Văn xuôi
Vượt qua bóng núi – Truyện ngắn Ksor H’Yuên
10/01/2022 12:00:00

Ở cái tuổi 17 trăng tròn, Rahlan H’Len thiếu nữ Jrai căng tràn sức sống mang trong mình nhiều ước mơ, hoài bão. H’Len yêu con trẻ nên mơ ước sau này trở thành cô giáo. Hình ảnh cô giáo thướt tha trong tà áo dài đứng trên bục giảng, nắn nót viết từng chữ một, còn lũ học trò cặm cụi viết rồi đọc theo như càng thôi thúc H’Len nghĩ đến nghề “gõ đầu trẻ”.

 
 

Sở hữu giọng hát trong trẻo, vang xa, đôi lần H’Len lại thủ thỉ với nhóm bạn thân yêu thích nghề ca hát, được đứng trên sân khấu rực rỡ ánh đèn mang lời ca tiếng hát dành tặng bà con khắp các làng, dù rằng thời ấy nghề này nghe hãy còn khá ảo tưởng, xa vời nơi Tây Nguyên nắng gió. Ở trường H’Len chăm chỉ học hành mà không cần bố, mẹ đốc thúc hay lo lắng, khi về nhà H’Len làm tròn vai của cô con gái siêng năng, khéo việc nhà, chuyện cơm nước, sàng, sẩy gạo, mè, tỉa ngô, trồng lúa hay dệt vải H’Len đều biết tuốt và làm thành thục. Những tưởng cuộc đời ấy chỉ còn chờ “thu hái” hoa thơm, trái ngọt ở phía trước. Nào ngờ sau cuộc nói chuyện của những người lớn trong nhà lại đẩy đưa cuộc đời H’Len sang ngã rẽ khác.

Tác giả trẻ Ksor H’Yuên người Jrai ở Gia Lai

Bà nội H’Len giọng điệu vẻ nghiêm trọng:

– Chuyện là thế này, H’Len nó lớn rồi, ta nghĩ đã đến lúc bàn đến chuyện chồng con cho nó thôi.

Bố, mẹ H’Len ngồi im lặng như thể đón nhận lệnh bề trên.

Bà nội tiếp tục nói:

– Ta tính rồi, cách đây 5 năm ta có hứa gả nó cho con trai nhà ông Siu Djuang ở làng bên rồi. Gia đình bên ấy cũng khá giả, ruộng rẫy bát ngát, trâu, bò đàn đống, riêng thằng Sar cũng học hành tử tế, tương lai tươi sáng. Nó thân con gái học thế đủ rồi, còn phải lo việc nương rẫy nữa. Gả chồng cho nó càng sớm càng tốt để ta sớm có con bồng, cháu bế.

Mẹ H’Len chỉ biết ngồi nghe mà không dám lên tiếng phản đối.

Nhưng bố H’Len – thầy giáo trường làng tỏ lòng thay vợ:

– Mẹ à! Con bé đang tuổi ăn, tuổi học, hãy còn nhỏ để nghĩ đến việc lấy chồng.

Bà nội nghe xong, hậm hực lớn tiếng quát:

– Tao già rồi! Cũng hứa gả cháu cho nhà người ta rồi. Hứa suông tao mang tội thất hứa, mang danh dối lừa với nhà bên đó rồi ai chịu trách nhiệm.

Bố H’Len đành ngậm ngùi hạ giọng:

– Dạ mẹ! Vậy vợ chồng con sẽ nghe theo lời mẹ. Nhưng để H’Len học hết phổ thông đã rồi tính chuyện chồng con được không ạ? H’Len ham học, con bé lại học khá tốt nữa mẹ à!

Bà nội tức tốc đứng dậy quát to rồi bước ra ngoài hiên nhà:

– Không được. Tụi bây bảo con bé nghỉ học rồi cưới sớm cho ta. Bên kia người ta hối rồi.

Bà nội không hề hay biết H’Len mới địu nước về đã vô tình nghe hết câu chuyện.

Quá sốc với những lời mình vừa mới nghe thấy, H’Len liền ngồi bệt xuống sàn nhà rồi bần thần hồi lâu, đôi vai bé nhỏ đang còn địu mấy quả bầu đen nhánh, đựng đầy nước không còn cảm giác nặng trĩu. Hai hàng nước mắt cứ thế tuôn trào như thể dòng suối Chrôh Pơnan chảy ào ào những mùa mưa đến.

Phải chăng đất trời thấu hiểu, đồng cảm với người con gái ấy mà cả đêm hôm đó trời không ngừng đổ mưa? Nơi buồng ngủ, vách ngăn gỗ đã sờn màu trông càng thêm lạnh lẽo, H’Len ngồi co ro một góc lấy tay che mặt khóc và khóc. Khóc đến nỗi quên ăn, quên uống, quên luôn cả việc chuẩn bị đến lớp học như thường ngày H’Len vẫn hay làm.

Bình minh ló rạng nơi đằng đông, cơn mưa đêm qua kéo dài đủ xóa tan mọi bụi bẩn nơi trần tục, bởi thế cỏ cây, hoa lá sáng nay bỗng nhiên tươi mới, mát xanh, không khí trong lành đến khoan khoái dễ chịu. Nhưng lòng người con gái ấy thì nặng trĩu!

Khóc cả đêm đến sức cùng, lực kiệt, trong lòng ngổn ngang nỗi muộn phiền, H’Len ráng lê những bước chân chậm rãi, nặng nhọc đến gian bếp nơi mà bố mẹ H’Len đang ngồi sưởi ấm bên bếp lửa hồng, mẹ H’Len luôn tay đảo nồi cơm đang chín tới, bố H’Len thì cặm cụi xiên từng miếng thịt vào que tre chờ nướng, các em của H’Len còn vùi mình trong đống chăn đã chi chít những miếng vải độn vá đủ loại. Ngồi cạnh bố trên ghế thấp, H’Len vừa níu bàn tay bố, vừa che đôi mắt xưng vù tha thiết cầu xin.

– Bố ơi! Lần này bố giúp con với! Con muốn đi học, con chưa thể lấy chồng đâu bố ah!

Bố H’Len ngừng tay xiên xớ thịt rồi nhẹ nhàng bảo:

– Bố hiểu mong muốn của con, bố hiểu chứ, nhưng giờ chúng ta sao dám trái ý bà nội con.

H’Len buông tay bố, liên tục lắc đầu.

– Con không chịu đâu, con thích đi học, con muốn được theo nghề giáo như bố.

Dứt câu H’Len vội chạy xuống cầu thang rồi bỏ đi khỏi nhà.

Mẹ H’Len hốt hoảng chạy theo, í ới gọi tên con gái H’Len…H’Len ơi. Con tính đi đâu! Xin con đừng đi! Xin con đừng chạy nữa. Nhưng tiếng gọi tha thiết không níu kéo được gì, cái bóng H’Len xa dần trong thoáng chốc đã lẫn quất dưới những tán ngô sau vườn rồi mất hút. Bố thì hiểu con gái hơn ai hết nên chỉ lặng lẽ dõi theo hướng đi, có lẽ H’Len đang cần giãi bày, tâm sự với nhóm bạn bè thân, con bé cần khoảng không gian yên tĩnh để suy ngẫm mọi việc,…

***

“Phép vua, thua lệ làng”, phép nhà cao hơn trời xanh, H’Len phải làm theo sự ràng buộc, hứa hẹn của những người lớn trong nhà, có lẽ với bất kỳ ai trong đời, điều tồi tệ nhất là không thể tự quyết định tương lai, hạnh phúc của chính mình, với người con gái thuở đó, sự ràng buộc, giới hạn về quyền mưu cầu hạnh phúc lại càng bị dồn đến chân tường. H’Len cũng chỉ là một thiếu nữ nhỏ bé, “thấp cổ bé họng” chưa đủ sức phản đối hay chống trả những khuôn phép, nếp nhà để rồi đành chấp nhận cuộc hôn nhân đã được sắp đặt sẵn.

Tháng giêng Tây Nguyên mùa màng xong xuôi, khi lúa, ngô đã được chất đầy kho cũng là lúc bà con trong làng chuẩn bị cho mùa trẩy hội kéo dài, mỗi nếp nhà đều sẵn có mười đến mười lăm ghè rượu xếp đều hai bên dãy nhà, dưới sàn đống củi khô được chồng đều lên nhau tăm tắp trông đẹp mắt. Nếu không tổ chức lễ hội mừng lúa mới hay lễ pơthi (lễ bỏ mả) thì cả họ hàng, dòng tộc, cả làng lại rục rịch chuẩn bị ăn mừng lễ cưới của các chàng trai, cô gái đến thì. Ngày cưới của H’Len và Y Sar đã được người lớn định thời gian sẵn kỹ càng, H’Len chỉ việc chờ hóa thành cô dâu xinh đẹp trong ngày lành, tháng đẹp ấy.

Bố mẹ, họ hàng bên đằng gái đã chuẩn bị tươm tất, đủ đầy cỗ cưới, sính lễ cần thiết, cả trăm bộ quần áo mới tinh tươm cho gia đình, họ hàng nhà chồng, một con bò cái, ba con heo to gần bằng thân cây gỗ lim ở trong rừng sâu, chục con gà cho bữa đãi tiệc đám cưới. Dù không thuộc gia đình khá giả nhưng bố mẹ H’Len tận tình, hết mình lo lắng chuẩn bị cho đám cưới con gái cả trong nhà. Cũng bởi ông, bà nghĩ nếu mình sống “vẹn tình, trọn nghĩa” thì con gái sẽ được nhà chồng yêu thương, quý trọng.

Theo thông lệ, lễ cưới sẽ được tiến hành ngắn gọn để họ hàng hai bên gia đình có thời gian thưởng thức tiệc cưới, giao lưu hát hò, thế nhưng bữa tiệc lại bị kéo dài bởi lý do cũng thật oái oăm khi nhà trai chưa hài lòng với sính lễ nhà gái chuẩn bị.

Không ai khác, bố chồng H’Len là người trực tiếp yêu cầu thêm của hồi môn cho nhà trai.

– Sau đám cưới, con trai chúng tôi trở thành con trai nhà thông gia, coi như chúng tôi mất con trai phải không ạ?

Ngưng giọng một lúc, bố chồng H’Len lại tiếp tục.

– Mất con trai quý, chuẩn bị học đại học sau này tương lai có công ăn, việc làm ổn định sẽ gánh trách nhiệm cung phụng, nuôi dưỡng bố mẹ vợ, vợ con,… hy vọng bên nhà gái hiểu cho gia đình chúng tôi, vì vậy mong nhà gái chuẩn bị thêm 2 chỉ vàng nữa để bù đắp chỗ mất mát này, như thế có hợp tình không ạ? Đại diện họ hàng nhà gái ngồi gần đấy đều nghe rõ từng lời ông thông gia nói, đôi mắt ái ngại, lo lắng hướng về phía bố mẹ H’Len.

Nói đến đấy thôi, bố mẹ H’Len đã rõ chuyện. Dù sao cũng liên quan đến chuyện tiền bạc, hai bố mẹ H’Len vội vào buồng riêng trao đổi nhanh cho kịp giờ hành lễ cưới. Thương con, ngại với gia đình thông gia là vậy, nhưng rồi cũng đi đến quyết định.

Bố H’Len nhẹ nhàng đáp lời nhà trai:

– Ông bà cũng biết đấy, gia cảnh chúng tôi cũng khó, con cái đang tuổi ăn học, hai chỉ vàng là tài sản lớn, giờ chúng tôi khó mà xoay kịp, xin khất nợ bên nhà trai sau thu hoạch vụ mùa tới sẽ gửi đủ. Hai cháu hôm nay cứ để chúng sớm thành vợ, thành chồng, họ hàng hai bên đã xum họp đầy đủ về đây mừng ngày cưới hai cháu, mong nhà trai hiểu và tiếp tục hành lễ cho kịp giờ đãi tiệc.

– Đành phải thế thôi, chúng tôi mong bên nhà gái thực hiện đúng lời hứa hẹn.

Bố chồng H’Len hạ giọng.

H’Len khoác trên mình váy áo truyền thống sặc sỡ sắc màu, gương mặt xinh đẹp nay lại tươi rói hơn bởi lớp son phấn nhưng khuôn mặt hoàn hảo ấy không thể che giấu nỗi u buồn, ngang trái mang theo. Ngồi cạnh H’Len là chú rể Y Sar hơn H’Len ba mùa rẫy cũng chỉ biết im lặng chấp nhận sự sắp đặt của người lớn, vẻ mặt không vui cũng chẳng buồn khiến những người xung quanh khó hiểu, xì xào. Cô dâu, chú rể trao đổi vòng cầu hôn cho nhau, cùng uống rượu mừng ngày kết đôi rồi nghe lời dặn dò, khuyên răn của già làng, người mai mối và bố mẹ hai bên là khép lại nghi lễ. Giờ đây H’Len đã thành vợ của người ta. Người mà H’Len chưa một lần trò chuyện hay gặp mặt chứ nói gì đến rung động, yêu thương.

***

Sau đám cưới chồng H’Len tiếp tục việc học đại học ở thành phố, H’Len đành phải dang dở việc học. Kể từ ngày H’Len mang danh vợ người ta, chuyện đi đứng, ăn ở, sinh hoạt hoàn toàn khác xa với thời con gái được quyền tự do bay nhảy đó đây, làm gì trước sau cũng phải để ý người trong làng, nhất là người làng bên chồng, kẻo bị xăm soi, thêu dệt chuyện. Ngoài trời đang mưa tầm tã, mây đen kéo từng đám về che hết cả khoảng xanh, con đường làng bụi cát bỗng chốc thành con suối, hàng tre thẳng tắp nay rủ rượi, tả tơi bởi mưa gió những lá vàng cứ thế trôi dạt khắp phương trời, chỉ có H’Len vẫn ngồi đó lặng yên thả hồn trôi vô định.

Trong không gian chật chội nơi buồng kín tối mù ấy, chút ánh sáng yếu ớt lọt qua khe cửa sổ tạo thành những đường sáng mờ ảo, huyễn hoặc, H’Len nhớ lại những khoảng trời yên bình, tự do, nhớ những phút giây ngập tràn tiếng cười với lũ bạn cùng trang lứa khi thả mình trong làn nước sông Ayun mát lành sau những lần buông cuốc xới cỏ ngô, tỉa lúa, tay chân nhịp nhàng, sóng sánh điệu múa xoang hòa nhịp theo tiếng cồng chiêng vào mùa trẩy hội, những chuyến đạp xe lên phố dạo chợ đổi rau vườn nhà lấy bánh cam, bát chè thơm, những lần lên rừng bẻ măng, lượm hạt Kơnia để dành ăn khi mùa mưa đến… Những kỷ niệm ấy quý giá đến nhường nào! Ngẫm về cuộc đời mình, H’Len hát vu vơ những câu hát nàng H’Biar thuở cổ tích xa xưa than thân, trách phận buồn tủi.

“Ơh! Kơ Yut kâo anai lă. Yua hơget tơlơi hơdip kâo hning rơngôt ka anai la?

Bu thâo jơlan nao, bu thâo jơlan hyu.

Kyâo bu thâo alum, pum dlai bu thâo hia hrom.

Ia bơ chiang rô, akôh bu thâo pơmin…ơh, hning rơngôt gơtđơi tơlơi hdip kâo anai lă.

Hlơi dui pơjrao, Hlơi dui pơkra tơlơi ruă.

Yang hrơi bu pơchrang, yang blan bu pơrơdă….

(Câu hát ấy có thể hiểu rằng:

“Ôi! bạn bè tôi ơi! Sao cuộc đời tôi lại buồn tủi quá đỗi thế này?

Không biết đường đi, cũng chẳng tỏ lối về.

Cây không biết an ủi, rừng không biết khóc cùng.

Nước không buồn chảy, đầu không biết nghĩ…ơi, buồn tủi quá cuộc đời tôi ơi!”.

Ai có thể chữa lành, ai có thể hàn gắn đau thương.

Mặt trời không chiếu sáng, mặt trăng chẳng tỏ bừng…)

Giọng hát buồn hiu chợt ngưng bởi tiếng gọi í ới của đám bạn thân dưới nhà sàn. Ơh H’Len, đang làm gì đó? Xuống đây với tụi này đi, có việc này hay lắm!

H’Len trong phút chốc rầu rĩ, khuôn mặt chợt bừng tỉnh, hai mắt tròn xoe vẻ ngạc nhiên. Oh la, tớ tưởng các cậu quên tớ luôn rồi. H’Len vừa nói vừa nhanh chân thoăn thoắt bước xuống từng bậc cầu thang.

Cái ôm, cái nắm tay thật chặt, cái xoa đầu từ những cô bạn thân khiến H’Len như trút đi bao nỗi buồn nặng trĩu bấy lâu nay. Nước mắt chực trào rồi hòa dòng, tình cảm yêu thương nơi bạn bè như sưởi ấm con tim vụn vỡ.

H’Blan cô bạn thân gần nhà H’Len nhất thủ thỉ.

– Cậu có chồng thì rõ như ban ngày rồi, nhưng đâu phải vì thế mà quên hết bạn bè.

H’Mlang lại gần đồng cảm

– Đúng thế, từ nay có việc gì buồn, vui hãy cứ nói với tụi này cùng nhau chia sẻ, giải quyết, đừng chỉ khư khư ôm giữ một mình nhớ chưa?

H’Cram khuyên bảo thêm:

– Chúng ta còn trẻ hãy cứ sống lạc quan, tích cực và tin tưởng ở tương lai tươi sáng phía trước, cả ba đứa bạn thân đồng thanh hô hào để khích lệ tinh thần H’Len thêm phấn chấn. Nước mắt H’Len lại trào dâng không phải vì những buồn tủi phận mình mà hạnh phúc bởi tình cảm chân tình nơi bạn bè còn hiện hữu, tồn tại.

Dù bà không được đi học, nhưng tụi này sẽ giúp bà học tại nhà, yên tâm nha. H’Mlang vừa nói, vừa vỗ nhẹ vào vai H’Len.

Cứ thế ngày này qua tháng nọ nhóm bạn thân thay phiên nhau đến nhà H’Len dạy học, bạn bè học được gì ở trường là H’Len học theo nấy, chỉ có điều H’Len không được thi cử để rồi xét lên lớp như đám bạn. Cho dù cảm thấy hụt hẫng nhưng thực tế gái có chồng như H’Len chỉ còn mỗi cách đó. Sáng lên rẫy, chiều phụ giúp bố mẹ, cuộc đời H’Len cứ lặp lại những việc vô định ngoại trừ mỗi tối về “lăn lội” với những con chữ. Những ngày bình yên tưởng chừng kéo dài mãi thế nhưng tin sốc về người chồng bội bạc khiến cuộc sống của H’Len thêm một lần chao đảo.

Trong thời gian đi học gia đình H’Len hay tin Y Sar người chồng chưa một lần tỏ bày lời yêu thương H’Len đã yêu người con gái khác, cùng là sinh viên đại học. Nghe tin sốc về chồng, dù rằng hai người đến với nhau không phải tình yêu hai phía nhưng bởi danh phận vợ chính thức H’Len cũng cảm thấy tủi phận và muôn phiền. Còn trẻ người non dạ, tình yêu đầu đời chưa chớm nở, kinh nghiệm đối nhân xử thế trong đời chỉ bằng hạt cát giữa sa mạc, như giọt nước nhỏ giữa đại dương mênh mông, kỳ này H’Len phải nhờ đến bố cùng lên thành phố gặp chồng nói chuyện phải trái, tìm hướng giải quyết sự việc cho rõ ràng, ít nhất từ đây H’Len có thể cởi nới, giải phóng cho chính mình bởi những ràng buộc không đáng có.

Không như những gì H’Len tưởng tượng về cuộc gặp gỡ quan trọng, Y Sar chối bỏ tin đồn về người tình, không có chuyện sai trái nào xảy ra ở đây, tất cả chỉ là người ngoài thích đơm chuyện Y Sar bội bạc vợ mà thôi. Và rồi lời đề nghị kết thúc hôn nhân không có tình yêu giữa H’Len và Y Sar từ đây bị khước từ.

Y Sar còn dám thề thốt với bố vợ và H’Len rằng:

– Con biết bố mẹ, em H’Len sẽ lo lắng, ít tin tưởng khi con sống xa nhà, nhưng con thề sẽ không bao giờ bội bạc vợ, dối trá người nhà để làm chuyện xấu xa, vô đạo đức đâu ah. Xin bố và em hãy tin tưởng ở con.

Bố H’Len lặng lẽ đưa mắt nhìn về phía H’Len rồi bảo:

– Chồng con đã nói vậy, con tính sao đây? Tiếp tục hay dừng lại là việc con tự quyết định. Trong lòng H’Len lúc này rối như tơ vò, suy nghĩ hồi lâu cũng đưa đến một quyết định dù không dễ dàng. Trao cơ hội cho Y Sar một phần để anh ta thay đổi, nhận ra lỗi lầm, nhưng lớn hơn có lẽ H’Len ý thức được việc gìn giữ danh phận cho chồng với tâm thế của người vợ sẵn lòng làm hậu phương vững chắc trong cuộc đời. Trái tim chưa một lần trao gửi cho ai đã một lần rỉ máu, một niềm đau chôn giấu, trời cao liệu có thấu cho nỗi lòng H’Len?

***

Hơn bốn mùa rẫy đi qua, chồng H’Len cũng tốt nghiệp Đại học và được bố trí dạy học tại một trường cấp ba ở huyện. Ở cái tuổi đôi mươi đẹp nhất của đời người H’Len đã làm mẹ. Người mẹ trẻ như bao con gái thời ấy phải có chồng, con sớm. Mọi chuyện cứ trôi qua bình thường đến lạ. Vừa chăm con, vừa lo cho chồng, chuyện bếp núc, việc ruộng rẫy đã chiếm trọn thời gian cho chính mình, xuân thì chớm nở rồi vụt tắt, H’Len trông già hơn cái tuổi đôi mươi đẹp đẽ, xuân ngời. Khuôn mặt trông già nua, đen sạm bởi nắng gió còn hiện rõ nhiều nếp nhăn.

Trong những tháng ngày tưởng chừng trôi qua vô nghĩa tin vui bất ngờ đến với H’Len, một tia hy vọng chợt hé mở cho ước mơ nghề giáo.Trường Cao đẳng sư phạm trên tỉnh chiêu sinh lớp bổ túc văn hóa và trung cấp sư phạm tiểu học. Đây chính là cơ hội giúp H’Len thay đổi cuộc đời quá đỗi tẻ nhạt ở thì hiện tại. Nhưng rồi khi đem kể với người chồng về mong muốn được tiếp tục đi học lại bị gạt phăng một cách phủ phàng: “Em nghĩ em là ai, là Yàng (thần thánh) hay sao? Đi học ở cái tuổi này, có chồng, có con nghe mà được à? Y Sar tỏ vẻ tức giận phản đối.

H’Len ngập ngừng rồi nói:

– Thì em vẫn thấy mình…mình còn cơ hội để học mà. Tuổi em còn trẻ…. em có thể tìm lại giấc mơ của đời mình.

– Thôi, bỏ đi, cô mà học được gì, ngoài việc vạch áo cho con bú rồi lên rẫy tỉa ngô, trồng bắp. Y Sar lần nữa phản đối kịch liệt với những lời cay đắng đến vô lý hòng dập tắt ý định tiếp tục việc học của H’Len.

Và rồi sau đó Y Sar bỏ về nhà bố mẹ ruột tỏ rõ sự phản đối đến cùng. Ngồi buồn thủi trong đêm khuya tĩnh lặng, con trai Dăm Yuan đã tròn giấc ngủ say nồng. H’Len nhiều lần tự chất vấn chuyện đi học trở lại lúc này liệu có phải chuyện điên rồ hay ảo tưởng?

Nhưng dù điên rồ hay ảo tưởng thì H’Len vẫn là người quyết định sau cùng, chìa khóa đã cầm trên tay, việc mà H’Len cần làm là can đảm mở cửa, bước ra ngoài kia tự tìm lại ước mơ, sự tự do và cả hạnh phúc mới. Sau thời gian suy nghĩ thấu đáo, H’Len tự tin đưa ra quyết định bước tiếp con đường phía trước. Không được chồng ủng hộ thì bố mẹ, anh chị em và những bạn bè thân sẽ vẫn “kề vai, sát cánh” giúp H’Len chạm tới ước mơ của mình. Đón nhận sức mạnh tinh thần từ những người thân yêu, H’Len trở nên mạnh mẽ và kiên định lựa chọn đi học tiếp.

***

Sau hơn ba năm ròng rã vất vả đèn sách, H’Len người mẹ đơn thân mạnh mẽ vượt qua mọi rào cản đã tự hiện thực hóa thành công ước mơ của đời mình, giờ đây H’Len trở thành giáo viên tiểu học dạy học nơi trường làng đã là sự thật hiện hữu. Hạnh phúc của H’Len là hằng ngày được lên lớp với lũ trẻ làng nghèo khó đi học với cái bụng chưa đủ no, cái thân chưa đủ ấm, H’Len dạy chúng con chữ, những điều hay lẽ phải, cùng hát múa, vui chơi, đặc biệt không quên dạy chúng biết nuôi dưỡng và kiên trì vươn tới những ước mơ cao đẹp, biết làm chủ cuộc đời mình,… và khi trở về ngôi nhà sàn nho nhỏ, con trai yêu Dăm Yuan là niềm vui, động lực tinh thần to lớn giúp H’Len tự tin sống vui, lạc quan mỗi ngày.

Cuộc sống bận rộn, chăm sóc con, chuẩn bị giáo án lên lớp,…cứ thế chiếm trọn thời gian trong ngày, những tưởng buồn bã, cô đơn hay suy tư về quá khứ sẽ không còn hiện hữu nơi tâm trí, nhưng phận đàn bà dù mạnh mẽ đến đâu trong khoảnh khắc tĩnh lặng luôn chất chứa nỗi niềm về những chuyện xưa cũ. Quyết định khép lại cuộc hôn nhân không trọn vẹn ngay từ đầu và bước tiếp, tự hỏi rằng bao nhiêu cô gái Jrai thời đó làm được, H’Len tự tin vẽ nên bức tranh cuộc đời mới của chính mình bằng những gam màu đầy tươi sáng, màu của đam mê tự do cháy bỏng, màu của ước mơ và hy vọng về tương lai, hạnh phúc trọn vẹn nơi cuối con đường.

 
 
Nguồn: https://vanvn.vn/ 
Các tin mới hơn
Mắt phù sa(23/09/2022)
Trương và Nguyễn(21/09/2022)
Nàng Sita cù lao(25/08/2022)
Tiếng trăng(11/08/2022)
Tiếng rắn hoang(10/08/2022)
Các tin cũ hơn
Truyện ngắn "Bến mê" của Nguyễn Thị Lê Na (24/12/2021)
Phép màu(20/12/2021)
Thói đố kỵ như liều thuốc độc tự chuốc vào mình(02/12/2021)
Bài tham luận của PGS.TS. Nhạc sĩ, Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc(24/11/2021)
Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần đầu tiên trong ký ức của nhà văn Vũ Ngọc Phan(24/11/2021)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na