Phương nhanh chóng lên kế hoạch, sắp xếp công việc và xin nghỉ phép năm ngày để chuẩn bị cho chuyến đi xa. Những địa điểm cần đến, những con người cần gặp, những món quà cần mua… Phương đều lên danh sách và chu đáo liên lạc, sắm sửa đâu vào đấy. Cô biết trong lòng mẹ vẫn đau đáu nguyện vọng được trở lại mảnh đất Hà Giang heo hút, được thăm lại nơi mà hơn gần 40 năm trước mẹ khoác ba lô theo đoàn bác sĩ tình nguyện lên với vùng cao nửa tháng, sau đó mẹ đã quyết định ở lại công tác, làm việc. Mẹ nhất định không về xuôi nữa. Nơi ấy, mẹ gặp bố rồi nên duyên vợ chồng và Phương chào đời giữa mùa xuân hoa mai anh đào nở hồng rực trên đá giữa cái rét căm căm của miền biên giới. Ông bà ngoại từng dọa “từ mặt mẹ”. Bạn bè từng kết luận mẹ bị “hâm” bởi con đường thênh thang, rộng mở đón đợi mẹ sau khi mẹ tốt nghiệp Đại học Y nhưng mẹ không chọn. Mẹ ở lại miền sơn cước giữa mênh mông điệp trùng núi non hoang hoải và làm việc trong một cái trạm xá nằm vắt vẻo giữa lưng chừng núi, ba bề bốn bên toàn đá lởm chởm với những loài hoa rừng kiên cường giữa mùa giá lạnh. Ở quê hồi ấy, làng xóm thi nhau đồn thổi rằng mẹ bị bệnh viện tỉnh kỉ luật nên phải đi miền núi công tác, rồi thì mẹ bị người dân tộc bỏ bùa, rằng mẹ ăn phải bùa mê thuốc lú nên bệnh viện ở thành phố khang trang đẹp đẽ, gần nhà thì không chọn, lại chọn cái xứ khỉ ho cò gáy, đi hàng cây số mới gặp một mái nhà lúp xúp, buồn tênh là buồn. Mẹ chẳng bận tâm đến những lời nói ra nói vào ấy. Mẹ đi theo tiếng gọi của trái tim…
Phương thuê một lái xe cừ khôi, thông thạo đường núi để đưa hai mẹ con lên với đất Hà Giang. Mẹ bất ngờ, xúc động, nước mắt ứa ra và tay níu chặt cánh tay Phương:
- Mẹ cảm ơn con gái!
Phương không nói gì, mắt cũng rơm rớm vì thương mẹ. Bao năm nay, Phương mải miết làm ăn, bận rộn với những kế hoạch của riêng mình mà không nghĩ đến ước mong của mẹ. Gần đây, nghe mẹ nhắc nhiều chuyện “ngày xưa”, thấy sức khỏe của mẹ có chiều hướng tiến triển tốt, tinh thần mẹ cũng khá hơn nhiều nên Phương muốn đưa mẹ đi thăm lại nơi mẹ và bố đã nên duyên, nơi Phương chào đời và gắn bó suốt tuổi ấu thơ cho đến khi hai mẹ con chuyển hẳn về dưới xuôi, khi ấy Phương chuẩn bị thi vào lớp 10.
Chiếc xe con bon bon trên đường nhựa nhưng mẹ không ngủ. Có lẽ mẹ đang hồi tưởng lại những năm tháng làm bác sĩ miền núi, những tháng ngày mẹ sống vì lí tưởng mà bị mọi người cho là “điên rồ”, là “dại dột” nhưng Phương biết mẹ chưa bao giờ hối tiếc về quãng thời gian đó. Anh lái xe quả là “tay lái lụa” khi xe chạy đến đường núi với những khúc cua, khúc lượn đầy thử thách. Có quãng đầy sỏi đá, gập ghềnh và khó đi, xung quanh đồng ruộng và đá lởm chởm. Xa xa thấp thoáng một vài mái nhà và lác đác mấy người phụ nữ Mông địu gùi đi rẫy. Bước chân ra khỏi ô tô là bao cảm giác say xe, mệt nhọc sau một quãng đường dài trong Phương tan biến hết. Thay vào đó là sự tò mò, háo hức được chiêm ngưỡng, được khám phá cuộc sống của con người và thiên nhiên nơi đây. Qua khung cửa kính ô tô, Phương ngắm núi đồi Tây Bắc hiện ra trập trùng, bát ngát một màu xanh phủ kín. Thi thoảng xuất hiện những thửa ruộng bậc thang xinh đẹp. Những cây hoa dại hai bên đường bất chấp thời tiết khắc nghiệt vẫn nở xòe rạng rỡ màu vàng, màu đỏ, màu hồng… như điểm tô, như làm đẹp cho mảnh đất xa xôi này thêm phần quyến rũ.
Điểm dừng chân đầu tiên của hai mẹ con Phương là đồn Biên phòng Lũng Cú, nơi bố cô công tác ngày xưa. Bước xuống xe, Phương choáng ngợp bởi hình ảnh những cây hoa mai anh đào tuyệt đẹp. Chúng đồng loạt nở rộ giữa thời tiết mùa xuân vẫn còn rét ngọt.
Phương mang bánh đậu xanh, đặc sản của quê nhà Hải Dương, đóng thành một thùng làm quà biếu các chú, các anh lính biên phòng. Qua câu chuyện chân tình giữa các chú và mẹ trong ngày hội ngộ, Phương hiểu rằng công việc của những người lính như bố cô không chỉ là chắc tay súng, bảo vệ vùng trời, vùng đất biên cương mà họ còn làm công tác dân vận, giúp bà con dân bản nơi đây tăng gia sản xuất, thuyết phục đồng bào dân tộc thiểu số cho con em đến trường để xóa mù. Nhìn hai đứa trẻ tầm 7-8 tuổi đang chơi đùa ở sân đơn vị, Phương lại gần, tỉ tê:
- Hai bé học lớp mấy rồi?
- Dạ! Cháu học lớp hai ạ!
Chú Hòa – bạn thân của bố Phương nói nhỏ chỉ đủ cho Phương nghe:
- Hiện đồn biên phòng đang nhận chăm sóc và nuôi dưỡng, dạy bảo hai cháu nhỏ vì hoàn cảnh của các cháu vô cùng éo le. Mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nếu không có sự quan tâm, đỡ đầu của đơn vị thì các cháu đã mất hẳn cơ hội được học hành như bao đứa trẻ khác.
Phương lặng đi, thấy mình còn may mắn hơn những đứa trẻ tội nghiệp kia. Nhìn hai đứa nhỏ chơi vui, hồn nhiên, cô tin rằng tương lai của chúng sẽ tươi sáng nhờ tình yêu thương, sự đùm bọc và dìu dắt của những người lính biên phòng.
Tối ấy, bữa cơm đầm ấm, giản dị được tổ chức ở nhà ăn của đồn biên phòng. Lợn, gà do người lính tự nuôi, rau các chú, các anh tự trồng, món ăn nào cũng do bàn tay khéo léo của bộ đội biên phòng chế biến, đậm đà hương vị, như chứa đựng tình cảm, tâm huyết của những con người hiếu khách. Những tiếng nói cười rôm rả, những cái bắt tay thật chặt và cả những giọt nước mắt khi nhắc lại kí ức đau buồn.
Chú Hào quay sang mẹ Phương:
- Tất cả đều do một chữ duyên, chị nhỉ?
Phải chăng vì chữ “duyên” ấy mà mẹ quyết định dành cả tuổi trẻ đầy hoài bão, khát khao cho mảnh đất xa xôi này. Phương tự hỏi, mẹ yêu xứ sở biên cương này vì lẽ gì? Mẹ ở lại công tác nơi Hà Giang toàn đá với đồi trọc vì lẽ gì? Ở lại gần một năm, mẹ mới quen và yêu bố. Sự gặp gỡ giữa mẹ và bố cũng rất tình cờ, ấy là khi bố đi rừng tuần tra bị thương nên phải vào trạm y tế để rửa vết thương và băng bó. Bàn tay nhẹ nhàng và giọng nói êm ái của cô bác sĩ trẻ măng đã hút hồn anh lính biên phòng.
Chú nhìn Phương, chậm rãi:
- Bố cháu Phương hi sinh đã hơn hai mươi năm rồi. Thời gian trôi qua nhanh quá chị nhỉ? - Chú Hào giọng buồn buồn, hướng ánh mắt ra ngoài trời tối đen như mực. Hồi ấy, chú là cấp dưới của bố Phương, kém bố Phương gần chục tuổi. Chỉ còn một vài năm nữa chú cũng nghỉ hưu để về quê nhà dưới xuôi nhưng nhắc đến lúc phải xa mảnh đất thân thương này, chú vẫn rưng rưng xúc động. Chú kể lại sự việc bố Phương hi sinh trong lúc tuần tra, truy đuổi bọn lâm tặc và bị bọn chúng manh động chống trả:
- Bố cháu đã dũng cảm chiến đấu đến cùng chứ không lùi bước để bảo toàn tính mạng. Đơn vị vẫn nhắc đến sự hi sinh anh dũng của bố cháu để làm gương cho anh em toàn quân.
Nghe chú nhắc lại kí ức đau buồn nhưng Phương lại cảm thấy tự hào về bố, tự hào về mẹ. Mẹ đã cắn răng chịu đựng và vượt qua nỗi đau mất mát để sống tiếp những ngày phía trước không có bố bên cạnh, không có người đàn ông làm chỗ dựa trong cuộc đời đầy sóng gió. Khi ấy, Phương còn nhỏ, chưa cảm nhận hết nỗi đau, chỉ biết rằng mẹ ít nói dần, mặt lúc nào cũng buồn, quần áo lúc nào cũng một màu tối, u uất. Ba, bốn năm sau, mãn tang chồng, mẹ mới vơi dần những buồn thương, xót xa. Nghe đồng đội của bố khuyên nhủ, mẹ đưa Phương về xuôi, dứt lòng rời xa mảnh đất thân thương này. Vì muốn quên đi những kí ức đau buồn nên mẹ chuyển công tác, về gần ông bà ngoại để bù đắp phần nào những năm tháng xa nhà, xa người thân.
Hôm sau, Phương đưa mẹ đến thăm đèo Mã Pì Lèng, sông Nho Quế, bãi đá Mặt Trăng… và chụp cho mẹ những bức ảnh đẹp làm kỉ niệm. Thăm lại những nơi mà thời tuổi trẻ, bố mẹ đã từng đặt chân đến khiến mẹ bồi hồi. Những địa danh ở mảnh đất này đã in dấu trong hồi ức của mẹ. Nhìn những em bé vùng cao ăn mặc phong phanh giữa thời tiết giá lạnh, mẹ nhắc lại lí do mà mẹ không trở về xuôi sau chuyến đi tình nguyện:
- Mẹ thương những đứa trẻ nghèo. Mẹ muốn chữa bệnh cho những người dân ở nơi xa xôi, hẻo lánh này. Thiên chức của người thầy thuốc là cứu người. Con người ở đâu cũng là con người, phải không con?
Phương không nói, mắt dán vào những em bé vùng cao đang tha thẩn dọc đường cô gặp. Chúng sinh ra và lớn lên nơi núi rừng cằn cỗi, hoang sơ, ngay từ nhỏ đã phải vất vả mưu sinh nên luôn mang những nét đẹp rất lạ, rất cuốn hút, vô cùng hồn nhiên, trong sáng.
Phương gặp những bé gái miền sơn cước trong bộ trang phục người Mông rực rỡ, lưng đeo gùi hoa, tay cầm vòng bạc bên những sườn núi, những con dốc cua tay áo hay bước đi trên con đường mòn heo hút trong thung. Những bé trai đội mũ nồi thổi khèn bên vệ đường, trên những mỏm đá tai mèo luôn làm nên vẻ đẹp không thể lẫn của Hà Giang. Hình ảnh một bé trai thổi khèn bên bé gái trên bờ rào đá, ở giữa là gùi hoa cải vàng rực rỡ, phía sau là bạt ngàn hoa cải trắng, xa xa núi non hùng vĩ ẩn hiện trong mây trời vùng cao cứ làm Phương ngơ ngẩn. Phương ngỡ ngàng một hồi lâu trước vẻ đẹp ấy và giữ mẹ nghỉ chân, lắng nghe hết điệu khèn. Cái thứ âm thanh mê hoặc của núi rừng Tây Bắc cứ ngân mãi trong lòng Phương.
- Ở đây con trai Mông từ 6 đến 7 tuổi là biết theo mẹ gùi đá về nhà, lớn lên chút nữa thì học cha cách xếp hàng rào đá và trưởng thành là khi biết cày nương, thổi khèn và xếp hàng rào đá con ạ! – Mẹ thủng thẳng vừa đi vừa kể.
Phương dẫn mẹ đến thăm lại trạm y tế nơi mẹ từng công tác, thăm những gia đình trong bản gần đó. Mọi người vẫn nhận ra mẹ. Mẹ vẫn thế, như hàng rào đá nơi đây bao năm rồi vẫn thế. Từ bao giờ và chẳng biết vì cớ gì mà những hàng rào đá cùng cánh cổng gỗ, bao quanh những ngôi nhà mái ngói âm dương bên những cây đào, cây mận rêu mốc trên cao nguyên đá luôn hấp dẫn mẹ một cách kì lạ. Mẹ chạm tay vào bờ tường, chạm tay vào từng tảng đá. Những khối đá xù xì thô mộc nhiều kích cỡ, màu trắng, ghi, xám, nâu được xếp khéo léo ken xít vào nhau vuông vắn, chắc chắn, vững chãi, bao bọc, bảo vệ cho ngôi nhà, tạo nên một vẻ đẹp lạ lùng, kì thú. Phương thấy nó đẹp hơn tất cả các loại hàng rào hiện đại và đắt đỏ khác. Mỗi lần nhìn thấy hàng rào đá, Phương lại nghĩ đến những đôi nam nữ người Mông yêu thương nhau và nên duyên vợ chồng từ những “tiếng đàn môi bên bờ rào đá” như thế!
- Ở đây, trên cao nguyên này, nơi mở mắt là thấy đá, bốn bề đều là đá với cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu nước, thiếu đất canh tác…nhưng để sinh tồn, đồng bào nơi đây đã tìm mọi cách để chinh phục đá. Họ phá đá để tạo thành lối đi, xếp hàng rào đá để bảo vệ ngôi nhà, ken đá thành nương, cày trên nương đá, trồng ngô trong những hốc đá… - Giọng mẹ say sưa.
Và cũng như con người, Phương nhận ra rằng trên vùng đất ngỡ toàn là đá núi ấy, những cây hoa vẫn mọc và nở hoa rực rỡ. Đó là hoa trên đá. Hoa biết rằng, nó chẳng thể được ưu đãi, được gieo trồng ở vùng đất màu mỡ, chẳng có nguồn dinh dưỡng dồi dào, chẳng thể vô tư mà lớn lên. Nó hiểu phận mình, đâu dám đòi hỏi, chỉ biết nỗ lực, chỉ biết âm thầm chắt chiu từng chút ít dinh dưỡng nơi đất mẹ nghèo khó để mà sống, mà tồn tại, mà nở hoa. Khi nở trên đá, hoa không chỉ có vẻ đẹp muôn thủa của hoa mà còn đẹp bởi vẻ đẹp của sự nỗ lực vượt nghịch cảnh, vẻ đẹp của sức sống mãnh liệt, kiên cường.
Hoa trên đá, đẹp, giản dị, rắn rỏi, kiêu hãnh và rực rỡ hơn tất thảy hoa nở ở một nơi nào khác! Phương tự hỏi phải chăng vì hoa nở trên đá mà đá có linh hồn hay tình yêu cuộc sống làm đá trổ hoa?
Trong hành trình của chuyến đi, mẹ đã kể cho Phương nghe về những người phụ nữ Mông mà mẹ từng gặp, từng chữa bệnh cho họ. Cho dù số phận có bi ai bao nhiêu thì những người phụ nữ ấy vẫn toát lên vẻ đẹp chân chất như những bông hoa đào, hoa lê trên núi đá. Những người phụ nữ ấy, ẩn sau cái vẻ nhẫn nhịn, cam chịu thường thấy của phụ nữ vùng cao thì vẫn luôn tiềm tàng một sức sống mạnh mẽ, một khát khao yêu thương mãnh liệt. Mẹ đã học được ở họ nghị lực phi thường, dám sống cho bản thân, dám yêu và rời bỏ đau khổ để đi tìm hạnh phúc.
Và Phương tin, phụ nữ Mông, phụ nữ Kinh hay phụ nữ của bất cứ dân tộc nào đều xứng đáng có được hạnh phúc! Phương cầu mong mẹ sẽ luôn bình an và hạnh phúc trong những năm tháng còn lại của cuộc đời.