Mỹ thuật
Dấu ấn 2021 từ các nghệ sĩ cao tuổi
08/11/2021 08:40:55

Xu hướng mong chờ mỗi khi có triển lãm tranh của câu lạc bộ các họa sĩ cao tuổi từ người yêu nghệ thuật, thích sưu tầm tranh là có thật. Bởi một số nghệ sĩ trong triển lãm đã “có tên”, danh xưng đã trở thành một cái gì đấy quen thuộc, con đường nghệ thuật đã có dấu ấn, nên dành được nhiều ưu ái hơn.


Các tên tuổi quen thuộc với người yêu nghệ thuật như Nguyễn Minh Mỹ, Hà Cắm Dì, Chu Thị Thánh, Trần Huy Oánh, Phạm Thị Nguyệt Nga, Lê Tuyết, Lê Kim Mỹ, Phùng Phẩm, Nguyễn Bằng Lâm, Nguyễn Mai San,…đã góp phần cho triển lãm có sức nặng về mặt chuyên nghề. Tham gia trưng bày có 71 họa sĩ tuổi từ 60 trở lên. Đặc biệt có nữ họa sĩ Minh Mỹ, sinh năm 1923, nay đã gần 100 tuổi vẫn có tác phẩm tham dự. Với 91 tác phẩm trên các chất liệu sơn mài, sơn dầu, lụa, giấy, cùng một số tượng tròn nhỏ xinh đã khiến 2 tầng trưng bày của Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền trở nên hấp dẫn bởi sự đa dạng, phong phú về thị giác.

Triển lãm được các họa sĩ cao tuổi phấn khởi đón đợi sau nhiều ngày dài tạm nghỉ các hoạt động bên ngoài. Cũng nhờ khoảng thời gian giãn cách yên bình này mà các họa sĩ cao tuổi đã tập trung sáng tác được những bức tranh đep, giàu cảm xúc. Nhiều họa sĩ cao tuổi đã trải qua những năm tháng chiến tranh gian khó, những tháng ngày đất nước còn nghèo, sáng tác chật vật thời bao cấp nên ngày hôm nay được thảnh thơi sáng tác là một cảm giác rất nhẹ nhàng, thư thái. Một số ít tác phẩm được sáng tác trước đây, nhưng đa phần là tác phẩm mới. Chính vì sự an yên trong tâm hồn, lại thêm sự “hồn nhiên trẻ hóa” của tuổi già muốn cháy lên rực rỡ buổi xế chiều khiến cho nhiều tác phẩm có hòa sắc tươi tắn với gam màu nguyên sắc. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi khi về già thường hay thích giản đơn, chiều chuộng cảm xúc, bớt suy nghĩ và dễ hơn trong mọi việc. Tuy vậy, những họa sĩ nữ lại có nét dịu dàng đằm thắm rất riêng. Họa sĩ Chu Thị Thánh, Lê Tuyết, Minh Mỹ, Kim Mỹ, Trương Ngọc Hiên…tái hiện câu chuyện đời thường với hình ảnh thiếu nữ, phong cảnh thật đơn giản, nhẹ nhàng, dung dị, nhiều cảm xúc. Họa sĩ Bằng Lâm, Phùng Phẩm, Trần Đốc, Ngô Bình Thiểm, Nguyễn Đình An lại trẻ trung sắc màu, khúc triết đường nét khỏe khoắn trong tạo hình. Họa sĩ Huy Oánh vẫn là cảnh lao động trên công trường, nhà máy, đề tài lao động mà ông yêu thích. Họa sĩ Nguyễn Văn Chiến lại gửi tới phòng tranh bức tranh duy nhất về lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh trong thời gian ở K9 nhưng cũng không kém phần lãng mạn…

Các nghệ sĩ dù ở lứa tuổi sáng tác nào, đề tài chủ yếu trong tranh vẫn là con người, phong cảnh, lao động, sinh hoạt xã hội. Một số tranh đề tài chân dung lãnh tụ, lao động sản xuất mùa dịch cũng được các họa sĩ cao tuổi dành sự quan tâm. Xem tranh những họa sĩ cao tuổi mới thấy những gì thuộc về khổ đau, giằng xé tâm trạng, băn khoăn thời cuộc, tình cảm cá nhân yêu thương thù ghét không còn là mối bận tâm. Họ vui vẻ, bình tĩnh, tận hưởng, đơn giản cuộc sống, nhẹ nhàng suy nghĩ,…vì vậy các tác phẩm dừng lại ở mức độ dễ chịu. Nghệ thuật có những cách thể hiện riêng, trình độ khác, suy nghĩ khác, tuổi tác càng khác trong những sáng tác cá nhân riêng.

Theo lệ thường, đến hẹn lại lên, Hội Mỹ thuât Việt Nam tổ chức triển lãm mang tên “Dấu ấn 2021” dành riêng cho họa sĩ cao tuổi. Đây là một trong những hoạt động trưng bày tác phẩm thường niên của các hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam từ các độ tuổi khác, các câu lạc bộ chuyên đề khác nhau như: Câu lạc bộ Sáng tác đề tài xây dựng Tổ quốc”; Câu lạc bộ Người cao tuổi; Câu lạc bộ Họa sĩ trẻ,…

Trong tháng 6,7 năm 2021 triển lãm “Chúng ta đang nghịch gì” của các họa sĩ trẻ thuộc câu lạc bộ Họa sĩ trẻ đã triển lãm tại VCCA, Royal city với hàng trăm tác phẩm rất đa dạng, phong phú về chủ đề, màu sắc, chất liệu. Người trẻ có cách nhìn thời cuộc, cách làm nghệ thuật của người trẻ. Người cao tuổi có cách nhìn nhận riêng. Sự sung mãn trong cảm xúc, quyết liệt trong tác phẩm người sáng tác trẻ có ưu thế hơn. Nhưng người làm nghệ thuật đã lâu có độ đằm của cảm xúc, tái hiện thời thế một cách ung dung, đơn giản hơn rất nhiều nhưng vẫn tinh tế có chiều sâu.
Như thế mới là cuộc sống, là nghệ thuật…


Một số tác phẩm trưng bày trong triển lãm:

CHU THỊ THÁNH – Mưa xuân. 2021. Bột màu. 58x77cm

CAO TRỌNG THIỀM – Bản mới có cầu. 2021. Khắc gỗ. 54x47cm
PHẠM THỊ NGUYỆT NGA – Phong cảnh Hà Giang. 2021. Sơn dầu. 100x140cm

NGUYỄN VĂN CHIẾN – Bác chọn “Đá Chông” làm K9. 2020. Sơn dầu. 80x100cm

NGUYỄN BẰNG LÂM – Nắng của biển. 2021. Tổng hợp. 130x130cm
NGUYỄN TIẾN CẢNH – Vòng đời. 2021
HÀ CẮM DÌ – Ngôi nhà hạnh phúc. 2021. Acrylic. 65x90cm
NGÔ BỈNH THIỂM – Đi chợ vùng cao. Sơn dầu. 60x85cm

NGUYỄN MINH MỸ – Phong cảnh Mai Châu 2019. Lụa. 60x90cm
TRẦN ĐỐC – Ảo thực 7. Sơn dầu. 100x100cm

PHÙNG PHẨM – Thiếu nữ. 2020. Trổ giấy. 65x41cm

TRƯƠNG NGỌC HIÊN – Vườn chuối. Giấy dó. 50x65cm
TRẦN HUY OÁNH – Công trường. Sơn dầu. 39x54cm
NGUYỄN LÊ TUYẾT – Phượng hồng. Lụa. 60x80cm
LÊ KIM MỸ – Thuyền trên sông Đà. Thuốc nước. 30x40cm
Một số tác phẩm điêu khắc nhỏ của nhà điêu khắc Ngô Doãn Kinh và Hoàng Uyên
 
Nguồn: Tạp chí Mỹ thuật 
Các tin mới hơn
Vượt mặt(27/09/2022)
Mỹ thuật ứng dụng: Song hành cùng sự phát triển của công nghệ mới và xu hướng thiết kế quốc tế(20/09/2022)
Biểu trưng và nhận biết thị giác(12/08/2022)
Văn hóa và phản văn hóa trong đồ họa quảng cáo hiện nay(20/07/2022)
Cuộc hội ngộ của bộ tứ: Phổ - Thứ - Lựu - Đàm(19/07/2022)
Các tin cũ hơn
Các bậc thầy hội họa hiện đại Việt Nam: Góc từ cái nhìn bất toàn(29/10/2021)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na