Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Truyện ngắn "Chị Lành" của tác giả Vũ Ngọc Thư
19/04/2024 12:00:00

Nhà tôi, nhà chị sát nhau. Chị hơn tôi một tuổi, tôi mười hai, chị mười ba. Tôi còn mải chơi khăng, chơi đáo, chị đã ra dáng thiếu nữ. Tôi cao lớn giống cha, mới mười hai tuổi nhưng tôi cao hơn chị đến nửa cái đầu. Chị mê đọc truyện, tôi thấy lúc nào chị cũng có quyển truyện trên tay. Tôi còn mê đá bóng, mê đuổi nhau ngoài đồng, chạy theo cánh diều chao lượn bên bờ sông Thái Bình. Tháng Ba, gà đẻ bãi, cồn cát chạy dài đến hơn cây số, vắt ngang quá nửa lòng sông. Ấy là lúc chúng tôi cưỡi trâu bơi sang bờ phía Nam Sách, lên bãi ngô làng Thượng, vội vàng bẻ mỗi đứa mấy bắp, rồi vội vã bơi về. Đến giữa dòng mới nghe tiếng chửi với theo. "Mẹ cha chúng mày chớ! Ngô bà trồng, bà chưa được ăn mà chúng mày đã bẻ. Gió vù vù thổi, tiếng nước chảy xiết qua cổ trâu àn ạt, àn ạt chúng tôi chả còn nghe thấy gì nữa.

 

 
 
 Minh hoạ: Bùi Quang Đức
 
 
 
Chiều ấy về nhà, tôi nhìn sang bên nhà chị. Chị đang quét sân, tay vẫn cầm quyển truyện. "Chị Lành" - tôi gọi. "Thái à, gì đấy?". Chị chỉ xưng tên và gọi tên tôi chứ chưa bao giờ xưng chị, em với tôi cả. "Tối em mang ngô sang cho nhé". "Ừ". Chị ngước lên nhìn tôi cười. Nụ cười ấy tôi còn gặp nhiều lần như thế.

Tối nào thằng Nguyên em chị cũng sang rủ tôi chơi trốn tìm. Thằng Nguyên kém tôi ba tuổi. Khù khờ như nó thì chỉ có nhắm mắt đi tìm, vài lần tôi mới cho nó được một lần đi ẩn. Vậy mà nó vẫn thích chơi. Chị sang hòa vào cuộc chơi. Chị nhắm mắt thay thằng Nguyên, nó mừng nhảy quýnh lên. Lần đầu, chị cho nó thoát về được chỗ, nhưng lần hai chị đã bắt được nó. Thằng Nguyên nhắm mắt, tôi và chị đi ẩn. Chị kéo tôi chạy ra đống rơm góc vườn. Trời tối như mực, tôi mon men, dò dẫm đã thấy hai tay chị quàng ra, kéo tôi vào, ôm chặt. Tôi nép mình trong ngực chị, nghe rõ tiếng thình thịch ở trong khuôn ngực nóng ran.

Tiếng thằng Nguyên gọi, rồi nó oà khóc. "Em cóc chơi nữa đâu, ẩn đâu mà tìm mãi không thấy hu... hu...". Nó ù té chạy ra cổng. Tôi gỡ tay chị, đuổi theo gọi: "Nguyên... Nguyên".

Năm tôi mười sáu, thân hình ngổng nghểnh. "Ơ cái thằng này làm ăn sao thế, cứ ngây ra, nghĩ ở đẩu đâu ấy". - Mẹ tôi đã mấy lần gắt lên. Lâu rồi, tôi cũng đã đọc truyện, từ hôm ẩn ở đống rơm, lúc mà tôi đang được chị ôm chặt. Chị ghé vào má tôi thủ thỉ. "Thái này, hãy đọc truyện đi, truyện có nhiều điều bổ ích lắm đấy". Cũng từ hôm ấy, mượn được cuốn truyện nào, đọc xong, chị lại mang sang cho tôi mượn. Tôi lây chị, ham đọc truyện từ đấy.

Tối ấy, tôi mang trả chị cuốn tiểu thuyết "Mùa hoa dẻ". Tôi và chị ngồi ngoài hiên. Trời đã vào thu, trăng mười tư chưa tròn đầy, nhưng đã vành vạnh sáng, xuyên qua bóng những cây cau. Hương cau ngan ngát đầy khoảng sân. Đêm quê yên tĩnh, tôi nhìn sang chị. Đã lâu, tôi chỉ tập trung vào học, có chút thời gian nào rảnh lại mải mê chơi bời với lũ bạn. Giờ trước mặt tôi, chị là cô thôn nữ tròn đầy. Đôi má ửng như cánh hồng, chiếc áo cánh đội cao, nơi mà tôi đã áp má mình vào đấy năm nào. Đôi mắt lung linh như đang có dòng nước gợn lên con sóng. Một cô gái quê dưới lũy tre làng, e ấp, nền nã, dịu hiền.

Tôi còn mải mê chiêm ngưỡng "bức họa" thì bất ngờ chị hỏi. "Học xong Thái sẽ làm gì?". "Em sẽ đi bộ đội. Chiến tranh chắc còn dài lắm, đi bộ đội về rồi lúc ấy làm gì sẽ tính chị ạ". Cuốn sách tôi trả trên tay chị cuộn tròn mãi, xoắn mãi, giờ nó chỉ như chiếc ống tre, mà chị vẫn cứ xoắn. Những ngón tay đan vào, siết chặt. Quyển sách như muốn vụn rơi. Đôi mắt chị nhìn sâu vào ánh trăng đêm, ánh trăng đang đọng những giọt sáng trên đôi má ửng hồng. Nhìn chị trong khoảnh khắc ấy, tôi bật tiếng. "Chị Lành. Sao chị không lấy chồng đi, chị đẹp lắm mà". Chị giật mình, buông rơi cuốn sách. Cúi xuống nhặt như để giấu cái thảng thốt trong chị, rồi chị ngẩng lên, nhìn tôi nói một câu dứt khoát. "Mình còn đợi một người, Thái ạ. Anh ấy đang ở chiến trường, à không người ấy bây giờ mới sắp đi". Nói chưa dứt câu, chị đã đứng dậy, bước như chạy vào nhà, để mình tôi ngồi ngơ ngác với ánh trăng đêm. Ánh trăng giờ đã vắt ngang qua bậu cửa.

***

Đang còn học dở lớp mười, chúng tôi nhập ngũ. Chả ai ngồi học được khi mà cả nước hành quân. Buổi họp chia tay của chi đoàn kết thúc. Tôi cầm cuốn sổ chi đoàn tặng, thả bộ trên con đường làng. Con đường mà mẹ dắt tôi ngày mới chập chững bước đi. Con đường mà tôi đã lê đôi dép đến mòn cả phần gót, chỉ còn phần nửa trên. Con đường xếp những hòn đá hàng đôi, chạy dài khắp làng. Con đường. Ôi sao thân thương với tôi thế này. Ngày mai, tôi chia xa con đường này và không biết có còn được quay về với nó nữa không? Tôi dang hai tay như muốn ôm lấy con đường, hít một hơi thật dài cái không khí trong lành của quê hương để ngày mai ra trận.

Cổng nhà tôi có người đứng. Chị Lành đứng đợi tôi từ lúc nào không biết. Tôi bước đến cổng, đã nghe tiếng chị. "Mai Thái nhập ngũ à? Sao không cho Lành biết?". "Em định sáng sớm mai sang chào bác và chị". "Thái đi đi, hết tiếng súng thì về, ở nhà đã có Lành lo". Chị vừa nói, vừa bước lại chỗ tôi đứng. Tôi và chị rất gần. Mùi da thịt con gái nõn nà, trộn với mùi hương hoa bưởi bay sang tôi. Tôi đứng lặng nhìn chị qua ánh trăng đêm. Chị dúi vào tay tôi chiếc mùi soa gói đầy hoa bưởi, rồi bất ngờ hai tay chị đặt lên hai bên má tôi. Chị nghển chân, hơi ngửa mặt lên. Hai tay kéo nhẹ má tôi xuống, đặt môi lên môi tôi. Hai bàn tay níu cho hai cặp môi dính chặt. Chị buông tay, chạy vụt về, để lại tiếng nói vang vang trong đêm. "Lành sẽ đợi Thái về, nghe chưa".

Nửa năm huấn luyện ở huyện miền núi Chí Linh. Rồi chúng tôi vượt Trường Sơn. Hành quân năm tháng thì tới miền Đông Nam Bộ. Những trận sốt rét rừng, da vàng như bôi nghệ, những đêm bom B52 rải thảm, những trận đánh công đồn vào sào huyệt địch, những trận đánh phục kích, đón lõng... Biết bao nhiêu cái khắc nghiệt giữa đạn bom chiến trường như thế. Không biết có phải tôi cao số hay không, mà bao năm chả sây sát gì. Rồi tôi thành cựu binh có tuổi quân lâu nhất đại đội. Cứ thế tôi đi cùng đơn vị cho đến ngày không còn tiếng súng.

***

Cánh đồng làng lúa vụ mùa đã cấy xong, lá lúa đang dập dềnh cánh sóng. Cánh đồng có thửa ruộng nhà tôi, những ngày không phải đi học, tôi vẫn ra giúp mẹ. Hai mẹ con tôi cặm cụi từ sáng tới gần trưa thì mẹ bảo về nấu cơm và dặn: "Hái rau đay, vặt quả mướp mà gọt. Nửa tiếng sau mẹ về". Những con cua từ cạp quần mẹ rơi vào chiếc thau nhôm kêu boong boong, bò lổm ngổm. Cánh đồng nơi mà mưa rào như trút nước, chúng tôi ào vào mưa, đuổi châu chấu. Có bao nhiêu kỷ niệm của tôi trên cánh đồng ấy.

Tôi nhìn ra ruộng nhà, chiếc áo nâu nhạt nhấp nhô. "Mẹ... mẹ ơi, con về rồi". Tôi gọi thật to cho mẹ nghe thấy. Người ấy ngẩng lên. Không phải mẹ tôi. Chị Lành. Tôi đã nhận ra chị và chị cũng nhận ra tôi. Chị nhìn tôi trong giây lát, rồi chị ngã đổ sụp xuống. Lồm cồm đứng dậy, rồi lại ngã, hai bàn tay chống xuống bùn, chị vùng chạy, chân giẫm đạp lên những cây lúa. Mặc lúa bị nhấn xuống, dập nát, chị vẫn chạy. Khi tới bờ, chị vơ vội cái cuốc và chạy nhanh hơn. "Chị Lành... chị Lành", tôi gọi với theo bước chân chạy của chị. "Em đây, Thái đây". Tiếng tôi gọi như đuổi chị chạy nhanh hơn, bàn chân xiêu vẹo vấp ngã, đứng lên cố chạy nhanh hơn nữa.

Mẹ đón tôi ở đầu làng, giọng mẹ hổn hển. "Con Lành nó vừa chạy, vừa gọi với vào, bảo con về, mẹ lại cứ nghĩ nó trêu. Bao lần nó đã trêu mẹ như thế đấy".

Mẹ không ngủ, nghe tiếng cọt kẹt của chiếc vạt giường là tôi biết. Tôi cũng không sao ngủ được. Bảy năm, đêm nay tôi mới lại nằm ở nhà mình. Cái lỗ thủng ở mái rạ chái nhà lọt ánh trăng vào làm tôi nhớ ánh trăng xuyên qua những tán lá rừng. Người tôi căng cứng trên chiếc giường mà tôi đã nằm mười bảy năm. Nằm quay vào, rồi quay ra, mãi mà giấc ngủ không đến.

"Con không ngủ được à?". Mẹ hỏi với sang. Tôi chưa kịp trả lời, mẹ hỏi tiếp. Không biết con Lành nó đi đâu nhỉ? Lúc mẹ mang con búp bê sang cho thằng bé thì thấy thằng Nguyên bảo: "Chị ấy chạy như ma đuổi, chân tay, quần áo đầy bùn đất, vơ vội quần áo của mẹ, của con, bế thằng bé lên, thế là chạy. Cháu hỏi chị đi đâu, chị ấy không trả lời, cứ chạy". Chị Lành lấy chồng rồi, hả mẹ". "Nào đâu nó đã lấy. Khổ thân con bé. Mà này, thằng con nó giống con như đổ khuôn ấy. Nếu mà con ở nhà thì chắc ai cũng bảo đấy là con của con".

Mẹ lại thở dài, đêm như kéo dài ra, không gian loãng vào đêm. Tôi nhìn ra ngoài trời. Màu đêm nhờ nhờ, ánh sáng của những ngôi sao trộn lẫn sương đọng trên mặt lá. Mẹ cũng định nói với con: "Nếu con bỏ qua cho nó thì...". Mẹ nói, rồi bỏ lửng. Tôi lại nghe thấy tiếng cót két của vạt giường kêu. "Bao năm nó gánh vác hết mọi công việc nhà mình". Giọng mẹ dần đặc lại, tiếng hỉ mũi. Mẹ khóc không thành tiếng, làm cho giọng mẹ như có sự nghẹn nấc vậy. Đêm đặc sệt, đắp vào tiếng mẹ. "Từ khi bà cụ bên ấy mất, rồi bố con mất, một tay nó lo cả hai nhà. Mấy sào ruộng nó cấy, nó gặt, nó phơi, rồi nó đổ thóc vào hòm. Tối nào mẹ con nó cũng sang ngủ với mẹ. Ôi sao mẹ nhớ cái mùi nồng nồng, khai khai của thằng bé thế này".

"Con ngủ rồi à?". Mẹ hỏi và lại trở mình. Tiếng trở mình của người già nó nặng làm sao. Hình như bao nhiêu vất vả của cuộc đời đắp vào xương thịt, chờ khi tuổi già về là nó ấp xuống, nhấn chìm vào những đêm không ngủ, để tiếng trở mình nặng như đá.

Bảy năm ở rừng, duy nhất có một lần tôi mơ thấy chị. Chị cười nhìn tôi từ sân nhà chị. Nụ cười tươi như giọt nắng, đôi mắt đen láy cũng cười theo. Tôi và chị hai bên bờ rào hai nhà. Chị dúi vào tay tôi chiếc khăn, bảo: "Quàng vào cho ấm cổ. Đạp xe sáng sớm đi học là lạnh lắm đấy. Bàn tay chị với qua bụi tầm xuân. Cánh tay áo mắc vào gai tầm xuân, gỡ không ra, kéo rách gấu tay áo, rách cả da nơi cổ tay, chảy máu. Tôi nắm lấy tay chị, gỡ ra. Chị để nguyên bàn tay trong tay tôi và dần dần chị nắm chặt. Tỉnh giấc, tôi lại tiếc chiếc khăn mùi soa. Hôm tôi bị thương vào bắp chân, anh em lấy khăn băng lại. Khi tháo ra, khăn đặc kịt máu. Thế là vất ở cánh rừng. Cũng có lúc tôi nhớ tối hôm ở cổng nhà. Nhớ bàn tay chị đặt lên má, níu tôi xuống, người chị gò cong lên, ép chặt, gắn ngực vào tôi. Cái khoảng cong nơi ngực chị chồi lên, ấn vào ngực tôi, nóng ran, tim tôi loạn nhịp. Tôi đặt tay lên môi. Vẫn như còn hương bưởi phảng phất. Mùi hương bưởi loang cả khoảng rừng.

Những đêm như thế, tôi lại nhớ nhà, nhớ cha mẹ vô cùng. Cha tôi đã đi qua chín năm của cuộc chiến, ông bị mảnh pháo địch tiện cụt một chân nên phải sống dựa vào cây nạng gỗ. Hôm tôi khoác ba lô lên vai, cha chỉ nói một câu: "Trai thời loạn con ạ, bố đợi con về". Nói rồi, cha đi vào nhà, rít thuốc lào, nhả khói, không đưa tôi ra cổng. Tôi không nghĩ cha lại không đợi được ngày tôi về. Chỗ cha ngồi giờ lạnh vắng.

"Bây giờ con tính sao". Tiếng mẹ vọng sang. "Tính gì hả mẹ". "Thì con định sẽ làm gì sắp tới, với lại việc con Lành". "Trước hết con phải học cho xong, rồi mọi việc sẽ tính tiếp mẹ ạ". Tiếng gà nhà Nguyên đã gáy. Tôi trở mình quay vào trong vách, mùi vôi nồng nồng, quyện với mùi bùn khô trên vách, sao mà thân thuộc. Tôi cuộn chiếc chăn vào mình. Tiếng mẹ vẳng trong đêm. "Cái khăn quàng ấy là nó mua, chứ không phải mẹ mua. Cả những quyển sách con học nữa, là nó mua hết đấy". Tôi nghe câu được, câu chăng, rồi lại chìm vào đêm quê yên tĩnh.

Tôi thi vào trường thuỷ lợi. Bốn năm học tại trường, rồi ra trường cứ nay đây mai đó, hết công trình này đến công trình kia. Hiện tại, chúng tôi đang thi công hệ thống lấy nước từ sông Thái Bình vào sông Sặt. Đơn vị đóng nhờ cái kho cũ của địa phương.

***

Thông bảo tôi: "Ở xóm dưới, có người giống anh như một. Gặp anh ấy, em gọi tên anh và hỏi anh đến đây làm gì. Người ấy đứng ngợ ra. Em bảo đơn vị có anh Thái, giống anh lắm! Anh ấy nghe xong và bảo, biết anh là ai rồi".

Du đến tìm tôi trước. Tôi thoáng giật mình vì diện mạo Du và tôi quá giống nhau. Nếu tôi và Du ở cùng nhà, thì chắc mọi người sẽ bảo anh em sinh đôi. Vừa ngồi xuống, Du đã nói ngay. Tôi biết anh là Thái. Lành không kể, nhưng lúc nào cũng nhắc đến anh, nên tôi biết. Vậy anh là bố...". "Vâng, tôi là bố cháu Nam". "Sao bao năm nay anh không nhòm ngó gì tới mẹ con chị ấy. Tôi không biết nói thế nào và bắt đầu từ đâu. Tối nay anh rảnh không. Có à. Vậy mình nói chuyện nhé".

Du kể: Quê anh ngày ấy là trạm đón bộ đội đi B. Theo lịch, thì chúng tôi hành quân đến đêm hôm trước, đêm hôm sau sẽ lên tàu, nhưng không biết vì sao chúng tôi lại phải nghỉ lại ở đấy những ba đêm. Anh cũng đã nằm chờ để đi B nên anh biết, mệt mỏi và nóng ruột. Chiều ấy, khi giọt nắng cuối ngày sắp tắt, sau một giấc ngủ dài của cả một ngày, tôi lang thang quanh làng. Đang thững thờ bước thì có giọng con gái gọi như vớ được. “Thái... Thái về rồi à”. Tôi ngẩn người nhưng rồi định thần lại ngay. Anh biết trò tinh nghịch của lính rồi mà. Tôi cũng vậy, ý định là chỉ muốn trêu cô gái ấy một tí. “Ừ, Thái mới về”. “Thái gặp bác chưa”. “Gặp rồi”. “Vậy vào nhà đi”. Cô cầm tay kéo. Tôi bước theo như trẻ con theo mẹ. Cô gái nói nhanh, hồ hởi như bắt được. “Mẹ Lành hôm nay lên nhà bác Mấm chơi và ngủ trên ấy, thằng Nguyên thì trọ trên trường rồi, nhà chỉ còn mình Lành”. Vừa ngồi xuống bên tôi, cô nói tiếp. Tôi không biết mẹ cô, cũng không biết thằng Nguyên là ai. Nhưng tôi biết cô nói vậy là nhà không có ai ngoài tôi và cô gái tên Lành ấy.

Nắng đã dần tắt, trời đã chạng vạng, mấy gian nhà như mờ ảo. Bóng hai khuôn mặt đã lẫn vào nhau. Tôi ngồi lặng trong khoảng chạng vạng lòng tự trách mình đã sa vào cuộc đùa giỡn hơi quá đà này. Mà anh biết kỉ luật quân nhân rồi. Tôi ngồi rúm ró vào góc. Tôi càng rúm ró thì Lành càng mạnh dạn. Lành ngồi sát vào tôi hơn. Tôi nhích ra thì cô lại sát vào, rồi bất ngờ quàng tay ôm chặt lấy tôi. Giọng cô lạc đi trong tiếng thở. “Lành đã nói chờ Thái về mà. Giờ Thái đã về, Lành...”. Nói rồi cô nằm xuống, đôi bàn tay đan những ngón tay quàng qua gáy tôi, kéo tôi nằm xuống bên cô. Tấm thân cô như bốc lửa. “Hôm Thái đi, Lành đã định, nhưng rồi Lành quyết định để ngày Thái về. Bây giờ Thái đã về. Thái... Thái”. Giọng cô chìm dần, chìm dần. Những chiếc cúc áo được mở ra. Anh bảo một thằng con trai đã hai mươi ba tuổi chưa một lần biết mùi da thịt con gái, chống lại làm sao được cái hương vị ngọt như mật ấy. Tôi cũng như kẻ say, có người rót cho thêm rượu. Lành hừng hực cháy và luôn gọi “Thái... Thái. Lành rất hạnh phúc”.

Không biết sao lúc ấy mà tôi còn tỉnh táo để nói được sự thật. “Anh không phải là Thái, anh tên là Du”. “Thái đùa à”. “Không, anh không đùa, anh là Du”. Nhưng rồi lửa vẫn đốt, nó thiêu trụi thân xác hai con người đang làm ngọn lửa tự đốt mình. Đến khi nó nguội thì Lành như bừng tỉnh. Lành hỏi ngay. “Thái vừa bảo là...”. Tôi vẫn thật thà. “Anh là Du, đơn vị anh chờ lên tàu để đi B”. Lành vơ vội mớ quần áo, đứng nép vào vách, đuổi tôi như đuổi quỷ. “Anh đi đi. Sao anh không nói rõ ngay từ đầu? Sao anh lại như người ấy thế này, trời ơi”. Lành thụp xuống, đổ gục nức nở, mặt úp xuống đôi gối trần, hai bờ vai rung lên. Nhưng rồi, Lành ngẩng lên, hạ giọng. “Anh về không đơn vị mong. Tôi ân hận cũng không trách anh đâu”. Hình như tôi đã tìm được hạnh phúc với người ấy rồi. Tôi như người mắc lỗi, không có lời biện bạch, lầm lụi bước qua bậu cửa nhà.

Ngày hôm sau, ngày hôm sau nữa tôi đến, nhà vẫn đóng cửa. Rồi chúng tôi lên tàu. – Du uống chén nước tôi rót để trước anh, rồi nói tiếp.

“Tôi về trước khi giải phóng Sài Gòn được hai năm. Do cái chân cụt này đây”. – Du nói và vén quần lên. Giờ tôi mới thấy bàn chân Du là bàn chân gỗ. Du ngửa mặt lên, nhìn vào khoảng không, chậm rãi nói. “Tôi vất ba lô và nhờ thằng em đèo lên gặp Lành ngay hôm ấy. Khi biết mình có con, tôi đã khóc. Không hiểu sao lúc ấy, tôi lại làm như thế. Tôi quỳ xuống cám ơn Lành và mong Lành cùng tôi về quê. Tôi sẽ nói với mẹ tôi lên đón Lành. Tôi sẽ... Anh có biết tâm trạng của tôi lúc ấy thế nào không? Tôi ân hận. Lương tâm tôi giày vò, chỉ vì một trò trêu đùa mà để lại cho Lành hậu quả thế này. Vả lại thằng con tôi kia. Tôi bỏ nó sao được. Cả một tuần, ngày nào tôi cũng đến gặp Lành nói hết lòng mình. Lành chỉ đồng ý cho tôi đến gặp thằng Nam với điều kiện: Ở tại nhà và không được ngủ lại”.

“Bây giờ gia đình anh thế nào, chị và các cháu có khỏe không?”. Du cười ngửa mặt lên nhìn tôi. “Anh tưởng tôi dễ bỏ được mẹ con cô ấy sao? Với tôi, Lành không phải là kỉ niệm của một tình yêu êm đềm, nhưng lại là kỉ niệm của một thằng con trai lần đầu trở thành đàn ông. Đến giờ nó vẫn là lần duy nhất. Với lại thằng Nam, nó như thiên thần ấy, anh ạ”. “Nhưng chị Lành đã quyết vậy rồi, anh cũng phải có người bên cạnh chứ”. “Chuyện ấy tính sau. Bao giờ thằng Nam nó trưởng thành. Bao giờ Lành đi lấy chồng. Mà này, Lành vẫn còn yêu anh lắm đấy. Chính vì chỉ nhớ đến anh cho nên đến giờ Lành vẫn thế. Địa chỉ đây. Cô ấy gửi cho tôi, với điều kiện là không cho ai biết. Cô ấy không muốn cha con tôi xa nhau. Tôi về kẻo cũng khuya rồi”.

***

Tôi đến nhà Du khi anh không có nhà. Việc ấy tôi nhờ Thông dò hộ. Mẹ Du chắc phải hơn mẹ tôi vài tuổi. Là tôi đoán thế. Bà ngồi, mắt lơ đãng nhìn vào khoảng sân đang sáng nắng, tôi vào bà cũng không biết, chỉ khi tôi chào, bà mới nhận ra. Tôi ngồi bên bà, gợi chuyện. “Anh Du không có nhà hả bà?”. “Em nó đi lên chỗ cậu bạn bàn chuyện làm ăn gì đấy. Khổ, ba mươi mấy rồi mà cứ một mình tất bật. Giờ vẫn chả đâu vào đâu”. “Sao bà không dắt một cô về cho anh ấy?”. “Bao nhiêu người dắt chứ đâu có một mình bà già này, nó có chịu đâu”. Bà cứ bộc bạch, tôi cứ gợi và rồi bà kể hết cuộc đời bà cho tôi nghe lúc nào bà cũng không biết nữa.

- Bác không phải người quê đây, bác ở lại đây chỉ vì một chuyện. Hôm ấy, giặc càn vào làng, mà làng thì vừa có đơn vị bộ đội về tối qua. Họ có mười người. Đấy là tổ trinh sát về điều nghiên để đánh bốt Thổ. Cái bốt ấy nó án ngữ cả một vùng, đêm đêm, nghe tiếng chó sủa ở đâu, là nó bắn móoc chê vào đấy. Dân cả vùng khổ vì nó. Địch vây quanh làng, nó lùng sục từng nhà, bộ đội phải chia ra, mỗi anh ở một nhà. Nhà bác anh đội trưởng ở. Chiếc hầm nhỏ đã đào sẵn ngay chân giường trong buồng, chỉ vừa một người ngồi. Khi có địch, anh ấy xuống, bác ở trên vần cái thùng phuy đựng thóc đậy lại, rồi ra vườn dọn cỏ. Địch lùng sục khắp nơi, đống quần áo rách nó cũng bới. Ba ngày, bác canh gác và cũng là chăm lo cơm nước cho anh ấy. Khi bọn lính đi lùng sục chỗ khác, bác lại đón anh ấy lên.

Hôm ấy, trời nắng, ánh sáng lọt qua những chỗ vách thủng vào buồng, bác nhìn được rõ anh ấy. Một khuôn mặt vuông vắn, mái tóc dày và xoăn, đôi mắt đen pha chút màu xanh, trông thăm thẳm như mặt giếng mùa thu. Trái tim của cô gái mới bước sang tuổi mười tám loạn nhịp. Bác nhìn lên và bắt gặp ánh mắt anh ấy cũng đang nhìn mình. Bác vội chạy ra ngoài. Nhưng bác tránh sao được. Nhiệm vụ của bác là phải ở bên anh ấy. Sau này, bác mới biết, người hoạt động của ta trong hàng ngũ địch đã thông tin lạc hướng cho địch tìm nơi khác. Hai ngày, bác với anh ấy bên nhau. Chuyện gì đến phải đến.

Ngày anh dẫn bộ đội về đánh bốt Thổ, có ghé qua cầm tay bác, rồi đi ngay vì trận đánh đã bắt đầu. Linh tính của một người đàn bà bảo bác không thể ở quê được nữa. Bác chọn đất này sinh thằng Du, rồi ở đến già.

- Bác còn nhớ tên anh bộ đội ấy không ạ.

- Nhớ chứ, bố thằng Du mà, không nhớ thì nhớ ai. Anh ấy tên là Thường, Vũ Văn Thường.

***

Tôi nhờ Thông báo cáo với chỉ huy công trường nghỉ mấy ngày. Nhét mấy bộ quần áo vào ba lô, bắt xe lên chỗ chị Lành. Trời ngày đông nhanh tối. Tôi đến nơi, nắng đã tắt. Một người phụ nữ ngồi nhặt rau cửa nhà, ngẩng lên. “Ơ anh Du”. “Không, tôi là Thái”. Người phụ nữ nhận ra tôi ngay. “Thái con bác Thường phải không”. “Vâng, chị là...”. “Em ít tuổi hơn anh. Mình là người cùng làng đấy. Em là Minh, em chị Lành. Minh con bà Liên, anh nhớ không? Đúng là giống nhau thật! Em cũng không nhận được ra, chả trách...”. Minh bỏ lửng câu nói, nhìn tôi. “Bao năm rồi, chị Lành vẫn cứ ân hận”.

Chị Lành vừa về, chở thằng Nam ngồi phía sau xe. “Tôi bảo anh một tháng mới lên một lần, sao mới được mười lăm ngày anh đã lên”. Bế thằng Nam xuống xe, chị cầm chiếc cặp sách vất xuống chiếc ghế “Anh không được sai quy ước đâu đấy”. “Chị Lành, em Thái đây”. Chị sững người rồi quay đầu, định chạy. Tôi nắm tay chị kéo lại. Mắt chị đã đỏ hoe, nước mắt đã lăn trên má. Giọng chị trong tiếng nấc. “Sao giờ Thái mới lên? Sao giờ mới lên?”. Chị lặp đi, lặp lại câu nói ấy.

Trời mới chớm đông mà ở trung du đã se lạnh. Trăng trong veo, soi rõ những vạt chè xanh, xa tắp. Những luống chè như những thảm nhung làm cho đêm trung du đậm lại. Ba chúng tôi ngồi trên chiếc chõng ngoài hiên, không ai nói câu gì, không ai muốn phá vỡ cái khoảng yên lặng ấy. Thằng Nam đã lăn vào lòng Minh, nằm cuộn tròn. Minh lấy cớ bế thằng Nam vào giường cho nó ngủ. Chỉ còn tôi và chị. Sương buông mỗi lúc nhiều hơn, sương càng nhiều thì trời càng lạnh. Chị vào nhà, khi ra, tay cầm chiếc áo. Chị khoác lên người tôi, rồi cũng mặc thêm cho mình chiếc áo mỏng. Rót chén nước, nhấp lên miệng, rồi lại đặt xuống. Chị nói thật nhanh như sợ không nói thì rồi sẽ không thể nói được nữa.

- Ngày ấy họ gọi là gì nhỉ? À Lành nhớ ra rồi. Lãng mạn tiểu tư sản. Ừ lãng mạn. Lúc còn nhỏ thì có, Thái ạ. Những cặp tình nhân hẹn hò, họ yêu nhau say đắm ở trong những cuốn tiểu thuyết, đã khơi dậy tình yêu của cô gái chớm tuổi dậy thì. Thái còn nhớ hôm ẩn ở đống rơm không. Trước đấy mấy hôm, Lành có một giấc mơ. Giấc mơ về Thái. Lành cũng không biết vì sao lại mơ. Mà mơ như thật. Nhưng sao lại là Thái, một cậu trẻ con chứ không phải một trai làng. Thái cũng biết, trai làng thì nhiều đến thế nào rồi. Cảm tình với Thái là từ đấy. Nhưng sau đó thì không còn là lãng mạn trẻ con nữa. Nhà Lành không có đàn ông. Việc gì cần bàn tay đàn ông, là mẹ Lành gọi Thái. Cái cửa chuồng lợn bật ra, cái giàn mướp bị đổ, cái cầu ao gẫy... Lành nhớ nhất hôm bão về, trời mưa, gió thổi áo mưa khoác, gió bay tung lên. Khoác mà vẫn như không. Thái, Lành giữ cọc, sợi dây thép một tí đã căng ra. Cứ thế hết cọc này, sang cọc khác. Ngôi nhà tranh rúm ró được chằng giữ bởi những chiếc cọc. Năm ấy, sao bão to thế. Mẹ Lành bảo, nếu không đóng cọc chằng giữ thì nó đã bay theo bão rồi. Mẹ nói khi bão đã tan. Còn lúc nhìn Thái quai vồ, quần áo sũng nước, da nhợt nhạt, môi thâm bầm, Lành nhận ra cái vững chãi của người đàn ông ở đây chứ ở đâu. Sao lúc ấy, Lành thương Thái thế.

Chị ngước nhìn tôi, giọng thì thầm kể tiếp.

- Thái ít nói. Nhưng đã nói là như sá cày của lực điền bấm vào đất, chắc nịch. Lành thích người đàn ông bản lĩnh như thế. Mẹ Lành thì cứ vô tình, ngày nào bà cũng nhắc đến Thái. Cái thằng Thái càng lớn càng chững chạc, học giỏi, chăm làm. Càng lớn nó càng giống bác Thường. Bác Thường bằng tuổi nó đẹp nhất vùng này đấy. Bà đâu biết mỗi câu bà nói làm cho con gái bà càng hằn sâu hình ảnh người con trai ấy vào trái tim đang khao khát được yêu. Nó tích tụ mỗi ngày đầy thêm, nó như ngọn lửa rần rật trong Lành. Thái không thấy ngày nào Lành cũng đứng đón Thái lúc học về à? Lành hạnh phúc khi nhìn thấy Thái từ xa và ù chạy đến. Lành hạnh phúc khi đi song song bên Thái về nhà. Hôm Thái nhập ngũ, Lành đã định rủ Thái sang nhà Lành. Nhưng rồi Lành kìm được cảm xúc dâng trào ấy. Sau đó Lành ân hận. Biết đâu Thái không về. Chiến tranh thì có ai nói trước được điều gì. Hôm gặp anh Du đấy là sự giải tỏa của những ngày nung nấu ân hận. Thái đi xa hơn năm, ngày nào Lành cũng ra chỗ đứng chờ Thái lúc đi học về. Khi mặt trời sắp lặn, Lành biết lại một ngày nữa Lành đã đứng chờ đợi trong vô vọng. Lành quay về. Nỗi nhớ Thái đang giằng xé thì gặp anh ấy. Lành mê mẩn, chả còn nhận ra nữa. Ừ anh Du giống Thái. Rất giống. Nhưng không phải là không nhận ra được những nét khác nhau. Nhất là giọng nói. Sao lúc ấy Lành không thể nhận ra điều ấy. Sự mê muội đã làm Lành ngộ nhận. Cái ngọn lửa rần rật bao ngày mong ngóng đã làm Lành ngộ nhận. Rồi Lành ân hận, lần này nó day dứt gấp trăm lần trước. Thái về, Lành biết mình không thể gặp Thái. Không thể đối diện trước Thái trong hoàn cảnh như vậy.

Chị kể một mạch không ngắt. Lúc chị ngẩng lên, tôi nhận thấy đôi mắt ấy như giếng khơi mùa đông, thả gầu mãi vẫn không đến đáy. Tôi biết nước trong đáy mắt ấy vẫn đầy, chỉ chạm khẽ vào mạch là nó chảy. Chảy như đập nước bị ngăn cách vỡ òa. Bắt đầu là giọt lăn trên má, sau đấy là dòng nước chảy. Dòng nước rơi, rơi xuống chiếc chiếu rách mòn, đọng lại, ướt đẫm. Những giọt nước rơi mà không có tiếng khóc cùng rơi sao nó đến nặng! Đêm càng khuya, trời càng lạnh, sương càng nhiều. Chị ngồi co rúm vào góc chõng. Hôm tôi đi, chị mạnh dạn là thế. Vậy mà bây giờ, chị ngồi như trẻ con phạm lỗi, chờ nhận hình phạt cho mình. Tôi biết chị lại đang ân hận. Chị lại đang oán trách mình.

- Thái nói với bác, cho Lành xin lỗi vì đã không làm đúng lời hứa là mãi chăm sóc bác. Thái cũng đừng lên đây nữa. Lành cũng không về quê đâu.

Chị lấy vạt áo lau nước mắt, rồi vội vàng đứng dậy, bước vào nhà.

“Chị Lành. Anh Du là anh ruột của em”. Chị sững người, đứng lại. “Thái bảo...”. “Vâng, em bảo anh Du là anh ruột em. Anh Du đã đến gặp em. Nhìn thấy anh ấy em nghĩ, nếu không phải người cùng huyết thống thì không thể giống nhau đến vậy được. Em đã đến gặp mẹ anh Du. Bà đã kể cho em nghe chuyện về người cha không biết mặt của anh Du. Em xác định, anh Du là con của bố”. “Anh Du biết chưa”. “Chưa. Em gặp chị xong rồi mới gặp anh ấy”. “Trời ơi, sao lại là như thế?”. Lành không thể tin là lại có chuyện như vậy được. “Trước khi đến gặp mẹ anh Du, em cũng mong nó không phải là như thế. Vì sao thì chị biết rồi. Nhưng đó là sự thật. Chị em mình phải chấp nhận nó thôi. Anh Du thì thương tật, mẹ anh thì lòa. Hôm em đến, bà không nhìn thấy em. Em biết chị không yêu anh Du, xong chị cũng không tuyệt tình với bố cháu Nam. Anh là bố của con chị. Chị về đi. Về cùng anh chăm sóc bác, để anh được cùng chị chăm cháu Nam. về làm chị dâu em đi chị Lành. Bao năm rồi anh vẫn đợi chị”. Chị ôm lấy tôi, gục vào vai tôi thổn thức. “Sao lại là vậy hả Thái? Sao lại là vậy?”.

Một chiều, tôi vừa bước tới cửa nhà, nơi ban chỉ huy công trình ở, Thông nói vội vàng. “Chị Lành bảo anh về quê ngay, về ngay đấy”. “Tôi không vào nhà, quay ra vớ chiếc xe đạp, phóng như gió. Chị Lành, anh Du đón tôi từ ngoài cổng, cầm tay dắt vào nhà.

- Thái ạ, chị quyết định đưa anh Du và mẹ về đây, chị sẽ chăm lo cho cả hai mẹ. Em cứ yên tâm với công việc.

Lần đầu tiên, chị xưng chị và gọi tôi bằng em. Tôi sà vào lòng chị. Hai tay chị dang đón mà nước mắt chị đã rơi. Anh Du mắt rưng rưng, ngân ngấn nước. Tôi quàng tay ra sau lưng anh, kéo vào. Ba chúng tôi thành vòng tròn. Cái vòng tròn của ba con người từ nay đã là ruột thịt.

- Nhưng mà em phải hứa với chị là trong năm nay lấy vợ đấy nhé.

- Vâng.

- Được rồi, để chị nhắm chỗ cho.

Thằng Nam ở đâu chui tọt vào giữa. Tôi ngồi xuống, nó nhảy lên lưng tôi. Hai chú cháu tôi cõng nhau ra cổng còn nghe chị Lành nói với theo.

- Cái Minh nó vẫn hỏi em đấy.
 
 
Các tin mới hơn
Kiến trúc: "Thành phố Hải Dương và những kỳ vọng"(02/05/2024)
Sân khấu: Kịch bản "Phương thức làm giàu" của tác giả Phương Hạnh(02/05/2024)
Trang Văn nghệ trẻ: "Ngày đầu tiên" của Ngân Thuận(02/05/2024)
Sắc xuân ở Ky Quan San(23/04/2024)
Nắng trong lòng(23/04/2024)
Các tin cũ hơn
Truyện ngắn "Khúc đồng chiều" của tác giả Nguyễn Thu Hằng(15/04/2024)
Một ngày(15/04/2024)
Ngẫu hứng tháng Ba(15/04/2024)
Anh Cả(15/04/2024)
Bài phát biểu của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh tại Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2028 (Ngày 29/02/2024) (11/04/2024)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na