Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Truyện ngắn "Người còn sót lại trong làng" của tác giả Vũ Tuyết Mây
16/02/2024 12:00:00

Sau bữa cỗ giỗ cụ, ông anh họ từ chiếu trên sà xuống chiếu dưới, đủ những anh chị em không cùng vai vế, tuổi tác, khác cả ngành nghề lẫn trình độ văn hóa, đang uống nước, bù khú cho thỏa một năm mới có một ngày hội tụ. Anh họ vỗ vào vai tôi cười hị hị:

- Thú thật, hôm nọ anh phải nhờ cái vía của chú, kèo cả ông cụ Bổng vào mới mở được con ngõ của xóm, bây giờ thênh thang lắm, gió vào nhiều lắm, lát chú qua xem!

Nghe đến cái danh của tôi có chút giá trị, lập tức trí tò mò của tôi được kích lên, tôi quay hẳn người sang phía ông anh họ hỏi dồn:

- Cái cổng nhà bác có chuyện gì? Sao lại liên quan đến em!

Anh họ cười khoái chí:

- Chóng quên thế! Là chuyện mở đường chứ còn chuyện gì! Đất cát, chỉ cần một bụi gai, để thì chó bậy, hàng xóm đụng vào chửa biết chừng mà dao kiếm, anh em ly tán, thế mới nói nông thôn bây giờ phức tạp lắm mà nị! Nhưng mà sao hôm ấy trời xui đất khiến thế nào, đúng vào cái lúc gay cấn nhất, thì trí thông minh của anh nó lóe lên, anh nhớ đến chú! Hí hí!

Trong khi tôi hồi hộp thì anh họ lại nhẩn nha ngọn cành:

- Là theo chủ trương xây dựng nông thôn mới, thì con ngõ vào xóm nhà anh, phải lẹm vào mảnh vườn nhà tay Thế chừng hai gang tay bề ngang, còn bề dài dễ đến gần hai chục mét.

Tôi khẳng định:

- Tốt quá, đường rộng, xóm quang, gió nhiều, anh Thế là con trai lớn của cụ Bổng phải không? Anh này em biết từ bé đã theo bố sòng nước bắt cá từ đồng trên xuống đồng dưới như thằn lằn.

- Ô đúng quá! Mấy chục năm xa làng mà chú còn nhớ thế nhỉ! Sau này bốn bố con ông cụ còn bắc gàu sòng dàn hàng ngang, tát cạn cả một khúc sông làng ta. Bây giờ bốn đứa con ông cụ Bổng làm bốn khoảnh bãi dưới bờ sông, chăn nuôi đủ loại cá mú, lợn gà, xung quanh ổi, chuối tốt như rừng. Tay Thế đã to khỏe, lại được nhuộm bùn nên đen bóng và hầm hố như con trâu mộng, hắn chỉ cần nói to một câu, người như tôi không được chuẩn bị trước về tinh thần, chửa biết chừng mà khụy!

 
 

Chuyện riêng tư giữa hai anh em mới đến đấy, xung quanh đã cười rộ lên, hóa ra cái chiếu dưới của chúng tôi lại có duyên, loáng cái đã có tới bảy tám người vây vòng ngoài. Ông anh họ phấn khích:

- Hôm ấy xóm láng nhà nào nhà ấy quân quyền, xi măng, cát gạch, xe bốn bánh, cuốc xẻng chật cứng con ngõ chuột chạy, khí thế mở đường đang bừng bừng, thì vào đến đoạn cắn với cái đầu vườn nhà tay Thế. Vậy là chẳng ai bảo ai, tất cả cứ đứng chống cuốc nhìn nhau, như trời trồng giữa cái nắng chang chang. Ông cụ Chín, chuyên tắm truồng ở cái cầu ao cạnh bụi tre, nhớ chứ? –Nhớ chứ sao không nhớ - tức khí, lớn tiếng: toàn những đứa hèn, rồi thông thốc đi thẳng vào nhà hắn, nhưng mà một tí đã thấy tay Thế lưng bụng trần trùng trục, mặt đỏ phừng phừng, chạy té ra đứng giữa vườn, mồm phùng phạo:

- Ông nào làm mẻ một mẩu măng tre nhà tôi, tôi bắt trồng lại cả hàng tre này. Ai thích rộng thì nhấc cái ngõ này đặt ra ngoài đường lớn mà đi, bao nhiêu năm nay chẳng sao, giờ đòi rộng, lớn, phởn.

- Chúng tôi làm đường cho cả nhà anh cùng đi cơ mà.

Anh nhẹ nhàng làm dịu, không ngờ:

- Cứ để mẹ cái nửa nhà tôi lại, không ai nhờ các anh. Tôi nói lại, trước thế, giờ vẫn thế, cấm suy chuyển?

Ôi trời, ai nấy im thít. Đúng lúc ấy tôi chợt nhớ đến mối quan hệ thân tình giữa chú và ông cụ Bổng. Tôi bèn bước đại qua cánh cổng nhà Thế cười xuê xoa làm vẻ hạ mình:

- Chào ông anh! Dạo này ông cụ nhà ta có khỏe không, mấy lần vào chơi nhà chú em tôi, đều gặp ông cụ nhà mình ở đó. Hế! không hiểu tiền duyên thế nào, tuổi tác hai người thì cách xa nhau, mà chuyện trò lại tâm đầu ý hợp thế cơ chứ! Mà cũng lạ, ông cụ cả đời chân lấm tay bùn, mà ngồi với nhà văn hóa, thơ văn cứ tuôn chảy ào ạt như nước bơm về đồng! Nghe cô em tôi kể, chủ nhật nào cụ cũng đảo qua hỏi dò xem, chú em tôi có về không? Quý hóa thế cơ chứ!”.

Chẳng ngờ, cuộc chiến tranh đất cát lại quay ngược với chiều hướng đang căng thẳng:

- Ừ. Kể ông cụ nhà tôi cũng buồn cười thật, có lần tôi chứng kiến mới ba giờ sáng ông cụ đã hý hoáy bấm bấm, xóa xóa điện thoại, tôi phải ngăn cụ lại: “Đang nửa đêm gà gáy bố gọi cho ai thế, người ta mắng cho đấy!”. Ông cụ vội tắt phụt, rồi cứ ngửa mặt lên nóc nhà mà cười “Ối giời, tại cái con gà nó gáy, nhìn ra sân tao tưởng trời sáng, hóa ra sáng trăng à? Là tao vừa nghĩ ra mấy câu thơ, định hỏi ý kiến cái nhà bác văn hóa, xem thơ có vừa tai không. Thế có chết không, hí hí”. Có gì đâu, cụ ngủ từ chập tối, đẫy giấc là lọ mọ. Mà thôi, suy cho cùng mấy tấc đất chết cũng chả mang được đi, tôi đồng ý cho xóm lấy đất mở đường đấy, đúng bốn mươi phân là bốn mươi đấy nhé! Chặt hết trúc thì tôi xây tường bao. Tường bao tôi cũng tự làm. Nhưng mà lúc nào gặp ông cụ tôi, ông nói hộ vài câu là tôi hiến đất cho xóm, mà không có í ới gì đấy nhé, kẻo ông cụ lại túm cổ áo mà mắng, thì mất mặt với vợ con lắm.

- Ôi giời! Vậy mà chúng tôi đứng ngoài cổng lại tưởng trời sắp sập.

Mọi người cười ồ cả lên như cởi được gánh nặng, máy trộn bê tông, xe cút kít, cuốc xẻng lại tấp nập, chí chát át cả cái nắng hè đang đổ xuống hừng hực, không một gợn gió. Từ hôm ấy vị thế của tôi với xóm láng cao hẳn lên, hí hí, chuyện thật như đùa!

Câu chuyện của ông anh họ, khiến cả mấy chiếu cùng hưởng ứng bằng những tiếng cười, tiếng pha chuyện ồn ã. Ông anh rể ngồi mãi cuối chiếu có máu đùa tếu, nghe nhắc đến tên cụ Bổng, hình như chạm đúng cái lạch của anh, nên anh chống ngay một cánh tay xuống chiếu, một tay huơ huơ trước mặt, vẻ trịnh trọng:

- Các cô chú đang nói chuyện về “Bổng sư phụ” của chúng tôi phải không? Muốn nói chuyện cụ Bổng thì phải chuẩn bị khăn lau nước mắt trước đã!

Mới có vài lời mở đầu, chẳng hiểu sao cả chiếu cứ cười rộ như pháo tết. Tôi cũng cười hơ hớ hưởng ứng. Vừa cười tôi vừa vỗ vào vai mấy chị em ngồi cạnh hỏi dồn:

- Sao lại gọi là “Bổng sư phụ”? Lại còn khăn lau nước mắt là thế nào?

Mấy chị em ngồi xung quanh lấy ống tay áo chấm nước mắt cắt nghĩa:

Bọn đàn ông ở làng này đặt tên cho cụ đấy. Nhưng mà cũng tại tính cách ông cụ này buồn cười lắm, cười đến chảy nước mắt ấy?

Anh rể tôi được thể nhấc hẳn một bên mông, giơ cao cánh tay làm hiệu cho mọi người chú ý nghe anh nói:

- Chú có biết “Bổng sư phụ” tạo lập dinh cơ cho con trai thế nào không? Cụ ấy từng đấu thầu cả cánh bãi ven sông, cách biệt với làng ta, rồi một mình một mủng, một mai đào đất dưới sông, chở vào đắp bờ, khoanh vùng, bên trong chia thành bốn ô, mỗi ô rộng hàng mẫu. Bốn thằng con, thằng nào lấy vợ cụ lại dắt ra khu bãi sông ấy, trịnh trọng tuyên bố: “Bố cho vợ chồng mày một dinh cơ” há há! Dinh cơ là bãi đất trắng, nước mênh mông.

Vậy là một trận cười nổ ra tràn ngập cái sân lát mấy trăm viên gạch vuông:

- Ô, thế những ông con cũng chấp nhận rời làng xuống cái chỗ khỉ ho cò gáy ấy à? Tôi ngỡ ngàng.

- Không xuống bãi thì lên giời chắc? Nhà quê bây giờ có chỗ trú chân đã khá, lại còn có bùn đất rộng rãi, tha hồ mà vùng vẫy chả sướng quá, còn chê cái nỗi gì? Đến bây giờ cá quẫy dưới ao, vịt, gà từng đàn trên bờ, xung quanh xanh liễng chuối tiêu, đu đủ, ổi mỡ ai cũng thèm rỏ dãi ấy chứ. Thế mới biết “Khôn đâu đến trẻ” là vậy. Cả làng phải thừa nhận ông cụ có con mắt tinh đời, tầm nhìn của cụ xa đến mấy chục năm, mới tôn cụ làm Sư phụ là quá đúng.

- Thôi cái chuyện bốn cái “dinh thự” dưới bãi sông ai cũng biết rồi, bây giờ bác kể cái chuyện ra đình, cho các cô chú ở xa về nghe đi. Chị họ ngồi gần nhắc chuyện:

- Từ từ, chuyện nổi tiếng như thế phải để về cuối cho đậm chứ! Pha ấm chè khác.

Anh rể cao hứng:

- Nhưng mà tôi phải nói trước, chuyện thánh thần cũng không là cái thá gì, là chuyện của “Bổng Sư phụ”, không phải tôi đâu nhé!

Tiếng phụ họa ồn lên:

- Đã bảo chuyện của cụ Bổng mà nị! Thôi kể đi!

- Chuyện là thế này, hội làng, “Bổng sư phụ” bỏ hẳn ra hai mươi triệu đồng, toàn tiền bán bầu, bí, cà chua, bắp cải, đặt làm một con ngựa tía dài hai mét rưỡi, cao một mét tám, sai bảy thằng cháu nội, ngoại dinh ra đình làm lễ cúng Thành hoàng. Trịnh trọng lắm. Nhưng mà vừa cúng sáng, chiều đã thấy cụ thắp hương, sì sụp khấn vái trước ban thờ rằng: Con xin các ngài tha lỗi chứ, từ nay con đấm thèm vào đình với miếu, toàn bọn nhố nhăng, chúng làm xiếc trước mắt các ngài mà các ngài cứ để yên. Rồi lại hô bảy đứa cháu nội, ngoại ra đình rước ngựa về dựng ở đầu ngõ.

Tiếng cười lại rộ lên, có người xịt xoạt xì mũi.

- Chuyện thế chú bảo chó đá cũng phải cười, chứ đừng nói đến bọn tôi. Việc này có xứng là chức danh sư phụ của bọn bất cần đời không? Không còn phải bàn cãi gì nữa nhé! Cái hôm đầu tiên tôi gọi “Bổng sư phụ” thăm dò, những tưởng cụ không chửi cũng phải mắng té tát vào mặt, nào ngờ, ông cụ cứ ngửa mặt lên giời mà cười vẻ rất khoái chí, khen chúng tôi tinh ý, bắt đúng cái thần của cụ.

- Nhưng mà kể những việc làm ấy, thì cụ cũng là trường hợp hiếm gặp đấy. Tôi khẳng định.

Lần này anh rể tôi chưa kịp lên tiếng đã bị ông anh họ trong nhóm thợ trang trí gốm, mệnh danh là kho lưu giữ những truyện bi hài trong làng cướp lời:

- Cũng chẳng oan với mấy bố trong Ban di tích, đã chi tiêu tiền công đức một cách mù mờ, lại còn cả vú lấp miệng em, thật ra cụ chửi là chửi mấy ông không minh bạch, nhưng mà là cụ nói tắt, lại nói chỗ đông người, họ tô vẽ mới thành chuyện cười như thế!

Câu chuyện đến đây thì ông anh cả, người chủ trì bữa cỗ giỗ cụ hôm nay, đúng bằng tuổi con cả cụ Bổng, ngồi xuống chiếu, thong thả vuốt vuốt cổ áo cho ngay ngắn rồi mới chậm rãi chỉnh đốn lại câu chuyện cho đỡ lệch sang phần tếu của đám chiếu dưới:

- Chú ít về quê mà cứ nghe mấy chú này, thì rồi cứ nhìn thấy ai ở cái làng này cũng chỉ thấy cái mặt cười, chứ thực ra cụ Bổng bây giờ là người hiếm hoi ở cái làng này đấy! Tôi xin khẳng định lại là “Người còn sót lại ở cái làng này” về mọi mặt, chứ không chỉ toàn những chyện bịa để cười cho vui đâu.

Thế rồi anh đưa mọi người vào câu chuyện mà theo anh là của “Người còn sót lại” trong làng:

- Công bằng mà nói, ông cụ này có hai cái hơn người, đấy là sức lao động và tính vô tư, yêu đời, cộng với cái tính khác người là khí khái. Nói về sức khỏe và sự làm lụng thì hiện tại ở cái làng này đố ai tìm được người nào gần chín chục tuổi, lưng còng, mắt mũi thì kèm nhèm mà vẫn gồng gánh, cuốc, xới, tưới tắm từ sáng sớm đến tối mịt, đủ mấy trăm ngày trong một năm, mà từ thùng vũng lên bờ vùng, hễ cụ để mắt đến chỗ nào là chỗ ấy lúa, khoai, rau, đậu mọc lên xanh um. Còn nói về sự vô tư, thì cái chuyện bỏ tiền đóng ngựa dinh ra đình, chỉ là chuyện nhỏ, chuyện thơ phú, chuyện nhảy vào những đám đánh nhau can gián mới là điều đáng nói.

Anh nhấn mạnh vào ý: Cười là khoái cái cách biểu hiện của cụ ấy chứ, người như cụ Bổng không phải nhiều, khiến mọi người vừa lắng nghe vừa có chiều suy nghĩ.

Anh rể cự nự - Mà cũng phải là người có tài mới tạo cho xung quanh, có được những trận cười sướng đến thế chứ!

Bỗng một người từ ngoài sân nói bắn tin vào trong nhà:

- Này! Tôi mời được cụ Bổng vào uống nước đây này!

Mọi người nhìn ra sân: Ối trời cụ Bổng. Thiêng thế chứ!

Cụ Bổng vừa cười vừa điềm nhiên bước lên bậc hè. Một số chị em rời khỏi chiếc chiếu đỏ rực những hoa và chữ, mời cụ Bổng ngồi. Tôi pha ấm trà mới mời cụ. Cụ Bổng đón chén trà từ tay tôi, miệng vừa cười vừa giãi bày:

- Tôi vốn là bạn cày với ông cụ nhà các bác. Sáng nay đi qua, thấy nhà đông người tôi sực nhớ ra hôm nay là ngày giỗ ông cụ, cũng định vào thắp cho ông cụ nén hương, nhưng lại ngại, bây giờ có bác mời vào uống nước, tôi cũng thấy vui vui, với lại nhân có đông đủ các bác, tôi vừa sáng tác xong một bài thơ mới, định để hội làng năm nay sẽ đem ra đọc, nhưng trước khi ra làng, tôi muốn đọc trước để các bác nghe, rồi góp ý cho tôi đôi lời.

Tôi hào hứng mời cụ đọc. Nhưng chờ mãi vẫn thấy cụ Bổng cứ cầm chén nước trên tay cười cười vẻ ngượng ngùng, chẳng thấy giấy má với thơ phú đâu, tôi sốt ruột giục cụ:

- Cụ lấy thơ ra đọc đi, con sẵn sàng nghe đây rồi!

Cụ lại cười và gật gù bảo, thơ tôi đã có ở trong lòng cả rồi, giờ tôi đọc các bác nghe nhé! Nói thế nhưng thêm đôi ba lần hắng giọng mà cụ vẫn chưa đọc được câu nào. Bỗng cụ nắm tay tôi, giọng khẩn khoản:

- Nhân hôm nay thời gian còn rộng dài, tôi mời bác bớt chút thời gian ra thăm nhà tôi, rồi tôi đọc thơ ở đấy để bác toàn tâm nghe, rồi còn chỉnh giúp tôi có được không?

Tôi nhận lời, cụ vui lắm vội vàng xin phép về trước, bảo để chuẩn bị trà, nước mời tôi không thì sái.

Từ cổng vào sân nhà cụ sâu hàng chục mét, tôi phải cúi lom khom để lách người đi theo lối vặn thừng, bởi trên đầu là giàn bí xanh dày xít những lá và hoa, trước mặt treo lủng lẳng những quả to bằng ống bương, bắp cày, dài đến vài gang tay. Trong sân chỉ chừa một khoảng bằng vài chiếc chiếu, còn lại min mít đến cả sào ruộng cũng toàn bầu bí. Rõ ràng giữa buổi trưa mùa hè mà trong nhà, ngoài sân cứ ngăn ngắt một màu xanh, và nếu đây là loại quả rắn, chắc nhiều người phải biêu trán khi vào nhà cụ. Tôi bật cười với cái chiến lược tận dụng không gian của cụ Bổng. Đoán biết suy nghĩ của tôi, cụ Bổng đưa bàn tay lên che miệng cười:

- Mời bác ra ngoài vườn và ao xem tôi có óc làm ăn không nhé!

Vẫn lại lom khom, lạng lách qua hàng lô những quả bí xanh dài chấm đất. Đến bờ ao, cụ bảo tôi vạch lá chui đầu lên cho đỡ mỏi lưng. Tôi thò được cái đầu lên trên đám lá xanh ngắt bỗng bật buồn cười đến rũ rượi, vì trước mắt tôi, trên đám lá trồi lên một gương mặt vừa nho nhỏ, vừa nhăn nheo, hai con mắt nhỏ chỉ bằng hạt hướng dương nhoèn dử nghếch lên trời, cái miệng cười hồn nhiên như đứa trẻ lên ba:

- Giàn bí này là tôi múc bùn giữa ao đánh vào bờ rồi làm hốc, bỏ hạt. Khi chúng nó bốc lên, tôi lại làm giàn dinh chúng nó ra ao. Còn cái giàn trên sân thì tôi gieo hạt tít chỗ đất mới kia rồi lại dinh nó vào trong sân, cho nó bò thỏa sức, vợ chồng già cần gì sân to, nhà cao cho gió rét. Thế này chưa hết đâu, tôi còn đến hai sào ngoài đồng nữa cơ, toàn đất vỡ hoang chứ chả lậm lạm của làng lấy một tấc.

- Ngoài đồng thì con biết rồi!

Cụ Bổng ngẩn mặt một thoáng rồi lại cười lớn. Có lẽ cụ cũng đoán được đám đàn ông ban nãy đã kể về vườn ruộng ngoài đồng của cụ với tôi.

Trở vào trong nhà, Tôi lấy giọng nghiêm túc:

- Con xin chắp tay vái sống cụ, con mà bằng tuổi cụ chắc thở chả xong nói gì đến cái vườn ao mênh mông, cây cối rậm rạp thế này!

- Thế này đã ăn thua gì với cái thời trai trẻ của tôi! Cái năm tôi mới mười bảy, mười tám gì đó, các cụ nhà tôi có hàng chục mẫu ruộng, nhà chỉ có mấy mẹ con với vài con trâu mà việc đồng áng cứ đi băng băng.

- Nhưng sao con thấy cả đời cụ toàn những tát túm, đào ao, ngăn bãi chứ có thấy của nả thừa kế gì đâu?

- Vâng, chuyện của tôi khó nói lắm. Tiện hôm nay bác ra chơi tôi sẽ kể bác nghe, nhưng trước khi kể chuyện đời thì bác phải nghe thơ tôi cái đã.

Lần này nói thế là cụ đọc ngay. Cụ đọc thơ, mắt lim dim, đầu lắc lư như lên đồng. Bài thơ của cụ dễ đến cả chục trang văn vần, mà cứ tuôn như nước chảy trong lòng con mương, như những gánh lúa vàng tỏa vào các ngõ, như mưa xối xuống cánh lúa non, không hề ngắc ngứ một lần, khiến tôi vừa ngạc nhiên, vừa có cảm giác những con chữ đang bay lượn trước mắt, trên nóc nhà, trong các vườn bầu, vườn bí. Đọc xong cụ cứ để nguyên cái miệng há, cặp mắt dấp dính nước chăm chắm nhìn vào mắt tôi, chờ đợi từ miệng tôi đưa ra lời vàng ngọc. Ngẫm nghĩ một lát, tôi bèn động viên cái tinh thần mê đắm thơ ca của cụ bằng lời lẽ khích lệ, rồi lựa cơ chuyển làn sang cuộc sống hiện tại:

- Thơ của cụ rất lạc quan, yêu cuộc sống, lại sâu nặng nghĩa tình với Đảng, Bác và dân làng ta, nhưng con phục nhất là cái tài sáng tác thơ của cụ không cần ghi ra giấy, mà cụ đọc bài thơ cả ngàn con chữ vẫn không vấp một câu. Bài thơ này mà đem ra làng, con cam đoan đố ai hơn được cụ. Nhưng mà nghe nói cụ cuốc xới từ sáng sớm đến tối mịt thì làm thơ vào lúc nào?

Cụ Bổng cười một hồi, rồi rút khăn ra lau nước mắt và mồ hôi, xong mới giãi bày:

- Mỗi buổi sáng thức dậy, việc đầu tiên là tôi làm mấy vần thơ rồi mới bắt tay vào các công việc của một ngày. Một ngày của tôi là lao động tự kiếm lấy cái ăn, lấy tiền thuốc thang chữa bệnh cho bà vợ, tính đến nay bà ấy đã nằm liệt giường tám năm rồi, thế mà vợ chồng tôi vẫn không làm vướng bận đến con cháu.

Tôi cảm động cầm hai bàn tay thô ráp của cụ nắn nắn rồi động viên:

- Cụ sống ân tình mới nhận được phúc, lộc bằng tuổi cụ nhiều người đã về với tổ tiên lâu rồi, đã thọ lại còn lao động giỏi, chẳng vướng bận đến con cháu, người như cụ hiếm lắm, hiếm lắm, chắc làng ta chỉ còn sót lại có mình cụ thôi. Một lần nữa con bái phục cụ!

Nghe xong câu nói của tôi, cụ Bổng ứa ra hai hàng nước mắt:

- Các con tôi được tôi sinh ra, ăn ở với tôi gần hết cuộc đời, cũng chưa có được lời nào như bác, hiểu được cái nghĩ của tôi như bác. Bây giờ thì tôi không còn phải nghĩ ngợi gì với cuộc đời nữa. Nói thật, nếu tôi không có ông giời phù hộ, thì có đến mấy đận phải chết mất xác nữa rồi? Để tôi kể mấy cái chuyện thần kỳ của đời tôi cho bác nhé:

Cái năm Cách mạng về, mẹ tôi cho đào một cái hầm ở trong nhà, rồi đón ba anh cán bộ Việt Minh về nuôi giấu, tôi được cử làm liên lạc, cứ đêm đêm lại cầm thư của các anh cán bộ ở nhà mình, đem đi cho các anh nằm hầm bí mật ở ngoài cánh đồng.

Được vài tháng thì tôi bị địch phục kích, bắt được đúng vào cái đêm trời rét căm căm, chúng khám người tôi, lôi được tài liệu bí mật. Địch trói tôi vào gốc cây gạo đầu làng, rồi cho hai thằng việt gian đứng hai bên. Cứ mỗi một câu “Việt minh ở đâu?”, tôi bảo “Không biết”, nó lại đấm một quả vào mồm. Ngoài thì chịu đòn, nhưng trong bụng lại nghĩ chắc mình không qua được đêm nay. Nhưng mà tôi chịu đòn giỏi lắm, mấy lần choáng quá không còn biết gì nữa, chúng lại lấy nước dưới rạch hất vào mặt tôi.

Tỉnh lại tôi thấy máu mồm, máu mũi phun ra ướt cả ngực áo, tôi càng căm thù chúng nó mà quyết không khai.

Đánh chán, nửa đêm chúng nhốt tôi vào chuồng trâu của nhà tay cường hào, định sáng mai đem ra tra tấn tiếp cho đến khi nào tôi khai ra cán bộ ta, để chúng còn tâng công với quan thầy của nó.

Được tin, ngay đêm ấy, mẹ tôi tìm người bán sạch nhà cửa, trâu bò và ruộng nương, cầm tiền đi đút lót đám cường hào, lính dõng. Trưa hôm sau tôi được thả thì sáu người lớn bé, gồm bà nội và năm mẹ con tôi không còn chỗ nương thân, bát gạo cũng không còn. Được bà con xóm làng giúp đỡ, gia đình tôi gồng gánh đưa nhau ra cái đống tha ma cuối làng, dựng một túp lều ở tạm, rồi đi mò con cua, con ốc bán.

Tôi kêu lên:

- Trời ơi! Thế mà cấm thấy cụ kể với ai về chuyện này! Bây giờ cụ có được hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước không?

- Dào! Tí chuyện đòi hỏi làm gì? Cách mạng đem lại tự do, ruộng đất, trâu cày cho mình, nhiều người còn mất người, mất của lớn đến đâu ấy chứ. Suy cho cùng tôi có bốn thằng con thì có bốn dinh cơ, tha hồ chúng nó vùng vẫy rồi còn gì, của Cách mạng đấy chứ của ai cho. Với lại nói thật, lúc ấy vì tôi là độc đinh, mẹ tôi lo mất giống nên sau vụ ấy thì giữ chặt tôi ở nhà, rồi bắt lấy vợ. Bây giờ các cụ tôi có hẳn một đàn cháu chắt, đấy là vàng ròng, là hơn người khác rồi!

Lại nói, cái năm thằng Mỹ ném bom phá đê, tôi đang làm đội trưởng sản xuất, xã cử tôi lên nhận phần đê để đắp điếm. Giữa lúc cả bọn đang lúi húi đo đo, tính tính ở trong cái khúc đê hôm trước bị bom Mỹ, thì thình lình máy bay nó quay lại dội bom. Tôi bị văng xuống bờ sông, máu phọt ra tai. Ối giời, ai cũng bảo mười phần chết chín. May bận ấy chỉ bị sức ép. Thế mà về nhà nghỉ ngơi, thuốc thang vài bận lại dẫn quân lên đê như thường.

Còn đận thứ ba là trận chống chọi với bão lũ nguy hiểm chả khác gì đánh giặc đâu bác nhé! Thật đấy. Tôi mà nói sai thì trời vật tôi chết ngay tại đây. Năm ấy có trận mưa lũ lớn, nước trên mạn ngược dồn về, trên trời, dưới nước, nguy cơ vỡ đê đến chín phần. Nửa đêm trống dồn, trên lệnh về lấy tinh thần xung phong đi hộ đê, tôi xung phong đầu tiên, vợ con hốt hoảng la khóc rầm rĩ, bảo tôi đâm đầu vào chỗ chết? Tôi quát tướng lên:

“Cái nhà này muốn tôi chết chắc? Chưa đi mà đã khóc là có ý đưa ma tôi phải không? Tôi chết cho cả nhà này sống có hơn tôi không đi để tất cả cùng chết không?”.

Gớm mới có mấy câu thế mà tất cả im thít. Hú vía, trận ấy đê không vỡ mà người lại lù lù về. Giời phù đấy bác ạ!

Tôi thở một hơi dài nhẹ nhõm cả người, sau những câu chuyện căng thẳng liên quan đến sống còn của bao con người. Bỗng tôi sực nhớ đến chuyện cười của các anh chị trong chiếc chiếu hoa ban nãy, nên hỏi đùa cụ:

- Con còn nghe kể, cái năm trời làm rét buốt, trâu bò đổ nhiều, có một con thụt xuống bùn ở bờ sông rồi nằm đấy mà chết, cụ ra ôm cổ nó khóc rưng rức, làm nó cũng chảy nước mắt, còn những người trong làng được mẻ cười phải không cụ?

Cụ Bổng buồn xịu mặt xuống:

- Chắc các bác cũng biết đôi chút, chứ tôi thì không thể nào quên cho được những năm hợp tác xã còn chế độ bắt vé trâu luân phiên theo đầu sào, nhiều nhà đối xử với con trâu tệ bạc lắm, thế mới có câu “Ăn giả, làm thật là giống trâu mà”. Vụ cày bừa, con trâu về tay nhà nào, nhà ấy tranh thủ vắt kiệt sức nó rồi sang tay nhà khác, nhà nào tử tế còn cho nó miếng cỏ tươi, còn lại trưa tối chỉ có vài cái rơm khô, cái cỏ héo, đến cuối vụ con nào con nấy chỉ còn xương với da. Chúng nó yếu đến nỗi đi không nổi, có con quỵ xuống giữa đường cày, nói gì đến thụt bùn. Sống bằng đồng ruộng mà không có con trâu thì chết đói chứ còn làm được cái gì mà chả khóc.

Cái hôm con trâu quỵ xuống đám bùn dưới bờ sông, giá người ta thương nó chắc sẽ có cách đưa được nó lên bờ, đằng này một số người thấy vậy đã nghĩ đến chuyện lột da xẻo thịt nó. Còn tôi, tôi thấy nó cứ giương đôi mắt ướt mèm nhìn tôi như cầu khẩn. Không nén được, tôi khóc nó như khóc đứa con xấu số của mình, rồi quay sang chửi cho cái tay cán bộ ấy một hồi, vậy mà bọn nó cứ nhăn răng cười như là nó cười nhạo cái lão gàn dở: “Đồng làng ta sắp thay trâu sắt hết rồi, ông không phải lo nhiều đến thế”. Bác bảo bọn chúng nghĩ thế thì còn ai thương lũ trâu nữa!

Câu chuyện đến đây ông cụ Bổng cúi gù lưng xuống, nâng vạt áo lên lau nước mắt, khiến thân hình cụ như bị vo lại, nhỏ thó. Nhìn cụ, trong lòng tôi trào dâng những kỷ niệm buồn về một thời, cả con người và loài vật long đong, đói rét trên những đường cày. Chờ cho cơn xúc động của cụ lắng xuống, tôi nhẹ nhàng an ủi cụ:

- Ở đời, cũng còn nhiều những chuyện khổ đau, may rủi, nhưng mà cụ vẫn được sống, được khỏe mạnh mà vùng vẫy trên những mảnh vườn, đám ruộng làng mình, cũng là niềm hạnh phúc rồi cụ ạ!

Bỗng cụ Bổng buông vạt áo, ngẩng lên nhanh nhảu:

- Thế tôi mới nói, tôi được ông giời thương mà bù cho cái sức khỏe, cái chí làm ăn. Tôi nói không phải tự hào chứ, ngoài tám chục tuổi rồi, mà mỗi bữa vẫn đủ ba bát cơm, một ngày gánh vài chục gánh nước, cuốc xới chăm bón cho mấy trăm gốc bầu, bí, su hào, bắp cải, lại còn đình đám trong làng, ngoài xã chẳng chỗ nào không có công sức của tôi! Nói bác bỏ quá cho chứ, những người bằng tuổi tôi ở cái làng này, đã ra đi vãn rồi còn gì, có vài ba cụ còn sống thì cả năm chả thấy ló mặt ra ngoài, hỏi tôi không sung sướng, thì ai sung sướng vào đây! Tôi nghĩ thế có đúng không bác!
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Chợ quê ngày giáp Tết(15/02/2024)
Xuân(15/02/2024)
Xuân đã về (15/02/2024)
Truyện ngắn "Khách du xuân" của tác giả Khúc Hà Linh(15/02/2024)
Chào năm mới khí thế mới, thắng lợi mới!(15/02/2024)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na