Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Chuyện làng văn nghệ: "Chuyện nhà lão Khoa" của tác giả Cảnh Thụy
27/03/2024 03:13:32

Mình hay gọi Trần Đăng Khoa bằng cái tên thân mật là “Lão Khoa”. Hôm trước, bác Trần Nhuận Minh (anh Trần Đăng Khoa) nhắn: Đài truyền hình Quảng Ninh về quê làm phim tư liệu ở nhà anh, mai chú sang nhé! Mình sướng, và vui vẻ OK! Chả biết tiếp khách là gì, chỉ biết lại được tụ bạ với anh em, chiến hữu và… uống rượu là đi ngay!

Đến nơi mới hay, anh em nhà Trần Nhuận Minh - Trần Đăng Khoa đang lập cái “bảo tàng tư gia”. Họ dành hẳn một khu đất bố mẹ để lại làm “bảo tàng”. Trên nền đất cũ, dựng lại ngôi nhà như xưa ở phía bên trái đất thổ cư; chỉ khác là, thay tường đất mái rạ bằng tường xây, mái ngói cho an toàn. Phía bên phải, xây thêm một ngôi nhà kiểu hiện đại, khang trang, làm chỗ ở cho mỗi khi anh em có việc về quê tá túc và tiếp khách. Còn lại, dành cả một khoảng không rộng lớn cho “góc sân và khoảng trời”.

Thật kinh ngạc cho trí nhớ và tính chu đáo của bác Trần Nhuận Minh. Bác cứ sang sảng, thuyết minh lai lịch từng hiện vật và kể những những câu chuyện liên quan đến mỗi thứ được trưng bày trong bốn gian nhà đơn sơ. Chỗ này là không gian riêng, lưu giữ những kỷ vật của bố mẹ. Chỗ này là không gian trưng bày hiện vật của chú Khoa. Còn chỗ này là “của tớ”! Không gian trưng bày của hai vị “lão nông tri điền” phong phú chẳng kém ai: cái giường cổ, bộ bàn ghế cũ, cái võng đay đã sờn, cái chạn bát, cái mâm đồng cùng nồi niêu, xoong, chảo. Ngoài ra còn “trăm thứ bà dằn”: cối đá, cối xay; đòn gánh, quang chành; chum mẻ, vại hàn; cơi trầu, cối giã, điếu cày, quạt mo... Nhiều cái có “giá trị lịch sử” chẳng kém “bảo tàng quốc gia”, như cái chum mẻ gắn xi măng được “cách mạng” chia quả thực từ thời Cải cách ruộng đất, đánh địa chủ! Không gian trưng bày của Trần Nhuận Minh, Trần Đăng Khoa thì đương nhiên chủ yếu là sách, báo, tranh ảnh và những vật dụng liên quan đến việc học hành, viết lách rồi! Nào là bản nháp một bài thơ; tờ báo đăng bài thơ đầu tiên; thư từ của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước gửi Trần Nhuận Minh, Trần Đăng Khoa; bút tích của lãnh đạo, các nhà văn, nhà thơ ghi trên sách, báo in thơ của Trần Đăng Khoa. Còn lại thì cơ man là ấn phẩm về thơ văn của anh em nhà họ Trần: từ sách in trong nước- trong đó có những tập thơ được tái bản đến mấy chục lần; thơ được dịch ra các thứ tiếng khác nhau (Pháp, Anh, Trung, Nhật...); sách, báo của các nhà nghiên cứu, phê bình viết về thơ Trần Nhuận Minh và thơ Trần Đăng Khoa.

Bác Minh là người thu gom, nhặt nhạnh những kỉ vật không chỉ của mình mà cả của “chú Khoa” từ bé; rồi chú giải cho Khoa từng hiện vật cỏn con một! Theo bác Minh thì nhiều cái chính “chú Khoa cũng không còn nhớ”. Cứ như bác nói thì “chú thật đoảng và vô tích sự”, không có anh thì những thứ này chú vứt đi từ lâu rồi! “Lão Khoa” chỉ tủm tỉm cười, nghe thuyết minh, thỉnh thoảng lại đế một câu: “Công nhận! Công nhận! Bác quá chu đáo! Em phục bác!”. Mình chăm chú nghe. Nghe để thưởng thức cái sự thăng hoa, hào hứng của bác Minh. Nghe để trải nghiệm một quá khứ xa xăm đang hiện về...

Bác Minh có trí nhớ tuyệt vời. Nói thì như một “hướng dẫn viên bảo tàng” thuần thục, đầy cảm hứng và thăng hoa! Từ ngôi nhà anh em Trần Nhuận Minh- Trần Đăng Khoa sang nhà thờ Tổ họ Trần cách chỉ một bức tường. Bên kia là quá vãng vàng son một thời...

Nhà thờ họ Trần ở Điền Trì (Nam Sách) không chỉ là nơi thờ tự, mà còn là một di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng cấp Quốc gia. Di tích này gắn với thân thế và sự nghiệp của ba vị tiến sĩ họ Trần thời Lê triều: Cụ Trần Thọ (đỗ tiến sĩ năm 1670); con là Trần Cảnh (đỗ tiến sĩ năm 1718) và cháu là Trần Tiến (đỗ tiến sĩ năm 1748). Trần Qúy (còn gọi là Trần Trợ) là hàng chắt, tuy chỉ thi qua tứ trường, chưa vào hàng tiến sĩ, nhưng cũng được giao làm trợ giáo cho Thái tử ở Quốc tử giám. Các cụ nhà Trần Nhuận Minh, Trần Đăng Khoa không chỉ là những nhà khoa bảng, quan triều Hậu Lê, mà còn là những tác gia văn xuôi có tiếng, mà lịch sử văn học trung đại Việt Nam không thể không nhắc đến. Cụ Trần Thọ từng đi sứ sang Trung Hoa. Cụ Trần Cảnh giỏi văn chương, đồng thời là một vị tướng cầm quân có tài, mưu lược và binh pháp giỏi, “văn võ song toàn”. Cụ từng viết tờ khải dâng vua Lê bàn kế sách về “binh chế” theo cách “ngụ binh ư nông”, “tàng binh”, “dưỡng binh” để khi có giặc đến thì biên chế thành quân đội. Cụ từng cầm quân đi dẹp loạn, đánh cướp, gần hai trăm trận mà sinh mệnh vẫn bảo toàn. Là bậc đại khoa, nhưng cụ từng đứng đầu cả bốn bộ Binh, bộ Hình và làm cả “khuyến nông”, viết “minh nông chiêm phả”. Khi đã về hưu rồi, vua vẫn phải cần đến, vời lên kinh, giao việc trọng và thăng chức. Các cụ Trần Tiến, Trần Trợ thì ngoài sự nghiệp quan trường còn có nhiều trước tác văn chương.

Trong liên tưởng của mình, anh em nhà Trần Nhuận Minh- Trần Đăng Khoa có nét giống hệt các cụ 7- 8 đời về trước. Lần giở sách các cụ Trần Tiến, Trần Trợ viết sẽ nhận ra điều này.

Qua “Niên phả lục”, ta thấy cách ghi gia phả trong gia đình họ Trần có ba đời tiến sĩ này rất đặc biệt, trong thực tế, hiếm thấy. Thông thường, một cuốn gia phả của dòng họ được ghi theo phả hệ, mỗi cụ đều chỉ ghi ngày sinh, sự nghiệp (nếu có) và ngày giỗ. Tóm lại, là rất công thức và sơ lược. Nhưng với các vị họ Trần, gia phả là cuốn biên niên về một người đã khuất. Đơn cử như cụ Trần Tiến có trang ghi về cha mình như thế này: “Năm Đinh Dậu, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13: Ngài 35 tuổi. Mùa xuân, tháng 3, thi Hội, ngài thi đỗ, tên đứng thứ 7. Khi vào thi Đình, bài đáng đỗ bảng chính nhưng vì thất khoản, không hợp cách thức, nên vẫn giữ nguyên như cũ (đứng thứ 7). Trong một trang khác lại viết: “Tháng 8, mồng 7: Ngài vinh quy về làng. Vừa đúng ngày giỗ của quan Tả Hộ công. Nửa đêm, ngài lễ cáo tiên tổ về việc đã đỗ. Sáng sớm khởi hành. Bấy giờ thiên hạ thái bình, người và vật đều thịnh vượng... mọi người đua nhau ăn mặc, trang hoàng để xem quan tân khoa vinh quy... Đến ngày từ sông Hoàng Kinh vào bản xã, hai bên đường, người đứng như nêm”.Tương tự, đến lượt cụ Trần Trợ ghi phả về cha mình là Trần Tiến cũng theo cách như vậy: “Tháng 3, năm Canh Dần- 1770, ông từ kinh đô trở về, đốc thúc lợp ngói nhà từ đường, đồng thời bốn mặt xây tường bao bọc. Rồi lại xem khắp địa hình của bản huyện (Nam Sách), lập từ chỉ (nơi thờ) cho các bậc tiên hiền đỗ đạt, vì chùa Quất Lâm, Tông Xá là giảng đường cũ của cụ Mạc Đĩnh Chi người Lũng Động. Vả chăng, núi sông tươi đẹp, triều đối tôn nghiêm có thể là nơi thần ở, nên lấy hết gạch cũ ở chợ Tạ Xá để xây đền thờ mới này, làm nơi vĩnh viễn cho bản huyện tứ thờ cúng”. Lo xong việc lớn cho gia tộc, quê hương, cụ Trần Tiến ngã bệnh mất. Con trai là Trần Trợ viết “Ngài mất ngày 7 tháng 5, giờ Mão... Bấy giờ, những bậc tôn quý, họ hàng, ân nghĩa phần nhiều đều đến điếu và giúp việc tang. Có những vị như: Nhữ thượng thư, người Hoạch Trạch; Lê bảng nhãn, người Diên Hà (tức Lê Qúy Đôn); Tả tư giảng, người Tiên Điền (tức Nguyễn Khản); Lưu thủ Lạng Sơn- Lê tướng công, cùng các vị ở nha, đài không kể xiết... ra sức giúp đỡ cho việc tang chu toàn”. Không thể kể hết ra đây những câu chuyện tương tự cùng các chi tiết thú vị trong “Niên phả lục”.

Cái mà gọi là “giống nhau” và có sự kế thừa giữa anh em Trần Nhuận Minh với các cụ tiên tổ được nhắc đến ở trên là gì?

Đó là sự giữ gìn chu đáo, trân trọng và nâng niu những kỉ vật, kỉ niệm, của người thân trong gia đình. Cách mà cụ Trần Tiến và cụ Trần Trợ viết về cha mình trong phả tộc không theo một khuôn mẫu mòn sáo như người ta thường làm. Gia phả được các cụ lập thành sách, ghi theo hình thức của nhật ký, ngoài ra còn có thơ của các cụ viết và thơ của bạn bè tri kỷ họa lại. Phần lớn dung lượng cuốn “Niên phả lục” là ghi lại những câu chuyện, sự việc đã xảy ra (tức ghi sự việc thật, xảy ra theo từng ngày, tháng, năm). Cách làm đó được cụ Trần Tiến diễn giải là “nhặt những điều tích cóp lại từ trước, tham bác với những điều mắt thấy tai nghe viết thành”, với một phương châm viết là “truyền nhi bất tác”- tức kể sự thật mà không thêm bớt, bịa đặt. Nhờ đó, con cháu trong dòng tộc sau này nhớ đến các cụ không chỉ có ngày giỗ. Mà gợi nhớ tới bằng cả hình tượng văn học đầy chi tiết, sống động. Ngày nay, cuốn “Niên phả lục” của họ Trần ở Điền Trì được dịch và xuất bản còn giúp cho công chúng độc giả biết được những sự kiện lịch sử và bối cảnh xã hội diễn ra ở một thời. Đó chính là cách mà các cụ nhà Trần Nhuận Minh- Trần Đăng Khoa đã lập “bảo tàng tư gia”. Chỉ có điều, các cụ không lập bảo tàng tư gia bằng hiện vật, mà bằng chữ vậy!

“Niên phả lục” không chỉ dừng lại là một cuốn phả tộc đơn thuần. Xét về góc độ văn chương, “Niên phả lục” của các cụ Trần Tiến và Trần Trợ, cùng với “Cát xuyên tiệp bút” (Trần Tiến) và “Tục công dư tiệp ký” (Trần Trợ) chính là sự khơi nguồn dẫn đến một dòng văn xuôi sau này, với những “Vũ trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ, “Thượng kinh ký sự” của Lê Hữu Trác, hay “Bắc hành tạp lục” của Lê Quynh... đã tạo thành một dòng chảy liên tục dẫn đến sự hình thành một thể ký tự sự trong văn xuôi trung đại Việt Nam. Công lao của họ Trần với nền văn học dân tộc, thật đáng kể- nhưng đấy là một câu chuyện khác, chưa có dịp bàn ở đây!

Những gì mà anh em Trần Nhuận Minh- Trần Đăng Khoa đang làm ở “Bảo tàng tư gia”, gợi trong tôi nhiều suy nghĩ. Đó là sự nâng niu, trân trọng từng kỉ vật nhỏ, gợi nhớ một quá khứ của gia đình, quê hương. Một quốc gia có lịch sử, có bảo tàng, thì mỗi gia đình, mỗi con người tại sao chúng ta không có “đồ gia bảo” và kỉ vật để lại làm lưu niệm? Đó là giá trị truyền thống, đó là văn hóa đấy!

Trở lại câu chuyện anh em họ Trần lập “Bảo tàng tư gia”, mới thấy họ đang làm một việc rất có ý nghĩa: đó là nối nghiệp tổ tiên viết tiếp phả tộc của dòng họ mình. Chỉ có điều, ngôn ngữ để viết “phả tộc” ở đây không chỉ giới hạn trong ngôn từ, vì thi phú họ viết ra đã quá nhiều! Còn bây giờ thì họ đang làm cái việc tạm gọi là kết nối những đồ vật tưởng như vô tri vô giác: từ sách vở, giấy bút, đến nong nia, dần sàng, nồi đồng, cối đá... ghép lại thành một câu chuyện biên niên hay bản trường ca- cái đó tùy thuộc vào sự ngộ ra của mỗi người, để nối gót tổ tiên viết tiếp câu chuyện (hay là bài thơ) về bố, mẹ, anh, em mình... bằng một thứ ngôn ngữ riêng- ngôn ngữ hiện vật!

Đó chẳng phải là điều mà ít nhiều mỗi người chúng ta không muốn sao?
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Đón Giao Thừa(27/03/2024)
Ghi chú Hải Dương(27/03/2024)
Xuân mới(27/03/2024)
Viết trong cái rét cuối mùa(27/03/2024)
Trang Văn nghệ trẻ: Tản văn "Tết mười hai" của Nguyễn Hằng(27/03/2024)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na