Đảng ta ra đời từ mùa Xuân – Xuân Canh Ngọ năm 1930, đến Xuân này là 93 xuân. 93 mùa Xuân đất nước ta có Đảng. Từ mùa Xuân năm 1930, Đảng với mùa xuân gắn bó làm một. Nói đến Đảng là nói đến mùa Xuân – mùa Xuân biểu hiện những gì tốt đẹp nhất, sức sống mãnh liệt vươn lên từ mùa xuân, mùa xuân khát vọng đất nước ngày càng giàu mạnh, thịnh vượng sánh vai với các cường quốc trên thế giới như mong ước của Bác Hồ kính yêu – Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Nhớ ơn Người, chúng ta nguyện cùng nhau thực hiện thật tốt di chúc của Người. Trước lúc đi xa, Người còn dặn lại: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Để làm tròn sứ mệnh vinh quang, cao cả của mình, Đảng không ngừng đổi mới, củng cố rèn luyện về tư tưởng, tổ chức, công tác xây dựng Đảng luôn được nêu cao là “then chốt” trong suốt tiến trình của các giai đoạn cách mạng.
Trước mùa xuân mới, nhân ngày thành lập Đảng 03/2, chúng ta cùng nhau nhìn lại chặng đường 93 năm đấu tranh cách mạng xây dựng, trưởng thành của Đảng đưa đất nước Việt Nam từ tăm tối, nghèo nàn, lạc hậu, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, năm 1945 hơn 2 triệu đồng bào ta từ Quảng Trị trở ra miền Bắc bị chết đói.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Rồi tiếp đó là chiến thắng hai cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc, đánh bại hai tên đế quốc sừng sỏ nhất của thời đại, thu giang sơn về một mối, đất nước thống nhất, cả nước tiến lên xây dựng CNXH trong hoàn cảnh bị chiến tranh tàn phá nặng nề, đất nước đi lên từ đổ nát, đau thương do chiến tranh để lại. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả nước tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Song, do xuất phát điểm quá thấp, lạc hậu về công nghệ, lại bị bao vây, cấm vận, chiến tranh ở hai đầu biên giới Tây – Nam và phía Bắc của Tổ quốc, đất nước lại đứng trước những thử thách ngặt ngoèo. Phải mất sau 10 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mới chuyển được sang giai đoạn cách mạng mới. Khẩu hiệu lúc ấy đặt ra: Đổi mới, Đổi mới và Đổi mới; Đổi mới hay là chết? Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986) đã mạnh dạn cởi bỏ những tư duy, quan điểm cũ thay bằng tư duy mới, trong đó tư duy kinh tế được đặt lên hàng đầu. Hàng loạt cơ chế chính sách mới được ban hành phù hợp với phương thức sản xuất mới, tạo điều kiện cho lực lượng sản xuất mới phát triển, quan hệ sản xuất mới được hình thành, tạo ra sung lực mới, bứt phá đi lên. Từng bước đổi mới cơ chế kinh tế, cơ chế quản lý đi đôi với đổi mới chính trị. Qua các kỳ đại hội Đảng toàn quốc (từ đại hội VII đến đại hội X) đã làm sáng tỏ chứng minh một cách hùng hồn về đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đã đem lại những thành tựu to lớn, kinh tế - xã hội phát triển, thoát khỏi khủng hoảng, khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là hoàn toàn đúng đắn phù hợp với quy luật phát triển của thời kỳ quá độ lên CNXH trong giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập thế giới. Đến đại hội Đảng lần thứ XI, cương lĩnh của Đảng được bổ sung, phát triển năm 2011, tiếp tục giữ vững ngọn cờ độc lập dân tộc và con đường đi lên CNXH của Việt Nam.
Cho đến nay, sau hơn 35 thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước giàu mạnh lên, là nước có nền kinh tế đang phát triển, thu nhập bình quân đầu người tăng 17 lần so với trước Đổi mới, đời sống nhân dân ngày càng no đủ, sung túc hơn, quốc phòng an ninh được củng cố, tăng cường. Công tác đối ngoại thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của bạn bè thế giới, là Phó Chủ tịch Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2, là trung tâm trong khối ASEAN. Qua hơn 2 năm vượt qua đại dịch Covid-19, Việt Nam được thế giới khen ngợi, đánh giá là điểm sáng về phòng chống dịch, khôi phục nhanh và phát triển mạnh kinh tế - xã hội. Năm 2021, nằm trong tâm dịch, GDP Việt Nam vẫn tăng 6,8% trong khi đó nhiều quốc gia tăng trưởng âm. Năm 2022, mặc dù tình hình thế giới có nhiều biến động, xung đột giữa Nga – Ukraina, các chuỗi cung ứng bị đứt gẫy, lạm phát tăng cao; bão lũ, sạt lở đất ở miền Trung Tây Nguyên. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành nhanh nhạy, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ban ngành địa phương, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, nên kết quả đạt được khá toàn diện. 14/15 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức, tổng sản phẩm xã hội GDP tăng 8%. Các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch. Quy mô nền kinh tế ngày một lớn. Các đầu tư chiến lược, các chương trình mục tiêu quốc gia trong phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ hơn. Đất nước đang đứng trước thời cơ và vận hội mới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Điểm lại như vậy để khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt và tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định đường lối đổi mới của Đảng đã đem lại, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng không ngừng vững mạnh về mọi mặt để Đảng xứng đáng là: “Người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Từ thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam, trong đó có thực tiễn của hơn 35 năm đổi mới, Đảng ta đã rút ra nhiều bài học quý giá. Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ XHCN và của Đảng. Từ đó, chúng ta hiểu những điều căn cốt nhất có liên quan đến nhiệm vụ xây dựng Đảng hiện nay. Đảng ta vẫn cảnh báo nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và những diễn biến “tự chuyển hóa” trong nội bộ, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống” như Nghị quyết TW4 (Khóa XII) đã chỉ ra và tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nghị quyết TW6 (Khóa XIII) nhấn mạnh “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”. Chính là nhằm tăng cường củng cố, xây dựng, chỉnh đốn Đảng để thực hiện được yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới đặt ra của “một Đảng cầm quyền”.
Bước vào thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch 5 năm 2020 – 2025 có nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Tình hình thế giới tiềm ẩn những rủi ro khó lường, xung đột Nga – Ukraina kéo dài, kinh tế toàn cầu có xu hướng giảm, lạm phát tăng cao, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gia tăng, xuất khẩu gặp khó khăn, các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất giá cả luôn biến động, gây trở ngại.
Càng khó khăn thì vai trò lãnh đạo của Đảng, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu càng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm, làm thật tốt, thật quyết liệt. Cho nên công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay lại càng cực kỳ quan trọng hơn bao giờ hết.
Mùa Xuân mới đang về. Khí thế mùa Xuân thúc giục chúng ta đi tới. Tương lai tươi sáng đang chờ ta. Với sức sống mùa Xuân của Đảng sẽ đạp bằng mọi trở ngại, chông gai trên đường đi tới hạnh phúc, phồn vinh. Đảng và mùa Xuân vĩnh cửu trong trái tim mỗi người dân Việt Nam.