Văn xuôi
Sài Gòn ơi ta đã về đây
08/10/2021 12:00:00

Bà Hựu vừa cầm tờ báo lên tay đã đặt xuống bàn, vẻ mặt âu lo, bà khẽ chẹp miệng: - Nhìn vào đâu cũng thấy Covid. Căng thẳng quá. Dịch bệnh cứ kéo dài thế này, biết bao người khốn đốn.

Bà Hựu vừa cầm tờ báo lên tay đã đặt xuống bàn, vẻ mặt âu lo, bà khẽ chẹp miệng:

- Nhìn vào đâu cũng thấy Covid. Căng thẳng quá. Dịch bệnh cứ kéo dài thế này, biết bao người khốn đốn.

 Nói rồi bà hơi so người lại, vì chợt nhận ra, mình đã lỡ, ai lại mới sáng đã than vãn, lại còn vào giữa lúc chồng đang thưởng ngoạn trà.

Dường như hiểu được tâm trạng của vợ, ông Hựu nhẹ nhàng đặt tách trà đang cầm trên tay xuống chiếc đĩa gốm Chu Đậu, đượm màu hanh vàng, giọng đằm thắm:

 - Anh hiểu nỗi lo của em, dịch bệnh kéo dài, công việc ở phòng khám của cha con anh bị ngừng trệ, em lo lắng là phải! Nhưng bố con anh không để em phải lo đâu nhé, mọi chuyện rồi sẽ qua thôi!

Bà Hựu chùng giọng:

- Mình bảo em không lo sao được, bao nhiêu công sức, vốn liếng cả cuộc đời đổ cả vào đấy, rồi còn tiền đồ của thằng con, còn đời sống của cả chục con người, dịch bệnh càng kéo dài, cái bụng em bảo không nghĩ, nhưng cái đầu nó cứ căng như dây đàn, liệu cứ thế này thì cha con anh cầm cự được bao lâu.

Ông Hựu đưa ánh mắt không còn trong trẻo, nhìn đăm đắm gương mặt người vợ nhất mực yêu thương, rồi mới thủng thẳng nói lời an ủi, mà chắc như đinh đóng cột:

- Em đừng nghĩ ngợi nhiều nha, dù dịch bệnh có căng đến thế nào, chỉ cần em nghĩ đến cái anh chàng trạm xá trưởng ngoài mặt trận ngày nào, là đầu óc lại thanh thản ngay thôi!

Bà Hựu bỗng thấy lòng xao động, thay bằng sự vui vẻ, thì bà lại bĩu môi, tỏ ý thử cái gan vàng của chồng:

- Giờ này mà mình còn đùa được nữa! Mà xem ra mình sắp thành ông trạng rồi đấy. Ngày ấy với bây giờ, cách nhau cả mấy chục năm, lại còn đòi được y chang ngày ấy!

 Ông Hựu lại đẩy ánh mắt đầy yêu thương về phía bà. Bà Hựu nũng nịu định đứng dậy đi chuẩn bị bữa sáng cho hai bố con, chợt bà quay lại:

- Trời ạ, lại còn cái thằng bé (bà Hựu vẫn thích gọi cậu con trai duy nhất của vợ chồng bà, đã chạm tuổi ba mươi là thằng bé, bởi trong lòng bà, dù thằng con bà có lớn lao đến đâu, có tài giỏi đến thế nào, thì bổn phận của bà vẫn phải yêu thương, che chở như ngày nó còn tấm bé, nên bà vẫn thích gọi như thế. Phải gọi như thế, mới đã cái tình máu mủ của bà với cậu con trai duy nhất của mình), mấy hôm nay, em thấy đèn phòng nó cứ sáng thâu đêm. Khổ. Nghiệp đời. Đáng lẽ thằng bé phải có vợ con, rồi thời gian này phải được nghỉ ngơi lấy sức, thì nó lại lao vào những việc gỉ việc gì, cặm cụi tối ngày. Bảo là đóng cửa nghỉ làm việc, vậy mà cả tháng nay, nó chỉ ló mặt ra khỏi phòng ăn vội bát cơm. Nó làm ngày làm đêm. Mắt trố lồi ra, nó còn làm với học đến đâu nữa không biết. Em đề nghị mình, phải để tâm đến thằng bé nhiều hơn trước mới được!

Còn lại một mình với ấm trà, ông Hựu vừa nhấp từng ngụm vừa ngẫm ngợi: quả là cả tháng nay, ông giấu vợ nỗi lo lắng chất chứa trong đầu. Từ lúc mở phòng khám, làm ăn không được bao lâu thì dịch bệnh kéo đến, đợt này chưa qua, đợt khác đã lại đến, cánh cửa hết mở ra lại đóng vào. Ban đầu đóng cửa, trong ông chẳng gợn chút lo lắng nào, nhưng nhiều lần đóng cửa, nỗi lo cứ lớn dần lên. Bây giờ thì hẳn rồi, cứ đà này, bệnh nhân chẳng còn nhớ trên đời này còn có ông, rồi cái guồng máy hơn chục y bác sĩ tay nghề cao, từ ngày theo ông, làm ăn cứ chấp cha chấp chưởng, không khéo thì họ cũng theo chân bệnh nhân mà đi nốt. Cực. Cái số của ông thế mà vất vả. Bao năm người ta làm thì phất lên, đến ông thì dịch bệnh. Đã vậy, thằng con trai ông, thằng Cao Huy Hoàng, thằng “Niềm kiêu hãnh” của vợ chồng ông, gần đây xem ra nó chẳng coi cái cơ nghiệp tâm huyết của ông quan trọng thế nào. Thậm chí nó còn chẳng tỏ ra buồn phiền hay lo lắng về sự sống chết của vợ chồng ông, cái sự thất thu, đời sống của hàng chục y bác sĩ trong tay bố con ông. Nó không hiểu được cái nguồn cơn, không có bệnh nhân thì làm gì có thu nhập, không có thu nhập thì đến cả con cái bọn nhân viên lấy tiền đâu mà ăn học. Thế đấy… Cứ đà này, vài tháng nữa là vốn liếng của ông sẽ cạn kiệt. Biết xoay sở thế nào bây giờ…

Cái kiểu nghĩ về đồng tiền bát gạo thế này, chưa bao giờ ông, một tiến sĩ y khoa phải nghĩ tới, vậy mà bây giờ, hễ cứ ngồi xuống là trong đầu lại ong ong ve ve, biết bao ý nghĩ xuôi ngược, dọc ngang, chúng nhông nhốc kéo đến thành đàn, thành đống, chất chồng trong đầu ông, nặng như có khối chì đeo bám, như bổ xuống đầu ông.

Được cái, dù nghĩ rộng, nghĩ dài, nghĩ miên man đến đâu thì bao giờ cuối cùng, cái đầu của ông cũng thu về với thằng con trai ông, thằng “Niềm kiêu hãnh” của ông.

Ngày thằng Hoàng ôm tấm bằng tốt nghiệp y khoa, chạy ào vào nhà, cặp mắt sáng rực, còn mái tóc thì dựng ngược lên, bồng bềnh, nó cười tóa hoa đại, hoa loa kèn. Tấm bằng ghi danh thủ khoa đỏ chót toàn phần, lóng lánh mấy chữ vàng đặt chính giữa. Chao ôi! Ông xúc động đến độ, tích tắc, con tim ông như có bàn tay vô hình nào đấy bóp nghẹt, đau nhói, rồi mở ra, trống hoác phập phồng. Ngay đấy lại như có vòng tay ai bế bổng ông lên, đặt vào chính giữa một vầng mây êm như bông, bay lên tận mặt trăng, tận sao hỏa, bay, bay…

Lại sang cái đoạn ông và gần chục thương binh, được đồng đội bò đến cào bới đất đá, lôi từ dưới hầm lên mặt đất. Cả một trạm cấp cứu tiền phương hàng trăm con người, sau trận bom của giặc, chỉ còn lại gần chục mạng sống sót, trong đó có tay cầm dao mổ là ông và người con gái trợ mổ cho ông. Vậy mà những người đi tìm còn hét toáng lên: “Ôi giờ ơi! vẫn còn người sống này! May quá này!”. Chẳng là trong đêm tối họ nhìn thấy cái đầu ông ngó ngoáy giữa đám đất đá, thì khựng lại, rồi hồng hộc cào bới bằng chính mười đầu ngón tay, bằng bàn tay, cánh tay và bằng cả cái bụng lóp, mặt hóp vì đói khát. Ông nhớ như in, cái giây phút đầu tiên nhìn thấy cả trạm xá lộn ngược lên, người chỉ huy già dặn với đạn bom suýt nữa đổ gục xuống vì sốc. Gượng dậy, ông phủ phục xuống mặt đất mà cào bới. Còn người trợ mổ, người vợ của ông bây giờ, khi được lôi lên mặt đất, người mềm nhũn, vậy mà chỉ vài phút sau, tỉnh lại em đã nhào đến chỗ đồng đội mình còn vùi trong đất, tới tấp cào, bới. Hình ảnh ấy khiến ông liên tưởng đến một con gà mái mẹ đang xù lông, dồn máu lên mặt, chống chọi với bọn diều hâu, để cứu đàn con của mình. Ông đã yêu thương cô y tá từ cái giây phút ấy, một tình yêu nảy sinh từ mùi vị chiến trường khét lẹt đạn bom, tận bây giờ, đi gần trọn cuộc đời mà tình yêu thương vẫn vẹn nguyên như giây phút ấy. Vẫn yêu và thương em đến vô cùng …

 Rồi đến cái phút ông cầm trên tay tấm bằng tiến sĩ, bỗng thấy mình hồn vía lên cả chín tầng mây, bởi cuộc đời ông, đã có lúc chỉ ước được sống, được thở đã là điều hạnh phúc, là thành công trong những năm tháng sống dưới lòng đất, trên đầu là đạn bom, là những trận bắn giết của giặc.

Trước ngày nhận quyết định nghỉ hưu cả năm trời, trong đầu ông chỉ xoay quanh với cái ý nghĩ, ông phải định hướng cho thằng Hoàng, phải tạo cho thằng Hoàng cái thế tự chủ, tự quyết định con đường đi của riêng nó, dựa vào cái kiến thức nó thu nhận được từ nhà trường, từ cuộc đời, cộng với lửa sống mà ông truyền sang nó. Còn ông, ông tự nhận mình là con ngựa già của ngành y học, nhưng quyết không thể nghỉ hưu, khi trong người chưa mỏi mệt. Và ông ước ao, thằng Hoàng phải là phần đời nối tiếp của ông. Vậy thì ông chính là người giữ lửa cho thằng “Niềm kiêu hãnh” của ông bay cao, bay xa, và ông phải thổi vào lòng nó niềm cảm hứng lập danh và cống hiến.

Mỗi lần nghĩ đến cái ý tưởng này, ông Hựu lại thấy đầu mình nóng ran, con tim thì nhảy nhót, máu trong các đường mạch chạy rần rật, còn đôi mắt thường ngày không có cặp kính nâng đỡ, nhìn ai cũng như có sương phủ, vậy mà bây giờ bỗng nó sáng rỡ. Xúc động quá. Vui quá. Đời còn nhiều niềm hy vọng quá. Ông Hựu mỉm cười một mình, bụng nghĩ ông giời công bằng thật, ai vất vả, ai hy sinh, thể nào rồi cũng nhận được phúc phận là có thật.                               * * *                                    

Ban đầu, nghe chồng nói ý tưởng mở phòng khám riêng, tạo dựng sự nghiệp cho thằng Hoàng, bà Chi Lan vợ ông bất ngờ làm bộ mặt giận dỗi, nói với ông:

- Đến bây giờ mới lộ rõ, trong mình, em chỉ là cái áo, thằng Hoàng mới là gan ruột của anh.

Ông Hựu lại phải dỗ dành:

- Thằng Hoàng trước nay vẫn là con của em trước, rồi mới là của anh, bởi em sinh ra nó kia mà.

Câu nói của ông Hựu khiến bà Chi Lan không giấu được lòng:

- Vậy mình bảo em sẽ góp gì với bố con mình trong chuyện này đây?

 Bởi với bà, cái gì tươi tốt mà dành cho thằng Hoàng bà đều vui, đều sung sướng đều tận cùng với nó.

Bây giờ ý tưởng đã hiện hữu. Một khu nhà gồm nhiều phòng, đủ phương tiện làm việc và nghiên cứu, cây xanh tỏa bóng mát rượi, nằm kề cận bên ngã ba đường, một lối dẫn lên chiếc cầu vượt qua con sông Cái, nối giữa hai thành phố lớn. Hạnh phúc quá.

Thằng Hoàng “Niềm kiêu hãnh” được ông bà phong là “Thuyền trưởng”, ngang bằng với anh chàng trạm xá trưởng của ông ngày nào, nhưng oai và sang hơn, còn ông lại được vợ chỉ định làm “chuyên gia”. Hạnh phúc quá.

Vậy là hàng ngày, hết giờ làm việc, Thuyền trưởng chỉ còn dành cho nghiên cứu, hoặc thể thao, bởi ở nơi làm việc, cậu có cả tá người dưới quyền, hậu phương có người mẹ chu toàn.

Giấc mơ làm bệ phóng cho thằng “Niềm kiêu hãnh” của ông bà Hựu chưa bay được bao xa, thì đã gặp đại dịch. Vì bát cơm, manh áo của đồng nghiệp. Vì danh dự của ông lúc mời đồng nghiệp về làm việc với mình. Khi ấy ông đã hứa, đã bắt tay thề nguyền, sẽ đi đến tận cùng với nhau, sẽ đảm bảo đời sống cho nhau, sẽ đan vào nhau và nâng nhau lên, sẽ, sẽ… vậy mà bây giờ lại ra nông nỗi. Nếu đại dịch cứ kéo dài, khéo ông không cầm cự được thì thật, chưa nói cái bằng đỏ của thằng Hoàng, mà cái bằng tiến sĩ của ông cũng chẳng mấy ai còn dòm ngó.

Ngày lại ngày vùn vụt trôi qua, nhưng con Covid vẫn còn chình ình ra đấy, chỉ cần con người lơi lỏng, nó lại có đất nảy nở như bèo tấm trong ao tù, nó bu bám chặt vào từng mạch máu, hơi thở của con người. Thật ghê tởm. Thật rùng rợn. Ông Hựu hết đứng lại ngồi, hết nhìn người lại nhìn trời, trong đầu chỉ toàn những toan lo, bao giờ dịch dã mới tan đi, để bố con ông, cùng đồng nghiệp của ông được quay lại với những tháng ngày bận rộn.

 Vậy mà quái lạ, mấy ngày hôm nay, nhìn nét mặt thằng “Niềm kiêu hãnh” của ông, dường như chẳng mấy quan tâm đến nỗi lo cơm áo gạo tiền của ông, ngược lại đầu óc nó như để đâu đâu, cái nhìn của nó như đến một nơi nào đó xa vời vợi. Cho đến một lúc không yên lặng được, ông Hựu lựa lời đo độ nông sâu với cậu con trai:

- Hoàng này, ba hỏi con, con có lo lắng về cái phòng khám của cha con ta không?

- Sao con không nghĩ hả ba. Nhưng chẳng lẽ cứ nghĩ cái gì lại cứ phải nói tông tốc ra, để mọi người lại cùng phải nghĩ với mình hay sao ba?

- Vậy thì con đã nghĩ ra phương án nào chưa, khi mà dịch bệnh cứ kéo dài mãi thế này?

- Con đã nghĩ ba à!

Vừa nói, thằng Hoàng vừa nhón những con tép rang căng mọng, bóng lừ, giống như hạt thóc nếp cái hoa vàng, bụng ôm bọc trứng đỏ như gấc, bỏ vào miệng. Mỗi lần ném một con tép lọt tỏm vào miệng, thằng Hoàng lại chọp chẹp nhai, như thể nó chưa được ăn tép rang bao giờ. Vừa nhai cái miệng nó vừa tủm tỉm cười nhìn ông, cặp mắt mới trong trẻo làm sao, làm ông chẳng hiểu được gì, đành kiên trì, lựa lời lại hỏi:

- Vậy con nghĩ theo chiều hướng nào, nói rõ hơn cho ba nghe có được không, ba đang sốt ruột lắm đây này!

Nét mặt thằng Hoàng vẫn không thay đổi, đôi đũa trong tay nó vẫn đều đều gắp từng con tép có cái bụng trứng đỏ chót bỏ vào miệng và tóp tép nhai.

- Rồi con sẽ nói ba à!

Ông Hựu ngấm ngầm thở phào. Thì ra “Niềm kiêu hãnh” của ông vẫn còn nguyên vẹn như ngày nào. Nó đang nghĩ và đang làm.

Đêm qua trời nóng nực, mãi gần sáng bà Chi Lan mới chợp mắt được một lúc. Tỉnh dậy, nắng đã trèo vào cửa sổ, bà vội vã đi vào bếp, định đun ấm nước, pha trà cho ông như thường nhật. Nhưng ra phòng ngoài, bà thấy ông đã ung dung thưởng trà. Hiểu ý bà, ông Hựu cười rõ tươi, vỗ đến bạch xuống chiếc sô pha bảo:

- Em ngồi xuống đây cùng uống trà với anh. Sao cứ phải phụ nữ mới đun được nước pha trà cơ chứ. Từ nay, nếu mệt em cứ nghỉ, anh làm được hết, em phải nhớ, lúc nào chồng của em cũng vẫn là trạm trưởng. À mà em cũng phải dạy cậu ấm của chúng mình biết làm những việc trong nhà đi, chẳng lẽ em cứ làm trọn vẹn được mãi mãi hay sao. Mà đêm qua em thấy thằng Hoàng còn thức đêm không?

- Em chưa kịp nói, thì mấy đêm rồi con đã không thức đêm nữa, nhưng ban ngày thoắt cái có cuộc điện thoại, nó lại biến mất, vẻ tất bật lắm. Buổi trưa hôm qua anh đi công chuyện, không ăn cơm nhà, nó cũng báo về cắt cơm luôn. Lạ quá. Chẳng bao giờ thằng bé lại có hành vi lạ lùng đến thế!

- Anh cũng cảm thấy nó là lạ thế nào ấy - Ông Hựu đồng tình - Mới đấy, nó còn thở vắn thở dài, lo cho cái phòng khám bị đóng cửa, lo đám y bác sĩ vì thu nhập thấp mà bỏ. Vậy mà bây giờ, mặt nó cứ tưng tửng, anh ướm hỏi, nó chỉ cười rồi lẳng lặng rút lui khéo. Lạ thật. Nhưng mà thôi, để anh nói với con xem thế nào. Mà tốt nhất em đừng cấm con đọc sách hay làm việc gì theo ý của em đi, em luôn nhớ, “Niềm kiêu hãnh” của chúng ta không bao giờ đi chệch hướng. Anh biết nó đang tranh thủ thời gian giãn cách này, để mày mò, nghiên cứu công trình gì đó, nó từng nói với anh, nó sẽ giật được tấm bằng tiến sĩ y khoa như anh đấy!

Giữa lúc vợ chồng ông bà Hựu đang cuốn vào câu chuyện của cậu con trai, thì ngoài đường, bỗng có tiếng huyên náo. Ông bà Hựu vội đứng cả dậy, đi ra ngoài cửa. Vì cách một khoảng sân với những tán cây, hoa, nên ông bà ra đến hè phố thì mọi người đã đứng đấy đông đúc rồi, họ nói cười, chỉ trỏ lao xao. Trời ơi, hẳn một đoàn mấy cái xe ô tô, cái đi đầu cõng toán thanh niên vạm vỡ, đứa đàn, đứa gõ trống, đứa hát, náo động cả một tuyến phố, làm trống ngực ông bà Hựu cũng đập loạn xạ. Theo sau cái xe đi giữa cao to lừng lững, bịt bùng hàng hóa gì đấy, là xe chở toàn những người mặc quần áo trắng, đầu đội mũ trắng, miệng hát vang bài ca Tiến về Sài Gòn: “Sài Gòn ơi ta đã về đây / Ta đã về đây…” phá toang bầu không khí yên tĩnh đang trong mùa dịch. Họ miệng đeo khẩu trang, đầu thò ra ngoài cửa sổ, tay vẫy tíu tít.

Bỗng trên phía cửa ở đầu xe, có một người như thằng con trai ông, một tay nó vịn vào cánh cửa xe, một tay nó vẫy tíu tít, một kiểu chào rất nhiệt tình, rất quyết liệt. Bỗng nó kéo cái khẩu trang ra khỏi miệng trong giây lát, lộ cái miệng hoa loa kèn cười với ông bà. Trong giây lát, ông còn đang định thần nhìn cho rõ có đúng thằng con trai ông, thì vợ ông đã hét toáng lên, thậm chí còn níu cánh tay ông, suýt làm ông đổ thụp xuống đất:

-Trời ơi, mình ơi, thằng Hoàng, thằng con trai của em kìa! Lại cả thằng Ca lùn kìa, thằng Kiêu tồ kìa, con Hằng hoa khôi, con Ngọc Bích kế toán kìa. Toàn đồng đội của mình. Mà chúng đi đâu thế!

- Đi miền Nam đấy! Vào Sài Gòn đấy!

- Đi chi viện cho bà con thành phố Hồ Chí Minh chống đại dịch Covid đấy!

Nhiều tiếng nhao nhao, họ tỏ ra rất thông hiểu, nên tranh nhau giải thích, lẫn trong tiếng kèn, trống, tiếng hát “Sài gòn ơi ta đã về đây/ Ta đã về đây…”

- Ôi giời! Hóa ra toàn là bạn bè thằng Hoàng với học trò của mình! Chúng nó rủ nhau đi hết cả à?

Ngược với tâm thế của vợ, ông Hựu giận dữ:

- Đúng rồi, con của em, của một mình em thôi. Con của mình em nó mới coi anh là một lão già hết đát. Chúng nó làm chuyện lớn mà không thèm nói với lão già này một câu. Được rồi. Lần này về rồi chúng biết tay anh.

 Bà Chi Lan hình như chẳng nghe thấy những lời chồng vừa nói, mà vẫn để hết tâm trí về phía mấy cái xe ồn ã trống phách, hò hát. Giờ thì bà nhô hẳn người về phía trước:

- Hoàng ơi! Con ơi ba mẹ ở đây này. Thì ra…

Đoàn xe đi xa khuất, phố xá yên ắng trở lại, ông Hựu vẫn đứng yên một chỗ, nét mặt thẫn thờ, chỉ đến khi bà vợ đập tay vào vai, ông mới chợt tỉnh.

Trở vào phòng làm việc, ông Hựu thoáng giật mình, nhìn thấy tờ giấy trắng, đặt ngay ngắn dưới chân lọ hoa. Ông luýnh quýnh cầm lên. Thư thằng Hoàng. Thư thằng con trai ông bà, thư của thằng “Niềm kiêu hãnh” của ông. Ông lặng lẽ cầm đến bên vợ, giơ ra trước mặt vợ, rồi hăm hở đọc cho bà cùng nghe:

“Ba mẹ! Ba mẹ tha lỗi cho con nhé, vì con đi vào vùng dịch mà không xin phép ba mẹ, nhưng mà con nghĩ, nói trước hay xin phép thì còn gì là bất ngờ nữa phải không ba mẹ!

Ba, mẹ! Dịch bệnh đang hoành hành, miền trong nhiều người còn khổ đau hơn gia đình ta rất nhiều. Sau nhiều ngày bàn bạc, bọn con, những đứa sàn tuổi nhau, đều làm ngành y trong thành phố này, cùng với một số sinh viên, thương nhân, tập hợp thành đội quân tình nguyện, vào tâm dịch của thành phố Hồ Chí Minh, giúp bà con trong ấy một phen, nhân thể chúng con mang theo cả tiền gạo, rau củ mà những bà con ngoài này gửi cùng tấm lòng.

Chuyện ở phòng khám, con đã lập trình xong rồi đó ba, con mong ba xem và bổ sung cho con những chỗ còn thiếu. Rồi ba cứ việc ở nhà thăm khám và chỉ định thuốc thang cứu giúp bà con. Trong hoàn cảnh này, bệnh nhân không cần phải đến phòng phám mà vẫn khám được bệnh qua thiết bị cài đặt ba à! Ba mẹ không còn lo phòng khám đóng cửa nữa ba mẹ nhé!

Một lần nữa con cầu xin ba mẹ thứ lỗi cho con, về việc con không bàn và xin phép ba mẹ. Nhưng mà ba mẹ ơi, con đã lớn rồi, với lại con cũng sắp trở thành tiến sĩ như ba, vậy thì ba mẹ còn phải lo lắng gì về con nữa. Con chỉ cầu mong ba mẹ giữ gìn sức khỏe, giữ gìn cho con cái phòng phám ấy, mai mốt con về, sự nghiệp của con còn dài lâu phải không ba mẹ!

Bây giờ con đi đây, hẹn khi nào hết dịch con sẽ trở về.

Một lần nữa con cầu xin ba mẹ thứ lỗi cho con!”

Ông Hựu ngồi phịch xuống ghế, còn bà thì víu chặt lấy cánh tay ông, đầu dựa hẳn vào vai ông. Phải một lúc sau, ông mới lên tiếng:

- Cái thằng! Nó dám coi thường ba mẹ nó!

Nghe câu ấy, bà Chi Lan vội ngẩng đầu lên cự cãi:

- Trong thư, con trai chúng ta có nói từ nào là coi thường ba mẹ nó đâu nhỉ, mình tự nói đấy chứ!

Ông Hựu dứ dứ một ngón tay ra trước mặt vợ:

- Lúc nào nó về, em phải kể thật đầy đủ, thật hết cho nó biết cái chuyện ba mẹ nó đã sống như thế nào và làm những gì, cả cái giây phút đã sinh nó ra sao nhé. Nó đi thế này hỏi đã thấm gì so với ba mẹ nó ngày xưa, mà nó đã tưởng. Nó làm như lòng ruột của vợ chồng mình hẹp hòi lắm, nhỏ mọn lắm, nên mới giấu bọn mình mà đi, có đúng không em?

Ông Hựu chẳng ngờ vợ ông lại hiểu thấu tim gan, những suy nghĩ đằng sau câu nói của ông:

- Nhưng mà hình như mình đang muốn em nhắc lại với con, về cái quá khứ vẻ vang của mình, và mình còn thèm khát được sống lại những năm tháng đó, và còn muốn được bay bổng như con của chúng ta bây giờ, nhưng tiếc là mình không còn làm được, mới đùng đùng nổi giận đến thế. Em nói có đúng không?

Bị người vợ yêu bóc mẽ, mặt ông Hựu đỏ lựng, ông định vớt vát câu gì, chợt khựng lại. Nhưng hôm nay bà chẳng còn tâm trạng nào để ý đến sắc mặt, cùng những suy nghĩ của ông, bà quay người hăm hở bước ra cửa, vừa đi bà vừa nói với ông:

- Thôi kệ mình nghĩ gì! Bây giờ em phải gọi điện ngay cho thằng Hoàng, em phải nói bằng được với nó một câu, chỉ một câu rằng:

- Hoàng ơi! Con là người anh hùng trong lòng mẹ!

 

                                                                                                                                       Truyện ngắn của VŨ TUYẾT MÂY

 

Các tin mới hơn
Mắt phù sa(23/09/2022)
Trương và Nguyễn(21/09/2022)
Nàng Sita cù lao(25/08/2022)
Tiếng trăng(11/08/2022)
Tiếng rắn hoang(10/08/2022)
Các tin cũ hơn
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na