I/ Ý nghĩa của Đình làng với văn hóa làng
Từ xa xưa, hình ảnh làng quê Việt Nam đã được thiên nhiên ban tặng và con người Việt Nam bồi đắp lên như một bức tranh thủy mặc. Cùng với cây đa bến nước, giếng làng, hình ảnh mái cong vươn xa của các đầu đao, sân đình… đã in sâu vào tâm trí mỗi người Việt Nam. Chúng ta những người sinh ra từ làng thì dù đi qua bao miền đất vẫn không thể nào quên mái đình cùng những kỷ niệm thời thơ ấu. Văn hóa làng xã Việt Nam được vẽ ra như một bức tranh đầy chất thơ, dung dị và bình yên thì đình làng trong bức tranh như một nét chấm phá nổi bật và đặc sắc nhất trong bức tranh đó. Từ xa xưa cho đến nay, đình làng là nơi sinh hoạt văn hóa, nơi đặt niềm tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng đã tạo nên sự gắn bó keo sơn đời kiếp của nông thôn Việt; đồng thời đình làng cũng là nơi xây dựng nên thiết chế văn hóa tín ngưỡng, quyền lực của làng xã. Qua thời gian, đình làng đã luôn và mãi mãi xứng với vai trò là biểu tượng văn hóa, là thước đo tín ngưỡng, tâm linh trong đời sống của làng xã Việt Nam. Chính vì vậy, có thể nói, đình làng đóng góp vai trò quan trọng trong việc định hình, vun đắp nên giá trị tốt đẹp của văn hóa làng xã Việt Nam.
II/ Chức năng của đình làng và quan điểm của nhân dân khi khai thác sử dụng
1/ Chức năng hành chính:
Từ thuở sơ khai của dân tộc Việt cho đến hết thời kỳ phong kiến, đình làng luôn là nơi các nhà chức trách ngồi xử lý, giải quyết các công việc của người dân, mọi vấn đề quanh cuộc sống của nhân dân vui buồn đều diễn ra tại đình làng. Khi nơi làm việc của những nhà chức trách công quyền chưa có nơi ngồi để tiếp xúc với dân thì đình làng chính là nơi các công việc hành chính diễn ra. Cộng với ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng của người dân trong làng đối với sự linh thiêng của ngôi đình làng góp phần giải quyết công việc dân cho kết quả rất cao và thấu tình đạt lý. Khi xưa đình làng và chỉ có đình làng mới tập trung được nhân dân một cách đầy đủ và công khai mọi việc để mọi người thực hiện nghiêm túc và chóng vánh.
2/ Chức năng thờ cúng thỏa mãn tâm linh, tín ngưỡng:
Đình làng là nơi thờ Thành hoàng làng – Là người có công với nước, với dân, được nhà vua khi xưa sắc phong cho nhân dân thờ cúng. Thành hoàng làng có thể là một vị cũng có thể hai ba vị được thờ cùng lúc. Các vị Thành hoàng đều là người có công phò vua giữ yên bờ cõi rồi trở về trên đường hóa Thánh tại nơi đình đó. Hoặc cũng có vị có những công lao khác nhưng có quê hương tại nơi này sau khi hóa thánh được nhân dân tôn thờ cúng lễ.
3/ Chức năng nhà văn hóa:
Đình làng là nơi tổ chức các sinh hoạt văn hóa của nhân dân, nơi hội tụ của những làn điệu dân ca, chèo, ca trù, quan họ, hát xoan, xẩm… Do hàng năm nhân dân nhớ ơn Thành hoàng làng đều cúng lễ và mở hội. Phần lễ có cúng trang trọng và rước Thành hoàng làng đi khắp thôn xóm để ngài chứng giám thành quả một năm hoạt động của nhân dân, đồng thời cầu ngài phù hộ cho dân được an lành tươi tốt. Phần hội gồm các trò chơi dân gian và văn nghệ, thời gian có thể kéo tới vài ngày tùy từng thời khắc và tính chất của đình. Một nét đẹp trong văn hóa dân gian Việt…
4/ Chức năng hoạt động kinh tế:
Có một thời kỳ, khi đất nước ta chưa xây dựng nhiều như bây giờ, đình làng đã được sử dụng vào là nơi sản xuất nghề thủ công mỹ nghệ, là nơi chuyển giao kỹ thuật nghề hoặc thỏa thuận những vấn đề liên quan tới nhu cầu của phát triển kinh tế nhân dân. Việc sử dụng đình làng vào các việc trên, mục tiêu là phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế cộng đồng là đúng và phù hợp với thời đại.
Trong quan điểm của số đông nhân dân, có ý kiến cho rằng đình làng là ngôi nhà đa năng của làng xã đó. Mà đã là ngôi nhà đa năng thì nó sẽ đáp ứng được nhu cầu sử dụng của đa chức năng đó là tín ngưỡng tâm linh, làm nhà văn hóa, nhà hành chính, nơi làm kinh tế… Trong thực tế thì đình làng đang được sử dụng như vậy. Xong theo tôi, ý kiến trên chỉ đúng một phần và nếu muốn đình làng giữ được vai trò chính mang nét đẹp văn hóa địa phương thì chỉ nên sử dụng đình làng vào hai mục đích chính:
Thứ nhất, đình làng là nơi thờ Thành hoàng làng. Nơi này phải rất tôn nghiêm trang trọng, hàng năm có mở hội theo ngày đã được ghi nhận. Đồng thời, dân làng tập trung những khi sinh hoạt văn hóa nâng cao nét văn hóa của làng, giao lưu gặp gỡ các tổ chức làng xã cơ quan có văn hóa hoặc hoạt động nghệ thuật khác. Vì thế nơi này cần sạch sẽ, môi trường sôi động nhưng bình yên mang chất thơ ca sâu lắng hồn cốt Việt.
Thứ hai, hiện nay công việc hành chính có thể tách ra một số việc như liên hoan gặp mặt, chia tay, tổ chức cưới hỏi giao ước hương ước làng… nên và có thể dùng đình làng. Còn lại công việc khác không nên đưa ra đình làng. Bởi lẽ chính những công việc đó sẽ làm mất đi vẻ tôn nghiêm, trang trọng nơi thờ cúng các bậc tiền nhân. Việc giữa thực tế sử dụng với lý thuyết truyền đời đang chưa khớp nhau cũng do nhiều nguyên nhân nên chúng ta chưa đồng tình với quan điểm đó lắm.
III/ Đình làng tồn tại và phát triển thời gian qua ở đồng bằng Bắc Bộ đã được người dân gìn giữ và phát huy thế nào?
Đình làng là thực thể nhiều ngữ nghĩa mà nhóm KTS chúng tôi rất yêu thích khám phá. Mấy năm qua, nhóm chúng tôi đã thực hiện dự án góc nhìn kiến trúc và đã nghiên cứu một số đình làng các huyện Ninh Giang, Thanh Miện, Nam Sách, TP Hải Dương… thì thấy:
Các đình làng trải qua thời gian, chịu sự tác động của khí hậu do thiên nhiên mang tới hầu hết đã xuống cấp. Sự tàn phá của thiên nhiên cũng chưa nặng bằng sự tàn phá của giặc ngoại xâm, của nội chiến giữa các thể chế chính trị. Song với ý thức tự tôn dân tộc, tinh thần yêu di sản văn hóa Việt, nhân dân ta đã xây dựng lại và tôn tạo nhiều lần cho mỗi ngôi đình trên chính nền cũ xây dựng ban đầu. Chúng ta đều biết hầu hết các đình làng đồng bằng Bắc Bộ được xây dựng to đàng hoàng đều từ thế kỷ 16 và đến nay vẫn tồn tại. Các đình này hiện đang tọa lạc trên nền đất cổ mà tiền nhân đặt lên. Thế kỷ 16 các đình làng được nhà Nguyễn trùng tu và xây mới hầu hết rất giản dị, trang nhã; mộc mạc và tinh tế không phô trương, rất ấm áp và bình dị. Vì vậy những ngôi đình xây mới thời kỳ này mang phong cách kiến trúc, điêu khắc triều Nguyễn. Những đình được tu bổ thời kỳ này phần lớn các họa tiết nói lên được triều đại xây dựng như triều Lý, triều Trần…
Hầu hết các đình hiện nay đang hiện hữu mặc dù đã tôn tạo nhiều lần nhưng kiến trúc, điêu khắc vẫn mang yếu tố thuần Việt, thể hiện sự tiếp nối truyền thống văn hóa Đông Sơn. Điều đó được thể hiện ở biểu tượng sống động chân thực thành quả nghệ thuật kết tinh ngàn năm của người Việt. Đó là minh chứng của sự gìn giữ cẩn trọng vai trò đình làng của người dân Việt.
Bàn về phát huy, ta thấy hầu hết các đình làng hiện nay đều đáp ứng vai trò tín ngưỡng tâm linh cho nhân dân. Tiếp đến đình là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa, tổ chức lễ hội của làng, tiếp nhận những văn hóa từ trên, từ làng xã bạn… là nơi duy trì văn hóa vật thể và phi vật thể của làng. Trong điều kiện chưa có nơi sản xuất tiểu thủ công nghiệp thì làng xã cho phép người dân sử dụng mặt bằng đình làng. Riêng về khai thác đã triệt để chưa thì có thể nói là chưa và chúng ta cần tích cực vận động nhân dân thực hiện nếp sống mới trên nền văn hóa Việt thì chất lượng khai thác sẽ cao hơn. Có thể nói nhân dân ta đã gìn giữ và phát huy vai trò của đình làng trong không gian văn hóa làng rất cao từ ý nghĩa thực đến phi vật thể. Tôi luôn nghĩ rằng đình là thực thể để thực hành, khai thác không gian văn hóa đa tầng nhiều ngữ nghĩa và nó hiện ra thật tự nhiên, chân thực và tôn quý.
IV/ Một câu hỏi đặt ra: Trong sự phát triển của khoa học công nghệ và rất nhiều những vấn đề khác vai trò của đình làng sẽ thế nào?
Chúng ta đều thấy, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, của các triều đại thì đình làng vẫn tồn tại, bất di bất dịch không thay đổi và đang đồng hành cùng đời sống người Việt. Câu hỏi đặt ra cũng trăn trở trong các KTS về vai trò đình làng trong không gian văn hóa làng xã. Trong thời khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, mọi thông tin ứng dụng KHCN đều đem đến cho con người sự tiện ích nhanh chóng. Chính vì vậy sự sinh hoạt trực tiếp của cộng đồng đang dần mai một đặc biệt là lớp người trẻ tuổi. Họ rất sành điệu và giỏi về công nghệ, họ giao lưu qua hình thức viễn thông, qua các trang mạng xã hội… rất nhanh và chính xác. Và từ đó họ lơi là với mọi sự giao lưu cộng đồng thậm chí không quan tâm, xa rời. Chúng ta thấy các dịp lễ hội của làng xã hàng năm (một nét đẹp trong không gian văn hóa làng xã) chỉ thấy những người già, trung niên tham gia còn thanh niên lại rất ít người. Vậy thì sự tiếp nối truyền thống văn hóa Việt trong tâm con người Việt đang bị cách trở, có vấn đề về nhận thức. Chúng ta đều công nhận với nhau rằng mỗi dịp lễ hội hoặc giao lưu… được diễn ra tại đình là một nét đẹp thể hiện tinh thần đoàn kết và đoàn tụ địa phương vậy thiếu hẳn lực lượng nòng cốt trẻ năng động sáng tạo thì sự trọn vẹn của việc đó ắt sẽ không đến. Từ đó ta thấy vai trò của đình làng trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng gặp trở ngại lớn và đang đi xuống. Đối với chức năng phục vụ hành chính và hoạt động kinh tế thì ta thấy đình làng đã mất vai trò từ lâu. Khi kinh tế cho phép ta xây dựng các trụ sở ủy ban, các trường học, các cụm, khu công nghiệp thì vai trò đình làng trong các chức năng này đã nhẹ đi rất nhiều nếu không nói là mất vai trò.
Chúng ta những người yêu văn hóa Việt Nam, yêu nét đẹp của đình làng sẽ rất trăn trở; làm sao duy trì vai trò của đình làng như xưa để đình luôn có giá trị trường tồn và vĩnh cửu cùng văn hóa làng xã, non sông Việt.
V/ Thấy gì về những ngôi đình xây mới hiện nay? Có điều gì khiến ta trăn trở
Trong khoảng hai mươi năm trở lại đây, có một số đình làng được trùng tu tôn tạo. Theo tôi đây là việc làm tốt của nhân dân, chính quyền xã và một số nhà hảo tâm đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, có một số đình trùng tu hoặc xây dựng mới chưa đạt yêu cầu. Quá trình tu bổ họ làm hỏng diện mạo, kết cấu, kiến trúc của những ngôi đình trong đó có những ngôi đình có ý nghĩa cao về lịch sử văn hóa kiến trúc và mỹ thuật. Một số đình xây mới thì chưa được nghiên cứu sâu về Thành hoàng thờ trong đền có công gì? Thời gian nào được nhân dân tôn thờ ghi nhận? Năm khởi đầu thờ dưới triều đại nào để từ đó kiến trúc, kết cấu phù hợp. Đồng thời khắc họa các chi tiết trên đầu đao, kẻ, dầm… phải phù hợp với năm xây dựng đó. Chính vì vậy công trình khi xây dựng nên có tính chắp vá sao chép lộn xộn về họa tiết cũng như điêu khắc gỗ. Những sự bất cẩn ấy đã xây dựng nên những ngôi nhà đa năng giảm về chức năng nhưng méo mó đa dạng về hình thái kiến trúc. Chúng tôi là lớp KTS lớn tuổi luôn trăn trở với kiến trúc dân gian Việt và yêu những ngôi đình cổ không tránh khỏi băn khoăn khi nhìn thấy những công trình như vậy mọc lên ở đâu đó vùng đồng bằng Bắc Bộ.
VI/ Chúng ta cần làm gì để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đình làng. Ngành Văn hóa cũng như mỗi người dân cần phải làm gì?
Trước tiên để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đình làng trong giai đoạn hiện nay, chúng ta phải hiểu rõ giá trị của đình làng trong các lĩnh vực nhưng gọn trong 3 yếu tố sau:
Đình làng là công trình kiến trúc cổ mang giá trị kiến trúc thuần Việt.
Đình làng là công trình có kết cấu gỗ mang giá trị điêu khắc dân gian giàu tinh thần Việt.
Đình làng là công trình mang giá trị sâu sắc về lịch sử Việt Nam.
Khi ta thấm nhuần những ý nghĩa trên của đình ta có giải pháp kiến nghị với nhân dân và các cấp chính quyền:
Tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để hiểu rõ giá trị của đình trong không gian văn hóa của làng, trân trọng giá trị đó trong quá trình tôn tạo và sử dụng.
Đồng thời với tôn tạo là chú trọng tới giá trị văn hóa phi vật thể có từ ngàn đời của dân tộc mà đình làng đang đảm nhiệm.
Trong quá trình gìn giữ bảo tồn phát huy phải luôn nâng cao giá trị di sản để vận hành và khai thác phù hợp với sự phát triển của đất nước. Ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, lên kế hoạch trùng tu, đề xuất vốn cho xây dựng trùng tu đình làng hàng năm một cách khoa học kịp thời. Cùng nhân dân khơi dậy niềm yêu văn hóa Việt Nam cùng nhau đoàn kết gìn giữ những ngôi đình đặc trưng của bức tranh làng quê Việt.