Bền chí vượt qua mọi khó khăn
Sáu mươi năm lao động không mệt mỏi, nhà văn Vũ Ngọc Phan đã từng làm nghề viết báo, dịch thuật, phê bình, tiểu luận, sáng tác, nghiên cứu văn học. Ông đã vật lộn với túng thiếu, vất vả, đã học nhiều ở sách vở và cuộc đời. Với tài năng và kinh nghiệm phong phú cùng với tấm lòng chân thành, ông đã gây dựng cho mình một sự nghiệp rực rỡ và giúp đỡ cho không ít đồng nghiệp và lớp trẻ.
Trong cuốn hồi ký những năm tháng ấy, nhà văn Vũ Ngọc Phan viết: “Tổ chức một Hội nghị Văn hóa toàn quốc đối với chúng tôi thật là một việc mới. Về thành phần hội nghị, chúng tôi có thể dự kiến được đôi chút, nhưng nội dung nó như thế nào, cần mời những ai là quan khách, chúng tôi chưa biết một cách cụ thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh biết chúng tôi tổ chức hội nghị này là lần đầu tiên nên Người dặn chúng tôi sau khi đã suy nghĩ thật chín và vạch ra kế hoạch thì Người sẽ cho phép lên trình bày với Người và Người sẽ góp ý cho. Chúng tôi rất lấy làm mừng. Thế là nhiều lần chúng tôi được gặp Người ở Bắc Bộ phủ”.
|
Nhà văn Vũ Ngọc Phan.Ảnh: Báo Nhân dân |
Qua hơn một năm, tình hình đã đến lúc sáng sủa hơn. Ủy ban Vận động quyết định mở Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào những ngày cuối tháng 11 năm 1945. Hơn một năm trời, Ủy ban Vận động Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã trì thủ giữ lấy ngọn lửa tin tưởng không mờ, cũng như lòng cố gắng không mệt. Bao nhiêu tháng đã qua, không có đủ điều kiện thuận lợi, Ủy ban đã phải âm ỉ làm việc với phương châm nếu không có một sự bền chí đặc biệt thì sao vượt hết những khó khăn.
Nhớ lại bối cảnh tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc, trong cuốn hồi ký "Những năm tháng ấy", nhà văn Vũ Ngọc Phan viết: “Tình hình lúc bấy giờ rất nghiêm trọng, thành phần một số đại biểu dự Hội nghị lại phức tạp, còn anh em trong ban tổ chức của Ủy ban Vận động thì chủ quan. Ban tổ chức dự định thời gian Hội nghị là tám ngày với một chương trình khá cồng kềnh về báo cáo và tham luận, về họp các tiểu ban, xen vào nhiều tiết mục văn nghệ cũ và mới. Nào báo cáo về văn hóa nói chung, báo cáo về văn học, nào báo cáo về mỹ thuật Việt Nam, về âm nhạc Việt Nam, về sân khẩu Việt Nam, về y dược, về cải cách chữ Quốc ngữ, về đời sống mới...
Về những tiết mục biểu diễn văn nghệ thì Ban kịch Đông Phương dự định biểu diễn Kiều Loan; Ban kịch Hoa Lan dự định biểu diễn: Lôi vũ, một nhóm nghệ sĩ dự định biểu diễn ca nhạc Việt Nam cổ và kim. Còn đoàn báo chí Việt Nam dự định trưng bày báo chí Việt Nam từ xưa đến nay; Bình dân học vụ dự định trưng bày những tranh ảnh chống nạn mù chữ”.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học của công nhân Nhà máy 1-5 (Hà Nội), lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hóa ngành công nghiệp, ngày 19-12-1963. Ảnh tư liệu. |
Tại thời điểm ấy, Ban tổ chức của Ủy ban Vận động ấn định nguyên tắc triệu tập Hội nghị như sau: Một phần đại biểu do các đoàn thể ở Trung ương và địa phương cử và một phần đại biểu do Ủy ban mời. Những người do Ủy ban mời là những người đã được công chúng thừa nhận là đã có thành tích về văn hóa, hoặc những người chưa được công chúng thừa nhận, nhưng đã gửi tham luận đến Ủy ban và Ban nghiên cứu của Ủy ban nhận định là có giá trị.
Nhớ lại công tác văn hóa những ngày đầu cách mạng tháng tám, nhà văn Vũ Ngọc Phan viết trong cuốn hồi ký của mình rằng: “Những việc trên đây, tuy anh em làm với nhiều nhiệt tình, nhưng cũng có nhiều thiếu sót. Điều lo nhất là chính quyền cách mạng của ta mới thành lập thì lấy đâu ra tiền để chi phí mọi việc. Đang lúng túng thì được anh Hoàng Hữu Nam (tức Phan Bôi) lúc ấy làm Chánh văn phòng Bộ Nội vụ, hứa cho một số tiền. Anh em như mở mạng cờ trong bụng”.
Trong ký ứng của của nhà văn Vũ Ngọc Phan: “Trước hội nghị mấy ngày, chúng tôi đến Bắc Bộ phủ xin Bác bài diễn văn. Cụ bảo Cụ sẽ nói theo dàn bài như thế sinh động, hợp với tình hình hội nghị hơn. Cụ bảo: "Nếu muốn ghi bài nói thì đến văn phòng Quốc hội, mượn người tốc ký". Tôi đến văn phòng Quốc hội nói với cụ Nguyễn Văn Tố, Phó chủ tịch Ban thường trực Quốc hội và được cụ Tố đồng ý ngay. Báo Cứu quốc (số 416 ra ngày thứ Hai 25-11-1946) đăng tin về Hội nghị Văn hóa toàn quốc như sau: “Hà Nội 24-11-1946. – Hội nghị Văn hóa toàn quốc họp phiên khai mạc sáng hôm nay vào hồi 9 hát Lớn”.
Văn hóa lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở
Ngày 24-11-1946, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất chính thức khai mạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Hội nghị đã quy tụ hơn 200 nhà hoạt động văn hóa đại diện cho phong trào văn hóa toàn quốc khắp ba miền Bắc, Trung, Nam và đại diện Chính phủ, Ủy ban Thường trực Quốc hội.
Tại hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc diễn văn khai mạc trong 40 phút. Trong cuốn hồi ký những năm tháng ấy, tác giả Vũ Ngọc Phan có viết: "Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết tha mong muốn nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở. "Người nói tiếp đến văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương mà chung đúc lại.
Ở đây, Người nói qua về lịch sử của những ảnh hưởng đó và đưa ra một câu hỏi: "Ta nên theo văn hóa nào?". Theo ý Người thì Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam, để hợp với tinh thần dân chủ”.
|
Bác Hồ với Đoàn Ca múa nhân dân. Ảnh tư liệu. |
Theo cuốn hồi ký "Những năm tháng ấy" của tác giả Vũ Ngọc Phan, tại hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói thêm rằng văn hóa có liên lạc với chính trị rất là mật thiết. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, được lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa của ta phải lấy tự do, độc lập làm gốc.
Theo ý của Người, văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập tự do. Đồng thời, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình. Vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng. Cùng với đó, với xã hội, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam, từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình nếu được hưởng.
Đồng thời, Người cũng khẳng định, văn hóa có liên lạc mật thiết với chính trị. Do đó, phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, được lười biếng, phù hoa, xa xỉ, phải lấy tự do, độc lập làm gốc.
Mặt khác, văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập tự do và phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình. Vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng. Còn đối với xã hội, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam, từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình nếu được hưởng. Số phận dân ta là ở tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xét qua đến tình hình văn hóa Việt Nam sau cuộc Cách mạng Tháng Tám. Người cho rằng, văn chương nghĩa là viết sách và tiểu thuyết, về phương diện lột cho hết tinh thần dân tộc, chưa một quyển nào đạt được.
Tại hội nghị, Hồ Chủ tịch đặc biệt chú ý đến nhi đồng. Người thiết tha nói với các nhà văn hóa: "Tôi tin văn hóa Việt Nam sẽ có một tương lai rực rỡ, tôi lại thay mặt nhi đồng kêu gọi các nhà văn hóa phải chú ý đến nhi đồng. Để kết luận, Người nói: "Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ".
Do tình thế, Hội nghị chỉ làm việc trong một ngày, buổi chiều và buổi tối họp ở giảng đường trường Đại học phố Lê Thánh Tông. Hội nghị thảo luận về việc thành lập Hội Văn hóa. Người thì muốn dùng hai chữ “toàn quốc", người thì muốn dùng hai chữ “Việt Nam". Cuối cùng hai chữ “Việt Nam" được chọn và Hội Văn hóa Việt Nam được thành lập.
Buổi tối, hồi 6 giờ, các đại biểu văn hóa lại họp ở giảng đường trường Đại học, ngay sát một “bốt" của bọn Tây mũ đỏ để bầu Ban chấp hành của Hội. Tất cả có 106 phiếu bầu, mở phiếu hồi 7 giờ 30 phút, có 102 phiếu hợp lệ và 4 phiếu trắng.
Theo đúng lệ, phải được 54 phiếu (quá bán) mới trúng cử, nhưng vì thời gian cấp bách, Hội nghị quyết định những người nào nhiều phiếu nhất thì trúng cử và chọn 15 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết.
Trước khi bỏ phiếu, bọn tờ-rốt-kít phá phách ra mặt. Chúng vác ba-toong đến dự hội nghị, giơ gậy lên mà xỉa xói. Chúng vận động mọi người đừng bỏ phiếu cho những người trong Ban thường trực Ủy ban Vận động, lấy cớ là những người này đã làm việc nhiều, cần được nghỉ ngơi. Nhưng không một ai nghe chúng.
|
Bác Hồ với các nghệ sĩ sau buổi biểu diễn văn nghệ Tết Kỷ Dậu, 1969. Ảnh tư liệu |
Cách mạng đã được hơn một năm, bọn Việt quốc, Việt cách đã cuốn gói đi theo bọn Tàu Tưởng, không còn ai nhẹ dạ nữa. Các thành viên ban thường trực Ủy ban Vận động đã được nhiều phiếu hơn cả (người được nhiều nhất xếp theo thứ tự là: Vũ Ngọc Phan, Hoàng Xuân Hãn, nhất là 94 phiếu). Những người được nhiều nhất Đào Duy Anh, Đình Thi, rồi đến Hồ Hữu Tường, Bùi Công Trừng, Nguyễn Mạnh Tường.
Hội Văn hóa Việt Nam được thành lập ngót một tháng thì đến ngày Toàn quốc kháng chiến. Tuyệt đại đa số trí thức Việt Nam đều tham gia kháng chiến chống Pháp. Qua chín năm kháng chiến, trí thức Việt Nam đã được tôi luyện, nên đội ngũ trí thức đã dần dần trở thành một khối vững chắc dưới lá cờ của Đảng, quyết tâm phục nhân dân, phục vụ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bất kỳ tình huống nào.
Như vậy có thể khẳng định, qua những dòng hồi ký của nhà văn Vũ Ngọc Phan, một lần nữa bạn đọc đã thấy được tầm nhìn vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng văn hóa và con người Việt Nam. Để rồi đến ngày hôm nay, những tư tưởng văn hóa tiến bộ ấy vẫn còn vẹn nguyên giá trị và là ngọn đuốc sáng soi đường cho quốc dân đi.
Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân