Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"
11/10/2024 10:07:40

Tác giả: An Văn Mậu

 

Làng Đồng Niên ngày nay bao gồm 3 khu dân cư 5, 6, 7 thuộc phường Việt Hòa, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Đây là vùng đất giàu di sản lịch sử và văn hóa của xứ Đông. Căn cứ cuốn thần tích làng Đồng Niên do Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), được Quản giám Bách thần tri điện Hùng lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiền phụng sao năm Vĩnh Tộ thứ 3 (1737) còn lưu giữ tại đình cho biết:

Tương truyền, ở trang Vĩnh Đồng, phủ Khoái Châu, đạo Sơn Nam có một danh gia họ Trần, húy là Trí, lấy vợ họ Nguyễn, húy là Hương, ông được bổ nhậm chức Bộ chủ châu Hải Dương. Năm ấy, Trí công cùng Thái bà tuổi đã ngoài ba mươi mà vẫn chưa có con nên vợ chồng lấy làm phiền muộn. Một hôm hai người đến vãng cảnh chùa bản trang (tức chùa Đồng Niên), tại đây, Thái bà thấy cảnh chùa linh ứng, về nhà liền sửa soạn lễ vật thành tâm đến cầu nguyện. Từ đó, Thái bà có mang, đến giờ Ngọ ngày 10 tháng 3 năm Bính Ngọ (?) Thái bà sinh được ba người con đặt tên lần lượt là: Phú, Phương, Mỹ. Đến năm anh em lên 12 tuổi, Thái bà lâm bệnh và qua đời (ngày 5 tháng 4 năm Ất Tỵ).

Trải qua ba, bốn năm, thiên hạ được thái bình, đời sống sung túc, bỗng một năm, trong hạt mất mùa, ngũ cốc bị sâu bọ phá hoại, mười phần thu không được một, trộm cắp nổi lên hoành hành, quan binh nhũng nhiễu, nhân dân đói khổ. Vua cho mở trường tuyển chọn nhân tài, hai ông Phú và Mỹ xin cha vào trường ứng thí. Thấy hai ông diện mạo khác thường, văn chương sáng suốt, võ nghệ tinh thông, vua liền phong một người là "Chí sĩ Hộ bộ Thượng thư kiêm Chưởng châu Bố Chánh", một người là "Chí sĩ Thừa chánh sứ, tặng Thượng thư Chưởng ái châu vụ".

Năm đó, có giặc Lương mang 300 kỵ tướng và 30 vạn tinh binh sang xâm lược nước ta. Ở khắp các châu địa đầu đều bị quân giặc quấy rối, nhiều người dân vô tội bị giết hại, cuộc sống khổ cực, bỏ đi lưu tán khắp nơi. Quân giặc định ngày khởi chiến, thư từ biên thùy cấp báo, vua (1) cho triệu các đình thần cùng Bộ chủ và hai ông đến triều nghị luận. Hai ông hành biểu tâu lên đế đình xin được thay vua cầm quân đi dẹp giặc. Vua liền cấp cho Bộ chủ và hai ông 30 vạn binh mã và 1.000 chiếc thuyền, cờ vây rợp đất, chiêng trống vang trời, rồi chia làm ba đạo chặn giặc. Đức thánh Cả đem quân chắn giữ cửa sông Tam Kỳ, Đức thánh Ba giữ cửa sông Tô Lịch, Đức Bộ chủ đem quân tới sông Lục Đầu gặp giặc liền giao chiến một trận chưa phân thắng bại, quân sĩ chết nhiều. Không may cho Bộ chủ, ông gặp cơn phong ba, thuyền bị đắm tại bến sông Lục Đầu. Về sau, vua truyền cho nhân dân ở hai bên bờ sông lập đền thờ là "Đoàn Vương từ". Lúc bấy giờ hai ông nghe tin Bộ chủ chẳng may tử trận, liền làm biểu tâu lên, vua lấy làm đau xót, liền đem binh mã, xa giá tiến thẳng tới châu Hải Dương.

Khi ấy, người con gái thứ hai ở nhà nghe tin cha tử trận, lập tức mặc tang phục ra hành lễ và xin vua được ra trận báo thù. Ngay ngày hôm đó, Nữ nương chia các đạo cùng thuyền chiến, cờ xí song hành, chớp giật hai bên bờ, ba mặt hợp lại, sấm đánh thất kinh, tiếng vang trăm dặm, binh uy mạnh mẽ, thế như thác đổ, xông thẳng đến chỗ quân giặc, đại phá một trận, giặc Lương hoảng loạn, bỏ chạy về nước. Ở đây, Nữ nương cho đắp bên ngoài núi 65 thành, khôi phục Nam bang lãnh thổ. Vua nghe tin đã bình được giặc bèn xuống chiếu triệu hai ông cùng Nữ nương trở về triều mở yến tiệc ăn mừng. Được hai, ba ngày sau anh em cùng trở về, vua liền phong Đệ nhất công làm "Chí sĩ tham tòng Thượng thư kiêm Đông các dự triều chính Thái Bảo bình nguyên Nguyên soái Đại tướng quân"; Đệ nhị công làm "Chí sĩ Ngoại hiến nội đài Tam ly đốc chiến Nguyên bình Nguyên soái Đại tướng quân". Còn Nữ nương được tôn làm "Mẫu nghi thiên hạ".

Sau đó, bà xuống thuyền rồng về thẳng châu Hải Dương. Khi đi đến địa phận Hàn Giang (Hải Dương) thì bỗng thấy trời đất tối tăm, mưa gió kéo đến, xuất hiện đám mây ngũ sắc, dưới nước có rồng nổi lên rồi bỗng nhiên Nữ nương biến mất (tức là mùng 8 tháng 5 năm đó tại xứ bên sông). Một lát sau, trời đất quang đãng mây tạnh trở lại, quân sĩ thấy vậy về làm sớ tâu lên triều đình. Vua được tin, rất thương tiếc bậc Trinh thục tiết nghĩa có công lớn với nước, lập tức phái đình thần, bách quan đến chỗ ngài "hóa" (tức trang Đồng Niên) làm lễ an táng. Lại truyền cho bách quan nhận bốn trăm quan tiền để lập đền thờ.

Sau khi nghe tin Nữ nương mất, hai ông Phú và Mỹ hành biểu tấu lên vua xin trở về Đồng Niên để làm lễ tế phần mộ cha mẹ, thầy giáo và bái vọng người em gái. Sau đó, hai ông tiếp tục tâu biểu lên vua xin vùng đất này làm "ấp thang mộc" (2) ở lại bản trang chiêu tập dân đến khai khẩn đất hoang, mở mang nghề nghiệp, dạy dân làm ăn buôn bán, lấy nhân nghĩa liên kết lòng người, làm cho cuộc sống thuần hậu, hòa mục. Đặc biệt, cho xây 3 ngôi miếu thờ: Nam cung, Tây cung và Đông cung. Hai ông cũng xuất tiền cho tu sửa chùa, lại ban cho nhân dân, phụ lão 800 quan tiền xanh làm kế sinh nhai. Hai ông cho mở yến tiệc, chiêu đãi nhân dân cùng đến hội ẩm ở Nam cung. Sau đó, hai ông đi chu du khắp nơi, ngắm cảnh sông nước bao la, hùng vĩ... Khi đến trang Tích Lân (Vĩnh Đồng), phần đất xứ Sơn Nam, bỗng hai ông cùng "hóa".

Sau khi hai ông qua đời, người dân Đồng Niên lập biểu tâu lên triều đình, vua liền cấp cho 800 quan tiền, ruộng tế tự 7 sào, 5 thước, 3 thốn để tu sửa cung đền và hương hỏa phụng thờ, miễn binh lương tạp dịch. Vua lại cảm nhớ Phương nương, ban thêm cho nhân dân 100 quan tiền để xuân, thu tế tự, chọn ngày "Đinh" làm quốc lễ, theo đó mà hương hỏa phụng thờ lâu dài. Lại cho nhân dân lập một Hội đồng cung để xuân, thu hội cùng tế tự, cung lập tọa hướng Quý (nằm ở hướng Bắc), hướng Đinh (mặt quay hướng Nam), ở trong ấp nước diễu quanh bốn mặt, tại chính giữa là đỉnh đầu, phía trái và phải có kim tinh, thổ tinh; phía trước có ao. Đây đúng là vùng đất anh linh mà thịnh vượng, phát tài vậy. Lại cho tu sửa cung của hai ông, người anh Cả cung miếu tọa Quý (nằm ở hướng Bắc), hướng chính là Đinh (hướng Nam) tại một thuộc đất; người em thứ Hai cung miếu của ông tọa Càn (hướng Tây Bắc), hướng Tốn (hướng Đông Nam), có sao kim tinh. Vua bèn sắc phong la "Thượng thượng đẳng phúc thần" và ban quy chế thờ cúng lâu dài.

Gắn liền với sự tích kể trên, ngày nay tại làng Đồng Niên (tức ba khu dân cư 5, 6, 7) phường Việt Hòa, thành phố Hải Dương còn bảo lưu các di tích: Đình Đồng Niên thờ vọng ba vị thành hoàng là Trần Phú, Trần Thị Phương và Trần Mỹ, Đây là ba danh tướng có công giúp vua Lý Nam Đế đánh thắng giặc Lương xâm lược (thế kỷ VI). Ngoài ra còn có ba ngôi miếu thờ chính là: miếu Nam cung thờ Đức thánh Cả (Trần Phú), miếu Đông cung thờ Đức thánh Hai (Trần Thị Phương) và miếu Tây cung thờ Đức thánh Ba (Trần Mỹ). Hàng năm, từ mùng 8 đến 12 tháng Ba (Âm lịch), nhân dân tổ chức lễ hội truyền thống tưởng nhớ công lao của các vị thành hoàng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên đất Hải Dương. 
 
 
Các tin mới hơn
Các tin cũ hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Đài sen dâng Bác(07/10/2024)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na