Văn học
Nhớ lại cuốn tiểu thuyết viết lúc 30 tuổi
27/05/2022 12:00:00

(Kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, 1957-2022)

Đó là cuốn Đường giáp mặt trận”, NXB Lao động in năm 1976, tái bản 1985, nhưng thực ra tôi hoàn thành bản thảo từ năm 1970, khi vừa qua tuổi 30. (Nhan đề ban đầu ca cun tiu thuyết là “Đường đỏ đá xanh”, khi in NXB đề nghị đổi tên, có lẽ muốn cho rõ “tính chiến đấu”!) Nhiều người bảo các bạn viết trẻ bây giờ sướng thật, nên tôi kể việc mình viết “Đường giáp mặt trận”, 40 năm trước để biết thời nào cũng có những cái “sướng” của thời đó; và may chi gợi ra được đôi điều có ích… 
 

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê

Hồi đó, tôi đang là cán bộ của Ty Giao thông vận tải Quảng Bình, vậy mà được ngành giao thông trả lương đi dự Trại Sáng tác do Tổng Công đoàn và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức 6 tháng liền tại Yên Sở (Hà Tây). Đây là cái “sướng” thứ nhất mà hình như sau này không có bạn viết trẻ nào được hưởng. Ở Trại, hàng ngày được gần gũi các nhà văn tên tuổi như Nguyên Hồng, Kim Lân… Điều thú vị là mối quan hệ “thầy trò” rất thân thiết và dân chủ, chúng tôi không hề bị ngợp trước bóng các “cây đa cây đề”. Các ông đọc bản thảo và chỉ nói cảm nghĩ của mình, không hề có ý áp đặt. Tôi nhớ, nhà văn Kim Lân chúm chím môi cười và chỉ nói: “Cậu viết trúng vấn đề rồi đó, nhưng viết thế dễ bị đánh lắm!” Còn nhà văn Nguyên Hồng thì bảo: “Mình nghĩ Phê nên khoanh câu chuyện quanh cái đáy móng thôi…” Lúc đó, tôi vừa viết xong Phần I gồm 6 chương với tên khá ấn tượng: “Đáy móng mặt người”. Tôi nghe, ngẫm nghĩ và quyết tâm theo đuổi ý định của mình là viết hẳn một tiểu thuyết bộ đôi ước khoảng 1000 trang.

Tôi đoán rằng các ông có phần chưa tin tôi, tuy nhắc nhở một chút nhưng lại “ngầm” động viên tôi. Các chương Phần I hình như đã tạo được ấn tượng tốt. Nhà văn Kim Lân lo tôi bị “đánh” vì Phần I có đoạn văn miêu tả bác Thát, bí thư đảng ủy công trường, khi ra xem việc đào hố móng trụ cầu thấy tất cả công nhân co ro lên bờ do trời quá rét, bác đã nhảy xuống, hô hào đảng viên, đoàn viên nhảy xuống theo; nhưng thấy các thanh chống cọc ván bao quanh hố móng vướng víu quá, dù có người nhắc là kỹ thuật đã tính toán cẩn thận, bác vừa vung búa đập cho một số thanh chống tụt ra, vừa mỉa mai kiểu tính toán máy móc “rô phẩy với phẩy rô”! Một mảng cọc ván đổ ụp xuống, tất cả đảng viên, đoàn viên mà bác vừa hô hào xuống, vụt nhảy lên hết, hố móng chỉ mình bác đứng trơ lại! Tôi nghĩ rằng đây là một chi tiết rất tiểu biểu miêu tả sinh động lớp người “duy ý chí” mà “người trong cuộc” mới có được …

Cuốn tiểu thuyết ra đời, đã không bị “đánh” mà còn được cả báo “Nhân dân” dành nửa trang động viên “cây bút trẻ”, mặc dù sau đó bác Thát còn phạm sai lầm nặng hơn, gây nên tai nạn lao động. Đạo diễn Nông Ích Đạt đã chuyển thành kịch bản phim truyện, cho tôi xem mặt cô diên viên rất đẹp sẽ đóng vai cô Loan điệu đàng, nhưng không hiểu sao kế hoạch bỏ dở. Rồi sách được tái bản, cả hai lần in đến 16.000 bản. Thế cũng là “sướng” phải không các bạn?

Đến năm 1980, khi tập 2 bộ tiểu thuyết ra đời với tên “Chỗ đứng người kỹ sư” được giải thưởng của Tổng Công đoàn và Hội Nhà văn Việt Nam, tôi mới có dịp nhắc lại chuyện cũ trong bài viết “Để có những trang viết của người trong cuộc”: “… Là người trong cuộc thì con mắt dễ nhìn được trúng và tấm lòng tất phải là thiện ý. Có ai dại khờ lại tự nói xấu mình, làm hại mình?…”

Bìa tiểu thuyết Đường giáp mặt trận in lần đầu

Gần đây, đọc lại cuốn sách viết từ 40 năm trước, nhiều trang vẫn làm chính tác giả rung động đến rơi nước mắt. Chính vì thế, sắp tới, tôi quyết định tái bản bộ tiểu thuyết gần ngàn trang này. Tôi không hiểu vì sao có một số người – trong đó có không ít nhà văn – lại có xu hướng “phủ nhận sạch trơn” những tác phẩm viết “thời trước”, cho rằng chúng chỉ “tô hồng” và “tuyên truyền” theo lệnh của cấp trên. Có lẽ tôi có may mắn hơn chăng, vì tuy viết trong thời kỳ chủ nghĩa “hiện thực xã hội chủ nghĩa” đang là khuynh hướng chủ đạo, nhưng lớp người viết trưởng thành từ thực tế cuộc sống mà ít “sách vở” như tôi, hầu như không quan tâm đến “chủ nghĩa” này khác; các “thầy” Kim Lân, Nguyên Hồng cũng chẳng bao giờ “lên lớp” phải theo “chủ nghĩa” hay “khuynh hướng” nào; mà “chủ đạo” trên những trang viết của tôi chính là cuộc sống mà tôi đã nếm trải, đã thành “người trong cuộc”.

Hình như không ít người viết trẻ hôm nay, có lẽ do quá nhiều sách vở trưng bày đủ thứ “chủ nghĩa” hiện đại trên thế giới, nên quá chú trọng cách viết sao cho tân kỳ, cho có màu sắc “hậu hiện đại” vân vân… mà chất “bột” trong trang sách nhiều khi xa lạ với cuộc sống thực nhân dân, của đất nước. Có phải đó là một lý do khiến văn học không còn được công chúng quan tâm? Và đó cũng có thể là lý do khiến không ít cây bút trẻ không đi được xa. Tôi có may mắn được dự Hội nghị những người viết trẻ lần trước tại Hội An; nếu tôi không nhầm thì hầu hết những cây bút “cách tân” táo bạo hồi đó đến nay vẫn chưa có tác phẩm nào đáng kể trình làng.

Tôi là một người già, dễ bảo thủ. Và có thể dăm năm chỉ là quãng đường ngắn so với một đời văn, xin cứ kiên nhẫn đợi…

 Nguồn: https://vanvn.vn/ 
 
 
 
Các tin mới hơn
Tương lai nào cho trinh thám Việt Nam?(23/09/2022)
Delia Owens đã viết ‘Xa ngoài kia nơi loài tôm hát’ trong 10 năm(31/08/2022)
Cơn gió lạ từ tiểu thuyết gia 12 tuổi Cao Việt Quỳnh(31/08/2022)
Những bí ẩn vẫn chưa có lời giải của văn học Anh(31/08/2022)
Ngày càng vắng những tác phẩm viết về công nhân mỏ(31/08/2022)
Các tin cũ hơn
Tìm chỗ đứng cho văn học Việt Nam trên đất Mỹ(26/05/2022)
Nhìn lại những sáng tác về chiến tranh biên giới Tây Nam(23/05/2022)
Các văn bản Nôm quan trọng nhất của Nguyễn Đình Chiểu còn giữ được đầy đủ(18/05/2022)
“Nâng cánh ước mơ xanh” – Đồng hành cùng cây bút trẻ(16/05/2022)
Ra mắt ấn phẩm "Chuyện đời tôi" của nhà văn Andersen(16/05/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na