Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương"
11/10/2024 09:54:44

Tác giả: Hoàng Thành

 

 
Trong dòng chảy gần 100 năm của tân nhạc Việt Nam với sự khởi đầu từ ca khúc Cùng nhau đi hồng binh, sáng tác năm 1930 của nhạc sĩ Đinh Nhu, đến nay chúng ta đã có một nền âm nhạc đồ sộ, và trong dòng chảy chung ấy, ngay từ rất sớm các nhạc sĩ đã nhận thấy tầm quan trọng của "Ca khúc thiếu nhi" trong đời sống âm nhạc. Từ đó, âm nhạc cho thiếu nhi đã phát triển và có những thành tựu rực rỡ, những giai điệu đã đi cùng tuổi thơ và thành hành trang theo suốt cuộc đời mỗi người chúng ta.

Ngay khi nền tân nhạc Việt Nam có những đóng góp đáng kể trong đời sống âm nhạc của nhân dân những năm trước Cách mạng Tháng 8, các ca khúc thiếu nhi đã tự tìm cho mình một vị trí quan trọng, tiêu biểu trong đó là ca khúc "Thằng Cuội"" của nhạc sĩ Lê Thương, ca khúc đến nay vẫn vang lên khắp nơi mỗi khi vào dịp Trung thu, ca khúc "Em bé quê"" của nhạc sĩ Phạm Duy vẫn được trình diễn và được các em nhỏ hát say sưa. Trong kháng chiến chống Pháp, các ca khúc vui tươi như "Thiếu sinh quân ở một nơi thật vừa"" của nhạc sĩ Phạm Tuyên, ca khúc dí dỏm như "Lỳ và Sáo" của nhạc sĩ Văn Chung được sáng tác kịp thời và phục vụ tốt đời sống âm nhạc cho thiếu nhi. Đặc biệt ca khúc "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng", sáng tác năm 1945 của nhạc sĩ Phong Nhã đã trở thành biểu tượng, là tâm hồn, là cốt cách của lớp lớp thế hệ thiếu nhi Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các sáng tác cho thiếu nhi đã thực sự bùng nổ, và việc sáng tác ca khúc cho thiếu nhi với các nhạc sĩ không chỉ là niềm vui, là trách nhiệm, mà còn thể hiện sự yêu quý, trân trọng lớp măng non của nước nhà. Các ca khúc trong thời kỳ này đã đi sâu, đi sát vào tâm tư, đời sống của thiếu nhi, ca ngợi sự hy sinh vì dân tộc của các anh hùng nhỏ tuổi, ca ngợi những tấm gương, những việc làm xuất sắc của thiếu nhi trong cả nước, đồng thời cũng đầy những hoài bão, ước mơ. Có thể kể ra một vài ca khúc tiêu biểu như ca khúc: "Đưa cơm cho mẹ đi cày" của nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích, ca khúc "Hạt gạo làng ta"" của nhạc sĩ Trần Viết Bính, phổ thơ Trần Đăng Khoa, vv và vv...…

Sau mùa xuân năm 1975 đến nay, việc sáng tác ca khúc cho thiếu nhi ngày càng được chú trọng, các ca khúc chủ yếu khai thác chủ đề về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu thương gia đình, tình thầy trò và tình bạn trong sáng. Lúc này các ca khúc viết cho thiếu nhi cũng bước ra từ trong phim, kịch, tiểu phẩm truyền hình để hòa vào đời sống âm nhạc chung.

Không nằm ngoài xu thế chung của dân tộc, các nhạc sĩ Hải Dương cũng đã tự khẳng định mình qua việc sáng tác ca khúc cho thiếu nhi, tiêu biểu như nhạc sĩ Ngô Khải với ca khúc "Kỷ nguyên xanh", nhạc sĩ Phạm Hữu Đức với tập nhạc thiếu nhi "Gà nhíp gọi em", nhạc sĩ Mai Đoan với ca khúc "Điều con cần có", "Hát mừng tiếng trống hội Thăng Long", nhạc sĩ Hoàng Thành với ca khúc "Ngày hội cháu ngoan Bác Hồ" (được chọn làm bài hát chính thức của Đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ 8).…

Có thể nói, sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương trong việc sáng tác ca khúc cho thiếu nhi hiện nay còn khá khiêm tốn, một phần do tác động của kinh tế thị trường, sự phát triển của các loại hình giải trí cũng làm cho trẻ em xao nhãng. Tuy nhiên cũng phải nhìn vào sự thật là các nhạc sĩ chúng ta chưa bắt kịp với xu hướng thời đại, ngôn ngữ âm nhạc chưa thu hút thiếu nhi, chúng ta còn nằm trong vòng an toàn khi sáng tác, và cũng chưa thật sự quan tâm đến việc sáng tác ca khúc cho thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay.

Là một người gắn bó lâu năm với thiếu nhi, bản thân tôi cũng luôn đi tìm các tác phẩm hay, phù hợp với lứa tuổi để giúp cho các em trong Đội nghệ thuật măng non nhà thiếu nhi Hải Dương chúng tôi được tiếp cận, được thể hiện trên các sân khấu của các em. Ca khúc thiếu nhi sẽ luôn có được đời sống của riêng mình, chính vì thế, tôi cũng mong rằng, các nhạc sĩ Hải Dương có nhiều sự quan tâm hơn đến việc sáng tác ca khúc cho thiếu nhi đặc biệt là thiếu nhi tỉnh nhà.
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Các tin cũ hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Đài sen dâng Bác(07/10/2024)
Cây đại già ở Côn Sơn(07/10/2024)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na