1. Chẳng ai biết Chụ cha sinh mẹ đẻ nơi nào. Ngay cả gã cũng không biết rõ gốc gác của mình. Các bậc trưởng thượng trong làng ngang tuổi với cha Ngạc chỉ nhớ năm Pháp sang làm đường tàu hỏa, Chụ xắng xải đốc thúc nhân công gánh đá nâng đường. Trên tay gã cầm thước dây đo chỗ này, quay chỗ khác. Phải nói gã mẫn cán với công việc do kỹ sư Pháp ấn định. Nhà Ngạc gần đường tàu. Các nhân viên kỹ thuật Pháp làm đường xin lưu trú dài hạn. Họ sống ở Châu Âu quen với những tòa nhà kiến trúc tráng lệ, xa hoa. Giờ đây họ ở trong ngôi nhà vách trát đất, mái lợp tranh nhưng lại hút bồ đà. Ngạc nhiều lần chứng kiến các kỹ thuật viên mắt lim dim, run rẩy thả hồn theo khói thuốc. Mỗi lần như vậy những con thạch sùng (bích hổ) trên vách đất ngẩng đầu lên thưởng thức say mê. Chúng nghiện thuốc phiện kể từ khi có những người Pháp xa lạ đến đây. Trông những con thằn lằn phê thuốc, Ngạc rùng mình. Cùng làm việc dưới sự quản lý của người Pháp còn có Lê Hữu Chạng. Người ta quen gọi là “Đốc Ba” vì gã thứ Ba chuyên đốc công làm đường tàu hỏa. Đốc Ba cao to, da dẻ trắng trẻo, giỏi chữ Nho và còn biết nói bập bõm tiếng Pháp. Người Pháp âm mưu thuộc địa Việt Nam lâu dài. Những công trình của họ xây dựng trên xứ sở An Nam (Annamite) nhiệt đới đều vững chắc và có tính mỹ thuật cao. Hơn một lần Kỹ sư Hăngribôrimăng kiểm tra đột xuất một nhóm nhân công đổ đá trên đường tàu hỏa. Hắn lấy một chiếc khăn lông trắng tinh đem nhúng nước rồi chà xát lên đống đá, thấy chiếc khăn còn dơ, hắn lắc đầu quầy quậy, giọng lơ lớ tiếng Việt: “Cac ngai rưa đa chưa sach! Ngai Chang đau? Phai rưa đa lại cho toi!” (Các ngài rửa đá chưa sạch! Ngài Chạng đâu? Phải rửa đá lại cho tôi!). Đốc Ba bước tới: “Oui! Oui! Mercibeaucoup! Mercibeaucoup! (Vâng! Vâng! Cảm ơn nhiều! Cảm ơn nhiều!). Tay kỹ sư Pháp nhún vai, tỏ thái độ bất bình quay đi. Tháng đó lương của Đốc Ba bị trừ thẳng tay. “Dùi đánh đục đục đánh săng”. Người Pháp trừ lương Chạng thì Chạng trừ lương nhân công thế thôi. Chỉ có Chụ là bình chân như vại. Công việc của gã là đo tả luy, đo diện tích đá để trả tiền lương cho nhân công dẫu tiền lương bèo bọt, mang tính cưỡng ép, bóc lột là chính. Chưa bao giờ Chụ bị Hăngribôrimăng khiển trách vì không hoàn thành nhiệm vụ. Năm ngoái, vợ của Hăngribôrimăng sang Việt Nam thăm chồng. Tay kỹ sư mời lão Chụ dự tiệc. Không hiểu tay kỹ sư nói điều gì với cô vợ trẻ trung, xinh đẹp có mái tóc màu bạch kim quyến rũ mà cô ấy mỉm cười tươi như hoa, xông đến ôm hôn trên má Chụ chùn chụt. Chụ không thấy sướng tí nào, chỉ thấy mặt sượng trân như củ nần mắc lụt. Đôi vợ chồng người Pháp cứ vô tư uống rượu Napoleon với xúc xích từ Pháp quốc mang sang rồi hôn nhau như chỗ không người. Chưa đã cơn máu lửa, họ mở máy Cassette dìu nhau nhảy điệu Tango một ca khúc nổi tiếng của Vincent Scotto (nhạc sỹ Pháp) say đắm. Ngạc không cảm hết cái hay của nhạc ngoại nhưng cứ nghe chát! chát! chát! bùm bum! là muốn nhún nhảy theo. Mái tranh vách đất của Ngạc không chỉ ngào ngạt mùi bồ đà mà còn ngất ngây mùi nước hoa đắt tiền của người đẹp Châu Âu. Đêm ấy chiếc chõng tre cứ rung lên bần bật. Tiếng rên của người đẹp cứ xoắn vào tai Ngạc như tra tấn riết róng một người con trai đang tuổi dậy thì.
Minh họa: Nguyễn Tiến Quân
2. Sau năm 1936, Pháp xây dựng xong tuyến đường sắt cũng là lúc Đốc Ba chuyển thành “Xã Ba”. Công lao làm “cu li” cho Pháp của Chạng được “nhà nước bảo hộ” thưởng cho cái chức xã trưởng đầy quyền uy. Xã Ba khi còn làm đốc công xây dựng đường sắt đã có vợ hai. Lên chức Xã Ba, gã ngang nhiên dắt về một lượt bà Ba và bà Bốn. Bà Hai Nguyễn Thị Hằng là con gái của một tá điền không trả được món nợ thâm căn cố đế chồng chất nên phải ở đợ trừ nợ. Chạng thấy Hằng phổng phao, mơn mởn xuân tình thì cầm lòng không đặng, nhân lúc vợ vắng nhà, gã làm liều. Hằng biết mình thân cô thế cô không tránh khỏi miệng hùm hang sói nên thỏ thẻ: “Ông muốn có em thì lấy mấy tờ giấy ghi nợ của cha em ra đây!”. Chạng cười sằng sặc: “Được thôi! Được thôi! Tôi xé giấy nợ ngay trước mặt cho mình thấy tôi có thành ý với mình!”. Hằng muốn thoát nợ, thoát thân nhưng không thoát được sợi dây buộc ràng oan trái. Cô có thai với Chạng. Gạo nấu thành cơm. Bà Ba là Đào Thị Hường, gái đã có chồng. Chồng Hường làm phu đồn điền ở Tây Nguyên bị sốt rét bỏ mình. Một lần Chạng loạng choạng say trên đường về tạt vào nhà cưỡng bức Hường. Pháp luật là tao. Tao là pháp luật. Hường ngậm đắng nuốt cay. Mỗi tháng Chạng ném cho Hường một ít tiền vừa đủ sống. Bà Tư là Đinh Thị Đụt. Cái tên nghe hẫng hụt nhưng người thì xinh đẹp như nàng tiên trong truyện cổ tích. Đụt là con gái út của hương kiểm Đành. Đành muốn giữ chặt khừ cái chức hương kiểm dễ bề dọa nạt dân đen, làm tiền nên đưa con gái làm vật tế thần. Còn con gái gã muốn làm bà xã Ba suốt đời sống trong nhung lụa. Ở đời mọi tính toán đều có sự sây siển. Bà Hai, bà Ba thì bà Cả không nghen tuông. Một người là con hầu phụ bà Cả gánh bớt chuyện gió trăng quá mức của xã Ba. Một người là thiếu phụ cô thân độc mã, hiền lành không thể thay vị trí độc tôn của bà Cả. Nhưng đến khi xã Ba kéo bà Tư trẻ đẹp về nhà thì lại là chuyện khác. Đụt đẹp sẵn giờ còn chăm chút từng lọn tóc, váy yếm. Đôi mắt lẳng lơ tình kia được kẻ chì, môi son má phấn thì sắc đẹp được tôn lên gấp bội. Xã Ba “trâu già thích gặm cỏ non”, suốt ngày mê đắm, quanh quẩn bên người đẹp quên bẵng bà vợ già vừa xấu, vừa bẳn hẳn khó ưa. Đụt xúi gì xã Ba cũng nghe theo. Đụt muốn mua sắm gì xã Ba cũng chiều chuộng. Thế là liên minh tam giác: Bà Cả - Bà Hai - Bà Ba được hình thành. Ngày trước bà Cả không coi bà Hai, bà Ba ra gì thì giờ đây chị chị, em em ngọt sớt. Một kế hoạch “nắn gân” chồng được bà Cả sắp đặt. Bà khởi xướng: “Ông à! Tui thấy bấy lâu nay nhà mình thiếu tôn ti trật tự nhiều rồi đó!”. Xã Ba gắt: “Bà muốn nói gì thì nói toạc ra đi chứ úp mở làm gì?”. Bà Cả từ tốn: “Ông là chủ gia đình, ông cần phải sắp xếp công việc cho mọi người. Nhà này không có chuyện người ăn không ngồi rỗi, người thì đầu tắt mặt tối!”. Nói xong, bà Cả quay nhìn về phía bà Hai, đá lông nheo ngầm thúc giục “đồng thanh tương ứng”. Bà Hai nhìn xã Ba dò xét rồi khẽ khàng: “Em thấy chị Cả nói đúng đấy mình! Mình giao cho em Tư làm một việc gì đó cho đỡ buồn!”. Xã Ba sửa giọng, tằng hắng: “Cá cóc muốn hóa rồng hỉ? Nhà này loạn hết rồi!”. Bà Ba thấy chồng nổi đóa vì đề xuất của bà Hai thì im thin thít. Xã Ba nổi tiếng gia trưởng, bảo thủ nhưng thấy diễn biến có phần căng thẳng thì đấu dịu: “Thôi được! Em Tư lo việc phân phát tiền nong cho người đi chợ nấu ăn hằng ngày!”. Liên minh tam giác ba bà nhìn nhau lắc đầu ngán ngẩm. Họ cứ ngỡ nắn gân chồng và dằn mặt cô vợ ranh ma sẽ làm cho không khí gia đình có phần dân chủ, nào ngờ ông chồng đưa cái dạ dày của gia đình cho cô vợ bé còn chân ướt chân ráo nắm giữ thì tỏ vẻ thất vọng vô cùng!
3. Khác với xã Ba, sau khi hoàn thành tuyến đường sắt, Chụ không tiếp tục làm việc cho Pháp mà đi theo Việt Minh chống thực dân, đế quốc. Chụ lưu lạc từ thuở nhỏ, chỉ nhớ mang máng mình là người Nghệ Tĩnh theo đàn anh vào Nam lập nghiệp. Một nhà thầu làm đường sắt thấy Chụ đô con, săn chắc như một võ sỹ Karate, gương mặt điển trai, nói năng điềm đạm thì cảm tình, nhận vào làm việc. Hồi đó phần đông thanh niên phía Bắc vào làm việc ở ngành đường sắt, trong đó có ga tàu hỏa Hiệp Hòa đều lấy vợ đẹp. Chụ cũng nằm trong số đó. Vợ Chụ là cô Nở xinh đẹp, đoan trang con nhà danh giá mê tài ăn nói với phong cách hào hoa, lịch lãm của Chụ mà bất chấp sự ngăn cản của cha mẹ. Hơn 7 năm tuyến đường sắt xuyên qua Hiệp Hòa hình thành đủ cho tình yêu của Chụ và Nở đơm hoa kết trái. Chuyện đời không ai đoán trước được điều gì. Ngày trước Chụ sốt sắng làm đường sắt cho Pháp. Còn giờ đây Chụ chỉ huy một tiểu đoàn bộ đội Việt Minh đánh Pháp trên đường vận chuyển vũ khí bằng tàu hỏa.
Năm 1945 Nhật hất cẳng Pháp, lão Chạng giác ngộ cách mạng, giao hết tài sản cho Việt Minh và trở thành bạn thân của lão Chụ đến cuối đời. Còn lão Ngạc vẫn là một nông dân hiền lành ở gần nhà lão Chụ và lão Chạng. Những lúc trà dư tửu hậu họ thường nhắc lại những biến cố lịch sử, những thăng trầm cho con cháu của mình nghe.