Thanh Miện là một trong những mảnh đất có bề dày lịch sử và văn hóa, tiêu biểu của tỉnh Hải Dương. Tại đây có hàng trăm di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể có giá trị được các thế hệ người Thanh Miện sáng tạo và gìn giữ tới ngày nay. Trong quá trình khảo sát, điền dã văn hóa làng xã, chúng tôi đã phát hiện sự tích “Ông Sộp, bà Dựa” tại chùa Sộp xã Tân Trào và chùa Nhữ Xá xã Hồng Quang. Chùa Sộp thờ ông Sộp (tức Liễu Nghị ẩn sĩ), chùa Nhữ Xá thờ bà Dựa (tức Thủy Tinh công chúa). Di sản văn hóa phi vật thể này gắn liền với tục “cầu mưa, chống hạn” của người dân nơi đây từ rất lâu đời. Căn cứ các tài liệu lịch sử và thư tịch lưu trữ, sự tích “ông Sộp” và “bà Dựa” có thể tóm tắt như sau:
Nguyên Thánh Mẫu (bà Dựa) là con gái vua Thủy Tề thuộc về đời nhà Đường (TK VII-X) bên Tàu (Trung Quốc). Bà kết duyên với ông Kinh Xuyên là con quan Thừa tướng dưới Thủy cung. Do bị mắc oan mà người bị cha chồng đầy lên Thượng giới. Ông Kinh Xuyên lấy người vợ lẽ là nàng Thảo Mai, ba người chung sống với nhau đã lâu mà chưa sinh được con. Một hôm Đức bà cùng nàng Thảo Mai đi du ngoạn, thấy người mệt mỏi bèn rủ nhau vào quán nước ven đường thì bỗng nhiên có một anh học trò từ đâu tới cũng rẽ vào quán nghỉ chân. Sau khi ăn hàng xong, người học trò có ý “trêu hoa, ghẹo nguyệt” không trả tiền rồi bỏ ra về. Người chủ quán bèn gọi anh học trò lại, anh này chỉ tay vào hai người nói “Đã có hai người quen của tôi trả hộ rồi”. Hai bà nghe thấy có ý bực mình “Từ xưa đến nay mình không quen người học trò này sao lại có chuyện vậy?”. Song vốn là người có lòng nhân đạo, thương anh học trò nghèo, Đức bà đã trả tiền cho chủ quán rồi hai người trở về.
Mấy ngày sau, Thảo Mai đem chuyện này bí mật nói với với ông Kinh Xuyên, tức chồng của ngài rằng: Hôm trước ngài có quen một người học trò tại quán nước ven đường và mạo ra một lá thư tình của người học trò, trong thư nói lời tình tứ rồi đem lá thư này giấu dưới gối của ngài. Tình cờ, ông Kinh Xuyên xem thư, thấy toàn lời lẽ như hôm vợ lẽ kể với mình. Từ đó, ông Kinh Xuyên nghi ngờ ngài ăn ở “hai lòng”. Ngài âm thầm chịu đựng, không biết kêu oan với ai.
Một hôm, ông Kinh Xuyên đem chuyện nói với phụ thân. Nghe xong, quan Thừa tướng nổi giận cho bắt ngài vào cũi sắt rồi đầy lên Thượng giới. Tục truyền, ngài bị đày tại một khu rừng hoang, nay là đền thờ ngài. Lạ thay, từ hôm ngài bị đầy thì ngày nào cũng có chim, thú mang hoa, quả đến cho ngài ăn uống... Nhờ vậy, ngài vẫn khỏe mạnh bình thường. Thời gian ở rừng gần 10 năm, ngài chỉ còn cái áo, còn quần thì bị rách gần hết. Ngày đêm, ngài chỉ cầu xin Trời, Phật cứu giúp; mong vua cha biết và cứu ngài thoát khỏi cảnh đầy đọa này.
Một hôm, ông Liễu Nghị người làng Ngọc Lập ở gần đấy, vì cảnh nhà nghèo nên đi thi lần nào cũng chỉ đỗ Tú tài, hận mình văn hay chữ tốt mà vẫn thua kém bạn bè, ông thu xếp hành lý rồi bỏ nhà đi chu du rừng núi. Trong lúc đang mải ngắm cỏ cây, bỗng nhiên ông Liễu Nghị nghe thấy có tiếng người kêu cứu. Ông phát hiện có một người con gái bị nhốt trong cũi sắt đặt dưới gốc cây.
Thấy Liễu Nghị, ngài vô cùng mừng rỡ và nói rằng: “Trượng phu, người hãy làm ơn giúp tiện thiếp việc này thì không bao giờ tiện thiếp dám quên ơn”. Ngài kể rõ duyên phận hẩm hưu, lấy chồng con quan Thừa tướng có vợ lẽ đem lòng ghen ghét, vu oan cho ngài ăn ở “hai lòng” nên bị bắt đầy lên Thượng giới 10 năm. Ngài mở túi lấy một viên Linh đan và viết lá thư rồi dặn ông Liễu Nghị rằng: “Trượng phu, người hãy nuốt viên Linh đan này và nhanh chóng cầm lá thư đi nhanh chóng trong 3 ngày đến cửa biển Đông cách khu rừng này hơn trăm dặm. Đến đây, người vỗ tay 3 cái thì mặt nước sẽ rẽ ra, tức thì có người đón xuống thủy cung, nơi ấy là dinh thự của Vua Thủy Tề, đó là thân phụ của tiện thiếp đấy. Người nhớ có một cây ngô đồng phía bên trái cổng thành, hãy gõ vào cây 3 tiếng, tức khắc có quan Thị vệ sẽ mở cổng thành đón vào và người dâng bức thư này cho vua cha. Đến khi vua cha nhận được lá thư này thì chỉ trong chốc lát tiện thiếp sẽ về cung đình và đưa tiễn trượng phu về Thượng giới. Xin trượng phu đừng lo ngại, người hãy đi ngay để công việc sớm thành công”.
Đức ông đi trong một ngày đã tới biển Đông, theo lời Đức bà dặn, người đứng trước cửa biển vỗ tay 3 cái, tự nhiên mặt nước rẽ sóng ra và có quân lính đến đón, một lúc đã thấy cung điện nhà vua hiện ra trước mắt. Người bèn gõ vào gốc cây ngô đồng 3 cái, quả nhiên, một lát đã có các quan Thị vệ đón ngài vào trong cung điện để dâng bức thư cho vua cha.
Xem xong lá thư, vua cha vô cùng mừng rỡ, cho hoàng hậu mời các quan văn võ đến kể lại câu chuyện công chúa bị mắc oan gần 10 năm trời. Rồi vua truyền cho các quan Thị vệ đón Đức ông về tư dinh. Người ăn uống xong và nghỉ ngơi được một lát đã thấy Đức bà về, hiện ra ngay bên cạnh. Đức bà dặn Đức ông: “Nếu vua cha có ban thưởng cho của cải, đồ đạc gì thì xin trượng phu hãy khước từ, để cho tiện thiếp được dự quyết công việc này. Tiện thiếp sẽ xin phép vua cha đưa tiễn trượng phu về Thượng giới. Hai ta sẽ kết duyên châu trần ngàn đời. Khi về Thượng giới, tiện thiếp chỉ xin vua cha một bầu nước phép để cứu dân trong lúc hạn hán hay thủy nạn xảy ra”. Hai người vừa dứt lời thì vua cha đã có chiếu triệu hồi về cung hỏi chuyện.
Vua cha cho quân lính mở kho vàng bạc, châu báu ban thưởng cho hai người nhưng Đức bà không nhận, chỉ nhất tâm xin chiếc bầu nước phép và một ít lộ phí đường về. Vua cha và mẫu hậu hết sức ngạc nhiên và gạn hỏi Đức bà vì sao không lấy vàng bạc, châu báu mà chỉ xin bầu nước phép?
Đức bà liền tâu: Muôn tâu phụ vương, ngài hãy rộng lòng tha thứ, chúng con xin bầu nước phép về Thượng giới mới cứu giúp được muôn dân tránh được cảnh mất mùa, đói khát, bệnh tật... do hạn hán hoặc thủy nạn gây ra.
Đức vua và mẫu hậu nghe lời tâu cho là phải, bèn cho quân lính mở kho lấy bầu nước phép thưởng cho hai người và giao cho quan Thị vệ tổ chức hôn lễ cho Công chúa (Đức bà) và ông Liễu Nghị (Đức ông), hai người kết duyên cầm sắt. Ngày hôm sau, hai ông bà vái tạ vua cha và mẫu hậu cùng các quan văn võ trong triều rồi trở về Thượng giới. Thấm thoắt đã gần 10 năm ở Thượng giới mà hai người chưa sinh được con. Một hôm hai ông bà bàn với nhau rằng: “Xét ra tiện thiếp với lang quân thực nghĩa trọng hơn tình; công ơn của lang quân, tiện thiếp không bao giờ quên được. Một người là âm tính (thuộc âm khí), một người là dương tính (thuộc dương khí). Dương khí thuộc trần tục mà tiện thiếp là người dưới Thủy cung, đường tử tức không có lợi, chi bằng ta tính trước đường tu hành cho sớm, tránh được vòng trần tục về sau, còn nghĩa phu thê phải giữ đạo cương thường”.
Ngày hôm sau, hai người sửa sang hành lý rồi từ biệt xóm làng, chia nhau mỗi người đến một chùa để tu hành. Đức bà tìm đến chùa làng Nhữ Xá, Đức ông tìm đến chùa làng Ngọc Lập. Hai ngôi chùa cách nhau khoảng 3 cây số. Tuy hai ông bà ở hai nơi nhưng vẫn thường liên lạc với nhau về công việc tu hành. Thấm thoắt đã trải qua sáu, bảy năm, công việc tu hành đã đắc đạo.
Một hôm, Đức ông và Đức bà cho mời các bô lão của hai làng đến để bàn việc đi du ngoạn ở thành Thăng Long (Hà Nội), cho mời làng Nhữ Xá 6 người, làng Ngọc Lập 6 người. Ngày hôm sau, Đức ông và Đức bà cùng các vị bô lão lên đường đi thăm danh lam thắng cảnh và 36 phố phường của Thăng Long, cuộc du ngoạn kéo dài hơn một tuần lễ. Lúc trở về, Đức ông và Đức bà mời các bô lão ra thăm cảnh sông Nhị Hà (sông Hồng) và cấp đủ lộ phí đi đường. Xong, tự nhiên hai ông bà xuống sông biến mất dạng.
Trở về, các bô lão kể lại câu chuyện thần kỳ trên cho mọi người. Nhân dân hai làng Nhữ Xá và Ngọc Lập nghe tin Đức ông và Đức bà “Hiển Thánh” đều vui mừng, phấn khởi. Từ đó, thiện nam, tín nữ tỉnh Hải Dương lũ lượt về làm lễ tại chùa, cầu sự linh ứng của Đức ông, Đức bà tại chùa Nhữ Xá. Sau này, xét thấy có sự linh ứng mầu nhiệm, nhân dân mới lập thêm hai ngôi đền ở phía sau hai chùa để thờ cúng các ngài trang trọng và lâu dài.
Bấy giờ, nhân dân trong vùng Hải Dương, hễ ai có việc oan ức do kẻ bất lương làm hại, bị hà hiếp do những kẻ cường hào hoặc bị mất trộm tiền của... thường sắm lễ đến cầu khấn tại đền Đức bà, ngài thường hiển linh trừng phạt những kẻ bất lương ngay trước mắt cho nhân dân biết. Đối với những kẻ biết “cải tà, quy chánh”, người cho phép được hưởng khoan hồng.
Thời gian sau, Đức bà hiển linh về khu rừng nơi xưa ngài bị đầy. Tục truyền, Đức bà sai bảo ông lão tiều phu (kiếm củi) rằng: “Ngươi đem hai khúc gỗ trầm hương này đi về hướng Tây, trên đường đi nếu thấy người mệt mỏi thì xin vào ngôi chùa gần đấy mà nghỉ trọ và đem cúng một khúc gỗ. Còn một khúc nữa hãy tiếp tục đi mà lại thấy người mỏi mệt thì tìm một ngôi chùa để nghỉ trọ, rồi cúng nốt khúc gỗ ấy cho dân làng làm tượng thờ. Hễ cúng xong là bệnh sẽ khỏi”.
Nhớ lời Đức bà dặn, lão tiều phu mang hai khúc gỗ trầm hương về phía Tây, đi từ sáng sớm đến chiều tà thì bụng đói, người mệt và miệng khát nước... Nhìn về phía trước, chợt thấy có một ngôi chùa, lão bèn xin nghỉ trọ. Xong khi vào chùa, bụng bỗng đau đớn, lão xin cúng khúc gỗ để tạc tượng. Sau khi cúng xong, bệnh liền khỏi. Sáng hôm sau, lão dậy sớm và xin phép nhà sư lên đường. Còn một khúc gỗ nữa, lão vác lên vai rồi tìm ngôi chùa khác để cúng nốt. Tục truyền, sau khi rời khỏi chùa, lão tiều phu biến mất dạng.
Cho là điều linh dị, nhân dân hai làng Nhữ Xá và Ngọc Lập đem khúc gỗ đi tạc tượng để thờ lâu dài. Làng Nhữ Xá tạc tượng Đức bà theo sắc phong Đệ tam Thánh Mẫu thủy tiên xích lân Long nữ Bạch ngọc Thủy tinh công chúa. Làng Ngọc Lập tạc tượng Đức ông Liễu Nghị theo Lịch triều sắc phong Phò mã Trung nghi Thượng đẳng thần. Từ khi tạc xong 2 pho tượng; Đức ông và Đức bà ngày càng linh ứng. Mỗi dịp đến ngày “hóa” của ngài (15 tháng 3 âm lịch), thiện nam tín nữ từ khắp nơi kéo về làm lễ, cầu gì được nấy.
Tục truyền, khu vực Ninh Giang, Thanh Miện và Bình Giang xưa là vùng trũng thấp, mỗi khi có ngập lụt hoặc hạn hán kéo dài, nhân dân làm lễ cầu đảo Đức ông và Đức bà thường được linh ứng, chỉ trong khoảng 5 tiếng đồng hồ là có mưa to, gió lớn. Nếu mở cửa 3 ngày vẫn chưa có nước thì làm lễ “Mật đảo”, tức là phải hạ tượng. Đến ngày thứ 6 phải rước kiệu Đức ông và Đức bà đến một cái đống gần đền; đống này nằm giữa cánh đồng rộng gần 10 mẫu ta. Nhân dân 6 xã rước kiệu đến hội đồng cầu đảo, chỉ trong 3 tiếng là trời có mưa to, gió lớn, đủ nước cho việc cầy cấy.
Trải qua các triều đại phong kiến, Đức ông và Đức bà đều được ban sắc phong. Thời Hậu Lê phong là “Đệ tam Thánh Mẫu, thủy phủ Động Đình lân nữ Thủy tinh công chúa”. Tiếp đến thời Nguyễn phong là “Hoàng long tinh hạnh Thủy trang linh thiện Thục diệu Phu nhân Thượng đẳng thần”. Rất tiếc là trải qua năm tháng và chiến tranh, các đạo sắc phong đều bị thất lạc.
Hàng năm, từ mùng 10 đến 20 tháng 3 âm lịch, nhân dân hai làng Nhữ Xá (Hồng Quang) và làng Ngọc Lập (Tân Trào) huyện Thanh Miện cùng nhau tổ chức lễ hội. Tục truyền vào ngày cuối hội thường có mưa to, gió lớn nên gọi là “Mưa rửa đền”; trong đó, ngày 12 là ngày “Trọng hội”, nhân dân thường tổ chức rước kiệu Đức bà sang giao hảo với Đức ông. Thông qua đó, gia tăng thêm mối đoàn kết làng xã, người đi dự lễ hội rất đông. Ca dao xưa ghi nhận về sự tích “Ông Sộp” và “Bà Dựa” như sau:
Nỗi oan thấu đến Cửu trùng
Giá người tiết hạnh ngàn vàng nào cân.
Thực là thục nữ, giai nhân,
Tiếng thơm ghi mãi lòng trần nào quên.
Anh linh hiển hiện thấy liền,
Dự trong Tam thánh, Phật,
Tiên nước nhà.
Lửa hương phụng sự gần xa,
Nơi xưa mưa thuận, gió hòa bấy lâu,
Đội ơn thánh hóa phép mầu.
Sự tích “Ông Sộp” và “Bà Dựa” của hai làng Nhữ Xá và Ngọc Lập xứng đáng là một tác phẩm văn học dân gian đặc sắc. Nó không chỉ phản ánh về công cuộc đấu tranh bền bỉ cải tạo thiên nhiên, xây dựng quê hương, đất nước của cha ông ta mà còn ghi nhận việc xây dựng hạnh phúc lứa đôi trong lịch sử, người Việt luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, trung thực; loại bỏ những thói hư tật xấu để xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.