Nhà thơ Thâm Tâm tên khai sinh là Nguyễn Tuấn Trình, sinh ngày 12.5.1917 tại thị xã Hải Dương, nay là thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Ông mất ngày 18.8.1950 trên đường làm nhiệm vụ tại chiến khu Việt Bắc. Khi ấy ông là một nhà báo chiến sĩ, phóng viên mặt trận Báo Vệ Quốc Quân (tiền thân của Báo Quân Đội Nhân Dân).
Các tác phẩm văn xuôi của Thâm Tâm mới sưu tầm xuất bản gồm: “Truyện ngắn Thâm Tâm”, 4 truyện cổ tích và tập truyện ngắn chọn lọc “Tháng ba sấm đông” (NXB Văn học), “Thâm Tâm truyện vừa” (NXB Quân đội Nhân dân). Đồng thời, NXB Lao động và Công ty Linh Lan liên kết ấn hành bộ ba tuyển truyện ngắn “Gió thu hoa cúc gầy rồi” cùng 2 tiểu thuyết “Thuốc mê”, “Nỗi ân hận dài”, năm 2023; còn NXB Kim Đồng ấn hành bộ truyện thiếu nhi gồm 3 cuốn “Hai cây hoa nhài” (tập truyện cổ tích), “Thuồng luồng ở nước” (tập truyện dã sử) và “Con rùa đội vẹt” (tập truyện đồng thoại).
Đây là nỗ lực lớn không chỉ của gia đình nhà thơ Thâm Tâm mà còn có sự hỗ trợ rất lớn của các nhà văn, nhà thơ nhằm góp phần đưa các tác phẩm văn học của Thâm Tâm đến với đông đảo bạn đọc, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Phát biểu tại buổi lễ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định: “Thâm Tâm là nhà thơ lớn của thời đại đó và cho đến tận bây giờ. Nhà thơ mất khi còn rất trẻ và tôi cứ đặt một câu hỏi rằng những năm tháng đó, cái thời đại đó, nhà thơ Thâm Tâm và rất nhiều các nhà văn nhà thơ khác họ viết khi còn rất trẻ – lúc trên dưới 30 tuổi, nhưng tại sao họ lại để lại những tác phẩm mạnh mẽ như vậy, ấn tượng như vậy? Và đến bây giờ chúng ta đọc lại vẫn thấy cảm phục vô cùng…
Tôi nghĩ thời đại của Thâm Tâm và những nhà văn trước đó, tâm thế của họ hoàn toàn khác. Họ bước vào, dấn thân trọn vẹn với văn chương, họ yêu con người đến tận cùng, đau đớn đến tận cùng và bằng cả mạng sống của họ đến tận cùng, mang tất cả những điều đó vào tác phẩm của họ… Cuốn “Truyện ngắn Thâm Tâm” được ra mắt thêm lần nữa khẳng định vị trí quan trọng của cố nhà thơ trong nền văn học nước nhà”.
Ông Nguyễn Tuấn Khoa – con trai duy nhất của cố nhà thơ Thâm Tâm – cho biết: “Từ năm 1999, nhà văn Văn Giá đã sưu tầm được khá nhiều truyện và kịch của Thâm Tâm đăng trên Tiểu thuyết Thứ bảy, lưu trữ trên microfilm, mang bản in từ Thư viện Thành Ủy TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, tiếp cận với gia đình và tiến hành số hóa, xuất bản “Truyện ngắn Thâm Tâm” gồm 38 truyện và kịch ngắn vào năm 2000.
Trong suốt 3 năm qua, được sự giới thiệu của nhiều anh chị em nhà văn, gia đình tôi đã tiếp cận được cơ sở dữ liệu số hóa ảnh bộ Tiểu thuyết thứ bảy tại Thư viện Quốc gia Việt Nam và bộ Phổ thông bán nguyệt san Truyền bá, Tuổi trẻ của Thư viện Quốc gia Pháp, tải về được bản ảnh của nhiều số Tiểu thuyết thứ bảy và Truyền bá. Gia đình cũng liên hệ với một số nhà sưu tầm trong ngoài nước và đã mua được một số lượng khá lớn bản gốc Tiểu thuyết thứ bảy, Tiểu thuyết thứ bảy Nguyệt san, Truyền bá, Sách của Tân Dân”.
Được biết, cho tới thời điểm hiện tại, được sự giúp sức của nhiều cá nhân, tổ chức; gia đình nhà thơ Thâm Tâm đã sưu tầm được 83 truyện ngắn và 29 kịch ngắn trên Tiểu thuyết thứ bảy (từ 1939 đến 1944), 27 truyện vừa đăng trên Truyền bá, cùng 2 tiểu thuyết “Thuốc mê” và “Nỗi ân hận dài” do Tân Dân xuất bản.
Theo gia đình, quá trình tìm kiếm và sưu tầm những tác phẩm của Thâm Tâm vẫn sẽ được tiếp tục. Hy vọng sẽ tiếp cận được thêm những sáng tác của Thâm Tâm trong giai đoạn 1939-1945, cũng như trong thời gian ngắn ngủi sau Cách mạng tháng Tám.
Thời gian qua, gia đình nhà thơ Thâm Tâm đã xây dựng trang web Thâmtâmnet.vn, trong đó có đưa lên tất cả những tác phẩm văn thơ của Thâm Tâm, cùng các chuyên mục về tiểu sử, bình luận, kỷ niệm về Thâm Tâm, các tác phẩm thơ, truyện, kịch của Thâm Tâm, Thâm Tâm và những người bạn, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, Thâm Tâm và TTKh, các sáng tác văn học nghệ thuật về Thâm Tâm, di bút và di ảnh, hình ảnh đồng đội và quê hương Hải Dương, Cao Bằng và Hà Nội có liên quan đến Thâm Tâm…
“Xin trân trọng cảm ơn các anh chị Hội Nhà văn Việt Nam, cảm ơn anh Văn Giá, người đầu tiên tìm kiếm các tác phẩm văn xuôi của Thâm Tâm từ hơn 20 năm trước, cảm ơn các anh chị đã mách bảo, động viên và giúp đỡ gia đình chúng tôi trong việc sưu tầm, cảm ơn các nhà xuất bản đã giúp đỡ gia đình biên tập lại và xuất bản các tác phẩm của Thâm Tâm đăng trên những ấn phẩm cũ từ hơn 80 năm trước” – ông Nguyễn Tuấn Khoa chia sẻ thêm.
Nguồn: vanvn.vn