Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Tác giả, tác phẩm: “Họa sĩ Chu Đức Tiến hành trình 60 năm vẽ tranh biếm họa”
04/10/2023 12:00:00

Tác giả: Nguyễn Tiến Quân

Họa sĩ Chu Đức Tiến sinh năm 1947 tại Hải Dương. Ông công tác tại Ủy ban Dân số Kế hoạch hóa Gia đình tỉnh Hải Dương. Không học về Mỹ thuật, nhưng với niềm đam mê, ông đã tự học và cơ duyên đã đưa ông đến với loại hình tranh biếm họa. Bức tranh biếm họa đầu tiên của họa sĩ Chu Đức Tiến được in trên Báo Thiếu niên Tiền Phong năm 1963 là động lực để họa sĩ dấn thân vào Mỹ thuật. Họa sĩ Chu Đức Tiến được kết nạp hội viên Hội VHNT tỉnh Hải Hưng (nay là Hải Dương) năm 1989, rồi được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1996.
 

Chân dung Họa sĩ Chu Đức Tiến 

 
Từ bức tranh biếm họa đầu tiên in trên Báo Thiếu niên tiền phong năm 1963 gây được nhiều ấn tượng cho người xem, đã thôi thúc họa sĩ vẽ rất nhiều tranh biếm họa và được in trên khoảng 40 tờ báo như: Thiếu niên tiền phong, Nhân dân, Đại đoàn kết, Quân đội nhân dân, Văn nghệ, Hoa học trò, Văn nghệ Hải Dương... Họa sĩ Chu Đức Tiến quan sát tỉ mỉ cuộc sống xung quanh đang diễn ra để đưa qua lăng kính biếm họa của mình mang đến cho người xem những bài học đắt giá sau tiếng cười châm biếm sâu sắc về những thói hư tật xấu của con người trong xã hội. Với nhiều mảng đề tài bám sát cuộc sống xã hội, ở mảng nào họa sĩ cũng mang đến tiếng cười dí dỏm cho người xem.
Trải qua 60 năm vẽ tranh biếm họa, họa sĩ Chu Đức Tiến nhớ lại những năm tháng đầu tiên cầm bút vẽ với bao cảm xúc. Các tranh biếm họa đã xuất hiện đều đặn trên các báo, tạp chí vào những năm 70 của thế kỷ trước, người xem bắt đầu nhớ và đợi để xem tranh biếm họa của Chu Đức Tiến. Tiêu biểu là những bức tranh đả kích giặc lái Mỹ và tay sai với những thất bại trên khắp chiến trường hai miền Nam Bắc. Họa sĩ Chu Đức Tiến bám sát tính thời sự với cách nghĩ cách nhìn hài ước, dí dỏm, nhẹ nhàng nhưng sâu cay thể hiện rõ bản chất của vấn đề.
 
 

Những tranh biếm họa của họa sĩ Chu Đức Tiến luôn đem lại tiếng cười sảng khoái như: “Gián điệp báo cáo: - Thưa hai ngài, con đã lấy được của “Việt cộng” cái này ạ”. Gián điệp đã lấy được một cái bàn chông vẫn còn dính bàn chân của lính Mỹ đi chiếc giầy bị chông cắm, đó là sự thất bại của lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. “Chỉ huy Mỹ (động viên tay sai): - Các con cứ ra miền Bắc phá hoại lần này nữa rồi ta sẽ cho… về nước”. Với sự hài hước của mình, họa sĩ Chu Đức Tiến đã vẽ tên chỉ huy nói với tay sai của mình đi phá hoại miền Bắc nhưng cho tay sai của mình “về nước” là cho xuống biển để chết đuối. Đất nước hòa bình thống nhất, từ sau năm 1975, tranh của họa sĩ Chu Đức Tiến luôn bám sát, phản ánh chung ở mỗi giai đoạn như: chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực. Tác phẩm “Ung thư xin đừng tuyệt vọng” vẽ bàn tay bác sĩ nhưng có chữ pháp luật thực hiện ca phẫu thuật để lấy những chiếc phong bì trong bụng của bệnh nhân tham nhũng. “Phê bình góp ý sếp, - ai có ý kiến phê bình tớ xin cứ mạnh dạn giơ tay”, đứng trên là sếp rất thẳng thắn đề nghị cấp dưới góp ý kiến phê bình, nhưng phía dưới là các nhân viên ngồi nghế và hai tay bị trói vào cột phía sau. Sự phê phán được gói trong tiếng cười sâu sắc. Không thể kể hết được những cách mà họa sĩ Chu Đức Tiến thể hiện trong tranh biếm họa của mình, vì mỗi nội dung tranh là một sự hóm hỉnh, hài hước. Như nhận xét của họa sĩ Phan Kế An “Được xem biếm họa của Chu Đức Tiến là một luồng gió mát, một liều thuốc bổ, một nguồn vui cho cuộc sống. Chu Đức Tiến đã tiếp sức, đã đem lại sức mạnh để yêu đời hơn. Anh giúp cho người xem tranh của anh có thái độ dứt khoát về yêu và ghét, nhưng cuối cùng là để yêu đời hơn”.

 
 
 

Không chỉ vẽ tranh biếm họa, họa sĩ Chu Đức Tiến còn sáng tác tranh ở nhiều thể loại và đạt được nhiều giải thưởng. Tác phẩm “Đền thờ Lê Lợi” bột màu, triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2010. Năm 1986 đoạt giải Ba tranh biếm họa toàn quốc về đề tài Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Năm 2000 đoạt giải Ba tranh cổ động toàn quốc về đề tài bảo vệ môi trường. Ba lần đoạt giải thưởng VHNT Côn Sơn. Đoạt hai giải C Giải thưởng VHNT Côn Sơn lần thứ IV (1996-2000) và lần thứ VII (2011-2015) và giải Khuyến khích Giải thưởng VHNT Côn Sơn lần thứ VI (2006- 2010). Trong suốt 60 năm sáng tác, họa sĩ Chu Đức Tiến đã có hàng ngàn tranh biếm họa được in trên các báo và tạp chí. Năm 2008 họa sĩ Chu Đức Tiến đã tổ chức triển lãm 45 năm tranh biếm họa tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Năm 2013 tổ chức triển lãm 50 năm tranh biếm họa tại Nhà triển lãm tỉnh Hải Dương. Có lẽ họa sĩ Chu Đức Tiến thuộc số ít những họa sĩ bền bỉ vẽ tranh biếm họa trong làng Mỹ thuật Việt Nam. Xin được mượn lời nhận xét của họa sĩ Lý Trực Dũng để kết thúc bài viết: “Vướng vào cái nghiệp thăng trầm Biếm họa nhưng họa sĩ Chu Đức Tiến vẫn lạc quan chế tranh đều đều đem được niềm vui, tiếng cười cho người xem. Cảm ơn lao động bền bỉ của họa sĩ cho Biếm họa nước nhà”.


 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Trung thu tuổi thơ tôi(03/10/2023)
Giăng mắc thu(03/10/2023)
Truyện ngắn "Bức tranh khắc gỗ" của tác giả Đinh Ngọc Hùng(03/10/2023)
Thu về(02/10/2023)
Từ cảng Nhà Rồng tới hang Pắc Bó(02/10/2023)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na