Kiến trúc
Kiến trúc Điện Kính Thiên tại Hoàng Thành Thăng Long
14/04/2022 08:07:52

Kết quả khai quật khảo cổ học trong những năm gần đây đã làm rõ thêm một phần không gian chính điện Kính Thiên thời Lê sơ (thế kỷ 15-16) và Lê Trung hưng (thế kỷ 17-18), đã xác định sơ bộ về cấu trúc một phần không gian Điện Kính Thiên. Trong thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội (đơn vị quản lý Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long) đã phối hợp với các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, kiến trúc, khảo cổ, di sản… nghiên cứu, sưu tầm tư liệu và từng bước tái hiện không gian Điện Kính Thiên trên phối cảnh 3D.

 
 
 
Phối cảnh dựng 3d bộ mái điện Kính Thiên thời Lê

Nguyên cứu dựng mô hình 3D

1. Về không gian điện Kính Thiên

Chính điện Kính Thiên nằm trong phức hợp của một quần thể kiến trúc thuộc khu vực Đại Triều. Những cuộc khai quật khảo cổ học Chính điện Kính Thiên thời Lê đã phát hiện được nhiều di tích kiến trúc và một khối lượng lớn di vật khảo cổ.

  • Không gian thứ nhất: Không gian Chính điện Kính Thiên bao gồm Đoan Môn, dấu tích hành lang có cổng và tường vây bao quanh Chính điện (kiến trúc hành lang có vì kèo 4 cột) – sân Đại Triều (Đan Trì) – Ngự Đạo – đường đi nội bộ – Chính điện Kính Thiên.
  • Không gian thứ hai: Là không gian điện Cần Chính – khu vực sinh hoạt của nhà vua, bắt đầu được xuất lộ trong năm 2019 và năm 2021. Hiện đã làm xuất lộ dấu tích kiến trúc có móng cột lớn ở Trung tâm – kiến trúc hành lang có vì kèo 4 cột – tường vây – dấu tích vườn Thượng Uyển và sông ngòi ở phía sau nền điện Kính Thiên. Không gian này thu hẹp chiều Đông Tây hơn không gian Chính điện Kính Thiên.
Cấu trúc nền và lan can thành bậc đi lên điện Kính Thiên từ ảnh chụp điện Long Thiên và so sánh với Thái Hòa môn và Thái Hòa điện tại cố cung Bắc Kinh, Trung Quốc.
Tái dựng kiến trúc khu vực chính điện Kính Thiên qua dấu tích khảo cổ học

Kiến trúc điện Kính Thiên

Cấu trúc thềm đá, bó nền (phần đế)

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tháng 2 năm 1465, vua Lê Thánh Tông cho xây lại điện Kính Thiên, đến tháng 11/1465 điện Kính Thiên và Cẩn Đức làm xong, vua ban đại xá thiên hạ [1]. Riêng lan can đá hình rồng tại thềm bậc dẫn lên chính điện Kính Thiên phải đến 2 năm sau (tháng 8/1467) mới hoàn thành [2].

Nền điện Kính Thiên cao khoảng gần 2m. Theo khảo sát, tính chất của lớp đầm và mặt bằng của móng gia cố đặt lan can đá gần như tương đồng với móng gia cố bó nền điện Kính Thiên. Các nhà khảo cổ xác định lan can đá niên đại thời Lê Sơ (1467) nhưng lớp đầm và đá ốp có niên đại thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17 [3]. Hiện chưa tìm thấy dấu tích nào của chân tảng và lan can đá trên điện. Hình ảnh phục dựng 3D tạm thời sử dụng chi tiết lan can đá tương đồng cùng thời của chùa Bút Tháp; chân tảng đá xanh của chùa Hồ Thiên.

Cấu trúc thềm đá, chân tảng – phần đế điện Kính Thiên thời Lê Sơ (thế kỷ XV-XVI)

Hệ kết cấu gỗ (phần thân)

Các cấu kiện phần thân của điện Kính Thiên hiện chưa được phát hiện. Tuy nhiên, theo nghiên cứu đối chiếu và so sánh, hệ kết cấu chính về cơ bản là hệ thống cột, xà và đấu củng gỗ. Cột đặt trên chân tảng đá xanh. Các chi tiết đấu củng, xà, hoành, cửa gỗ chạm trổ tỉ mỉ, sơn son thếp vàng.

Tư liệu khảo cổ học tại hố đào phía Đông Bắc điện Kính Thiên (năm 2017, 2018, 2019), đã phát hiện một số cấu kiện gỗ kiến trúc thuộc một bộ khung gỗ kiến trúc nào đó thời Lê sơ như cột, ván sàn, xà, rui bay, xà đấu…. Tất cả đều được sơn son thếp vàng minh chứng đây là một bộ khung kiến trúc rất sang trọng trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ ở khu trung tâm [4].

Mô phỏng hệ kết cấu gỗ dựa theo hiện vật khảo cổ học phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long

Hình dáng và vật liệu bộ mái (phần mái)

Điện Kính Thiên có 2 tầng mái, lợp ngói hoàng lưu ly, diềm mái đều trang trí hình rồng, kết nối giữa các diện mái là các đường sống nổi (tích); sống đỉnh (bờ nóc), sống chảy (bờ chảy) và sống góc nổi cao được cấu thành bởi nhiều loại vật liệu chuyên biệt như gạch thẻ, gạch thẻ nhũ đinh, gạch diềm hình khánh, gạch hình hộp trang trí rồng, hoa sen… Tại hai đầu nóc mái trang trí tượng đầu rồng miệng há rộng cắn vào bờ nóc, ngoài ra ở đầu sống chảy cũng trang trí tượng rồng nhưng nhỏ hơn và tư thế hướng về phía trước.

Kết quả nghiên cứu không gian Điện Kính Thiên trên phối cảnh 3D cho thấy khả năng khôi phục được công trình này là rất cao. Hi vọng việc tái hiện không gian Điện Kính Thiên sẽ làm phong phú thêm giá trị của Khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long trong tương lai.

TS.KTS Trần Việt Anh


Tài liệu tham khảo
1. Đại Việt sử ký toàn thư, t2, 1998, NXB Khoa học Xã hội, tr.407.
2. Đại Việt sử ký toàn thư, t2, 1998, NXB Khoa học Xã hội, tr.426.
3. Tống Trung Tín (2012), Chính điện Kính Thiên và không gian chính điện Kính Thiên, Tạp chí Khảo cổ học số 4/2012, tr.8 – 26.
4. Tống Trung Tín (2020), Văn hiến Thăng Long bằng chứng khảo cổ học, Nxb Hà Nội, tr.320.
5. Viện Bảo tồn di tích (2017), Kiến trúc chùa Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích, tập I, NXB. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr26.

 Nguồn: https://www.tapchikientruc.com.vn/
 
 
 
Các tin mới hơn
Hội KTS Việt Nam tổ chức Kỳ thi sát hạch phục vụ Cấp chứng chỉ Hành nghề Kiến trúc kỳ thứ 3(27/09/2022)
Hội thảo trực tuyến về Ngày Kiến trúc Thế giới 2022 với chủ đề “Kiến trúc vì sự khỏe mạnh – hạnh phúc”(23/09/2022)
Tuần lễ Môi trường Xây Dựng Quốc tế – IBEW 2022: Xây dựng bản đồ chuyển đổi Ngành môi trường (ITM)(15/09/2022)
Thi tuyển phương án Kiến trúc “Công trình Đa chức năng Postef”(29/08/2022)
Khởi động Giải thưởng Kiến trúc quốc gia lần thứ 15/ 2022(22/08/2022)
Các tin cũ hơn
Không gian truyền thống trong kiến trúc nhà ở nông thôn đương đại Vùng Đồng Bằng Bắc Bộ(06/04/2022)
V.ICON – Triển lãm Kiến trúc – Nội thất đương đại(16/03/2022)
Khu vườn sinh thái cho ngôi nhà Việt(15/03/2022)
Thư pháp đương đại – gạch nối quá khứ, hiện tại và tương lai(11/02/2022)
10 dấu ấn kiến trúc nổi bật năm 2021(01/02/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na