Văn xuôi
Bài tham luận của PGS.TS. Nhạc sĩ, Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc
24/11/2021 05:12:45

Tại “Hội nghị Diên Hồng” về văn hóa, văn nghệ này, chúng ta nên thảo luận và chỉ ra đúng những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Và quan trọng hơn là cùng nhau đề xuất những kiến nghị, những giải pháp khả thi, thiết thực để đưa đường lối của Đảng vừa được tái khẳng định trên tầm cao mới tại Đại hội Đảng lần thứ XIII vào cuộc sống.


 
PGS.TS. Nhạc sĩ, Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam 
 
 

Để văn hóa, văn nghệ thực sự trở thành nền tảng tinh thần, là một nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng nhất, soi đường cho quốc dân đi tới, “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Chúng tôi chưa thể đi sâu phân tích kỹ, nhưng chắc chắn một số nguyên nhân sau đây là quan trọng nhất. Về khách quan, sự chuyển biến vô cùng mạnh mẽ, sâu sắc và mau lẹ của môi trường văn hóa thế giới do tác động của quá trình toàn cầu hóa với sự bùng nổ của truyền thông công nghệ cao, nhất là công nghệ thông tin đã khiến cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam rơi vào thế lúng túng, bị động.

Trong bối cảnh đó, chỉ một số ít quốc gia nhanh chóng lợi dụng được xu hướng này, thực thi được chiến lược phát triển “quyền lực mềm” thông qua công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo nên đã chiếm lĩnh được thị trường, bành trướng ảnh hưởng văn hóa trên toàn cầu. Về chủ quan, chúng tôi cho rằng có ít nhất bốn nguyên nhân chính sau đây.

Một là, các cấp quản lý, các địa phương, các ngành đều chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của văn hóa nói chung và của văn học, nghệ thuật nói riêng. Trong chặng đường đầu của thời kỳ đổi mới, điều này có thể cảm thông được, vì tất cả chúng ta phải dồn góp toàn lực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định chính trị và giữ vững quốc phòng, an ninh để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng và cất cánh.

Chỉ đến khi chúng ta nhận ra con cháu ta say mê xem phim, nghe nhạc Hàn Quốc hơn là phim, nhạc Việt Nam; thích đọc truyện tranh Nhật Bản hơn truyện cổ tích Việt Nam; bật TV lên bất kỳ giờ nào cũng thấy nhiều phim và nhạc nước ngoài hơn phim, nhạc Việt; đến các thành phố lớn thì nhan nhản những tòa nhà và khu mua sắm mang tên nước ngoài khó đọc, khó hiểu, khó nhớ... lúc đó chúng ta mới bàng hoàng nhận ra “nguy cơ mất nước từ bên trong”, tuy chưa quá nghiêm trọng nhưng cũng đã ở mức đáng báo động đỏ.

Hai là, chúng ta chưa có cơ chế phù hợp và hữu hiệu để đưa các chủ trương của Đảng, chiến lược và chính sách của Nhà nước vào cuộc sống. Nói cho chính xác, cái chúng ta đang thiếu là cơ chế hiệu quả, đủ mạnh, có năng lực thích ứng cao với sự biến đổi toàn cầu và với cơ chế thị trường, phù hợp với yêu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Cơ chế đang chi phối sự vận hành của nền văn học, nghệ thuật nước nhà vừa vẫn còn mang nặng dấu ấn, tàn tích của chế độ tập trung, quan liêu, bao cấp cũ, lại vừa lai tạp những yếu tố tự phát kiểu “bàn tay vô hình” của kinh tế thị trường đã khiến cho các nỗ lực đổi mới đều trở nên nửa vời, kém hiệu quả, thậm chí lệch chuẩn, lạc hướng.

Ba là, nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung, cho văn học, nghệ thuật nói riêng còn rất thấp. Điều này thực chất là bắt nguồn từ hai nguyên nhân bên trên, khiến cho nguồn lực đầu tư vừa rất nhỏ, chưa được đa dạng hóa, lại chưa được đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm. Nguồn lực tái sinh để tái đầu tư từ chính sự nghiệp phát triển văn hóa, do phát triển công nghiệp văn hóa đưa lại cũng còn rất hạn chế.

Bốn là, là sự thiếu chủ động, năng động, sáng tạo của các tổ chức và cá nhân đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức. Có thể thấy rõ là phần đông đội ngũ văn nghệ sĩ vẫn còn thụ động và thiếu khát vọng, chưa dấn thân và chưa theo kịp sự biến đổi của thực tiễn ở trong nước và trên thế giới.

Chỉ một số bộ phận thích nghi tương đối tốt với cơ chế thị trường, nhưng lại sớm bộc lộ những khuynh hướng chạy theo những thị hiếu tầm thường, theo lợi ích cá nhân, trước mắt, thậm chí sa ngã, phạm tội. Những nhân tài, những sáng kiến, những sáng tạo tâm huyết và táo bạo xuất phát từ chính đội ngũ của chúng ta còn đang rất thiếu vắng.

Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân chính dẫn tới những hạn chế trong sự phát triển văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng, Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam đề xuất những giải pháp sau.

Thứ nhất, về chủ trương, chính sách của Đảng, để thiết thực đưa tinh thần, nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII vào thực tiễn, chúng tôi đề nghị cần có một nghị quyết chuyên đề mới của Bộ Chính trị về phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam. Nghị quyết số 23-NQ/TW được ban hành và thực hiện đến nay đã hơn 13 năm nay, không còn hoàn toàn phù hợp với tinh thần mới của Nghị quyết số 33-NQ/TW và đặc biệt là tinh thần, nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Hơn nữa, Nghị quyết số 23-NQ/TW cũng không còn theo kịp với những biến chuyển mau lẹ và to lớn của thực tiễn trong nước và trên thế giới, nhất là sự phát triển và cạnh tranh gay gắt của công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo và các loại hình văn học, truyền thông, giải trí mới.

Một nghị quyết chuyên đề mới của BCH Trung ương Đảng hoặc Bộ Chính trị, do đó, là rất cần thiết trong việc định hướng, mở đường cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật nước nhà trong tình hình mới.

Thứ hai, về chiến lược và kế hoạch, trước hết, chắc chắn Chính phủ cần chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian 2016 đến nay, đồng thời ban hành chiến lược mới phù hợp hơn với tình hình mới. Đồng thời, chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ sớm cho phép ban hành Chiến lược phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam trong điều kiện mới.

Thực tế là từ tháng 9 năm 1945 đến nay, chúng ta chưa hề có một chiến lược nào đối với sự phát triển của văn học và nghệ thuật, và đây cũng là một trong những nguyên nhân cụ thể, trực tiếp của tình hình sa sút, kém phát triển, thiếu vắng những công trình, tác phẩm văn học, nghệ thuật đỉnh cao và của nhiều hạn chế khó khăn khác.

Các chiến lược phát triển này cần được nghiên cứu, chuẩn bị và thẩm định khoa học, kỹ càng, để đảm bảo tính khả thi, tính định hướng, mở đường, bao trùm từ cơ chế lãnh đạo, quản lý, quy hoạch đội ngũ, giải pháp đột phá, kế hoạch triển khai, đảm bảo nguồn lực đầu tư và đặc biệt là phát triển đội ngũ và tổ chức.

Thứ ba, về cơ chế đầu tư và phát triển các nguồn lực, chúng tôi cho rằng cần có sự đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng: tăng cường các nguồn lực đầu tư từ Nhà nước về tài chính, sở vật chất và nhất là về cơ chế, nhưng phải xác định đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm thì mới phát huy được hiệu quả tối ưu, tránh được lãng phí.

Theo chúng tôi, cần ưu tiên đầu tư để phát triển đội ngũ và tổ chức, ươm tạo và bồi dưỡng nhân tài. Bên cạnh đó cũng dành sự ưu tiên đầu tư phát triển những ngành đào tạo, những môn nghệ thuật không thể thích ứng hoặc khó thích ứng được với cơ chế thị trường, nhưng vô cùng cần thiết với sự phát triển của toàn lĩnh vực, và để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, như nghiên cứu phê bình lý luận, những môn nghệ thuật hàn lâm, những loại hình nghệ thuật truyền thống đang cần “bảo vệ khẩn cấp”...

Đồng thời cũng ưu tiên “đầu tư mồi” (seed funding) cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ văn hóa, sáng tạo để giúp cho những doanh nghiệp này có thể khởi nghiệp và phát triển. Trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cần có cơ chế để đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, nhất là thu hút các nguồn đầu tư từ ngoài ngân sách nhà nước, từ xã hội và nhất là từ cộng đồng doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài, đương nhiên phải theo những quy định, cơ chế cụ thể.

Hơn 80 năm trước nhà thơ Xuân Diệu viết: “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Ngày nay sống trong nền kinh tế thị trường, cơm áo không chỉ “đùa” mà còn nhiều khi “đùa” rất ác, mà là ác thật với giới văn nghệ sĩ. Giới văn nghệ sĩ kêu gọi được đầu tư không phải chỉ để lo trả “cái nợ áo cơm”, mà ngày nay còn phải biết từ các nguồn đầu tư ấy làm cho chúng sinh sôi, sinh lời để tái đầu tư bằng cách chủ động, tích cực tham gia vào phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ văn hóa, theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Hơn nữa, trách nhiệm của hoạt động văn học, nghệ thuật là phải biến những đồng tiền được đầu tư từ tiền thuế của nhân dân thành “siêu tiền”, tức là phải chăm lo đến việc giữ gìn và làm giàu có thêm bản sắc và tâm hồn dân tộc, góp phần hình thành “kháng thể văn hóa” trong hành trang hội nhập của các thế hệ người Việt Nam, để sao cho dân tộc ta “hội nhập mà không hòa tan”, “hội nhập để tỏa sáng”.

Thứ tư, về chăm lo đến sự phát triển của đội ngũ văn nghệ sĩ. Suy cho cùng, mọi thành công hay yếu kém, thất bại của nền văn học, nghệ thuật nước nhà ngày nay đều khởi đầu từ con người, do đội ngũ văn nghệ sĩ mà ra. Phải nói ngay rằng yếu tố căn cốt nhất làm nên con người văn nghệ sĩ là tài năng và năng khiếu. Thiếu yếu tố này thì dứt khoát không thể trở thành văn nghệ sĩ, vì thế mà văn nghệ sĩ xưa nay đều được coi là “của hiếm” trong nhân gian.

Tài năng và năng khiếu của văn nghệ sĩ cần được phát hiện sớm, được chăm lo đào tạo, bồi dưỡng bài bản và chu đáo, rồi lại phải được bảo vệ, tôi luyện và trọng dụng thì mới phát huy được và mang lại lợi ích cùng những giá trị chân, thiện, mỹ cho xã hội.

Vì vậy, chúng tôi đề nghị Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương cùng toàn xã hội tăng cường những giải pháp mạnh mẽ để chăm lo đào tạo, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ – những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”.

Một là, tăng cường tạo điều kiện để những tài năng, năng khiếu được phát hiện sớm; tăng cường đầu tư để các học viện, nhà trường có thêm những điều kiện thuận lợi để đào tạo liên tục, lâu dài các em học sinh có tài năng, năng khiếu; tạo điều kiện để các em được đào tạo ở những ngôi trường tốt nhất trên thế giới, như thế hệ cha anh ngày trước từng được đào tạo.

Hai là, tạo điều kiện để đội ngũ văn nghệ sĩ được tôi luyện tài năng của mình và đóng góp to lớn hơn, chất lượng hơn cho xã hội, cho đất nước. Phải thừa nhận rằng lớp văn nghệ sĩ trẻ ngày này rất tài năng, không thua kém gì, thậm chí có nhiều lợi thế ưu trội so với các lớp cha anh ngày trước. Nhưng họ ít được tôi luyện.

Ngày trước, thế hệ cha anh họ tôi luyện trong khói lửa chiến trường, trong phong trào cách mạng quần chúng, và trưởng thành nhanh chóng, dẫu có nhiều người đã ngã xuống trên các mặt trận. Nhưng ngày nay, thế hệ văn nghệ sĩ trẻ lại phải tôi luyện trong kinh tế thị trường, trong thế giới toàn cầu hóa, trong xã hội đa lựa chọn và giữa bao nhiêu trận tuyến vô hình, cạnh tranh khốc liệt.

Trong điều kiện đó, rõ ràng là họ phải được định hướng tốt hơn, hỗ trợ nhiều mặt và thiết thực hơn, với những đòi hỏi cao hơn và nghiêm khắc hơn thì họ mới trưởng thành nhanh chóng, xứng tầm với nhiệm vụ và thách thức của thời đại. Cho nên, điểm mấu chốt ở đây là phải củng cố và nâng cao chất lượng các hình thức tổ chức của giới văn nghệ sĩ.

Một mặt phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo chính trị đối với đội ngũ này, hoàn thiện hệ thống pháp lý để bảo hộ, định hướng cho các hoạt động sáng tạo nghề nghiệp của họ trong điều kiện kinh tế thị trường; mặt khác phải tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các hội đoàn và doanh nghiệp văn học nghệ thuật.

Ba là, Đảng, Nhà nước và xã hội, nhất là các tổ chức, hội đoàn, doanh nghiệp cần có những giải pháp đặc biệt để ưu đãi, trọng dụng, bảo vệ và tôn vinh xứng đáng hơn nữa đối với những văn nghệ sĩ có tài năng xuất chúng, có năng khiếu đặc biệt và có những cống hiến to lớn cho xã hội, cho đất nước.

Cần rà soát lại để tránh hiện tượng khen thưởng tràn lan, tôn vinh hời hợt, đồng thời nghiêm khắc đấu tranh khắc phục những thói hư tật xấu, những biểu hiện tha hóa đã và đang lây lan trong đội ngũ văn nghệ sĩ.

Bốn là, vai trò chủ thể, trách nhiệm tự thân của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức nước nhà. Còn nhớ gần 600 năm trước, vào năm Đinh Tỵ (1437) khi được Hoàng đế Lê Thái Tông giao cho việc định lễ nhạc, Nguyễn Trãi đã tâu rằng: “Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc”.

Ngày nay, sự nghiệp đổi mới của Đảng và Dân tộc đang được đẩy tới tầm cao mới trong bối cảnh thế giới đang tiến những bước khổng lồ vào kỷ nguyên văn minh trí tuệ, cách mạng công nghiệp mới và toàn cầu hóa sâu rộng.

Toàn dân tộc đang chung sức đồng lòng, chung tay gắng sức vượt qua đại dịch Covid-19 và muôn và khó khăn gian khổ, khơi dậy ý chí quật cường, khát vọng phát triển và hào khí non sông để quyết đưa đất nước ta thành một nước công nghiệp phát triển, phồn vinh hạnh phúc vào giữa thế kỷ XXI. Như thế là đang hội đủ cả “gốc” và cả “văn” cho một nền văn hóa mới, một nền văn học nghệ thuật mới.

Trách nhiệm và sứ mệnh của đội ngũ chúng ta thật là nặng nề, rất vẻ vang và không thể từ nan, là phải cống hiến hết mình, mỗi văn nghệ sĩ góp thêm một hạt lửa sáng tạo để thổi bùng lên ngọn đuốc trí tuệ – nhân văn soi đường cho quốc dân ta, để văn hóa thực sự trở thành một nguồn lực nội sinh mạnh mẽ nhất, một lực lượng sản xuất trực tiếp, làm giàu có thêm, nhân ái thêm đời sống của nhân dân, góp phần đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển bền vững, phồn vinh và hạnh phúc.

Các tin mới hơn
Mắt phù sa(23/09/2022)
Trương và Nguyễn(21/09/2022)
Nàng Sita cù lao(25/08/2022)
Tiếng trăng(11/08/2022)
Tiếng rắn hoang(10/08/2022)
Các tin cũ hơn
Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần đầu tiên trong ký ức của nhà văn Vũ Ngọc Phan(24/11/2021)
Càng tự hào càng có trách nhiệm làm cho văn hoá xứ Đông toả sáng(24/11/2021)
Tổng kết và trao giải cuộc thi Làng Việt thời hội nhập(22/11/2021)
Tiểu thuyết gia người Nam Phi chiến thắng giải Booker 2021 (12/11/2021)
Sài Gòn ơi ta đã về đây(08/10/2021)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na