“Văn hóa dân gian làng Hoàng Xá” là một cuốn sách khá thú vị của nhà văn Nguyễn Long Nhiêm, được Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc phát hành năm 2012. Với hơn 300 trang sách, tác giả đã “gói gọn” một làng quê có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa gần nghìn năm qua những tư liệu vừa có sức thuyết phục về mặt khoa học và những trang viết đậm chất văn chương.
Trong giai đoạn hiện nay, khi nông thôn đang thực hiện chương trình mục tiêu “Xây dựng nông thôn mới”, vấn đề đặt ra là làm thế nào để nông thôn vừa ngày càng hiện đại và văn minh, vừa không bị mất đi bản sắc văn hóa; và những giá trị truyền thống cũng là nguồn lực cần khơi dậy, tạo động lực cho việc thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, thì cuốn sách trên gợi cho độc giả và nhất là những người làm công tác quản lý ở cấp chính quyền địa phương nhiều điều suy nghĩ.
Cuốn sách “Văn hóa dân gian làng Hoàng Xá” bố cục gồm bốn phần. Phần I có nhan đề “Đất và người Hoàng Xá” viết về điều kiện tự nhiên và con người làng Hoàng Xá thuở đầu khai thiên lập trang ấp, hoàn thiện mô hình tổ chức làng, xã cùng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh. Phần II viết về sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh và các tập tục của làng. Phần III là văn nghệ dân gian (gồm các tích truyện về các vị thần, các vị cao tăng hoặc danh nhân của làng) cùng với các bài ca dao, lời hát đối đáp, đố vui, vè và trò chơi dân gian. Phần IV là bức tranh khái quát về Hoàng Xá hôm nay. Ngoài bốn phần trên, cuốn sách còn có phần phụ lục đăng tải những điều khoản trong cuốn Hương ước làng được lập năm 1938, trong đó quy định về các việc liên quan đến tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính, các vấn đề về kinh tế, an ninh, trật tự, tập quán, tín ngưỡng, tang lễ, cưới xin. Những văn bản chữ Hán trong bi ký, đại tự, hoành phi, câu đối cũng được tác giả sưu tầm, dịch thuật và giải nghĩa.
Cảnh quan tự nhiên làng Hoàng Xá một thời được Nguyễn Long Nhiêm kỳ công sưu tầm, tra cứu tư liệu từ nhiều nguồn để phục dựng lại và trình bày qua những trang viết khá hấp dẫn. Nó giúp cho người dân Hoàng Xá hôm nay- nhất là những người trẻ tuổi, hình dung được làng quê mình cách nay từ hơn nửa thế kỷ trở về trước. Cảnh vật một thời như một bức tranh “sơn thủy hữu tình”, với dòng sông Hương (trước thế kỷ XIII có tên là sông Cam) là trục chính, dài 30 km, chạy dọc huyện Thanh Hà qua 16 làng, ra cửa Văn Úc. Phía Nam có sông Đào, phía Tây có sông Đồng Rựng. Trong khoảng tọa độ ấy là làng Hoàng Xá với ba phần tư là diện tích sông ngòi, triều bãi với nhiều con sông nhỏ ngoằn ngoèo chạy trên những phiên đồng, chen cả vào làng, xóm, cùng hàng trăm gò đống mọc lên trong làng, ngoài đồng với những lùm cây thâm u và đền, miếu. Làng có bốn phiên đồng với hơn 70 tên đồng khác nhau. Tổng diện tích (trước 1945) chính xác là 1.185, 5 mẫu; trong đó có 80 mẫu đất đền, chùa, 70 mẫu của các họ, phe giáp, còn lại là đất tư. Địa hình làng Hoàng Xá được miêu tả trong cuốn sách là một vùng sông nước chịu ảnh hưởng của thủy triều. “Mỗi con nước dâng lên tràn ngập hầu hết triều bãi vườn tược, xóm làng chỉ còn như những con thuyền trên biển nước mênh mông”. Vì thế, người dân Hoàng Xá “vừa lớn lên đã phải nắm được quy luật của các con nước thủy triều” để quyết định việc cày, bừa, xuống giống, cấy trồng hoặc gieo hạt. Con nước ngày Ba mươi Tết hàng năm để lại trong ký ức của người dân Hoàng Xá thật ấn tượng: “Nước dâng đầy sông ngòi, ao, đầm. Nước thỏa thuê để giặt giũ, tắm gội trút đi bụi trần để ngày mai mồng Một cúng tết tổ tiên, thần Phật được chay tịnh, thơm tho”. Rồi “một thoáng chiều đến nửa đêm, con nước rút đi cạn rọt lòng ngòi, để lại lớp phù sa màu hồng tím trên mặt vàn, mặt bãi”. Với một địa hình như thế, Hoàng Xá cũng là làng có nhiều bến nước. Từ đây, thuyền bè lớn nhỏ tỏa đi muôn nơi, không chỉ ra cánh đồng, đi các xã trong huyện mà còn tới tận các địa phương khác như: Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh, Đông Triều, chợ Chàng, chợ Chũ (Bắc Giang). Nhờ được bồi đắp bởi phù sa của hệ thống sông Thái Bình nên thổ nhưỡng nơi đây vừa thuận lợi cho nghề trồng lúa, trồng cây ăn quả, vừa đem lại nguồn lợi thủy sản dồi dào với các loại cá, tôm, cua, ốc, lươn, chạch, ba ba… đặc biệt phải kể đến cáy, cà ra và rươi. Mùa mưa đến, “cáy thập thò cửa lỗ bên bờ sông, bờ đầm, trên vườn cau, vườn chuối. Sau những trận mưa rào, cáy ra khắp mặt bờ kiếm ăn. Cáy xồm màu đất cẳng chân xù xì; cáy mật đỏ hồng màu ớt chín, chúng khoe hai cái càng đầy răng sắc nhọn gắp mồi đưa vào miệng, và khi áp sát kẻ thù thành vũ khí. Tháng năm, tháng sáu là mùa sinh sản của cáy. Cáy nhiều vô kể. Nước triều dâng đến đâu, cáy trôi đến đó. Cáy bám vào bờ cỏ, mô rạ, trú ngụ trên khắp bãi cói”. Người dân Hoàng Xá thường dùng dậm lùa bắt cáy hoặc câu. Tháng Mười, khi lúa đã gặt quang đồng, cáy trú ngụ trong rạ, lật lên chúng chạy rào rào, vồ không kịp. Vào dịp tháng Chín, tháng Mười, “rươi lên khắp mặt nước ruộng bãi, sông, ngòi, ao hồ”. “Bọn trẻ nô nức đem rổ mau, rá vo gạo, dần gạo lội xuống vớt rươi, kéo theo những chiếc nồi đất, nồi đồng đựng rươi buộc ngang thắt lưng”. Người lớn thì “chờ khi nước mặt ruộng trút xuống lòng sông thì thả đụt xuống”. “Vừa thả đụt xuống đã phải vớt ngay không sẽ vỡ đụt”. Rươi được đựng trong thúng, thuyền, chuyển bán khắp nơi. Những cảnh tượng về một làng quê trù phú giàu sản vật bây giờ chỉ còn trong ký ức của lớp người cao tuổi. Lớp trẻ nghe như truyện cổ tích, tiếc nuối vì môi trường sinh thái cho cáy, rươi trú ngụ và sinh sản không còn. Những trang viết của Nguyễn Long Nhiêm về thiên nhiên và sản vật xưa của làng là những trang văn đầy hoài niệm, giàu chất thơ!
Cũng nhờ thổ nhưỡng trù phú mà đất Hoàng Xá sớm có người đến lập trang ấp, định cư. Bằng những tư liệu phong phú, được sưu tầm công phu, Nguyễn Long Nhiêm đã chứng minh một các thuyết phục Hoàng Xá là một làng Việt cổ. Khảo cổ học đã xác định ở đây có những ngôi mộ từ thời Đông Hán. Dưới lớp đất sâu 1,5 mét có những di chỉ được xác định là đất nung (dùng thay chì) cài vào lưới. Tấm bia ở chùa Tứ Giác (dựng năm 1860) cho biết làng xưa có tên là Hoàng Mô trang, đến năm Hồng Đức thứ III (1472) mới đổi thành Hoàng Xá xã. Gia phả họ Phạm thuộc làng Hoàng Xá (Ý Yên, Nam Định) ghi rõ nguồn gốc dòng họ từ Hoàng Xá, huyện Thanh Hà di cư đến năm 1333, nên ông tổ ở đây lấy tên nơi ở mới là “Hoàng Xá” để nhắc con cháu nhớ về quê cha, đất tổ của mình. Cũng từ những nguồn tư liệu đã được xác minh, cuốn sách cho ta biết ngoài ba dòng họ đã di cư đi nơi khác (họ Chúc, Tống, Lương), thì hiện nay Hoàng Xá có tới 36 dòng họ- một trong những làng có nhiều dòng họ nhất tỉnh Hải Dương. Nơi đây quả là “đất lành chim đậu” nên thu hút người từ tứ xứ tìm đến định cư!
Là một làng cổ ở đồng bằng sông Hồng nên Hoàng Xá cũng là nơi chứa đựng những trầm tích văn hóa tiêu biểu cho một vùng đất. Lớp trẻ Hoàng Xá hôm nay không ngờ mảnh đất nơi đây từng nổi tiếng một thời với nghề dệt vải, se sợi, trồng bông (dân gian thường gọi là vải đượng Hoàng Xá) cách đây trên 150 năm. Có thời điểm, cả làng có tới 80% hộ, 90% nhân lực làm nghề dệt vải với 500 khung dệt, “chiều tối, khi mặt trời vừa khuất sau lũy tre, từ các cầu ao trong làng lại rộn lên tiếng chày đập vải đến mãi canh khuya. Sáng nào sân nhà cũng vải con phơi trắng sào, trắng dây dọc sân, vườn nhà”. Vải Hoàng Xá từ chợ Vàng tỏa đi khắp nơi. Hoàng Xá cũng là nơi chế biến nhiều món ăn độc đáo, như: chả rươi, nộm tép, gỏi cá, canh trứng cáy, xôi cá rô và các loại mắm rươi, mắm cáy, mắm ruốc. Đọc “Văn hóa dân gian làng Hoàng Xá”, ta thấy hiện lên một làng quê trù phú, bình yên và cổ kính. Một làng quê ở thời điểm năm 1938 có 454 hộ với 2618 nhân khẩu mà có tới ba ngôi đình (đình Phúc Lộc, đình Phúc Khánh, đình Chợ), năm ngôi chùa (chùa Quang Liệt, Mục Đồng, Đồng Hò, chùa Am, chùa Đò), hai ngôi miếu (Tứ Giáp, Bát Giáp) và có cả Văn chỉ thờ ông tổ của đạo Nho cùng các vị tiên hiền. Không chỉ nổi tiếng vì hệ thống đường làng dài hơn bốn nghìn mét lát đá phiến mà Hoàng Xá còn có tới hơn 20 cây cầu đá. Trong đó có 6 cây cầu dài từ 10 đến 15 mét, nối làng xóm với ruộng đồng, xóm trên với xóm dưới; dưới những nhịp cầu đá, vẫn đảm bảo cho thuyền bè qua lại dễ dàng. Hoàng Xá có nhiều bến nước, giếng cổ và nổi tiếng hàng tỉnh với hai dãy quán cổ (chợ Vàng) được dựng từ năm 1845; mỗi dãy dài chục gian; cột và xà đục chạm bằng đá nguyên khối, mái ngói cổ kính, rêu phong. Rất tiếc là những con đường lát đá phiến và những cây cầu đá cổ đến nay không còn phù hợp, nên phần nhiều đã bị dỡ bỏ!
Ngoài hệ thống đình, chùa, đền, miếu, các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể như: vườn tháp, chuông, văn bia, hoành phi, câu đối; các làn điệu dân gian, trò chơi dân gian cùng nhiều câu tục ngữ, ca dao cũng được tác giả dày công sưu tầm. Trong cuốn sách này, Nguyễn Long Nhiêm còn cung cấp cho người đọc những thông tin cơ bản về từng dòng họ trong làng (như: nguồn gốc xuất xứ, tên cụ tổ và ngày giỗ, số đinh trong họ) đem lại sự thú vị cho độc giả là người làng Hoàng Xá. Tác giả cũng vinh danh những người học hành, đỗ đạt theo các bậc (sinh đồ, giám sinh, cử nhân, tiến sĩ) và mô tả chi tiết những lễ hội của làng và các tập tục: ma chay, cưới xin, lệ tế đám, lệ lên lão, lễ hạ điền, lễ thượng điền, lập đàn cầu mưa; ghi chép cụ thể các quy định trong Hương ước làng…
Có thể nói, cái tên “Văn hóa dân gian làng Hoàng Xá” chưa thật đúng với những gì đã được tác giả trình bày trong cuốn sách. Nội dung mà cuốn sách đề cập đến rộng hơn nhiều. Nó không chỉ trong phạm vi hẹp về văn hóa dân gian làng Hoàng Xá! Cuốn sách là một công trình khoa học, vừa là tài liệu địa lý, vừa là cuốn biên niên sử của làng; không chỉ phản ánh diện mạo đời sống tinh thần mà còn là đời sống sản xuất, bộ mặt kinh tế, các nghề, cùng với mô hình tổ chức xã hội của làng xã trước năm 1945.
Thực tế cho ta thấy, chưa bao giờ việc in ấn, xuất bản sách lại thuận lợi như hiện nay. Có những cây bút văn nghệ nghiệp dư mà cũng ra được hàng chục đầu sách. Nhưng tiếc rằng, sách mang tính “phi hư cấu”, đề cập đến lịch sử và văn hóa của một làng quê trải qua hàng nghìn năm lịch sử lại không mấy khi được các cây bút quan tâm. Nguyên nhân của tình trạng này thì nhiều: do nguồn tư liệu qua biến động xã hội và thời gian đã bị thất lạc, phân tán; do thiếu “trí thức làng” có khả năng và tâm huyết đứng ra biên tập. Và điều quan trọng là chính quyền cơ sở cũng chưa thực sự quan tâm. Từ đó cho thấy, việc cho ra những cuốn sách khảo cứu của tác giả Nguyễn Long Nhiêm là một việc làm rất hữu ích. Nó giúp cho người đọc hôm nay hình dung ra địa hình và điều kiện tự nhiên của làng quê xưa. Qua biến động của thời gian, diện mạo làng đang từng ngày thay đổi. Rồi đây, cùng với sự biến động của dân cư và sự hình thành các khu đô thị, khu công nghiệp hình thù làng xưa sẽ mất đi, thì những cuốn sách như thế này là cách tốt nhất để lưu lại ký ức về làng quê một thời. Từ cái nhìn “địa văn hóa” tác giả cũng cho thấy những điều kiện tự nhiên (đất đai, thổ nhưỡng, sông ngòi, ao hồ) chi phối đời sống của người dân quê xưa, như: kinh nghiệm sản xuất, tập quán canh tác, nghề truyền thống. Qua đó, gợi mở những vấn đề cần phát huy những tiềm năng sẵn có vào phát triển kinh tế hôm nay. Ở phương diện tổ chức và quản lý xã hội, những điều khoản ghi trong “Hương ước” làng cũng đem đến cho cấp chính quyền cơ sở những bài học quý về tinh thần tự quản của cha ông xưa. Nó được thể hiện qua những quy định cụ thể, đầy đủ và chặt chẽ trên nhiều phương diện của đời sống: từ việc quản lý tài sản công, an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh đến lễ hội, ma chay, cưới xin. Tinh thần dân chủ (trong khuôn khổ của xã hội cũ) cũng được thể hiện cụ thể và thiết thực qua những quy định về bầu chức dịch và quy định về vai trò, chức năng và hoạt động của các tổ chức (khi bổ thuế phải mời cả hội đồng Kỳ mục hội bàn phân bổ; Tuần phòng lập ra để giữ gìn an ninh trật tự; ngăn cấm cờ bạc, trộm cướp, phá phách; trông coi việc thủy, hỏa, đạo, tặc; trông coi việc đê điều, cầu cống, đường sá). Sự minh bạch trong quản lý ở làng xã xưa cũng rất đáng được ghi nhận (ví dụ: cấm hương hội bày đặt ăn uống rồi chia cho dân đinh đóng góp; mọi khoản thu của dân phải có “biên lai răng cưa”). Việc xử phạt được quy định rõ ràng, công khai (trong làng để xảy ra trộm cắp, tuần tráng không tìm ra can phạm thì phải bồi thường một nửa- lý dịch cũng phải chịu phạt). Mặc dù môi trường sinh thái xưa so với ngày nay là điều chúng ta còn mơ ước, nhưng không vì thế mà chính quyền và người dân Hoàng Xá xưa lơ là. Hương ước làng ghi rõ mức phạt cụ thể với người vứt súc vật chết ra đường, sông ngòi, ao hồ; hoặc phạt người, chủ hộ có gia súc mắc dịch bệnh mà không khai báo… Trong “Văn hóa dân gian làng Hoàng Xá”, độc giả còn thấy được tính nhân văn trong các quy định của làng, như: cấm việc cưới xin vượt quá ba lễ (vấn danh, ăn hỏi, cưới) để tránh gây lãng phí, tốn kém cho người dân; không bắt buộc nhà có tang phải làm cỗ mời dân làng. Khao vọng là một tục lệ gây bao phiền toái và tốn kém, nhưng Hương ước làng Hoàng Xá lại quy định: người đã ủng hộ công quỹ được miễn khao vọng khi được thăng hàm, chức. Bên cạnh những biện pháp nhằm chống lãng phí, tiết kiệm cho người dân, cuốn sách còn cho thấy cách huy động sức dân để xây dựng các công trình công cộng (như: đường sá, cầu cống, chợ búa, hoặc các công trình tôn giáo, tín ngưỡng như: chùa, đình, đền, miếu) công bằng, bình đẳng, phong phú và linh hoạt. Trong đó, có sự đóng góp của người dân, các dòng họ, phe giáp và có cả việc ủng hộ của các “mạnh thường quân”- nhất là từ các vị chức sắc, nhà giàu. Cuốn sách của Nguyễn Long Nhiêm là niềm tự hào về mảnh đất và con người quê hương, không chỉ có cảnh quan giàu, đẹp mà còn là nơi sinh ra nhiều danh nhân tài giỏi. Chỉ trong một làng mà có tới 5 tiến sĩ Nho học và gần hai chục người có hàm, vị: sinh đồ, giám sinh, hương cống. Những thần tích, huyền tích được ghi trong thần tích hoặc lưu truyền trong dân gian cho thấy người dân Hoàng Xá rất tự hào về những danh nhân tài giỏi của quê hương, như: Phan Kế Thiện được phong là thành hoàng làng cùng năm anh em giết thái thú nhà Đường là Đặng Minh Quang, Phó Trùng Oánh trừ họa xâm lăng, đem lại cuộc sống yên bình cho dân. Hoặc võ sĩ Phạm Đôn Trực, người có sức vóc phi thường, ăn hết cả một mâm xôi đầy, tham gia đấu vật do vua đặt giải không đối thủ nào địch nổi, bấm chân xuống sân gạch hất cả mảng gạch bay qua nóc sang sau đình. Tên con sông Hương qua địa phận làng cũng gắn với truyền thuyết về Pháp Loa, một trong những vị tổ của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Đặc biệt, tích truyện về sư cụ chùa Am mang đậm màu sắc đạo giáo, có tài điều khiển thiên binh, lên giàn cầu mưa bắt quyết bốn phương rồi hét một tiếng như sấm rền, tức khắc trời nổi mưa giông khiến nhà vua cùng bá quan phải kinh ngạc. Không thể nói hết ý nghĩa của cuốn sách viết về làng, xã xưa đối với thế hệ hôm nay. Qua những tên đất, tên người và những thuần phong, mỹ tục, cùng với cảnh thiên nhiên, sông nước, ruộng đồng được nhắc đến trong thơ ca, hò vè, trong truyền thuyết, hoặc qua lời văn của tác giả, cho thấy người dân Hoàng Xá và tác giả Nguyễn Long Nhiêm tràn đầy một tình yêu, niềm tự hào về một làng quê, nơi mình đã sinh ra.
Một quốc gia phải có quốc sử. Và mỗi làng quê cũng cần có sử làng. Cuốn sử làng có thể ghi theo triều đại, sự kiện, lịch theo năm tháng. Nhưng nó cũng có thể là một lát cắt ngang, qua đó cho thấy mọi mặt của đời sống, từ điều kiện tự nhiên đến con người; từ chính trị đến kinh tế; từ tổ chức làng, xã đến văn hóa, lễ hội, phong tục và tập quán, tín ngưỡng. Nó như một “bách khoa thư” về làng- đó là hướng đi cần được khuyến khích. Cho đến nay, hầu hết các xã trong tỉnh đều đã hoàn thành việc viết lịch sử Đảng bộ. Trong bố cục của cuốn lịch sử Đảng địa phương, mặc dù có chương đề cập đến lịch sử và truyền thống, nhưng mới chỉ là cái nhìn khái quát và sơ lược. Phần trọng tâm vẫn là quá trình Đảng ra đời và lãnh đạo cách mạng. Do vậy, cuốn sách tập trung viết về làng xã ở giai đoạn trước 1945 với cả một chặng đường dài, rất phong phú về nội dung là sự bù đắp cho sự thiếu hụt nói trên của cuốn lịch sử chuyên ngành. Không chỉ có thế, điều đáng chú ý vẫn là cách thể hiện. Từ những tài liệu lịch sử được thu thập qua nhiều nguồn, kết hợp với hệ thống văn bia, phả tộc, cùng với việc sử dụng phương pháp điền dã (gặp gỡ, hỏi chuyện những vị cao niên, các chức sắc xưa của làng), soạn giả trình bày theo lối thuật lại, miêu tả và kể chuyện, kết hợp với việc đưa ra những tư liệu, số liệu, dẫn chứng để từ đó phân tích, đánh giá theo một góc nhìn riêng nên có sức hấp dẫn và dễ đến với đông đảo bạn đọc hơn. Những cuốn sách như thế, hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay, nó rất cần được chính quyền cơ sở khuyến khích để nhiều nơi có được cuốn “bách khoa toàn thư về làng”, qua đó phát huy vai trò của văn hóa làng xưa vào xây dựng nông thôn mới ngày hôm nay.