Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Trang Văn nghệ trẻ: "Hồn rừng" của Vũ Tuấn Khang
20/11/2023 09:29:37

“Leng keng, leng keng…”, từng cơn gió mát vi vu đuổi nhau qua tán lá sum suê của gốc đa đầu làng khẽ rung chiếc chuông được treo trên ngọn cây cao nhất. Đó cũng chính là lời cầu nguyện của cả dân làng về một cuộc sống no ấm, đủ đầy, cầu cho vụ mùa bội thu. Ngôi làng ấy cách đô thị hàng trăm ki-lô-mét, gồm những mái nhà tranh san sát nhau quây lại thành một vòng tròn, người dân trong vùng sống vô cùng hoà thuận, biết nương vào nhau mà sống. Cũng chính vì tách biệt với nơi phố thị ồn ào náo nhiệt, không có các thiết bị điện tử, nhà máy xí nghiệp nên nơi đây đâu đâu cũng là đồng cỏ xanh mơn mởn, là đại ngàn xa thẳm đầy bí hiểm. Người dân nơi đây tôn sùng mẹ thiên nhiên, sống nhờ làm nghề nông, nuôi trồng các loại gia súc gia cầm là chủ yếu. Đặc biệt, công việc được chia đều cho tất cả mọi người trong làng: Đàn ông nhờ có sức lớn nên được phân giao cho việc như đi săn bắt thú trong rừng. Còn phụ nữ và trẻ em được giao phó cho việc đi hái măng, đốn củi ngoài ra còn bếp núc và chăm sóc gia đình. Lên rừng không chỉ săn bắn thú, lượm củi khô, bẻ măng mà còn dành thời gian để nô đùa, khám phá nhiều điều lí thú. Đó cũng là trò mà đứa trẻ con nào trong làng cũng đều rất đam mê và thích thú. Trong đám con nít của làng, có ba đứa Tèo, Tí và Mít chơi thân với nhau. Dẫu Mít là con gái nhưng lúc nào cũng thích đi cùng hai bạn nhất bởi đứa nào cũng thích quậy phá, nô đùa chạy nhảy. Một hôm lên rừng đốn củi, Mít vừa đi vừa thì thầm to nhỏ với hai bạn:

- Này này, hôm trước tớ trốn mẹ lên rừng đi hái quả ăn phát hiện ra chỗ này hay lắm nhưng chỉ sợ các cậu rén thôi. - Mít kể với giọng lôi cuốn xen lẫn thách thức.

Tèo nghe thấy Mít nói vậy thì vừa thích thú, vừa cau mặt:

- Đi thì đi không phải thách, ta đây không sợ nhé. Hứ!

- Tớ cũng thế. - Tí nhanh nhảu nối lời.

Thấy hai người bạn của mình đều có vẻ rất hứng thú, can đảm nên Mít liền vỗ vai, nói:

- Được được, có chí khí. Thế mới là bạn của ta chứ.

Sau khi bàn chuyện xong xuôi, ba đứa cùng với những người bạn khác tiếp tục nhiệm vụ được giao. Mỗi lần lên rừng lại là một lần được gột rửa những muộn phiền, lo lắng bởi vẻ yên bình, tĩnh lặng mà nó đem lại. Rừng có nhiều cây, đặc biệt là những cây to lâu năm vươn cành toả bóng mát che nắng cho mọi vật. Vào rừng luôn khiến cho con người ta cảm thấy nhỏ bé, biết để ý tới mọi thứ xung quanh mình. Đó còn là nơi để người dân nơi đây tận dụng đủ mọi giác quan, là con mắt sáng ngời được màu xanh xoa dịu, là đôi bàn tay ôm không xuể lấy thân cây, đôi chân chạm đất như để lấy năng lượng từ mẹ thiên nhiên, còn là đôi tai được chữa lành bởi tiếng gió, tiếng chim rừng. Tuyệt nhất là chiếc mũi để thưởng hương thơm đặc biệt mà không thể lẫn chung với một nơi nào. Đó là mùi thơm nhẹ nhàng, thoang thoảng của nhựa thông, mùi thơm nồng nàn của vỏ quế hay là hương man mác của những nhành cỏ dại. Quay trở về với thực tại, mọi người cùng bắt tay vào công việc nhặt củi và bẻ măng. Vừa làm việc mà như đang thư giãn thì còn gì sung sướng hơn. Sau khi bẻ được kha khá măng, lượm được ít củi, Mít liền gọi Tí và Tèo lại một góc và nói:

- Này, chúng mình cũng nhặt được kha khá củi và măng rồi, mau đi thôi.

Sau khi nghe Mít nói vậy thì Tèo liền bảo:

- Vậy đống củi với măng của tụi mình thì tính sao?

- Thì cứ cất tạm vào một chỗ rồi khi nào chúng ta về thì lấy. - Mít đáp lời.

- Ừ cũng được, cứ quyết vậy đi nhé. – Tí nhanh nhảu trả lời.

Mọi chuyện đã được sắp xếp xong xuôi, Mít và hai bạn Tí Tèo cùng nhẹ nhàng, rón rén tách khỏi hội nhóm. Và cứ thế, ba người bạn nối đuôi nhau theo lối đường đã được vạch trước bắt đầu cuộc hành trình thám hiểm rừng xanh của mình. Gần tới nơi, Mít quay lưng lại với vẻ mặt nghiêm nghị, nói:

- Hai ngươi đã sẵn sàng chưa?

- Sẵn sàng.

Vừa hô đủ nghe, hai bạn cùng đặt tay lên trán như các chiến sĩ được nhận nhiệm vụ. Tay vén bụi cây, Mít dẫn hai bạn vào trong. Khi bụi cây được vén màn cũng là lúc khu rừng thần tiên được mở ra. Cảnh tượng trước mắt thật đẹp giống như trong truyện cổ tích, Tí và Tèo choáng ngợp với vẻ đẹp hùng vĩ của nơi núi rừng. Nào là những cánh bướm xanh vàng vờn nhau, bay lượn khắp không trung xuyên qua nhành cây, ngọn cỏ. Hay những chú sóc nhanh nhảu đi lượm từng quả sồi về dự trữ trong chiếc tổ của mình. Từng đợt gió mạnh khiến cho những cành lá chen nhau xô đẩy, in bóng nắng xuống mặt đất cùng những đàn chim đua nhau hót líu lo như một khúc nhạc hoà tấu, giai điệu của đại ngàn. Không những thế, nơi đây còn có một thác nước chảy ngày đêm không ngừng. Mít bỗng thấy một con hươu sao đang nghiêng mình để uống dòng nước mát trong, thân nó đầy những chấm tròn màu trắng và một chiếc sừng thật to, toát lên vẻ thánh thiện, hiền lành. Mít rón rén bước đến gần chú hươu. Bỗng, huơu sao giật mình vì tiếng động lạ rồi hoảng sợ lao đi thật nhanh. Mít thấy vậy thì tỏ rõ sự buồn rầu và nhanh chóng tới bên con thác. Soi bóng mình xuống dòng nước trong veo, chụm tay và múc lấy một ít đưa lên miệng uống. Hương vị ngọt nhẹ nơi đầu lưỡi và cảm giác mát trong ngay lập tức xâm chiếm toàn cơ thể. Mít cười hớn hở và gọi hai bạn tới để chơi chung với mình. Tí liền nói:

- Oa, ở đây đẹp giống như trong truyện cổ tích ấy nhỉ.

- Còn đẹp hơn cả trong truyện cổ tích ấy chứ. - Mít nhanh nhảu đáp.

Sau khi ngắm nhìn mọi vật xung quanh một chút thì ba bạn đi tới một gốc cây cổ thụ mà cùng nhau nghỉ ngơi, những cành cây to vươn ra toả bóng mát, hưởng những đợt gió nhẹ nhàng thoang thoảng mùi hoa cỏ dại làm cho Mít và Tèo díu hết mắt lại như sắp ngủ. Bỗng nhiên có một chú bướm màu sắc sặc sỡ bay qua, Tí chăm chú ngắm nhìn chú bướm rồi đuổi theo, cứ đuổi theo chú bướm mãi rồi lạc tới bìa rừng cũng không hay. Mít và Tèo sau khi đánh một giấc ngủ dài, không biết Tí chạy đi đâu nên đi tìm khắp nơi. Còn về phần Tí khi biết mình bị lạc nên rất hoang mang và không biết cách trở về với các bạn như nào. Bỗng bạn nghe thấy một giọng nói nhỏ nhẹ cất lên từ đâu đó vang lại:

- Đêm nay tao và chúng mày sẽ tập trung tại chỗ này rồi cùng nhau hành động. Hôm trước tao đi thám thính tình hình, thấy nhiều gỗ quý lắm.

Tí nghe thấy vậy liền hốt hoảng, bịt miệng lại, đi lùi lại đằng sau liền giẫm phải cành củi khô. Sợ tái xanh mặt, đúng lúc đó có một bàn tay kéo cậu nằm xuống đất, giật mình liền quay lại xem ai đã kéo mình xuống, hoá ra đó chính là Mít và Tèo. Nhìn thấy hai bạn thì vui lắm vì biết rằng mình không bị lạc nữa rồi, định thốt lên nói thì bị Mít bịt miệng và ra tín hiệu trật tự. Tầm một hai phút sau không thấy động tĩnh gì, Mít kéo hai bạn cùng đứng dậy và nói rằng:

- Tí lần sau không được tự tiện đi lại nữa nhé, nếu như bị lạc như hôm nay thì tớ không tìm được cậu nữa đâu.

- Tớ… tớ biết rồi mà. - Tí nói với vẻ mặt biết lỗi nhưng vẫn chưa hết hoảng hồn.

- Hai cậu vừa có nghe thấy tiếng người nói chuyện không? - Tí hỏi mặt đầy lo lắng.

- Có, hình như là bọn chúng nói về tối nay sẽ đốn cây ở giữa rừng đấy. – Mít nó với vẻ mặt nghiêm trọng.

- Vậy thì không ổn rồi, chúng ta cần phải trở về báo với trưởng làng thôi. – Tèo nói với giọng nghiêm trọng.

Ba bạn Tí, Tèo và Mít liền nhanh chóng quay trở ra rồi hối hả về làng. Sau khi nghe mấy đứa nhỏ vừa thở hổn hển vừa kể về tất cả các sự việc mà chúng nghe được, trưởng làng lộ rõ vẻ mặt đăm chiêu nhìn về ngọn núi đằng xa rồi nói:

- Được rồi, ta rất cảm kích vì các con đã thông báo tin này cho ta, ta sẽ tập hợp các trai tráng thanh niên trong làng để tối nay có thể phục kích bọn lâm tặc.

Buổi tối cũng đã đến, dân làng phối hợp cùng các chú kiểm lâm và công an huyện đã phục kích và bắt sống bọn lâm tặc. Mít, Tí và Tèo sau khi biết tin bọn lâm tặc đã bị bắt thì vui lắm vì biết mình đã góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng – nguồn tài nguyên thiên nhiên tuyệt đẹp của quê hương, đất nước.
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Tác giả, tác phẩm: "Nghệ nhân - Họa sĩ Hạ Bá Định Người nặng tình với gốm" - Tác giả Thu Mai(20/11/2023)
Văn nghệ dân gian: "Sự tích "ông Sộp" và "bà Dựa" tại hai làng Ngọc Lập (Tân Trào) và Nhữ Xá (Hồng Quang) huyện Thanh Miện" - tác giả An Văn Mậu (Nghiên cứu, sưu tầm và biên soạn)(17/11/2023)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình: "Mùa thu trong thơ ca tỉnh Đông" của tác giả Nguyễn Thị Lan(17/11/2023)
Ghi chép "Trái ngọt trên vùng bán sơn địa" của tác giả Bùi Thu Hằng(16/11/2023)
Trưa nay, biển(16/11/2023)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na