Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Truyện ngắn "Hương hồi thoang thoảng" của tác giả Nguyễn Hữu Phách
04/10/2023 09:12:46

Đang nắng chang chang thì trời đổ mưa. Cái sân gạch đầy thóc bỗng sủi lên. Đầu tiên, hơi nóng bốc ngùn ngụt. Những hạt mưa thưa và nặng lộp bộp, rồi mưa như tưới xuống ào ào. Mặt sân vọt hàng nghìn tia nước nhỏ như tỏa khói.

 
 

Cơn mưa đột ngột làm thằng Thắng đang ngủ trong nhà choàng thức, khóc thét.

Chị Lương từ ngoài cổng tong tả chạy về. Cái nón đội đầu bị gió vít ra phía sau gáy. Đầu tóc chị rối bời, sũng nước. Lòng chị cũng rối lên, tựa đám thóc trong sân đang sôi lên, như nằm giữa chảo mỡ. Mặc con khóc, chị tay năm tay mười cào thóc, xúc thóc. Rồi từng thúng thóc đầy được chị quai thoăn thoắt lên ngang hông, chuyển nhanh vào nhà. Chiếc áo gụ bó sát lấy thân người phụ nữ tròn lẳn. Những dòng mưa từ trời cao chéo xuống mặt đất. Chị như con thoi đan xuyên từ sân vào nhà. Chị lên xuống bậc thềm như chạy thi với mưa. Thoảng nhớ dạo nào, bàn chân ấy từng len lách lên một bậc toa tàu, một cửa xe ô tô đang từ từ lăn bánh.

Giữa lúc đang đánh vật với đống thóc, chị Lương nghe tiếng thằng Thắng nhè nhè lẫn trong tiếng mưa. Đổ thúng thóc ướt dượt xuống hè, chị quát to vọng vào trong:

- Có câm mồm đi không?

Rồi chị quay ra phía cổng:

- Mà con Hòa chết dí ở đâu rồi? Hòa ơi! Mưa thế này có về không hả!

Và như cái máy đang được đà, chị cứ một mình ca cẩm:

- Ông Bình ơi là ông Bình ơi! Có thấy mẹ con tôi khổ thế này không? Lúa thì chín rũ ra kia. Không gặt thì mọc mậm. Gặt về lại tống nước xuống thế này thì rồi men mục hết...

Cũng vừa lúc ấy, Thiện dắt cái Hòa đội mưa chạy về. Cô em gái xăm xắn đỡ chị vét nốt đám thóc ướt cuối cùng, và cũng như mọi khi, thấy chị kêu rên là cô cắt ngang lời chị, trách móc:

- Hơi khó khăn là réo tên chồng! Người đâu mà...

Lương như không nghe thấy tiếng Thiện:

- Nhận hàng chín mười sào lúa chứ có ít đâu. Giờ sản lượng khoán rồi! Thật có chồng mà như mẹ góa con côi!...

Cô em gái lườm chị, quay vào dọn chỗ cửa bếp:

- Chỉ ăn nói linh tinh! Thế chỉ nhà mình nhận khoán chắc? Cả làng Nhân này còn khối nhà neo đơn gấp mấy mình. Dễ họ đều kéo chồng con họ về để lo riêng bồ thóc nhà họ cả đấy?

Cái Hòa đã vứt chồng vó tép ướt sũng ở mé cửa chuồng lợn. Nó vội vàng bế thằng Thắng. Nó nâng em:

- A à, em chị ngoan quá! Chị thương, chị thương!...

Tiếng trong trẻo của nó nghe ấm quá. Bởi lúc này mưa đã ngớt đột ngột. Mặt sân, nước ngầu bọt trắng, nổi lềnh bềnh những thóc lép thóc lửng.

Thiện rũ cái khăn ướt, vắt lên dây thép căng ở hiên nhà, quay vào đùa với cháu:

- Cháu dì nhỉ! Khóc ít chứ! Rồi hôm nào chú Phương ở đơn vị bố Bình về qua đây, dì nhắn bố Bình nhớ gửi quà về cho cháu nhé.

Câu nói vô tư, đằm thắm của Thiện làm cho Lương có phần hối hận. Cho đến khi Thiện giục chị:

- Chị vào thay quần áo đi, kẻo lại cảm thì “ới ông Bình ơi” anh ấy cũng không chữa được.

Mưa tí tách rơi ở hàng hiên. Chị Lương chầm chậm bước vào trong nhà. Lúc này, Lương đã kịp nhận ra sự khó tính vô lý của mình.

Bố mẹ mất sớm, nhà chỉ có hai chị em. Nhiều lúc, Lương cứ ỷ mình là chị mà mắng Thiện. Nhưng Thiện bây giờ không còn bé bỏng nữa. Thiện đã có đủ lý lẽ để vặn lại chị mình. Đã có lần nghe chị mình réo tên anh Bình, Thiện thủng thẳng bảo chị:

- Ai bảo lấy anh ấy để giờ lại kêu...

Lại như nhiều lần đuối lý trước đây, Lương im lặng, bồi hồi.

***

Một đơn vị pháo cao xạ về đóng ở trận địa Vườn Cam đầu làng Nhân, làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Phú Lương.

Ngày ấy, máy bay giặc Mỹ đến bắn phá như cơm bữa. Khu vực này trở thành một trong những “túi bom”. Dân quân làng Nhân thường chiến đấu phối hợp, phối thuộc với bộ đội, nên cánh lính trẻ và gái làng quen nhau suốt lượt. Anh Vượng, thủ trưởng đơn vị pháo, thường nói:

- Cái số mình rồi phải ngồi ghế chủ hôn cho nhiều đám đây.

Câu nói vui thế mà nghiệm. Một anh pháo thủ quê ở Phủ Lý con liệt sĩ chống Pháp, đã đẹp duyên cùng một cô dân quân làng Nhân. Họ cưới nhau giữa những ngày trực chiến đầy căng thẳng. Tuy vậy, đám cưới vẫn được tổ chức vui vẻ mà đậm đà tình nghĩa quân dân. Sau hôm “đón rể” - chả là chú rể được về ở hẳn nhà cô dâu - anh Vượng cho liên lạc tìm Bình lên ban chỉ huy. Tưởng là lên nhận mệnh lệnh đi chiến đấu, Bình vội ăn mặc chỉnh tề đến hầm thủ trưởng. Anh Vượng chỉ ghế cho Bình ngồi, rồi bảo:

- Đám cưới cô cậu tổ chức ở đây, tôi đã mạn phép thay mặt nhà trai dẫn rể đến nhà gái chu đáo rồi. Bây giờ cô cậu phải về lễ “gia tiên” ở quê chồng. Ban chỉ huy cho cậu 10 ngày phép...

Bình có ý ngần ngại. Anh không nỡ xa đơn vị trong lúc trận địa luôn ở tình trạng báo động cấp một. Anh Vượng dứt khoát:

- Đây là mệnh lệnh!

Rồi anh ấn vào tay Bình một cân kẹo Hải Châu, một lạng chè móc, một tút thuốc lá Tam Đảo, trích trong số những món quà của “hội mẹ chiến sĩ” làng Nhân gửi tặng đơn vị.

Vợ chồng Bình rất cảm động trước sự săn sóc của thủ trưởng. Cô em cũng phấn khởi. Còn bé, nhưng cô cũng xin “ba đảm đang” con lợn, con gà để chị cùng anh rể về Phủ Lý.

Suốt mười ngày ở quê, cặp vợ chồng trẻ cứ hồi hộp theo dõi tiếng bom ình ình ở mạn Hải Dương. Họ lo cho đơn vị. Họ lo cho làng Nhân. Hết mười ngày phép, hai người vội vàng trở ra. Đến đầu cầu Phú Lương thì nghe tin sét đánh: Anh Vượng bị thương nặng, đang nằm ở quân y viện. Cô em gái yêu của họ đã theo lên bệnh viện thăm anh. Hai vợ chồng tất tả lên ngay chỗ anh đang nằm. Anh nằm trên chiếc giường phủ ga trắng toát, băng kín ngực và cánh tay, khuôn mặt xanh xao, chỉ có nụ cười và cặp mắt là có hồn. Họ òa khóc như trẻ con, làm cho cô em đang ở bên giường cũng đỏ hoe mắt. Anh Vượng lại an ủi họ bằng cái giọng hóm hỉnh vốn có của mình:

- Thì cậu có ở lại, rốc-két của nó cũng nhằm vào hầm của mình cơ mà. Nó cắn hụt nhiều lần rồi, giờ mới đớp sờn da một tí. Tớ đã bảo rồi, “giặc bắn chưa chắc đã trúng, có bị thương chưa chắc đã chết”. Còn xa ruột chán... Có đúng không nào?

Nghe anh Vượng nói, vợ chồng Bình bật cười, nước mắt ngấn trên má! Họ biết thủ trưởng của mình hết sức chăm lo đến từng việc riêng của chiến sĩ, có khi quên cả nghĩ cho mình. Chính vì vậy mà cả đơn vị đều thương, đều mến thủ trưởng.

Dạo ấy, giặc đang dùng B52 đánh Hà Nội. Đơn vị di chuyển luôn, Bình theo đơn vị đi xa trận địa Vườn Cam. Nhưng có dịp là anh tranh thủ về làng Nhân nơi ấy có người vợ đảm, có cô em vợ mà anh coi như em gái mình. Rồi Bình đi học một lớp sĩ quan. Học xong, anh lại theo đơn vị đi các chiến trường ở phía Tây và Tây Nam, và bây giờ đang ở biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

***

Trong những năm tháng hòa bình đầu tiên sau khi thống nhất đất nước, làng Nhân cùng chung niềm vui nỗi mừng lớn của cả dân tộc, nhưng đồng thời cũng nảy sinh những hiện tượng tiêu cực.

Ngày ngày, tàu hỏa rầm rập lăn bánh trên đường sắt đầu làng và đỗ ở cái ga nhỏ kề ngay phía Bắc xã. Những chuyến xe ôtô khách căng phồng người và quang gánh bồ sọt thường dừng bánh ở chân cầu Phú Lương. Nhiều người dân làng Nhân đã nhanh nhạy với kế sinh nhai mới: nay xe, mai tàu, hết Hà Nội rồi Hải Phòng, có khi ngược Thái Nguyên, Lạng Sơn. Họ quen thân mọi thứ lái xe; cái “phanh nón” của họ có thể nói là loại phanh cháy đường. Bàn chân họ lúc đầu nhảy lên bậc xe, bậc tàu còn bỡ ngỡ, lâu dần trở nên nhanh nhẹn thành thạo. Cuộc sống của họ bây giờ sung túc hơn hẳn thời còn chân lấm tay bùn. Trong khi đó, đồng ruộng hết bão úng lại sâu bệnh, chật vật quá. Một ngày công có vụ chỉ đủ tiền mua một con cua.

Không biết từ lúc nào, Lương đã nhập bọn với số các bà các chị đó. Lương tự coi mình là đã qua thời kỳ “oanh liệt” rồi. Dân quân, đoàn thanh niên... là chuyện của lớp trẻ mới lớn. Với Lương ư? Lương phải thiết thực lo lấy cái bồ thóc của nhà mình.

Trong khi đó, Thiện chững chạc là một cô gái mới lớn. Thiện đã thay thế chị mình trong đội ngũ dân quân, trong chi đoàn và lao động ở đội giống. Chị chạy chợ một cách mê mải thì em cũng hớn hở với công việc lao động tập thể. Cách nghĩ, nếp làm ăn khác nhau dẫn đến chỗ hai chị em thường va vấp nhau luôn. Chị lấy thế của người lớn tuổi trong gia đình mắng em thì em biết lấy cái khôn của người làm chủ tập thể mà bẻ lại chị. Họ đấu nhau bằng lý lẽ. Họ đấu cả bằng kết quả công việc của mình. Thiện suốt ngày ở ngoài kho, ngoài đồng, tối lại họp hành, quả là có vất vả. Lương thì sau mỗi chuyến về đều có đồng ra đồng vào. Kết quả lao động của Thiện gắn bó với làng Nhân. Và làng Nhân cũng nghiêm khắc đối với thái độ của những người như Lương. Mùa ấy, hợp tác xã phạt Lương vì thiếu công lao động và thiếu mức phân bán cho hợp tác xã. Bà con trong đội sản xuất sau khi học tập về chính sách ăn chia còn kháo nhau: “Còn phe phẩy thì cắt cả tiêu chuẩn lương thực của cái Hòa thằng Thắng”. Thiện thì đương nhiên được ăn mức cao nhất hợp tác xã. Được thể, Thiện cảnh cáo chị:

- Chị làm thế nào thì làm. Anh Bình anh ấy biết tin chị đi buôn để xảy ra thế này thì anh ấy không yên tâm đâu...

Lương đáp gọn lỏn:

- Không yên thì xin về! Về phục viên, càng tốt!

Thấy nói với chị như đánh bùn sang ao, Thiện quay sang nói với cháu gái:

- Cháu dì nhỉ! Cháu cứ “ba đảm đang” cất vó tép này, học bài này... Chứ đừng có chơi bán đồ hàng nhé! Bố Bình là chúa ghét người chơi bán đồ hàng đấy...

Cháu Hòa thỏ thẻ:

- Nhưng dì phải mua cho cháu ít hoa hồi cơ.

- Mua để làm gì?

- Để cháu cho lẫn vào thính. Rắc thính lẫn hoa hồi vào vó, tôm tép vào nhiều lắm, dì ạ.

Thiện ôm lấy cháu, thơm vào má nó:

- Cháu ngoan quá. Rồi dì mua cho cháu...

***

Bọn bành trướng Bắc Kinh đang lu loa cái chuyện “nạn kiều” mà chính chúng là thủ phạm. Người Hoa ở Hải Phòng xô nhau bán đồ đạc để tìm đường về với “Tổ quốc Trung Hoa vĩ đại” theo lời đường mật của kẻ xấu. Lương vội xuống Hải Phòng mua tớp được mấy thứ đồ dùng đã cũ. Nghe Lương kể chuyện, Thiện khuyên chị:

- Chị phải liệu đấy, chứ em nghe trên phổ biến, bọn xấu hay gây chuyện rắc rối lắm. Thằng thầy nó ở Bắc Kinh xui nó làm thế, đục nước béo cò mà lại!

Lương hám cái lợi nhỏ trước mắt nên không nghe. Và rồi chính Lương đã hiểu. Hôm ấy, trên chuyến tàu ngược Lạng Sơn, đám người Hoa cứ nằm chềnh hềnh ngổn ngang chiếm cả mấy toa tàu. Họ vè vè mắt nhìn đồng bào ta. Họ luôn mồm xí xố nói chuyện riêng với nhau nét mặt đầy vẻ khiêu khích. Ở các toa khác, bà con mình thì ngồi chật như nêm. Chả ai dám len chân vào chỗ họ, dù ở đó còn rất rộng. Lương bị lèn chặt vào buồng xí, sát với mấy tay chỉ muốn kiếm cớ gây gổ. Ngột ngạt, căng thẳng quá. Như quả bóng căng sắp xì hơi. Và quả bóng xì hơi thật. Một giọng lơ lớ thét lên đầy vẻ kích động:

- Pon pây chởi láu à? Ung tánh cho pỏ mẹ chớ chởi à?

Thế là một loạt tên cầm gậy gộc nhao nhao lên:

- Tánh pỏ mẹ nó đi à?

- Tả! Tả…

Cuộc ẩu đã xảy ra nhanh như chớp. Tiếng kêu, tiếng khóc ầm ĩ. Tàu phải dừng lại đột ngột, toa nọ dồn toa kia loảng xoảng, tưởng đến đổ cả đoàn tàu. Nếu không có cảnh sát đường sắt và nhân viên trên tàu thì hôm ấy có lẽ đã xảy ra án mạng.

Trong số những người bị thương, có Lương. Lương bị phang một đòn gánh vào lưng và mất hết cả vốn lẫn lãi. Một bà ở xóm chân cầu trước đây đã dắt Lương đi phe, phải tự tay dìu Lương trở về quê nhà. Lương nằm xó giường, khóc rấm rứt. Đòn gánh không vắt vai thì làm gì ra tiền. Lại phải lo thuốc men chạy chữa cho mình và trăm thứ bà rằn khác trong gia đình. Rồi thì sốt ruột lên vì cái bồ thóc vơi dần. Giá cả ngoài thị trường thì lên vùn vụt. Lương đã khóc vì hối hận.

Thiện như chờ đợi những giọt nước mắt ấy của chị mình. Cô ngày đêm chăm sóc chị. Thiện xin được của đồng chí xã đội trưởng một ít mật gấu tẩm trên giấy bản về bóp cho chị. Rồi Thiện gánh về một gánh thóc, đặt giữa nhà:

- Em trình bày rõ hoàn cảnh của chị. Ban quản trị quyết định miễn không phạt chị nữa, nay tiếp tục điền hòa đủ cho nhà mình. (Thiện hạ thấp giọng). Chỉ phải cái là giá cao hơn giá chỉ đạo cho nó đúng với hướng dẫn của trên. Nhà mình đã vậy, còn mấy con phe đằng xóm chân cầu nữa chứ...

Vừa nói, Thiện vừa nhẹ nhàng xoa bóp chỗ đau cho chị. Vết thương dịu hẳn đi. Tự nhiên, nước mắt Lương giàn giụa. Chỗ đau ngoài da thịt có khi không bằng vết đau sâu kín khía tận trong lòng.

Lương đã quyết định rồi. Thua keo này thì bày keo khác. Có điều, keo khác này bắt đầu không phải bằng quang gánh mà từ đàn lợn, đàn gà, là những ngày bám lấy đồng ruộng. Lương quay hẳn về làm công điểm với bà con làng Nhân.

Rồi làng Nhân lại sống trong cái sôi động chung của cả đất nước. Thằng Tàu giở mặt phản phúc. Chúng xúi giục lũ tay chân đánh ta ở phía Tây Nam. Rồi chúng ào ạt đánh khắp biên giới phía Bắc. Biết bao người thân của làng Nhân lại cầm súng vào trận mới. Tiền tuyến ngày ngày lại giục giã hậu phương. Cái Hòa, thằng Thắng và lớp trẻ trong làng đã có thêm những bài hát mới: “Tiếng súng đã vang trên trời biên giới giục toàn dân ta vào trận chiến đấu mới”. Đơn vị của cô Thiện thì buổi sinh hoạt nào cũng hát những ca khúc mới. Hết “Hãy cho tôi lên đường” lại “Đã đến giờ lên đường con ra đi mẹ nhé”. Những bài hát sôi sục sức trẻ.

Như phản xạ có điều kiện, nghe tiếng súng, Lương lại da diết thương chồng. Lâu nay, Bình không về được. Mặc dù bị thua đau, bọn bành trướng bá quyền ở bên kia biên giới vẫn hàng ngày hàng giờ có hành động lấn chiếm, gây tội ác đối với đồng bào ta. Đơn vị của Bình đang bám trụ ở những trận địa “Vườn Cam” mới, nơi ngày ngày giáp mặt với quân thù.

Vụ lúa khoán sản phẩm năm nay làm cho làng Nhân náo nức lạ thường. Đồng ruộng như dài rộng hơn, dày dặn hơn. Lúa ken nhau, hạt nào hạt nấy như quả ruối. Từ ngày cấy đến suốt thời kỳ chăm bón, không một gia đình nào chịu để lúa mất khoảng, mất khóm. Người ta bảo: ruộng đã khoán, đến con trâu đi ăn cỏ cũng tinh, nó biết lia lưỡi ngoạm đúng cây cỏ dại mà tránh dảnh lúa mọc gần bờ vạ.

Cuộc chiến đấu chống kẻ thù nguy hiểm phương Bắc và nếp lao động mới vì khoán sản phẩm đã khơi dậy những sức bật tiềm tàng của làng Nhân. Trời chưa hửng sáng, cả làng đã thức giấc. Đến tối, màn đêm đã buông kín, nhà nhà vẫn chưa chịu đi nằm. Chị em Lương nhận gần một mẫu ruộng. Khác với các vụ trước, vụ này thóc gặt về ngồn ngộn gầm giường, nền nhà, trên hiên. Hễ nắng hoe lên là ai nấy tranh thủ tãi ra phơi. Động lất phất mưa là “toàn gia vi binh”, chung tay vén gọn che đậy, không để thóc ướt. Mọi người đều có chung một ý nghĩ: nhờ có khoán mà bội thu thì càng biết ơn chính sách của Đảng, càng phải nghĩ đến người ở biên giới. Trong những ngày Thiện đi dự hội thao ở huyện thì Lương đích thân chở thóc tốt nộp cho hợp tác xã làm nghĩa vụ với trên. Dáng Lương lao động trông khỏe khoắn hẳn. Càng khỏe, Lương càng phấn chấn. Càng bề bộn, Lương càng tỏ ra đảm đang xốc vác.

Vào một buổi sớm, chiếc xe chở khách Hải Phòng lên chuyến đầu tiên vừa dừng bánh ở chân cầu thì có hai người bước xuống đi vào làng Nhân. Một chiến sĩ và một cô gái. Họ đi thẳng vào lối nhà Lương.

Cái Hòa nhận ra trước tiên:

- Chú Phương! Mẹ ơi, chú Phương về!

Thiện bế thằng Thắng, tong tả ra đón khách:

- Đấy nhé, chú Phương ở đơn vị bố Bình mang quà về cho cháu dì đây rồi nhé!

Đúng. Anh chiến sĩ đó là Phương ở đơn vị của Bình. Cô gái kia là vợ mới cưới của Phương. Họ đến đột ngột quá. Giữa lúc em và các con tíu tít vui mừng đón Phương thì Lương cảm thấy luống cuống. Chị như thấy có cả anh Bình thân yêu của chị cũng từ biên giới trở về thăm chị. Phương kể:

- Thủ trưởng Bình rất thông cảm, cho em về tổ chức cưới và nghỉ mười ngày. Nhưng tình hình trên ấy căng lắm. Em ở nhà không yên tâm. Chúng em đăng ký ở ủy ban xã sáng hôm kia. Hôm nay gia đình cho cô ấy đưa em lên thăm đơn vị. Lên sớm thế này là anh Bình phê cho đấy. Nhưng phê thì phê...

Anh chiến sĩ trẻ măng, có khuôn mặt trái xoan, mắt tròn đen, mũi hơi hếch có vẻ hay chuyện. Lương bỗng lây cái vui của Phương. Lương nói một cách tự nhiên:

- Anh Bình cho chú nghỉ thì chú cứ nghỉ, việc gì cô chú phải lên sớm. Hồi “thủ trưởng” của chú cưới vợ cũng nghỉ đẫy mười ngày phép chứ có không đâu...

Nói đến đây, Lương chợt dừng lại. Chị thoáng một kỷ niệm cũ mà có lẽ suốt đời không thể nào quên. Còn Phương vẫn vô tình nói tiếp ý nghĩ của mình:

- Chắc thời trước, anh Bình em được mọi người thương mến, nên giờ là thủ trưởng, anh lại rất tâm lý, thường săn sóc đến đồng đội. Chị ạ chính vì thế nên em không nỡ…

Câu nói chân thành của Phương làm cho Lương đau nhói trong tim. Trong óc chị thoáng hiện lên hình ảnh anh Vượng nằm trên giường nệm trắng ở quân y viện. Lương cố nén một tiếng thở dài kín đáo. Trong khi đó, Thiện dồn dập hỏi Phương về đủ mọi thứ chuyện của ông anh rể: anh Bình có khỏe không? Anh Bình có “hắc xì dầu” với lính không? Anh Bình có hay hắt xì hơi vì vợ réo không? Vân vân và vân vân...

- Ở trên chốt cao (Phương thật thà kể), mình với nó gần như sát sạt, như là có thể dùng lưỡi lê choảng nhau được ấy. Chúng đểu cáng, cứ bắn đùm đùm sang bên mình luôn. Nhưng bọn Tàu toàn bắn phí đạn thôi. Thủ trường Bình bảo chúng em: “Nó bắn chưa chắc đã trúng. Nhưng mình mà đã nẩy cò trừng trị chúng thì dứt khoát là một viên đạn phải xiên tới hai ba thằng đấy nhé!”.

Lúc này, cô vợ Phương đã lôi trong túi ra các thứ quà của Bình gửi về. Chai mật ong rừng phần bé Thắng này. Gói hoa hồi này… Nghe nói đến hoa hồi, cả Thiện và cháu Hòa cùng reo lên:

- A! Hoa hồi đây rồi!

Họ xúm lại cầm từng cánh hoa đặt lên lòng bàn tay mà ngó. Cháu Hòa hỏi:

- Chú Phương ơi, hoa hồi này có phải mua không chú?

- Không... À, không phải mua bằng tiền, nhưng đã phải trả bằng máu...

Có lẽ nhận ra câu nói của mình hơi văn hoa, Phương giảng giải cụ thể:

- Bố cháu và các chú phải bám sát gốc hồi mà chiến đấu bảo vệ từng cây hồi đấy. Bọn Trung Quốc thâm lắm. Nó bỏ tiền ra thuê người tham đào rễ hồi bán cho nó. Thế tức là nó triệt rừng hồi quý giá của mình. Rồi nó bắn pháo sang phá rừng hồi...

Phương móc ở túi ngực ra một gói nhỏ, đặt vào lòng bàn tay chị Lương:

- Mật gấu chị ạ. Anh dặn chị giữ cẩn thận để dùng...

Nét mặt Lương chợt đỏ dậy lên. Chị cúi xuống như người chóng mặt, tay vòng ôm thằng Thắng chặt vào lòng. Vô tình bàn tay con chị lại vỗ vỗ vào vết đau cũ ở lưng. May mà vợ chồng chú Phương, Thiện và con chị còn túm tụm vào xem quà, không ai nhận ra sự thay đổi trên nét mặt chị.

- Đây là cái nón anh Bình bảo giữ cẩn thận đưa tận tay cô Thiện. Đây là nón của một chiến sĩ đi dự Đại hội dũng sĩ thắng quân bành trướng mua ở đất tổ Hùng Vương về tặng thủ trưởng. Nhận nón, thủ trưởng cười bảo: “Để tao làm mối cho cô em vợ tao xinh xắn, nết na nhât làng Nhân”.

Bây giờ thì đến lượt Thiện đỏ mặt ai cũng nhìn thấy:

- Cái nhà anh nỡm ấy! Ai nhờ anh ấy mối mai…

Mấy dì cháu cười nắc nẻ.

***

Trưa đó, cả nhà tiễn vợ chồng Phương ra đón ô tô ở chân cầu để kịp giờ chuyến tàu ngược Lạng Sơn.

Tiễn khách đi rồi, căn nhà vơi hẳn đi. Hình như một phần tiếng cười, tiếng nói của nhà này đã theo người lên với chốt trực chiến, với trận địa nóng bỏng đạn bom ở trên ấy. Lòng Lương bồi hồi xao xuyến. Sao bây giờ chị lại hình dung ra anh rõ như thế, như anh đang ờ trong nhà này, như hơi thở của anh đang phả vào bên tai chị nóng hôi hổi. Trong chị bỗng rộn lên lòng thương yêu anh đằm thắm. Càng nghĩ đến anh, chị càng vồ vập con, vỗ về con. Tối tối, chị giúp con gội đầu, chải tóc, rửa chân tay, thay quần áo. Con gái cất vó tép về, chị đón lấy vó đem căng ra phơi cho con. Tự nhiên Lương ít nói đi. Lương hiền dịu hẳn đi.

Sản xuất vụ mùa đang gặp những khó khăn lớn. Hạn khá nặng, trạm bơm điện thì phập phù. Ao chuông ngoài đồng có lúc vơi cả nước. Giá như mọi ngày thì Lương đã gắt rối rít tít mù lên rồi. Nhưng nay, người phụ nữ ấy biết nén lại. Chị như lấy lại được một sức chịu đựng mới, đầy tự tin. Chị lặng lẽ lo mọi thứ cho con, cho em gái. Đêm đêm, khi Thiện đi họp hành về muộn, Lương phần em bát canh ngọt, quả chuối trứng quốc, chuẩn bị sẵn giường màn cho em. Xong xuôi mọi việc, Lương mới vào giường mình ôm con vào lòng.

Cho đến đêm ấy, đang nằm, Lương ngồi bật dậy. Thằng Thắng bị hẫng khỏi ngực mẹ, choàng giật mình. Chiếc loa truyền thanh treo trên tường đang truyền đi bản tin chính thức về đòn trừng phạt mới của quân dân ta đối với hành động xâm lược của bọn Trung Quốc. Giọng đồng chí phát thanh viên vừa dõng dạc, vừa xúc động!

“Mời các bạn nghe chúng tôi đọc bài “Sấm sét trên điểm cao 400” ghi nhanh của phóng viên báo Nhân Dân tại Lạng Sơn, đăng trên trang nhất báo Nhân Dân số ra ngày hôm nay...”

Đầu tiên, bài báo giới thiệu điểm cao 400. Đấy là một nơi xa lạ trên biên giới phía Bắc mà Lương không thể hình dung ra được. Lương chỉ nghĩ đơn giản: Biết đâu nơi đó là trận địa của Bình. Đã thành thói quen, cứ nghe tin chiến sự ở biên giới là Lương chú ý lắng nghe...

Đêm... bọn Trung Quốc xâm lược vô cớ tấn công xâm chiếm quả đồi và suốt mười ngày sau đó, chúng liên tiếp bắn đủ các loại đạn pháo vào hầu hết các xã thuộc vùng biên giới này. Cứ mỗi ki-lô-mét vuông trên vùng này phải chịu hơn bảy trăm quả pháo. Nhiều người dân vô tội, phần lớn là đàn bà, trẻ em, bị chết và bị thương...

Những hình ảnh tàn bạo của bọn Mỹ hồi 1967, hồi 1972 ở vùng chung quanh cầu Phú Lương và ở ngay trong làng Nhân lại hiện ra trong óc Lương. Giọng đồng chí phát thanh viên bỗng cất cao hẳn lên:

“Căm thù bọn phản động Trung Quốc, cán bộ chiến sĩ trung đoàn Y và các đơn vị phối thuộc phối hợp với nhân dân địa phương quyết trừng trị đích đáng bọn địch. Nhiều chiến sĩ đã có quyết định xuất ngũ, có đồng chí đã cầm giấy nghỉ phép, giấy đi viện trong tay cũng tha thiết xin đơn vị cho được ở lại chiến đấu...”.

Trận đánh căm thù của quân dân ta được nhà báo tả lại khá tỉ mỉ. Quân ta đã chiến đấu dũng cảm, loại khỏi vòng chiến đấu gần bốn tiểu đoàn của trung đoàn 23, sư đoàn 3 bộ đội biên phòng Quảng Tây của địch. Lương nghe tin mà xúc động đến chảy nước mắt. Nhưng đã từng cầm súng chiến đấu quanh các ụ pháo quanh cầu Phú Lương, Lương hiểu lắm. Lập nên các chiến công ấy, tất phải có những mất mát hy sinh. Điều ấy làm Lương phân vân, thấp thỏm...

“Trong suốt mấy ngày chiến đấu giành giật với quân xâm lược từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, đã xuất hiện biết bao gương dũng cảm, anh hùng, làm xúc động lòng người. Đó là cán bộ, chiến sĩ phân đội cối 160 liên tục chiến đấu suốt ngày đêm, chịu đựng gần một nghìn quả pháo của địch, vẫn trụ bám trận địa, chiến sĩ bị thương không chịu rời trận địa. Phân đội phó Nguyễn Thanh Bình, chiến sĩ lái xe tăng Lưu Đình Phú, pháo thủ Lê Bá Tiên diệt hơn bảy hỏa điểm địch. Tiểu đội trưởng Phương có vợ lên thăm, đơn vị cho nghỉ, nhưng cả hai vợ chồng lên gặp chỉ huy xin được chiến đấu, lúc bị thương nặng, anh vẫn kiên cường cùng tiểu đội chiến đấu...”.

Đến những câu vừa nghe, Lương kêu lên:

- Trời ơi! Đúng là anh Bình rồi! Đúng là vợ chồng chú Phương! Chú Phương bị thương nặng...

Mới hôm vừa đây, chú Phương có đôi mắt tròn đen, cái mũi hếch hay chuyện còn ở chân cầu Phú Lương, vẫy tay chào chị. Thế mà... Tiếng khóc của Lương bật lên nức nở.

Thấy mẹ khóc, cái Hòa, thằng Thắng tỉnh dậy cũng khóc theo. Chị Lương xiết chặt con vào lòng mình. Cái túi nhỏ của con cồm cộm ở mé trong cùi tay chị. Chị thò tay mình vào móc ra. Thì ra, đó là nắm hoa hồi. Hoa hồi Lạng Sơn. Hoa hồi ở chỗ anh Bình, chú Phương. Hương hồi thoang thoảng pha loãng cả mấy gian nhà.

Đêm ấy, chị em Lương và Thiện như đều mất ngủ, nhưng không ai tỏ ra là mình đã thức.

Mờ sáng, Thiện còn nằm trên giường, đã thấy chị rón rén trở dậy. Chị lấy cái gàu, buộc lại đôi ròng rọc. Vẻ mặt chị hơi lạnh nhưng kiên nghị. Bước đi của chị cố cho nhẹ nhàng nhưng chắc chắn. Hình như nỗi xúc động đã được nén vào trong cái thân hình tròn lẳn của chị. Thiện chợt nhận rõ một điều gì mà bấy lâu, có lúc cô còn mơ hồ: Đâu phải chị cô là người chỉ biết thu vén riêng cho mình. Tiếng súng ở nơi biên cương đã vọng về, dội trong tâm hồn cao đẹp của chị.

Thiện trở dậy chải đầu, rồi xách súng ra cửa, đi theo chị. 
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Tác giả, tác phẩm: “Họa sĩ Chu Đức Tiến hành trình 60 năm vẽ tranh biếm họa” (04/10/2023)
Trung thu tuổi thơ tôi(03/10/2023)
Giăng mắc thu(03/10/2023)
Truyện ngắn "Bức tranh khắc gỗ" của tác giả Đinh Ngọc Hùng(03/10/2023)
Thu về(02/10/2023)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na