Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Tản văn "Mộc mạc xuân hiên nhà" của tác giả Nguyễn Văn Học
01/02/2023 08:19:54

Cha vẫn giữ thói quen đọc sách bên hiên nhà. Những cuốn tiểu thuyết bao giờ cũng là “món” ông ưa chuộng nhất. Còn mẹ, thói quen ngồi tãi tóc, phơi hong trên luống tuổi thời gian và nghe chim hót. Cây khế đầu sân mơn mởn hơi xuân ghé sát vào hiên nhà mà tỏa màu xanh, mà thắp những bông hoa tim tím nhỏ xíu dễ thương. Và không lâu nữa, cây khế sẽ lắc líu quả ngọt, duyên dáng và đỏng đảnh trước mẹ, như đứa cháu nũng nịu bà. Chẳng phải vô tình mà chàng nhạc sĩ nọ đã viết: “Quê hương là chùm khế ngọt”. Có người đã thắc mắc tại sao quê hương lại chỉ là chùm khế ngọt, quê hương còn là biết bao nhiêu điều lớn lao khác nữa, bao thứ hoa trái khác. Mà tại sao lại ví với chùm khế nhỏ nhoi?

 

Tôi cũng đã đem thắc mắc này hỏi cha, một nhà giáo về hưu, mê văn chương và giữ thói quen đọc sách. Ông chiêm nghiệm đời sống theo cách của ông và dễ dàng hiểu được rằng, tình yêu quê hương của chàng nhạc sĩ nọ xuất phát từ những gì dung dị, bình thường nhất. Đó là cách anh ta nhìn quê hương, yêu quê hương. Và những thứ mộc mạc đó, cũng như con diều, cây cầu hay tà áo trắng nào đó, những đại diện nho nhỏ cho một vùng quê, nhưng lại tạo dựng dạt dào cảm xúc dâng tràn. Như thế, tôi cũng có thể hình dung và yêu quê theo cách của tôi. Tôi nhìn thấy con đò, thấy dòng sông, góc sân hay khoảng trời, thấy hình ảnh đẹp trong nếp sinh hoạt hằng ngày của cha mẹ, cách cha mẹ chăm nhau… đó cũng là quê hương. Đó cũng là những hình ảnh đẹp chưng cất thành thơ và nhạc, giúp tâm hồn tôi thêm say, thêm yêu những điều giản dị và tôi đã học được ở cha nhiều điều. Bên hiên nhà, cha bảo: “Một con chim bay trên trời, nó sẽ biết yêu bầu trời. Trời thì có mây xanh, có hoa lá muôn sắc. Chim cũng sẽ yêu luôn lá hoa muôn sắc. Còn con, con yêu mảnh vườn thì cũng phải yêu tất cả những thứ cây cối tụ hội trong đó. Con cũng yêu mùa xuân, vì mùa cho cây lá xanh nõn và chồi biếc”.

Bài học của cha, tôi hiểu, đâu chỉ gói gọn như vậy. Đó là cách nói của ông. Cách mà ông đã chắt lọc từ rất nhiều năm sống và ý rằng, tâm hồn tôi phải biết xúc động từ những điều nhỏ bé nhất. Con người ta không thể sống vô cảm, mà phải hòa mình với thiên nhiên, hòa thuận với mọi người. Ngôi nhà đã sống trong sự trân quý của mỗi thành viên, đã lưu truyền qua năm thế hệ. Biết bao nhà cổ, nhà cũ quê mình đã ngã xuống. Những tay chơi cũng từng về gạ gẫm cha bán nhà cổ với giá cao. Nhưng cha một mực từ chối. Bán nhà cổ là bán ký ức, bán tổ tiên, là đánh mất những giá trị được hun đúc từ hàng trăm năm. Sự quyết tâm và vững vàng của cha, đã giúp cho nếp nhà còn sống với thời gian, là niềm tự hào của cả dòng họ.

Bên hiên nhà cũ. Với tôi là một không gian tuyệt diệu. Cũ theo cách nhìn và cách gói gém của tôi. Thực tế đó là hiên nhà gỗ cổ, rộng, lát gạch cổ và ngồi ở đó, tôi luôn được đắm mình với hồn người xưa. Đó là nơi tuổi nhỏ tôi vẫn nằm gối đầu lên chú gấu bông đợi mẹ đi chợ về. Đó là nơi cha kê một chiếc bàn nhỏ, dạy tôi những bài học ê a đầu đời. Đó là nơi mỗi đêm trăng xưa ông nội kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện cổ tích. Đó cũng là nơi mẹ sẽ ngồi cắt lá, gói bánh chưng để đón tết. Hay đó còn là nơi anh hàng xóm ngỏ lời yêu chị gái tôi, giữa đêm giao thừa, trong lúc luống cuống chỉ lên cây khế bảo: “Có cây khế này làm chứng, anh yêu em”…

Ôi hiên nhà thân thương. Nơi mẹ nhìn vút lên bầu trời, thấy đàn chim đi trốn rét đã về mang theo ấm nắng. Mắt mẹ đã nhăn nheo già nua, nhưng còn muốn đón chờ điều gì đó từ phía thiên nhiên, như là tình yêu bao năm mẹ dành cho cánh đồng, thì đến giờ mẹ vẫn trọn vẹn yêu tất cả những điều gần gũi đó. Mẹ tôi ngồi gom nắng, chỉ vài hôm nữa là Tết. Ngoài kia dòng người tấp nập sắm mua. Tết cổ truyền là một gia tài truyền thống của quê hương. Tết cũng là gia tài của mẹ. Đó là thời gian con cái tụ họp, mẹ trang trí lại cửa nhà, nấu những món ăn chăm sóc gia đình và cười mãn nguyện. Và hiên nhà, cũng là nơi đón hơi hướm xuân tiện lợi nhất. Mùi thơm từ bếp nấu bay lên nhà, phải qua hiên. Ngồi bên hiên tiện ngắm hoa cúc, mai đào đua nở hay nghe chim hót.

Hiên nhà, mỗi khi đói lòng, căng thẳng, luôn là nơi tôi tìm về. Có thể chỉ hít hà giọt nắng. Có thể uống cốc nước chè xanh. Nhưng tôi nhận được những giá trị để sống tốt hơn. Mai, tôi phải về thôi, xuân đã tràn đến bên hiên nhà, đang gọi. 
 
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Truyện ngắn "Về với mùa xuân" của tác giả Nguyễn Thu Hằng(31/01/2023)
Ngày đầu Giêng(31/01/2023)
Câu đối (31/01/2023)
Truyện ngắn "Gặp lại hoa đào" của tác giả Bùi Việt Phương(31/01/2023)
Ngỡ ngàng xuân (31/01/2023)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na