Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Tác giả, tác phẩm: "Họa sĩ Hà Huy Chương - 45 năm với sáng tác tranh cổ động"
04/12/2023 12:00:00

Kể từ khi tham gia Triển lãm tranh cổ động (TCĐ) toàn quốc năm 1978, đến nay họa sĩ Hà Huy Chương (Ban Mỹ thuật Hội VHNT tỉnh) đã có 45 năm sáng tác liên tục tranh cổ động. 45 năm qua, nay ông đã vào lứa U70, đã có 5 giải Nhất, gần 30 giải Nhì, nhiều giải Ba, giải Khuyến khích TCĐ toàn quốc, các bộ, ngành trung ương; hơn 20 lần giải Nhất và nhiều giải Nhì... TCĐ các tỉnh, thành phố trong nước; 28 mẫu TCĐ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch in phát hành toàn quốc với số lượng 10.000 - 20.000 bản/mẫu; nhiều tranh được các Bảo tàng: Lịch sử Quốc gia, Hồ Chí Minh, Lịch sử Quân sự, Phụ nữ VN, Tổng Cục II, Hội Mỹ thuật VN và cá nhân sưu tập. TCĐ của Hà Huy Chương có mặt ở hầu hết các sự kiện chính trị-xã hội lớn của đất nước, tham gia triển lãm ở nước ngoài... Quá trình sáng tác của họa sĩ thật không nhỏ. Nhân chặng đường 45 năm sáng tác TCĐ, phóng viên VNHD có cuộc trao đổi cùng họa sĩ Hà Huy Chương.

 

Tác phẩm đoạt Giải A tranh cổ động do Bộ Công an tổ chức năm 2023
 
 
 Tác phẩm đoạt Giải Nhì tranh cổ động toàn quốc năm 2019
 
 
 

 

Pv: - Thưa họa sĩ, ông đến với TCĐ như thế nào và vì sao lại được coi là họa sĩ chuyên tâm về TCĐ?

Tôi đến với TCĐ từ rất sớm. Khi còn học cấp II, tôi đã theo ông chú ở quê đi phóng TCĐ. Khi đó tôi đã biết kẻ ô, bắc thang phác hình để hai chú cháu cùng thể hiện. Màu vẽ lúc đó là bột than, bột sỏi son, một ít bột màu pha với hồ nếp, lá sắn dây... Khi vào bộ đội (1972) tôi được đơn vị trưng dụng vẽ báo tường, pano, áp phích, chép, phóng tranh của các họa sĩ thu thập trên sách, báo, cũng tự sáng tác một vài mẫu tranh, nhất là dịp chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (1972), khi các tỉnh miền Nam lần lượt được giải phóng mùa xuân năm 1975 để phục vụ nơi đóng quân. Đến khi về Hà Nội học đại học, năm 1978, tôi nghe đài thông báo có cuộc triển lãm TCĐ toàn quốc về đề tài nông, lâm, ngư nghiệp... tôi mạnh dạn sáng tác 2 mẫu tranh gửi ra Xưởng tranh Cổ động Trung ương. Bất ngờ, tôi được chọn 1 mẫu tranh, treo tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội) bây giờ. Tôi sung sướng như phát run lên, vì tranh của mình được treo cùng các họa sĩ TCĐ tên tuổi của đất nước. Khi đó tôi 24 tuổi. Cũng năm 1978 tôi được biết đến một số họa sĩ người Hải Hưng. Đặc biệt tôi rất ngưỡng mộ họa sĩ Phạm Trí Tuệ, Xuân Đông, Bùi Quang Phiến, ba họa sĩ đều là người Hải Hưng đoạt 3 giải Nhất TCĐ năm ấy. Thật là hiếm có. Năm 1980, tôi được giải Nhì TCĐ toàn quốc, là bức tranh được giải đầu tiên, cùng nhận giải với họa sĩ Lê Thiệp, Trần Mộng Huần... quê Hải Hưng. Tôi học lớp vẽ Câu lạc bộ do thầy Lê Thiệp tham gia giảng dạy. Thầy biểu dương tôi trước lớp, khiến tôi càng phấn chấn, để tâm sáng tác TCĐ. Từ đó các cuộc phát động, tổng kết Triển lãm TCĐ toàn quốc tôi đều được mời tham gia và liên tục có tranh được chọn triển lãm. Sau đó được giải Ba, giải Khuyến khích; có tranh được chọn dự triển lãm đồ họa áp phích ở Ba Lan, Tiệp Khắc, Liên Xô, Cu Ba, Ấn Độ. Thành công ngay từ bước đầu ấy rất tự nhiên dẫn tôi đến với TCĐ. Từ đó đến nay đã qua 45 năm liên tục sáng tác, có lẽ tôi là người tham gia bền nhất về TCĐ, vì nhiều họa sĩ cùng lứa tuổi tôi, lớp trước tôi, những bậc thầy, sau này nhiều bác không tham gia sáng tác TCĐ nữa, phần vì tuổi tác, phần vì những yêu cầu TCĐ ở thời kỳ mới không phù hợp (trừ họa sĩ Trần Duy Trúc đến nay đã 80 tuổi, đã chuyển về Hà Nội, vẫn có tranh tham gia, tuy có khoảng 10 năm không sáng tác TCĐ).

Tôi đến với TCĐ như một sự tự nhiên, lúc đầu chưa có khái niệm gì nhiều. Chỉ là những bài học về tìm ý tưởng nội dung, hình thức (bố cục, hình tượng, màu sắc, sắc độ, đường nét, lối trang trí, cách điệu...) để bức tranh đạt yêu cầu. Qua quá trình học mỹ thuật, xem nhiều thể loại tranh, tượng và nghệ thuật nói chung, tôi nhận thấy thể loại gì cũng đều đem đến cho người xem cảm nhận về nội dung, về thị giác, tranh phải có sự sáng tạo, phải đẹp, hấp dẫn, chí ít là có thông điệp nào đó đến với người xem. Tất cả phải đạt yêu cầu với các yếu tố cơ bản về tạo hình. Hầu hết các họa sĩ tên tuổi, danh họa nước ta đều đã từng vẽ tranh cổ động như các họa sĩ: Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị, Huỳnh Văn Gấm, Lưu Công Nhân, Huy Toàn, Lê Lam, Đường Ngọc Cảnh, Văn Đa, Huy Oánh, Nguyễn Thụ, Trần Đình Thọ, Đỗ Hữu Huề,... Tôi nghĩ rằng, đã là họa sĩ thì phải có tác phẩm. Tác phẩm của anh đóng góp được gì cho đời sống xã hội. Tác phẩm TCĐ của tôi được sử dụng nhiều, luôn gắn bó với cộng đồng, được nhiều giải thưởng, được in, phát hành, phát huy hiệu quả. Thế là tôi thành người chuyên tâm cho TCĐ.

Pv: Có người cho rằng, TCĐ không phải là tranh nghệ thuật, TCĐ chỉ nhất thời, không "sống lâu" như tranh hội họa... Ông nghĩ thế nào về ý kiến này?

Tôi không đồng tình với quan niệm này của ai đó. Như trên tôi đã nói, tranh - tức là một bộ môn của nghệ thuật tạo hình, nghĩa là nó phải đáp ứng các tiêu chí cơ bản của nghệ thuật tạo hình. Nếu tranh "phạm" vào những tiêu chí đó thì nó phi nghệ thuật, thậm chí phản tác dụng. Bức tranh sơn dầu, sơn mài hay lụa... thuộc thể loại hội họa mà bố cục dở, hình, màu sắc, sắc độ, đường nét xấu thì không thể coi là "nghệ thuật" được. Mỗi thể loại tranh đều có những giá trị riêng. TCĐ cũng phải đáp ứng yêu cầu về nội dung, ngôn ngữ, vừa phải đáp ứng yêu cầu về thị giác với các yếu tố tạo hình. Nếu tranh không đẹp thì không thể "cổ động" được. Trên thế giới, TCĐ Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Cu Ba,... từng có nhiều tác phẩm mẫu mực về nghệ thuật, thậm chí có những bức chứa đựng ý tưởng lớn của thời đại mà những bức tranh phong cảnh hay sinh hoạt đơn thuần không bao giờ có được. Còn về cảm nhận và thưởng thức tác phẩm nghệ thuật thì trên đời này không phải ai cũng giống ai. Có người thích thơ lục bát, có người thích thơ tự do. Có người thích tản văn, có người thích truyện ngắn... Thơ lục bát có cái duyên riêng, không phải tác giả thơ nào cũng làm thơ lục bát hay được. Thơ lục bát không chỉ ghép cho vần là thành thơ hay. Cũng không phải không thích thơ lục bát mà cho thơ tự do là cao siêu... Lúc còn nhỏ tôi rất thích tranh về hoa lá, chim muông với màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng. Khi là người lớn, tôi thích những tranh giàu cảm xúc và giàu ý tưởng, đem lại nhiều giá trị về nhận thức và sự thưởng thức cao hơn... Bức tranh có "nghệ thuật" hay không là ở người sáng tạo ra nó chứ không phải là ở thể loại. Trong Nghị định 113/2013 về hoạt động mỹ thuật của Chính phủ nêu rõ:

"1. Tác phẩm mỹ thuật là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục, bao gồm:

a) Hội họa: Tranh sơn mài, sơn dầu, lụa, bột màu, màu nước, giấy dó và các chất liệu khác;

b) Đồ họa: Tranh khắc gỗ, khắc kim loại, khắc cao su, khắc thạch cao, in độc bản, in đá, in lưới, tranh cổ động, thiết kế đồ họa và các chất liệu khác;

Như vậy, TCĐ thuộc đồ họa, không thể có sự phân biệt cái gì mới là "tranh nghệ thuật"! Những người hiểu TCĐ như bạn nêu là họ không hiểu thực chất của TCĐ, có thể họ cũng không hiểu thế nào "tranh nghệ thuật", hoặc cố tình hiểu như họ nghĩ.

Còn nói TCĐ chỉ nhất thời, không "sống lâu" là họ không nắm được thực tế TCĐ. Đành rằng TCĐ có loại chỉ phục vụ một sự kiện nhất thời. Qua thời điểm ấy thì TCĐ không còn cần thiết nữa. Nhưng cũng không vì thế mà tất cả TCĐ đều không còn ý nghĩa. Nhiều TCĐ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ Tổ quốc mang sứ mệnh cổ vũ quân và dân ta anh dũng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, lôi cuốn nhiều lớp người tham gia vào cuộc kháng chiến anh dũng, hy sinh... Thời điểm ấy đã qua, nhưng những hình ảnh thể hiện cuộc chiến đấu hào hùng của dân tộc qua những chặng đường ấy trên TCĐ là còn mãi mãi giá trị, là tư liệu lịch sử về những thời điểm ấy, thậm chí còn mãi với thời gian. Ví như các bức tranh: "Nước Việt Nam của người Việt Nam" - 1945 của Trần Văn Cẩn; "Bảo vệ hòa bình" (không lời)-1959 của Nguyễn Đỗ Cung; "Giặc phá ta cứ đi"-1968 của Đào Đức; "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân"-1970 Huy Oánh, Nguyễn Thụ, "Chung một ngọn cờ" - 1976 Huỳnh Phương Đông; "Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi" - 1972 của Viết Quang... có giá trị mãi mãi, khắc họa hình tượng không thể phai mờ, là hình ảnh của lịch sử đất nước. Tại đầu hồi nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), bức tranh "Độc lập, thống nhất, hòa bình, hạnh phúc" của họa sĩ Từ Thành được duy trì in phóng suốt gần nửa thế kỷ qua (từ năm 1976 đến nay). Cũng chính vì những giá trị lịch sử và giá trị nghệ thuật mà các Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Quân sự; Hội Mỹ thuật Việt Nam và cả tư nhân đã sưu tập, lưu giữ rất nhiều TCĐ.

Nhân đây tôi cũng nói rằng nhận thức nội dung về chính trị, xã hội luôn luôn nhất quán, những khái niệm cơ bản không thay đổi, vì vậy vẽ TCĐ với đề tài chính trị xã hội, về Đảng, về Nhà nước gần một thế kỷ nay là không thể tùy tiện "đổi mới". Tìm ra những ý tưởng mới và có tạo hình, bố cục, đường nét, màu sắc riêng phù hợp với mỗi giai đoạn lịch sử với tư cách là tác phẩm không phải là chuyện dễ dàng. Với những đề tài này thì càng ngày càng khó, đòi hỏi họa sĩ phải trăn trở rất nhiều mới có được tác phẩm đúng nghĩa. Từ hiểu biết TCĐ xơ cứng và có phần cực đoan, dễ dãi nên một số cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng TCĐ cũng hết sức sáo mòn, xơ cứng. Thậm chí cho thợ vi tính lắp ghép các mẫu nhân vật từ rất nhiều nguồn khác nhau để ghán ghép thành một bức tranh, đưa khẩu hiệu vào, thậm chí phần chữ một nơi, hình một nẻo... và cho thế là TCĐ. Và cũng vì thế nên một số người chỉ nhìn những tranh như vậy và cho đó là TCĐ. Một số tác giả lười suy nghĩ, thường chạy theo những mẫu đã được sử dụng rồi "biến tấu" thành tranh của mình. "Con sâu làm rầu nồi canh", làm phương hại đến việc tìm tòi, sáng tác TCĐ đầy nhọc nhằn của những tác giả chân chính. TCĐ hiện đại, tính hình tượng đòi hỏi họa sĩ phải có vốn về kỹ năng, phải có tư duy, đồng thời phải rung động trước khái niệm của đề tài mới có thể tìm ra được ý tưởng hay cho TCĐ. Rất nhiều họa sĩ vẽ thành công ở nhiều thể loại tranh cũng phải thừa nhận sáng tác TCĐ là không phải dễ dàng. Có người từng có nhiều thành công nhưng sau này cũng không thể sáng tác được TCĐ.

Pv: Trong gần một nghìn TCĐ của ông đã sáng tác, điều gì để lại cho ông những điều tâm đắc nhất?

Ban đầu, TCĐ của tôi chủ yếu là đề tài nông nghiệp, với vẻ đẹp, ấn tượng về "cây", "con", về sản xuất với tự nhiên, thiên nhiên phong phú. Họa sĩ tha hồ thể hiện với những thủ pháp trang trí khác nhau, tạo nên sự sinh động, hấp dẫn về hình, về màu sắc. Bức tranh đầu tiên của tôi tham gia triển lãm toàn quốc là về trồng rừng. Tranh được giải Nhì đầu tiên là về "cá" - "Ao cá Bác Hồ". Sau này tôi sáng tác chủ yếu về về đề tài chính trị, xã hội. Thường là những tranh về những ngày kỷ niệm lịch sử như chiến thắng Điện Biên Phủ, giải phóng miền Nam, bảo vệ Tổ quốc; Đại hội Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội, Bác Hồ, về biển đảo, về văn hóa, về môi trường, về những dấu mốc chặng đường phát triển của đất nước, của địa phương... Nhìn chung TCĐ của tôi là sự đồng hành với các sự kiện của đất nước. Chính vì vậy triển lãm nhóm 4 họa sĩ chuyên sáng tác TCĐ của chúng tôi (Hà Huy Chương, Trần Duy Trúc, Lương Xuân Hiệp, Nguyễn Công Quang) năm 2019 mang tên là "Đồng hành cùng sự kiện", là những bức tranh không thể tách rời các giai đoạn lịch sử của đất nước. Mỗi khi đất nước có sự kiện lớn, tranh của mình được in ấn, phổ biến song hành cùng với quá trình diễn ra sự kiện; nhiều bức tranh được in phóng tới hàng trăm mét vuông ở quảng trường, Trung tâm Hội nghị quốc gia, ở đường phố... coi như mình có đóng góp vào sự kiện quan trọng mà mọi người hướng tới. Đó cũng là nhiệm vụ của TCĐ và của người họa sĩ gắn bó với cộng đồng. TCĐ không chỉ góp mặt với sự kiện mà còn góp phần làm đẹp cảnh quan, công sở, gây ấn tượng nào đó về thẩm mỹ công cộng... Đó cũng là một phương châm nghệ thuật gắn liền với đời sống mà dù họa sĩ có tác phẩm làm đẹp trong phòng hay ngoài trời đều cần có.

 
 
Điện Biên Phủ trên không (khắc gỗ) 
 
 

Pv: Là người không chỉ có đóng góp lớn về TCĐ, mà còn tham gia nhiều thể loại tranh khác nhau, như biếm họa, minh họa, bìa sách, tranh hội họa... Ông có thể cho bạn đọc VNHD biết về những điều này.

Về biếm họa, tôi có tranh đăng báo từ năm 1976, 1977, nhưng không nhiều. Từ 1982 tôi mới vẽ lại tranh biếm, đăng trên các báo Văn nghệ, Tiền phong, Thiếu niên tiền phong, Hoa học trò, Nhân dân, Quân đội nhân dân, Tuổi trẻ Cười, Báo Hải Dương, Văn nghệ Hải Dương...; những năm gần đây là Báo Hải Phòng và một số báo, tạp chí văn nghệ tỉnh bạn. Tôi cũng là tác giả tham gia nhiều triển lãm biếm họa cấp toàn quốc, được in tranh trên các tuyển tập biếm họa của nhiều cơ quan trung ương, địa phương. Với tôi, tranh biếm họa ví như hơi thở, có thể hòa đồng, mang tính phản ánh, phản biện và nêu lên được những ý tưởng, thông điệp đa dạng, phong phú, hóm hỉnh, vui vẻ, thậm chí chứa đựng những ẩn ý tinh tế trong nhận thức mà ngôn ngữ chữ viết và các loại hình khác có lúc, có khi không "nói" ra được.... Đó cũng là cái thú khi vẽ tranh biếm.

Còn đối với minh họa sách báo, do thời gian chủ yếu tôi làm báo, làm văn nghệ nên việc minh họa như một nghiệp vụ đương nhiên của người họa sĩ. Tôi vẽ minh họa chủ yếu bắt đầu từ Báo Hải Hưng, Hải Dương, Văn nghệ Hải Dương và một số báo, tạp chí văn nghệ tỉnh bạn như Đất Tổ, Đồng Nai, Nhật Lệ, Bắc Giang..., gần đây là Báo Hải Phòng, Văn nghệ Công an. Tôi đã tham gia hai triển lãm tranh minh họa, được giải thưởng minh họa xuất sắc của Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Với bìa sách, vì tôi làm đồ họa tranh cổ động nên làm bìa sách cũng có nét tương đồng và gắn bó. Tôi cũng đã tham gia 2 triển lãm bìa sách do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Còn với tranh hội họa, tôi cũng vẽ nhiều tranh chân dung, phong cảnh, bố cục với các chất liệu sơn dầu, acrylic, tranh khắc tham gia triển lãm khu vực, toàn quốc, triển lãm về lực lượng vũ trang và một số chuyên đề của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Tôi cũng đã được tặng giải B, giải C tranh sơn dầu của Bộ Công an. Tôi coi vẽ tranh hội họa như việc sẽ gắn bó với mình đến khi không thể vẽ được nữa thì thôi.

Pv: Cảm ơn họa sĩ Hà Huy Chương.
 
PV 
 
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Buổi sớm ra đồng(01/12/2023)
"Những sáng tạo trong hoạt động chuyên môn nghiêp vụ của ban Nhiếp ảnh" của tác giả Tiến Quân (01/12/2023)
Đêm dài(30/11/2023)
Nhớ trường xưa(30/11/2023)
Tùy bút "Mênh mông mùa thu" của tác giả Hồ Đăng Thanh Ngọc(30/11/2023)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na