Kiến trúc
Không gian truyền thống trong kiến trúc nhà ở nông thôn đương đại Vùng Đồng Bằng Bắc Bộ
06/04/2022 11:17:39

Trước năm 1954, nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ, dù là nhà giàu hay nghèo, cũng chủ yếu là các kiểu nhà dân gian 1 tầng có mặt bằng hình chữ nhật và được phân theo gian số lẻ, chẳng hạn 5 gian hay 3 gian 2 chái, cấu trúc chủ yếu bằng gỗ hoặc tre, mái lợp ngói hoặc thảo mộc (rơm rạ, tranh, bổi, lá cọ…). Trong khuôn viên nhà thường có ngôi nhà chính và 1-2 nhà phụ nằm vuông góc với nhà chính tạo thành bố cục hình thước thợ hay chữ U, tất cả đều quây quần quanh một sân trời rộng thoáng, phía trước sân thường là vườn cây và đôi khi có cả ao cá.

 
 
 
Một ngôi nhà dân gian truyền thống ở Lai Bồ, Ba Vì, Hà Nội

Không gian truyền thống xưa

Trong quá trình tồn tại của mình, sự ổn định tương đối của hình thái cấu trúc nhà ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ đã tạo ra các không gian truyền thống được kế thừa từ thế hệ này qua thế hệ khác, mà đặc trưng nhất là không gian chính – nơi bố trí ban thờ tổ tiên, không gian hiên và không gian sân.

Không gian chính của ngôi nhà thường nằm ở vị trí trung tâm và có thể bao gồm 3 gian, 5 gian… liên tục được hòa vào nhau và không có sự ngăn cách về thị giác. Điểm nhấn chính của không gian này là ban thờ tổ tiên ở chính giữa, hai bên ban thờ thường bố trí giường/phản – nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt vào ban ngày và ngủ nghỉ của đàn ông vào ban đêm. Ban thờ chi phối các không gian còn lại và cả ứng xử của mọi người trong không gian chính, từ lời ăn tiếng nói đến tư thế ngồi, hướng nằm ngủ, và các hoạt động thường ngày khác… Chính trong không gian này ta có thể cảm nhận được sự giao hòa âm dương (tư tưởng xuất phát về bản chất của vũ trụ theo quan niệm của người Việt) bởi sự tồn tại của các cặp lưỡng phân và lưỡng hợp, trong đó điểm nhấn chính là cặp thiêng – tục, “cõi chết” – “cõi sống” với sự hòa nhập trọn vẹn của không gian dành cho người sống và không gian dành cho người đã khuất (Hình 2). Bằng cách đó, người ta tin rằng thế giới bên kia không quá xa xôi và ông bà tổ tiên có thể thường xuyên trở về phù hộ cho con cháu. Đây cũng là không gian mang tính hướng ngoại nhất của ngôi nhà, là nơi để những gia đình giàu có thể hiện đẳng cấp và vị thế xã hội của mình.

Không gian truyền thống xưa

Không gian hiên nằm phía trước các gian chính của ngôi nhà, đóng vai trò là không gian chuyển tiếp giữa bên trong và bên ngoài nhà. Không chỉ góp phần chắn mưa che nắng cho không gian chính, hiên thường được mở rộng để gia tăng khả năng hoạt động và tạo ra một không gian rất đa năng, nơi mà tùy điều kiện và thời gian có thể được biến thành nơi giao lưu, ăn uống, sản xuất, giải trí hay làm kho chứa tạm. Có cả những ngôi nhà mà không gian hiên vượt qua hàng cột quân và mở rộng đến tận hàng cột cái, đủ chỗ cho cả 1 bộ trường kỷ để tiếp khách và thỏa mãn nhu cầu thường ngày của gia chủ. Không thuộc về bên trong cũng chẳng thuộc về bên ngoài, hiên có thể được coi là một trong những không gian “người” nhất trong nhà ở dân gian vùng đồng bằng Bắc bộ – một dạng “Không gian nhập nhằng” theo lý thuyết của KTS nổi tiếng Robert Venturi.

Sân cũng là một không gian không thể thiếu trong khuôn viên nhà ở dân gian vùng đồng bằng Bắc bộ. Đây là không gian mở ngoài trời, thường có vị trí trung tâm trong tổng thể bố cục, bởi hầu hết các khối nhà, dù là nhà chính hay nhà ngang đều hướng ra không gian này. Sân là một dạng không gian đa năng rất đặc trưng cho nhà dân gian truyền thống vùng đồng bằng Bắc bộ, nơi diễn ra nhiều hoạt động phù hợp với đặc điểm kinh tế và văn hóa nông nghiệp vùng, từ những sinh hoạt thường ngày như ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí đến các hoạt động sản xuất tùy theo đặc điểm nghề nghiệp của gia chủ. Sân còn là phần mở rộng của không gian bên trong nhà trong các dịp giỗ chạp, cưới hỏi hay các nghi lễ khác của gia đình, dòng họ, là không gian kết nối các khối nhà và vườn… Sân và các khối nhà xung quanh tạo thành 1 cặp lưỡng phân và lưỡng hợp hoàn chỉnh. Về hình thể sân là không gian âm (khoảng trống) nằm giữa các khối nhà (dương). Về hoạt động sân lại có tính dương nhiều hơn so với các không gian xung quanh. Một lần nữa ta lại thấy được nguyên tắc về sự chuyển hóa giữa các thành tố của thuyết âm dương được biểu hiện rõ nét trong nhà ở dân gian: Trong dương có âm và ngược lại trong âm có dương.

Mối quan hệ giữa các không gian trong nhà ở dân gian truyền thống (Nguồn: 1)
Không gian truyền thống xưa

Và không gian truyền thống trong nhà ở hiện đại

Từ những năm 1990 trở lại đây, những thay đổi về chính trị xã hội và điều kiện kinh tế, vật liệu… đã dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ của hình thức và cấu trúc nhà ở nông thôn. Những ngôi nhà ở dân gian truyền thống 5 gian hay 3 gian 2 chái dần trở thành của hiếm và được thay thế bởi những nếp nhà mới, có phần xa lạ với bối cảnh. Bên cạnh những ngôi nhà 1 tầng được làm theo hình thức cũ nhưng có cấu trúc và vật liệu mới là các kiểu biệt thự có chiều cao 2 – 3 tầng đa dạng về kiểu cách, màu sắc, vật liệu. Kiểu nhà lô phố mà trước đây chỉ thấy tại các đô thị đã xuất hiện và không còn hiếm gặp trên các tuyến đường ven làng. Tất cả tạo nên một bức tranh nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ hỗn độn, thiếu đồng nhất (Hình 5,6).

Trong bối cảnh quỹ đất ở khá hạn hẹp và đắt đỏ trong khi nhu cầu gia tăng, việc kiến trúc nhà ở nông thôn dần chuyển từ những dạng nhà có diện tích chiếm đất lớn sang những ngôi nhà có quy mô khiêm tốn nhưng nhiều tầng hơn, trong đó có những không gian khép kín hiện đại để thỏa mãn nhu cầu mới trong đời sống của người nông dân là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể khiến quá trình đó diễn ra một cách nhẹ nhàng và thậm chí hợp lý hơn nhờ việc vận dụng những nguyên tắc tổ chức không gian truyền thống và tái hiện các không gian truyền thống đặc trưng vào trong kiến trúc nhà ở nông thôn đương đại.

Trong tổ chức không gian của nhà ở nông thôn, ngoài các không gian riêng tư, khép kín, các không gian còn lại nên ưu tiên các giải pháp đa chức năng, hạn chế ngăn chia để vừa linh hoạt trong sử dụng, vừa thích ứng với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Về chức năng, các không gian truyền thống nên được tổ chức và khai thác sao cho có thể vừa tối ưu hóa hoạt động, vừa kế tục được tinh thần bản địa.

Chẳng hạn, không gian thờ cúng tổ tiên thay vì bố trí trong 1 phòng riêng biệt và đẩy lên cao như thường thấy tại nhà ở đô thị hiện nay thì nên được hòa nhập vào phòng khách/sinh hoạt chung theo lối truyền thống, vừa tạo ra cảm giác ấm cúng gần gũi lại vừa thuận tiện cho các hoạt động thờ cúng dù có thể hoạt động này không còn quá thường xuyên như trước đây.

Không gian hiên nên là một thành phần không thể thiếu trong kiến trúc nông thôn đương đại bởi tính chất đa năng, chuyển tiếp và đặc điểm phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương của nó. Cùng với các không gian chung khác, hiên làm gia tăng sức sống cho ngôi nhà và “lôi kéo” các thành viên trong gia đình tham gia vào các sinh hoạt chung, đây cũng có thể là nơi diễn ra các hoạt động đa năng vốn gắn liền với đời sống người nông dân như trong ngôi nhà dân gian trước đây.

Một không gian rất truyền thống khác là sân trời cũng không nên bỏ qua trong kiến trúc nhà ở nông thôn đương đại. Sân có thể là phần mở rộng của không gian bên trong theo lối truyền thống tạo thành chuỗi không gian kín, không gian chuyển tiếp (nửa kín nửa hở) và không gian mở từ trong ra ngoài. Sân cũng có thể đóng vai trò là không gian kết nối giữa các khối nhà đối với nhà ở nông thôn nhiều thế hệ. Trong những ngôi nhà có diện tích đất hạn hẹp, sân có thể được kết hợp với vườn để tạo ra mối liên hệ gần gũi hơn với thiên nhiên – điều mà kiến trúc nhà ở truyền thống trước đây luôn có.

Việc khai thác cách tổ chức không gian đa năng, linh hoạt của kiến trúc truyền thống và tái hiện không gian truyền thống trong kiến trúc nhà ở nông thôn đương đại là cách để tiếp nối tinh thần bản địa, cũng là cách để kiến trúc nhà ở nông thôn tìm được ngôn ngữ và bản sắc kiến trúc riêng phù hợp môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa của địa điểm.

PGS.TS Khuất Tân Hưng


Tài liệu tham khảo
1. Khuất Tân Hưng (2007). Mối quan hệ giữa văn hóa và kiến trúc trong nhà ở dân gian vùng đồng bằng Bắc bộ. Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
2. Ngô Hồng Năng (2018). Robert Ventuti và ngôn ngữ của kiến trúc hậu hiện đại. Tạp chí Kiến trúc số 04 – 2018
3. https://reatimes.vn/-tieu-chi-kien-truc-nha-o-nong-thon-moi-cua-nguoi-viet-20201224000000981.html

Nguồn:  https://www.tapchikientruc.com.vn/
 
 
 
Các tin mới hơn
Hội KTS Việt Nam tổ chức Kỳ thi sát hạch phục vụ Cấp chứng chỉ Hành nghề Kiến trúc kỳ thứ 3(27/09/2022)
Hội thảo trực tuyến về Ngày Kiến trúc Thế giới 2022 với chủ đề “Kiến trúc vì sự khỏe mạnh – hạnh phúc”(23/09/2022)
Tuần lễ Môi trường Xây Dựng Quốc tế – IBEW 2022: Xây dựng bản đồ chuyển đổi Ngành môi trường (ITM)(15/09/2022)
Thi tuyển phương án Kiến trúc “Công trình Đa chức năng Postef”(29/08/2022)
Khởi động Giải thưởng Kiến trúc quốc gia lần thứ 15/ 2022(22/08/2022)
Các tin cũ hơn
V.ICON – Triển lãm Kiến trúc – Nội thất đương đại(16/03/2022)
Khu vườn sinh thái cho ngôi nhà Việt(15/03/2022)
Thư pháp đương đại – gạch nối quá khứ, hiện tại và tương lai(11/02/2022)
10 dấu ấn kiến trúc nổi bật năm 2021(01/02/2022)
Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo – Cộng hưởng cảm xúc và đam mê sáng tạo(26/01/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na