Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Truyện ngắn "Day dứt" của tác giả Nguyễn Sỹ Đoàn
22/11/2022 12:00:00

 
 
 
 Minh họa: Bùi Quang Đức
 

Tên ông là Thao, người gầy, hơi cao, mặt vuông chữ điền, da mặt lúc nào cũng căng và hồng hào. Ông luôn có mặt ở bờ sông, nơi tập trung câu cá. Gọi là sông vì ngày xưa nó là con sông chảy qua thành phố ăn thông ra sông Cái. Những ngày “sóng yên biển lặng” nơi đây là bến đỗ của nhiều con thuyền chở hàng hóa. Mùa mưa lũ, nước tràn về ngập băng mênh mông sóng dữ. Con đê bằng bê tông thời Pháp mỏng manh chỉ muốn vỡ tung. Sau này, để bảo vệ thành phố người ta đắp chắn hai đầu làm hồ thả cá, mở lối khác cho sông chảy. Ban đầu nhiều người hăng hái đấu thầu. Và đơn vị trúng thầu toàn các công ty nhà nước. “Nhất thả cá nhì gá bạc”. Nhưng rồi do nhiều nguyên nhân trong đó chủ yếu là quan liêu, cha chung không ai khóc nên thua lỗ triền miên. Thế là bỏ.

Lâu lắm rồi không ai thiết tha với việc đấu thầu thả cá nữa. Từ đó đoạn sông này trở thành sông chết, là nỗi ám ảnh cho những căn hộ hai bên bờ. Bùn dầy cả thước, đen như than. Tùy theo chiều gió mà mùi hoang hoải hôi hám thổi thốc vào mũi mọi người nơi đây. Mọi người nói đùa là “mùi phố thị”. Những con cá, con ốc vớt được từ sông đen như hạt nhãn. Nhìn phát sợ. Có cho con chó con mèo ăn người ta cũng sợ chúng bị ngộ độc.

Giờ thì khác rồi, hai bên bờ sông được kè đá, lát vỉa hè, kê ghế đá sạch sẽ. Thành thử nhân dân trong phố thường lấy đây là nơi thư giãn. Người tập dưỡng sinh. Người câu cá làm vui. Ông Thao ra sông câu cá rất đúng giờ. Năm rưỡi sáng là ông Thao có mặt. Ngày nào cũng vậy, đúng giờ, đúng chỗ ngồi hôm trước. Ông Thao đi câu không phải để mong được cá. Hình như ông đi câu để giải tỏa một điều gì đó đang âm ỉ, day dứt trong lòng mà không biết chia sẻ cùng ai. Nhưng ông Thao lại không chịu trò chuyện với bạn câu. Nhiều buổi ông im lặng từ lúc ra đến khi về. Với ai ông cũng nở nụ cười xã giao. Hễ có ai đến gần muốn làm quen, là y như rằng ông Thao cười, chắp hai tay cúi chào từ biệt. Tưởng là thân tình, gần gũi hóa ra lại rất khách sáo xa xôi.

Tôi quen ông Thao vì ngồi câu bên cạnh từ buổi đầu. Có thể tôi ít nói nên ông thích chăng? Đấy là tôi đoán vậy. Chứ nếu ở đời mà đọc được ý nghĩ của nhau để biết ai đang nghĩ gì, có thật lòng sống tốt đẹp hay chỉ là thủ đoạn gian manh thì thật khủng khiếp. Ngồi câu bên cạnh, tôi nghe ông Thao rất hay thở dài. Qua chuyện trò lúc rỗi, câu được câu mất, tôi biết trước khi nghỉ hưu ông Thao là hiệu trưởng một trường cấp 2 (Bây giờ gọi là trung học cơ sở ). Tôi vốn xưa nay luôn kính trọng những người làm nghề có chữ “thầy” đứng trước. Chẳng hạn như thầy giáo, thầy thuốc… Cho nên nói chuyện với ông Thao bao giờ tôi cũng phải “bảy lần uốn lưỡi”. Ông Thao hơn tôi ngót chục tuổi khiến sự tôn trọng trong tôi càng cao hơn. Những lúc tôi gọi ông Thao bằng “thầy”, thấy mắt ông tối sầm lại. Ông nói buồn buồn: “Tôi nghỉ chục năm nay rồi. Đừng gọi như thế khiến tôi xấu hổ”. Tôi hiểu ông Thao không muốn nhắc lại quá khứ. Nó ngược hẳn với quy luật tự nhiên. Những người già thường sống bằng dĩ vãng. Dù cái dĩ vãng ấy đẹp hay chưa đẹp. Thậm chí có người còn lấy quá khứ của mình ra để “đe nẹt, dọa dẫm” người khác.

Có lần ông Thao nói: “Ông Hoàng có thấy không, bây giờ gặp một người có bộ mặt vui tươi sao hiếm hoi quá. Nếu không khó đăm đăm thì cũng hấp tấp ngược xuôi. Lại có những bộ mặt lúc nào cũng hầm hầm nhìn người khác như muốn túm ngực ăn tươi nuốt sống. Người ta đụng chạm nhau một tí là đỏ mặt tía tai, văng tục đủ lời chẳng hay ho chút nào. Mà chuyện có to tát gì cho cam. Toàn chuyện nhỏ nhoi, vụn vặt”. Tôi gật đầu tán thành. Tôi hiểu ý ông Thao. Bộ mặt vui tươi ở đây khác hẳn với điệu cười khoái trá đầy kiêu ngạo của kẻ trưởng giả học làm sang. Hoặc tiếng cười đắc thắng của kẻ vừa xong một cú lừa ngoạn mục.

Một lần đến nhà tôi chơi theo lời mời. Sau một tuần trà, bất chợt ông Thao hỏi: “Ông Hoàng đã khi nào phạm sai lầm chưa?”. Tôi cười: “Thưa thầy, có chứ ạ. Đời người ai chả vài lần nhầm lẫn. Điều cốt yếu ở đây là mình thành tâm sửa chữa”. Ông Thao tiếp lời: “Vâng. Đúng như ông nói. Có những điều sai ta sửa được ngay. Nhưng cũng có những cái sai tệ hại mà cả đời vẫn không sửa nổi. Buồn quá!”. Im lặng. Giữa buổi sáng thoáng đãng mát mẻ cũng không giảm được hai tiếng “buồn quá” từ miệng ông Thao. Tôi hiểu những lúc như thế này là ông Thao sắp kể cho nghe một chuyện nào đó về cuộc đời ông. Chứ đâu phải ông đến nhà tôi chỉ nói vài ba câu xa xôi bóng gió.

Ngày ấy - Ông Thao kể - Tôi là hiệu trưởng trường cấp 2 Đằng Giang, xã duy nhất trong huyện được công nhận là xã miền núi. Gọi là miền núi, chứ thực ra chỉ cách trung tâm thành phố có ba chục cây số. Tôi quản lý gần ba chục giáo viên, cả nam lẫn nữ. Trong đội ngũ giáo viên ấy có một thầy tên là Thắng. Thầy Thắng từ tỉnh khác chuyển về theo quy định luân chuyển cán bộ. Trước khi là giáo viên, thầy Thắng là bộ đội thời chống Mỹ cứu nước. Giải ngũ, thầy Thắng đi học đại học sư phạm. Tuổi nghề chừng hai chục năm, từng giữ nhiều chức vụ của một trường cấp 3. Tôi không hiểu sao phòng giáo dục huyện lại chuyển thầy Thắng về dạy cấp 2. Nghe đồn thầy Thắng là lực lượng kế cận! Năm ấy tôi mới năm mươi ba tuổi, còn đủ sức khỏe, minh mẫn để phục vụ, sao cấp trên đã vội nghĩ chuyện chuẩn bị cho tương lai? Chỉ riêng chuyện đó cũng đủ gây cho tôi nhiều bức xúc khó chịu. Từ đó tôi luôn để ý đến mọi công việc, tác phong của thầy Thắng. Công bằng mà nói, thầy Thắng là người xốc vác được việc, làm tốt dạy tốt. Học sinh lớp do thầy làm chủ nhiệm học hành chăm ngoan tiến bộ. Cuối năm lớp thầy luôn đạt tiêu chuẩn lớp giỏi. Nhưng cái tật nói như súng bắn của thầy là tôi không chịu nổi. Thầy Thắng bảo đó là ý chí tiến công của người chiến sĩ. Tôi không hiểu lắm về quân đội. Nhưng tôi nghĩ mỗi ngành, mỗi nghề đều có đặc thù riêng. Mang cái này gán ghép vào cái kia là khập khiễng. Ngoài mặt trận, đồng đội và kẻ thù được phân biệt rạch ròi. Còn ở đây là nơi dạy người, dạy chữ hoàn toàn khác nhau. Ở mặt trận không tiếng súng này không có biên giới rõ ràng. Người ta giải quyết công việc lắm khi cái tình nặng hơn cái lý. Hầu như trong đội ngũ giáo viên không ai đồng tình với cách tham gia góp ý của thầy Thắng. Họ quen sống êm đềm phẳng lặng. Họ sợ những con sóng. Dẫu là sóng lăn tăn. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không thể giải thích được vì sao người ta lại thích nghe những lời nói ngọt ngào dịu êm đến thế. Bản thân tôi cũng không nằm ngoài số người ấy. Trong các biên bản họp hội đồng nhà trường bao giờ cũng ghi thêm: “Thầy Thắng xin bảo lưu ý kiến của mình”. Tất nhiên tôi không dại gì bê nguyên xi cái biên bản ấy nộp lên cấp trên. Còn việc chấp hành nghị quyết thì thiểu số phải phục tùng đa số. Đó là nguyên tắc. Tự nhiên thầy Thắng trở thành xa lạ cô đơn. Có lần tôi bảo: “Thầy cố chấp quá”. Đấy là câu nói cuối cùng của tôi khi thầy Thắng buộc phải nghỉ hưu sớm. Nguyên nhân vì sao thì có đầy. Chẳng ai nắm tay được từ sáng đến tối cả. Còn khi ấy tôi đang được toàn thể giáo viên trong trường ủng hộ và kính trọng như một ông hiệu trưởng có năng lực giỏi của tỉnh. Ánh hào quang giả tạo làm lóa mắt tôi.

Chuyện hội giảng đã thành thông lệ hằng năm. Hôm nay lớp cô Mơ mở đầu để rút kinh nghiệm. Hai chiếc bàn đầu tiên của lớp phải nhường cho các vị khách tới dự. Nào lãnh đạo sở, phòng, và các trường bạn. Toàn những mái đầu bạc phơ, đeo kính trắng ngồi ngả lưng ra phía sau, im lặng. Chỉ nhìn qua thôi cũng đủ khiến những ai yếu bóng vía phát hoảng. Cô Mơ bước lên bục giảng khoan thai, điềm tĩnh. Hôm nay cô Mơ mặc chiếc áo dài mầu hoàng yến được là lượt phẳng phiu càng tôn thêm vẻ đẹp dịu dàng, duyên dáng của người giáo viên. Chả bù cho ngày thường thì… ôi thôi, khỏi phải nói. Ăn mặc lôi thôi xộc xệch nhàu nhĩ. Cô đang nuôi con nhỏ. Chồng cô công tác nơi xa. Một mẹ một con đìu díu. Cô Mơ lại là người tham công tiếc việc, nên chả lúc nào mở được mắt. Hết trồng rau nơi mảnh đất đầu nhà, lại chăn nuôi vài ba con lợn con gà. Quả thực nếu không như vậy thì làm sao cô Mơ nuôi nổi đứa con nhỏ. Đồng lương giáo viên khi ấy chỉ là tượng trưng.

Cô Mơ đứng im giây lát trên bục rồi cúi đầu chào mọi người. Tôi ngồi cuối lớp khẽ gật đầu khích lệ. Tôi tin ở cô Mơ qua vẻ điềm tĩnh kia. Các thủ tục giới thiệu được tiến hành nhanh gọn. Cô Mơ đưa đôi mắt trìu mến nhìn đám học trò của mình, thong thả mở sổ điểm. Sự tự tin của cô Mơ lan sang cả các vị khách quý. Họ gật gật nhìn nhau tỏ vẻ rất hài lòng. Cô giáo Mơ là cháu gọi tôi bằng cậu ruột. Chị tôi ở dưới thành phố hết lòng gửi gắm: “Cậu phải coi nó như con đẻ mới tận tâm tận lực lo đến nơi đến chốn được”. Ba năm nay, một phần có sự nâng đỡ của tôi. Một phần do sự cả nể “cháu yêu của hiệu trưởng” nên năm nào cô Mơ cũng đạt giáo viên dạy giỏi. Năm vừa rồi suýt đạt chiến sĩ thi đua nếu không có thầy Thắng phản đối quyết liệt. Thầy Thắng còn dọa sẽ kiện lên tận Bộ. Cứ cái đà này chỉ vài ba năm nữa cô Mơ sẽ đủ thời gian dạy học ở miền núi. Tôi sẽ tác động với sở để chuyển về thành phố. Thế là ước nguyện của chị tôi thành công.

Theo quy định, đầu tiết học phải có 15 phút kiểm tra vấn đáp. Cô Mơ đặt ra câu hỏi. Giọng cô Mơ nhỏ nhẹ, rõ ràng. Tôi quan sát thấy cả lớp giơ tay. Những cánh tay tuy còn in dấu vết đồng ruộng nhưng trông rất đẹp đẽ, đều tăm tắp. Cô Mơ nở nụ cười thỏa mãn. Tôi cũng mừng cho cô Mơ. Tôi có dự định qua lần hội giảng này nếu thành công, cô Mơ sẽ là nhân tố điển hình của trường, của huyện. Rồi tiếng tăm cô Mơ sẽ nổi lên như cồn. Và điều tất yếu sẽ phải đến, cô Mơ sẽ đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn huyện. Nếu được như thế thì việc chuyển về thành phố của cô Mơ chỉ còn là vấn đề thời gian. Cô Mơ bước xuống bục giảng đi đến giữa lớp. Cô chỉ tay về một cạnh bàn ôn tồn: “Em. Mời em lên bảng”. Cậu học trò được cô Mơ chỉ định có khuôn mặt sáng sủa, thông minh và không kém phần láu lỉnh, tinh nghịch. Cứ nhìn kiểu cách cậu học trò giơ tay, ai cũng chắc chắn cậu ta rất thuộc bài. Nhưng tôi thật ngỡ ngàng thấy mặt cậu tái dại. Cậu nói líu ríu. Phải thật chú ý lắm mới nghe rõ: “Em trái mà”. Cô Mơ chợt thất sắc. Thoáng một giây thôi, cô Mơ lấy lại được bình tĩnh. Cô bậm môi dứt khoát: “Trái… cũng lên bảng”. Rất may cái từ “cũng” cô nói rất khẽ nên không ai nghe thấy. Cậu học trò có cái tên lạ hoắc kia lê từng bước chậm chạp đi lên. Cứ nhìn cậu ta đứng như trời trồng, tay gãi đầu đủ hiểu là không thuộc bài. Cái giơ tay vừa rồi chỉ là theo phong trào.

Đến lúc này cô Mơ không thể bình tĩnh nổi. Mắt cô long lên như muốn thiêu cháy cậu học trò kia thành tro bụi. Mọi tức giận trong lòng cô phát tiết hết cả ra ngoài qua cái miệng xinh xinh được tô son đỏ rực. Cô quên khuấy mất những vị khách quý rất đáng kính trọng đang ngồi dự trong lớp. Có tiếng thầy giáo nào đó ngồi đầu bàn khẽ nhắc: “Em Trái cứ bình tĩnh suy nghĩ. Đừng hoảng quá”. Cả lớp cười ồ lên thoải mái. Cô Mơ gõ mạnh thước kẻ xuống bàn đánh “chát” một cái để lập lại trật tự. Tiếng ồn trong lớp đột ngột im lặng. Không gian như đặc lại. Nét mặt lũ học trò căng ra. Thoắt chốc già đi mấy tuổi. Đã không thuộc bài thì dù cậu học trò kia có đứng lâu bao lâu cũng chẳng thể nặn ra được chữ nào. Tiếng cô Mơ đanh và sắc. Nó đâu còn khẽ khàng và đầy tự tin như cách đây chục phút: “Về chỗ. Điểm 0”. Vậy là tiết hội giảng của cô Mơ “chưa đạt yêu cầu”. Đây là nhận xét của ông trưởng đoàn. Cuối năm học, cô Mơ vẫn đạt giáo viên dạy giỏi. Lại còn được đề nghị nâng bậc lương trước thời hạn. Học sinh lớp cô làm chủ nhiệm lên lớp trăm phần trăm. Những giáo viên cũ không ai phản đối. Tôi đã nói là không ai muốn mặt hồ đang yên ả bỗng nhiên nổi sóng. Có trời mới biết con sóng kia sẽ quật vào ai.

Lại một mình thầy Thắng lên tiếng. Thầy nói cái điều mà bất cứ một giáo viên nào cũng biết, cũng hiểu. Nhưng không phải ai cũng nói ra được trước cuộc họp: “Chất lượng học tập là trên hết”. Chẳng ai phản đối lời phát biểu của thầy Thắng. Ai cũng nghĩ: “Người ngồi bên cạnh sẽ nói hộ mình”. Rút cục chẳng ai chịu nói cả. Thế là xong. Lại ngại mặt hồ nổi sóng. Ngại mất lòng ông hiệu trưởng. Mà đã bị mất lòng thì coi chừng, đừng có hòng mọc mũi sủi tăm. Thề với ông Hoàng, tôi chưa bao giờ trù dập cấp dưới của mình. Tôi chỉ không ưa những người “phá ngang” như thầy Thắng thôi. Thầy Thắng đứng phắt dậy nói: “Cô Mơ làm như vậy là lừa dối, là đeo kính mầu hồng cho lãnh đạo. Là… Là...”. Tôi không thể nhớ hết. Toàn những lời “súng bắn ù tai”. Thầy Thắng nhắc lại buổi hội giảng. Thì ra cậu học trò đáng thương kia có cái tên rất đep, chứ không phải tên là Trái. Sự thật là ngay từ buổi học hôm trước cô Mơ đã dặn kỹ: “Ngày mai vào giờ dạy của cô, tất cả phải giơ tay xin phát biểu. Em nào chắc chắn thuộc bài thì giơ tay phải. Em nào thuộc lơ mơ hay không thuộc bài thì giơ tay trái. Cô sẽ căn cứ vào đó để gọi lên bảng kiểm tra. Các em rõ cả chưa?”. Cả lớp dạ vang phấn khởi. Có cậu hứng chí còn tung sách, tung vở lên không trung rồi nhảy theo bắt lấy. Bình thường, hành động ấy cô Mơ sẽ phạt rất nặng. Nhưng hôm nay cô đang phấn khởi nên sẵn sàng bỏ qua. Ai ngờ lúc hội giảng cô Mơ quên phắt mất điều hệ trọng kia. Rất đơn giản là cô Mơ đang đứng đối diện với học trò. Trong lúc phấn khích, cô không kịp phân biệt bên phải bên trái. Cô nhầm. Cái nhầm vô cùng tai hại.

Không ai cười nổi. Mặc dù câu chuyện thầy Thắng kể tựa như chuyện tiếu lâm. Sự ngột ngạt tới cả chục phút. Có tiếng chép miệng: “Chuyện nhỏ. Đừng nên quan trọng hóa vấn đề. Ở đâu, trường nào bây giờ mà chẳng thế“. Quả thực, lúc ấy tôi có nghĩ đến sự dối trá ti tiện. Nhưng chỉ thoáng qua thôi. Trọng trách hiệu trưởng đè nặng lên vai tôi. Một ngôi trường đang được huyện, được tỉnh quan tâm nâng đỡ đầu tư rất nhiều tiền của công sức để xây dựng thành trường điểm. Rất nhiều đoàn khách đến thăm quan học tập. Bây giờ không thể để bỗng chốc đổ ra sông ra biển. “Chuyện kia” chỉ là tai nạn. Chỉ tiêu của cấp trên giao là pháp lệnh. Phải hoàn thành bằng mọi giá. Vượt kế hoạch càng tốt. Vì thế có năm toàn trường không một học sinh nào lưu ban. Và thế là mọi người yêu cầu thông qua biên bản họp hội đồng nhà trường. Trường tôi vẫn đạt tiên tiến xuất sắc, được Bộ Giáo dục cấp bằng khen. Nghe các anh trên sở nói còn đang đề nghị lên Chính phủ tặng Huân chương lao động hạng hai nữa cơ. Sau này tôi mới nghiệm lời thầy Thắng nói rất đúng. Cô Mơ đeo kính mầu hồng cho tôi. Còn tôi lại đeo kính mầu hồng cho cấp trên của tôi. Cứ thế lên cao nữa. Đau xót quá. Khủng khiếp quá. Nhưng lúc ấy cuộc đời tôi đang bay lên làm sao tôi nghĩ được như bây giờ. Mọi người ủng hộ tôi, tung hô tôi. Tôi không kịp nghĩ gì hết. Chỉ riêng thầy Thắng là lẻ loi. Những lời phát biểu của thầy Thắng như giọt nước làm tràn ly. Nhân có đợt giảm biên, tôi và toàn ban giám hiệu “vận động” thầy Thắng xin nghỉ hưu.

Kể xong câu chuyện dở khóc dở cười, thầy Thao ngồi yên lặng. Tự nhiên tôi thấy thương thầy Thao quá. Thầy Thao chỉ là nạn nhân của căn bệnh thành tích đã ăn sâu vào gan tủy một thời gian quá dài. Không riêng ngành giáo dục. Thầy Thao không phải là nạn nhân đầu tiên và chắc chắn chưa phải là người cuối cùng. Mãi sau tôi hỏi: “Về sau thế nào?”. Nét mặt thầy Thao rạng lên: “May mắn, Bộ đã phát hiện ra điều nguy hiểm ấy. Nhiều nghị quyết, chỉ thị nhằm nâng cao chất lượng dạy tốt, học tốt. Chống căn bệnh thành tích. Chống học sinh ngồi nhầm lớp. Thôi thì tôi cũng được an ủi phần nào”. Tôi lại hỏi: “Thầy còn gặp thầy Thắng nữa không? Thưa thầy”. Thầy Thao bảo: “Ông Hoàng ơi! Đây chính là điều day dứt duy nhất trong cưộc đời công tác của mình. Sau khi nghỉ hưu chừng hai năm, tôi cố lần mò theo hồ sơ của thầy Thắng. Và tôi đã về tận quê thầy ở Ninh Bình. Hy vọng gặp được thầy, để có lời xin lỗi, mong thầy tha thứ. Nhưng tiếc thay, người làng nói rằng thầy Thắng đã chuyển vào Tây Nguyên từ dạo mới nghỉ hưu. Nghe đâu bây giờ đang dạy học miễn phí cho một trường tình thương nào đó. Ngẫm lại thật xấu hổ. Thực tình khi ấy tôi chỉ muốn tốt đẹp mọi bề. Nhưng thật ra đó chỉ là lớp sơn hào nhoáng phủ lên thanh gỗ mục. Còn thầy Thắng mới thực sự là người chăm lo, vun trồng những cây gỗ thứ thiệt cho đời sau. Tôi tin dù ở nơi đâu, dù trong hoàn cảnh nào, thầy Thắng vẫn là người giáo viên mẫu mực”. Tôi nhìn sâu vào mắt thầy Thao. Tôi hiểu đó là sự hối hận thật lòng. Mọi lời an ủi đối với thầy Thao lúc này thật vô nghĩa.

Câu chuyện trên là có thật. Thầy Thao chỉ yêu cầu tôi thay đổi tên người và địa danh. Thầy Thao hy vọng, một hy vọng mong manh: “Thầy Thắng sẽ đọc được cái truyện ngắn này và coi đây là lời sám hối của một kẻ đã bước gần tới cõi hư vô”. 
 
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Truyện ngắn "Những đứa con của cha" của tác giả Vũ Tuyết Mây(21/11/2022)
Người chỉ huy dàn nhạc(21/11/2022)
Nhớ thầy(18/11/2022)
Thầy cô và mái trường(18/11/2022)
Truyện ngắn: "Cái tổ chim" của tác giả Thâm Tâm(17/11/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na