Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Tháng Chạp trong văn hóa dân gian và quan niệm về lịch âm và lịch dương"
26/03/2024 12:00:00

Lê Thị Dự (Nghiên cứu, sưu tầm và biên soạn)

Tháng Chạp là tháng thứ mười hai đối với những năm âm lịch thường, hoặc tháng thứ mười ba trong những năm âm lịch nhuận và là tháng cuối cùng của năm âm lịch. Hết tháng Chạp là đến Tết Nguyên đán. Tháng Chạp còn được nhân dân ta xưa gọi là “tháng củ mật”. Tháng năm âm lịch nào cũng chỉ có thể có từ 29 đến 30 ngày, tuỳ theo thời điểm diễn ra hai kỳ trăng non kế tiếp nhau theo giờ địa phương. Ở Việt Nam đó là GMT+7. Trong văn hoá dân gian tháng Chạp luôn gợi đến những tình cảm sâu lắng nhất trong mỗi con người Việt Nam.

Tháng Chạp là tháng diễn ra sau ngày đông chí. Cách tính số lượng ngày trong tháng âm lịch và số tháng trong năm cũng như việc xác định tháng nào là tháng nhuận (nếu có trong năm âm lịch đó) là tương đối phức tạp. Giải thích tại sao Việt Nam lại gọi tháng Mười hai của năm âm lịch là tháng Chạp, có thể dựa vào quan niệm của người Trung Quốc. Người Trung Quốc xưa gọi tháng 12 âm lịch là tháng Quý đông (tháng cuối mùa đông). Nhưng còn một cái tên khác là (Lạp nguyệt), chữ “lạp” có xuất xứ từ thịt, vì từ thời xưa người Trung Quốc thích ướp thịt khô vào dịp mùa đông và để dành ăn quanh năm. Lạp cũng là tế lễ cuối năm của người Trung Quốc. Ta có thể biết từ thời nhà Chu của Trung Quốc, tháng Mười hai (12) là dịp nhà vua nghỉ ngơi, đi săn bắn, còn đặt ra lệ: Lễ tất niên (lễ cuối năm) gọi là “Đại Lạp”. Theo giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt do tác giả Nguyễn Tài Cẩn biên soạn, chính hai từ “Lạp nguyệt” này, người Việt đã đọc chệch từ “lạp” thành từ “chạp”. Tương tự như tháng Giêng bắt nguồn từ hai chữ “chinh nguyệt” vậy.

Tháng Chạp là “tháng củ mật” bởi tháng ấy là tháng làm ăn không chỉ của những người lương thiện, mà của cả những người bất lương, vì cuối năm ai cũng có nhu cầu cho tết, người lương thiện thì tất bật lo kiếm tiền cho gia đình để có một cái tết no đủ, còn kẻ đạo chích thì tăng cường nhìn ngó vào sự sơ hở của mọi người để trộm cắp. Ngoài ra “tháng củ mật” theo quan niệm dân gian của dân ta cho rằng đây là tháng có nhiều xui xẻo, có thể dễ mất mát tiền của hay “tai bay vạ gió” có khi bị hao người tốn của với những lý do hết sức khác nhau, nhưng thường là đen và đắng như củ mật vậy.

Tuy nhiên ở một ý nghĩa khác, tháng Mười hai (12) âm lịch chạm ngõ, đồng nghĩa với mùa đông đang ngự trị, một năm nữa sắp hết, mở ra một năm mới. Tháng Chạp, tháng gợi đến nhiều cảm xúc nhất trong lòng con người, cảm giác cập rập và hối hả của cả một năm sắp qua, xen lẫn với niềm vui sướng, hy vọng sắp được chào đón năm mới. Đặc biệt trong tháng Chạp có lễ cúng ông Công, ông Táo rất điển hình với tục thả cá chép ở hầu hết mọi nơi. Một số địa phương, từ 23 tháng Chạp là thời gian được xem là tết đã bắt đầu đến, họ tổ chức nhiều trò để vui chơi và các lễ hội dân gian truyền thống cũng bắt đầu được mở từ cuối tháng Chạp vắt sang đầu tháng Giêng của năm mới.

Tháng Chạp đến có lẽ ai cũng cảm thấy lòng mình lâng lâng khó tả, cảm giác cần được yêu thương, chia sẻ. Hai tiếng tháng Chạp nghe thân thương, da diết, dẫu năm nào rồi tháng Chạp cũng đến, nhưng sao con người ta vẫn thấy rung rinh những cảm xúc mong manh, có cái gì đó như vừa nuối tiếc lại vừa hy vọng…

Đã có những câu thơ ấn tượng về tháng Chạp:

“Tháng Chạp vỡ oà cảm xúc mong manh

Nỗi hoài hương lẩn sâu trong lòng phố

Nhớ da diết ánh lửa hồng chái bếp

Chậu cúc nào khai mở búp non xanh

Tháng Chạp về cùng cây cỏ điểm danh

Những tuổi tên một thời khuất hút

Hoài niệm kết tinh muôn ngàn thanh sắc

Tháng Chạp dạt dào, nghèn nghẹn nỗi yêu thương”

Tất cả những gì trong những ngày tháng Chạp tràn về là khoảng lặng để chúng ta nhìn lại một năm qua đi với bao vui buồn, được mất, cùng những lo toan hối hả của những ngày cuối năm… Rồi bất chợt nhận ra rằng dù có đi đến đâu thì những ngày này chúng ta vẫn luôn hướng về gia đình, quê cha đất tổ, hướng về với những gì thiêng liêng nhất trong cuộc đời của một con người. Vì vậy tháng Chạp là tháng:

“Chúc nhau một tháng tuyệt trần

Nắm tay hẹn nhé khúc ngân giao thừa”.

Về quan niệm tháng âm lịch, tháng dương lịch, năm âm lịch, năm dương lịch cũng có những nghiên cứu cụ thể. Lịch dương gọi nôm na là lịch Tây, lịch này lấy thời gian một vòng quay của trái đất xoay quanh mặt trời làm một năm, vòng quay đó là hơn 365 ngày. Lịch dương “mới” được sử dụng từ nửa cuối thế kỷ XVI, ban đầu phổ biến từ các nước phương Tây theo đạo Thiên Chúa, sau dần được công nhận và phổ biến khắp thế giới, vì thế được gọi là Công Lịch và Kỷ nguyên được ghi nhận theo lịch dương gọi là Công Nguyên. Các tháng của lịch dương được ghi bằng số thứ tự từ 1 đến 12. Lịch âm là lấy thời gian một tháng theo chu kỳ tròn/ khuyết của mặt trăng, một năm thì lấy gần như theo chu kỳ một vòng quay của trái đất quanh mặt trăng. Một vòng quay của mặt trăng quanh trái đất là chu kỳ giữa 2 lần trăng tròn, hoặc giữa 2 lần trăng khuyết, chu kỳ đó nếu tính chính xác là 29 ngày đêm cộng với 12 giờ 44 phút 3 giây. Để cho gọn, người ta tính 30 ngày đối với tháng đủ và 29 ngày đối với tháng thiếu. Ngày tết là ngày đầu tiên của năm lịch âm, người Việt Nam gọi là Tết Nguyên đán.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, cụ thể là công trình của Tiến sĩ Lê Thành Lân được biết: thuở xa xưa dân ta chỉ biết dùng lịch âm, với các tháng được gọi lần lượt như sau: Một, Chạp, Giêng, Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu, Bẩy, Tám, Chín, Mười. Rõ ràng đây không phải là số thứ tự được ghi bằng con số Ả Rập hay La Mã, thuở đó các tháng được ghi bằng chữ Nôm. Các tháng trên còn được gọi bằng các Chi lần lượt là: Tý (Một), Sửu (Chạp), Dần (Giêng), Mão (Hai)… Hợi (Mười). Có một thời gọi là lịch “Kiến Tý” (lấy tháng Tý làm tháng đầu tiên). Lịch bây giờ là “Kiến Dần” lấy tháng Dần là tháng đầu tiên, vẫn giữ nguyên sự tương ứng nêu trên nên tháng Dần là tháng Giêng.

Có một thời ta ít dùng lịch âm, nay mới chú ý dùng lại, nên lớp người trẻ, nhất là ở miền Nam dường như nhiều người quên cách gọi cổ xưa này, khi thấy tháng Một không thể ghi bằng số “1” thì luôn cảm thấy hơi ngờ ngợ. Theo học giả Hoàng Xuân Hãn có giải thích theo ngữ âm học như sau: “Tiếng Việt gọi tháng đầu là Giêng (Chiêng, chính) tháng Mười hai là Chạp (Trạp, lạp). Khi lịch dương vào nước ta, để đơn giản các tháng được gọi theo thứ tự và ghi bằng số thứ tự: Tháng 1 (tháng thứ nhất), tháng 2 (tháng thứ hai)… tháng 10 (tháng thứ Mười)… Ở đây đã gọi tắt và bỏ đi chữ “thứ”, nên gọi luôn là tháng 1, tháng 2, tháng 3… tháng 10. Thường các tên gọi này có nguồn gốc từ Hy Lạp, La Mã, một số tháng được gọi theo tên các vị thần, một số tháng theo số thứ tự của thuở xa xưa khi mà một năm chỉ có 10 tháng.

Hiện nay, một số nhà xuất bản, nhà làm lịch đã áp dụng cách viết và cách gọi của người xưa nhằm tôn trọng và phát huy những giá trị văn hoá trong cách tính lịch của ông cha.

Ngôn ngữ, cách viết không những là tấm gương phản ánh hiện thực khách quan của một quốc gia, một dân tộc mà nghiên cứu, bảo tồn ngôn ngữ còn giúp chúng ta hiểu được những phong tục tập quán của ông cha từ ngàn xưa để lại. Vì vậy để tránh sự khập khiễng trong cách gọi cũng như cách viết. Đồng thời tôn trọng cách gọi cổ truyền từ lâu đã ăn sâu trong tâm thức mỗi người, chúng ta nên gọi đúng các tháng của năm âm lịch và dương lịch.
 
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Tình sử bên sông"(20/05/2024)
Gặp ở đồn biên phòng(20/05/2024)
Màu xanh(20/05/2024)
Trường Sa, Hoàng Sa(20/05/2024)
Truyện ngắn "Bà nội tôi" của tác giả Nguyễn Sỹ Đoàn(20/05/2024)
Các tin cũ hơn
Truyện ngắn "Hoa" của tác giả Thâm Tâm(25/03/2024)
Cảm nhận từ một triển lãm ảnh về Trường Sa của Hoàng Hiệp(25/03/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Cổ thụ" của tác giả Tăng Bá Hoành(25/03/2024)
Mãi dành tình yêu cho văn học nghệ thuật(25/03/2024)
Chùa làng(11/03/2024)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na