Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Mục Văn nghệ trẻ: "Bàn chân đặc biệt" của Ngân Thuận (Học sinh lớp Bồi dưỡng năng khiếu sáng tác Văn học- Mỹ thuật trẻ năm 2022)
02/01/2023 07:28:00

Cu Bống có một bàn chân sáu ngón. Từ khi sinh ra, Bống đã có bàn chân khác mọi người như thế rồi. Khi còn nhỏ, Bống không hề biết tới điểm khác biệt ấy. Khi biết đếm, em nhận ra một bàn chân của mình có số ngón nhiều hơn bàn chân còn lại, và cũng nhiều ngón hơn bàn chân của bố mẹ. Nhưng đối với em, điều ấy chẳng có gì đáng lưu tâm. Chỉ là nhiều hơn một ngón chân mà thôi, đâu có phải điều gì lớn lao đâu nhỉ?

 
 
 
 

Năm nay Bống đi học mầm non. Em dần nhận ra điều “kỳ lạ” ở mình. Đó là khi, em cởi đôi giày vải bé xinh ra khỏi chân, các bạn nữ ồ lên chỉ trỏ, các bạn nam thì xúm lại và gọi em là “Đồ sáu ngón”. Đó là khi, em giật mình tỉnh giấc ngủ trưa và nhận ra vài người bạn đang cùng nhau nghịch ngợm bàn chân sáu ngón của mình và cười chế nhạo. Rồi một lần, một bạn nữ em yêu quý nhất đã hỏi em rằng “Này, chân cậu bị sao mà lại thừa ra một ngón thế?”.

Chỉ vài ngày đi học, em mới ngỡ ngàng nhận ra dường như mình khác biệt. Em đã sống với bàn chân đó từ lúc sinh ra, em vẫn được bố mẹ yêu thương nhất mực. Em băn khoăn, tại sao em khác mọi người? Và tại sao chỉ vì một ngón chân khác biệt mà mọi người đối xử khác biệt với em? Ngồi sau xe mẹ trên đường về nhà, lòng em nặng trĩu - một cảm giác mà lần đầu tiên trong đời em được biết đến và sau này em mới biết gọi tên nó là “Nỗi buồn”.

Tối hôm đó, cũng lần đầu tiên trong đời, em thấy khó ngủ không phải vì háo hức được đi chơi, không phải vì lỡ uống cốc cà phê của bố, mà vì em mải nghĩ về bàn chân em, về ngón chân thứ sáu và về những lời chế nhạo, những tiếng cười của các bạn ở lớp. Em quay sang trái, rồi lại quay bên phải, cựa quậy liên hồi. Mẹ thấy vậy liền hỏi “Sao con chưa ngủ?”. Qua ánh sáng lờ mờ của chiếc đèn ngủ, mẹ thấy được khuôn mặt không vui của Bống. Bố cũng nhìn em bằng đôi mắt lo lắng. Bố hỏi: “Con buồn chuyện gì à? Hay ở lớp có chuyện gì hả con?”.

Bố vừa dứt lời, đột nhiên Bống thút thít khóc. Qua làn nước mắt, em nấc lên từng tiếng:

- Bố ơi, mẹ ơi! Tại sao bàn chân con lại thừa một ngón vậy ạ? Tại sao chân con lại không giống chân các bạn hả bố mẹ?

Em vừa dứt lời, bố liền ôm chặt em vào lòng. Em vùi đầu vào vai bố, dòng nước mắt nóng hổi thấm qua lớp áo bố mặc. Mẹ Bống thấy em khóc cũng không kìm được nước mắt. Mẹ cũng ôm em vào lòng, nhẹ nhàng vỗ về. Mẹ bảo:

- Chân con là một bàn chân đặc biệt, Bống của mẹ à. Ngón chân thứ sáu của con không phải là ngón chân thừa. Đó là món quà đặc biệt mà con được nhận thêm vì con là một đứa bé ngoan đấy!

- Mẹ nói thật hả mẹ?

Bố em liền trả lời:

- Mẹ Bống nói đúng rồi đó! Và dù con có bao nhiêu ngón chân thì con vẫn là Bống của bố mẹ, vẫn là em bé ngoan mà bố mẹ yêu nhất trên đời!

Ngày hôm sau, Bống đến lớp học và vui vẻ nói với các bạn rằng: “Không phải chân tớ bị thừa một ngón đâu, mà đó là ngón chân đặc biệt, là món quà mà tớ được nhận đấy!”.

Bống có một bàn chân đặc biệt. Và trên thế giới có rất nhiều người giống như Bống, với bàn tay đặc biệt, nốt ruồi đặc biệt, hay vết bớt đặc biệt. Ai ơi, hãy trân trọng những con người đặc biệt ấy, bởi vẻ bề ngoài không nói lên tâm hồn họ, và dẫu những điều đặc biệt có là một món quà thì họ cũng đã gặp nhiều nỗi buồn bởi món quà ấy. Còn nếu bạn cũng là một “Bống”, hãy luôn ghi nhớ rằng bản thân mình đặc biệt, và trên trái đất vẫn luôn có những người yêu thương bạn dù trông bạn có như thế nào! 
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Mục tác giả, tác phẩm: Tác giả Nguyễn Hữu Phách - Một nhà văn, nhà báo đa tài" của tác giả Kim Xuyến(31/12/2022)
Chuyện làng văn nghệ: "Muôn nẻo bút danh nhà văn" của tác giả Mộc Uyển(31/12/2022)
Mục Văn nghệ dân gian: "Con trâu" của tác giả Tăng Bá Hoành(31/12/2022)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình: "Bản tình ca cuộc sống" của tác giả Nguyễn Thị Việt Nga(30/12/2022)
Cánh đồng và bầy chim(29/12/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na