn hàng nó bỏ vào con lợn đất. Thằng Long dự định sẽ dành dụm để lên cấp 3 sẽ mua chiếc xe máy điện. Cấp hai nó chưa đủ tuổi để đi, điều này nó mới biết vì hôm thứ hai đầu tuần trong giờ chào cờ, trường nó có mời các chú công an tuyên truyền giáo dục pháp luật trật tự về an toàn giao thông, có nói rõ về quy định này.

Bà Sự mang chiếc áo mới ra sân giếng giặt. Tấm áo này bà sẽ để diện hôm đi họp phụ huynh. Từ hồi thằng Long còn học tiểu học, bà Sự toàn đi họp thay cho bố mẹ nó. Họp vào Chủ nhật nhưng đa phần là đều vào những hôm công ty tăng ca, mẹ nó đều phải đi làm, có lần không vướng bận việc công ty thì nhà lại có đám cưới, đám giỗ. Thành ra mỗi lần có giấy mời họp phụ huynh, thằng Long lại mang về đưa ngay cho bà.

4. Bà Sự đi họp về khá muộn. Chiều Chủ nhật, công ty cho về sớm hơn nên cô Luyến đã vào bếp chuẩn bị cơm nước. Bà Sự cất cái nón, ra chiếc chõng tre ngồi rót cốc chè xanh từ chiếc tích ủ trong giành ra uống, uống cạn cốc nước bà mới chậm rãi:

- Chả hiểu cái loại thuốc lá điện tử nó có sức hấp dẫn đến thế nào mà ở trường của thằng Long đã có trường hợp học sinh lén lút sử dụng và bị ngộ độc rồi đấy mẹ thằng Long ạ. Nghe nói mà phát sợ. Bọn trẻ bây giờ đua đòi thật.

- Thế à bà. Mấy bữa trước con mới chỉ nghe nói ở trên thành phố. Thế mà giờ nó đã về đến xã mình rồi cơ ạ? Con nghe kể loại ấy phần đầu lọc có chứa nicotine và hỗn hợp chất tạo mùi thơm, có nguy cơ trộn hương vị và cả chất ma tuý nữa đấy ạ. Nếu hút sẽ dễ phơi nhiễm các chất độc gây nhiều bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng cả đến phát triển trí não bà ạ.

- Thì đấy, chính vì mức độ nguy hiểm như vậy nên trong cuộc họp phụ huynh lần này, bên công an xã cũng sang thông tin, tuyên truyền để phụ huynh nắm được tác hại của thuốc lá điện tử và một số quy định của pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá. Các bậc phụ huynh cần phải theo dõi, giám sát, nhắc nhở con em mình.

Cô Luyến ra giọng nhờ cậy:

- Bà ở nhà nhớ để ý thằng Long giùm con với nhé. Lứa tuổi của nó bây giờ dễ đua đòi, nổi loạn, dễ sa đà vào các tệ nạn lắm. Bố nó lại xa nhà thế.

Bà Sự thở dài. Bọn trẻ thời nay đúng là rảnh rỗi sinh nông nổi. Thời bà và bố thằng Long đi học về còn phải ra đồng làm bục mặt ra mới có bát cơm nâng lên miệng, mà ăn còn chẳng đủ no. Nhiều bữa phải ăn độn cơm với khoai, sắn. Thức ăn nào có gì, phải đội nắng ra đồng để tát vạt mới có con tôm, con tép mà ăn. Bây giờ ngoài đi học ra chúng nó có mấy khi phải động tay, động chân. Nghe nói một cây thuốc lá điện tử đâu có rẻ, đến mấy chục ngàn mà lứa tuổi học sinh cũng rủ nhau mua, hút hít. Thuốc độc vào người chứ có sung sướng gì. Cái tuổi tò mò, thấy bạn rủ rê là cũng muốn thử xem sao. Từ hôm đi họp phụ huynh về bà Sự đâm lo. Nhắc thế, quán triệt thế chắc gì bọn trẻ đã biết sợ. Bà bắt đầu để ý tới thằng Long. Xem thằng cháu mình có dấu hiệu gì của việc hút hít không. Mà gần đây bà thấy nó hay ở lỳ trong phòng. Thi thoảng có thằng Tuấn đến, chỉ chơi ngoài sân một lúc rồi hai đứa lại thậm thụt kéo nhau vào phòng đóng cửa im ỉm. Chúng nó bảo đến ôn bài, học nhóm cùng nhau. Chả biết có phải không.

Dạo này cây ổi găng ở mé bờ ao chíu chít quả. Ổi đang vào độ chín, thơm lừng góc vườn. Có mấy quả đã bị chim khoét từ bao giờ. Lũ chim này rất thính. Nhiều vụ chim còn được thưởng thức trái chín trước cả chủ vườn. Chúng mổ khoét chán rồi làm rơi rụng xuống gốc cây. Vài cành ổi vươn ra tận ngoài ao làm bà vất vả phải lấy cái mỏ kèo nèo kéo mãi mới đưa tay vặt được. Ổi găng thơm ngọt, dễ ăn. Chỉ trong chốc lát mà bà đã hái được lưng rá ổi. Bà Sự bê rá ổi đến trước cửa phòng thằng Long, gõ cửa. Có tiếng loẹt quẹt trong phòng, tiếng thì thầm to nhỏ. Bà gõ đến lần thứ ba, mới thấy thằng Long ra mở. Nó gãi đầu cười trừ:

- Sao bà phải mất công mang lên tận phòng cho con thế làm gì. Lần sau bà cứ để trong tủ lạnh, lúc nào ăn con lấy là được rồi bà ạ.

Bà ngó vào phòng, trên bàn học, sách vở đang mở. Có lẽ nó đang bận học, không muốn bị ai làm phiền nên bà lại quay ra.

5. Ngoài cổng râm ran tiếng chó sủa. Bà Sự càu nhàu, lên tiếng quát vài câu. Con Mỡ chỉ còn gừ gừ mấy tiếng rồi lùi lại cuối sân và im bặt. Bà tưởng có người đi qua cổng con Mỡ mới sủa vậy. Lát sau, nhìn ra đã thấy mấy chú công an khẩn trương bước vào nhà.

- Chào bà. Qua công tác theo dõi, nắm bắt tình hình được biết nhà ta có người có hành vi chế tạo pháo nổ, vi phạm Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Chúng tôi xin được thực hiện nhiệm vụ của mình.

Bà Sự ngớ người, chưa hiểu rõ ngọn nguồn sự tình thế nào thì đã thấy có hai chú trung uý khẩn trương đi kiểm tra, khám xét khắp các phòng. Bà bắt đầu hoang mang. Không dưng, đang yên đang lành công an lại tự nhiên đến nhà bà vô cớ. Chả lẽ là thằng Long và thằng Tuấn đã làm việc này. Lẽ nào vừa qua chúng lén lút trên phòng để làm chuyện khuất tất nên lần nào đi qua phòng cũng thấy hai đứa đóng chặt cửa. Bà lại cứ tưởng chúng nó chăm học, chuẩn bị cho thi cử, kiểm tra gì đó. Nhưng công an đến nhà là không hay rồi. Bà luống cuống quên cả rót nước mời Đại uý Minh vẫn còn đang ngồi ở phòng khách với mớ tài liệu:

- Chú xem, liệu có nhầm không chứ. Nhà chỉ có bà cháu tôi, vợ chồng con trai tôi đi làm suốt còn ai nữa đâu.

Đại uý Minh từ từ để túi hồ sơ trên bàn, giọng ôn tồn:

- Bà cứ yên tâm. Đợi chúng cháu làm xong việc sẽ rõ ngay thôi.

Bà sốt ruột, chốc nhát lại nhìn quanh, lo lắng. Chẳng biết họ có tìm được gì ở nhà bà không. Chẳng cần bà phải đợi lâu. Chừng mười phút sau bà đã thấy thằng Long và thằng Tuấn khúm núm sợ sệt từ trên phòng tầng 2 bước xuống cùng hai chú công an. Thằng Long lắp bắp van xin:

- Cháu xin các chú ạ. Đây là lần đầu lỡ dại cháu vi phạm thôi. Cháu sẽ không dám tái phạm nữa đâu thưa các chú.

- Biết lỗi vi phạm thế là tốt đấy ông tướng. Trước tiên xin mời hai bà cháu ký vào tờ biên bản này đã.

Bà Sự hoảng hồn. Không ngờ họ lại phát hiện nhanh thế. Tài thật, làm sao họ biết được mà đến đây. Đến bà ở ngay trong nhà còn chẳng biết chúng nó làm việc tày đình này. Bà nhìn vật chứng được mang ra từ phòng thằng cháu mà chết lặng. Trên bàn là 1kg hoá chất, 19 dây dẫn, 22 quả pháo nổ đã được làm, 30 vỏ pháo giấy cùng 5 cây thuốc lá điện tử mà mấy chú công an vừa thu giữ. Bà có biết nó cất giấu ở chỗ nào và chế tạo như thế nào đâu. Thằng Long gan to thật, dám lên mạng mua hoá chất và xem video công thức, hướng dẫn rồi cùng với thằng Tuấn rủ nhau mày mò chế tạo pháo. Nó có thiếu thốn gì đâu, nhưng vì tò mò muốn sử dụng và để bán trong dịp Tết lấy tiền tiêu xài mà nó dám làm việc nguy hiểm chết người. Nó lại còn gieo rắc mối độc hại của thuốc lá điện tử đến với bọn trẻ xung quanh. Hôm đi họp phụ huynh về, bà nhớ đã nhắc nhở nó tránh xa thứ gây nguy hại đến sức khoẻ ấy rồi còn gì.

Đại uý Minh đưa cho bà xem những hình ảnh về hậu quả từ việc sơ suất trong quá trình chế tạo pháo dẫn đến tai nạn thương tích. Có những trường hợp phải nhập viện cấp cứu, điều trị trong tình trạng đa chấn thương, phải cắt cụt chi, mù mắt. Bà rùng mình, vụ phát nổ ở Quảng Nam khiến 1 cháu học sinh bị tử vong còn cháu kia bị thương rất nặng trong tình trạng bị nát cánh tay và bỏng toàn thân, gương mặt rúm ró đến là sợ.

- Chúng tôi sẽ tịch thu tang vật, lập hồ sơ xử lý, mời các cháu và gia đình ra trụ sở công an xã làm việc.

Vừa thương vừa giận, bà nhìn thằng cháu quý tử đang sợ sệt cúi gằm mặt, tay níu lấy tay bà run rẩy. Thôi thì trong cái rủi còn có cái may. Nhà bà vẫn còn phúc. Con dại cái mang. Tội đến đâu phải chịu trách nhiệm đến đấy. Biết làm sao được. Nếu hôm nay không nhờ mấy chú công an bắt quả tang, phát hiện kịp thời, ngộ nhỡ có ngày đến lượt thằng Long gặp rủi ro như những trường hợp mấy cậu học sinh ở Quảng Nam thì tương lai của nó chẳng phải vào ngõ cụt, sao còn có thể tiếp tục học hành. Nói dại chứ có khi bà cháu còn không được gặp nhau nữa kia. Hiểm hoạ từ pháo nổ đâu có chừa một ai.

Bà Sự cùng thằng Long thất thần bước thấp bước cao ra đến cổng, con Mỡ chậm rãi theo sau vẻ mặt buồn thiu.
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Dưới vòm đại thụ(02/10/2024)
Lời Mỵ Nương(02/10/2024)
Truyện ngắn "Vết lăn trầm" của Trần Quỳnh Nga(02/10/2024)
Muôn người nhớ mãi(02/10/2024)
Từ Nhà Rồng tới hang Pác Bó(02/10/2024)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na