Sau một ngày làm việc vất vả, bà Trang đã viết xong chương cuối cùng của cuốn sách mà người ta đặt hàng từ trước. Bà rất vui. Bà còn có thêm một niềm vui khác, ấy là tối nay có một người bạn đến chơi. Ông bạn đó chính là giáo sư, tiến sỹ Trương Nhất Nam. Ông Nam là giáo sư đầu ngành về tâm lý học và mỹ học; ngoài ra, ông còn là họa sỹ, nhà thơ, nhà phê bình văn học nổi tiếng, ông không những giảng dạy trong nước, mà còn được mời giảng dạy ở một số trường đại học danh tiếng ở nước ngoài. Vì thế, tên tuổi, của ông được nhiều người biết đến, nhất là giới khoa học. Bà Trang tuy chỉ là hiệu phó của một trường trung học phổ thông, nhưng bà lại là hội viên Hội Văn học nghệ thuật thành phố, với một số tập tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ đã xuất bản, trong số đó cũng có một số tác phẩm đã đoạt giải thưởng của tỉnh và Trung ương. Vì thế, bà cũng khá nổi tiếng trong thành phố. Do hoạt động văn học, nghệ thuật mà nhà văn Thùy Trang và giáo sư Nhất Nam quen biết nhau. Đặc biệt, sau khi chồng bà Trang qua đời thì ông Nam hay gặp gỡ bà Trang hơn. Ông hẹn đến chơi nhà bà mấy lần rồi, nhưng đều vào những ngày bà bận việc, nên các cuộc hẹn chưa thành.
Minh họa: Bùi Quang Đức
Trước đây, bà Trang có chồng làm ở ngành tài chính, có hai con, một trai, một gái đều chăm ngoan, học giỏi. Gia đình bà từng là niềm mơ ước của nhiều người. Các em học sinh do cô Trang giảng dạy môn Văn đều vô cùng quý trọng cô giáo, vì cô vừa giảng dạy hay, vừa xinh đẹp, dịu dàng, lại còn là nhà văn nổi tiếng. Ngày ấy, chồng bà là một trưởng phòng của Sở Tài chính thành phố. Ông cứ “đi làm” suốt ngày, về đến nhà là sặc mùi rượu. Có lần còn nôn, mửa ra cả nhà. Bà lại phải mất bao thời gian dọn dẹp. Bà đã góp ý với ông nhiều lần rồi, nhưng ông không sửa được. Ông bảo: “Cái nghề của tôi nó thế! Cứ đi làm việc với các ngành là họ mời ăn uống. Từ chối thì họ bảo mình không nhiệt tình. Thế nên, bà cứ để tôi hạn chế dần dần, chứ bỏ ngay cái chuyện giao lưu, ăn uống, bia rượu là... rất khó”. Thế rồi, đúng năm 53 tuổi thì ông ấy mất vì bệnh ung thư gan. Bà đau buồn mất một thời gian dài. Ngày còn đông đủ cả gia đình thì vui, nhưng mà vất vả. Có lúc bà đã thầm hô “Tự do muôn năm”. Nhưng từ khi chồng bà mất đi, rồi hai con bà có gia đình và ở riêng, thì bà lại thấy trống trải. “Tự do” bây giờ đối với bà lại trở thành cô đơn, buồn tẻ. Nhiều đêm nằm một mình, buồn, bà giở những tác phẩm cũ của mình ra đọc. Đọc chán rồi lại nghe ca nhạc, hoặc xem phim. Bà thích nhất những phim dã sử, cổ trang của Trung Quốc như: “Tam quốc diễn nghĩa”, “Thủy hử”, “Tể tướng Lưu gù”, “Hoàn châu cách cách”… Bà thầm khen các nhà văn, nhà làm phim Trung Quốc họ khéo bày đặt để cho ra đời những bộ phim dài hàng chục, hàng trăm tập, dàn dựng rất công phu, tốn kém! Nhưng mà hay và hấp dẫn. Nhiều bộ phim xem đi, xem lại không biết chán! Họ giỏi thật! Có lúc bà thầm nghĩ, sẽ có ngày bà cũng thử sức viết kịch bản phim kiếm hiệp như các nhà văn Trung Quốc, Hàn Quốc!
Được tiếp xúc với giáo sư Trương Nhất Nam, bà Trang thấy ông ta là một nghệ sỹ đa tài, lịch thiệp và hào hoa. Nhưng ông cũng có nỗi buồn riêng. Ấy là, vợ chồng ông cũng ly thân từ lâu. Hỏi ra mới biết, bà vợ ông không chịu được cảnh chồng hay phải đi công tác xa nhà nhiều ngày, nhưng khi về thì lại lạnh nhạt với vợ. Nhất là cảnh có quá nhiều các cô gái trẻ đẹp đeo bám, nhắn tin, hò hẹn ông, mà ông thì có tính cả nể, không nỡ dứt khoát từ bỏ cô nào! Ồn ào nhất là chuyện cách đây mấy năm. Có cô sinh viên do ông hướng dẫn làm luận văn thạc sỹ. Một buổi tối cô đến nhà ông hỏi bài. Đêm hôm ấy trời lại đổ mưa rào, nặng hạt. Đã khuya lắm, nhưng mưa vẫn không ngớt, ông đành phải bố trí cho cô ta ngủ lại nhà ông qua đêm. Nhưng đêm ấy, cô ta lại không ngủ được mà lại ngồi viết thơ tình, trong đó có đoạn:
...Đối với em, anh là một dòng sông
Để em bơi giữa mát lành con sóng
Anh là chiếc gương cho em soi bóng
Để chúng mình được luôn ở bên nhau.
Chẳng bao giờ em muốn xa đâu
Về với em đi, về với em, anh nhé!...
Thấy khuya quá, mà phòng cô học trò vẫn sáng đèn, bà vợ ông Nam vội lên kiểm tra xem sao. Thì thấy cô ta gục đầu trên bàn, đang ngủ và bên cạnh là bức thư tình còn đang viết dở. Thế là bà ta làm toáng lên. Thật là tội nghiệp cho cô và cũng khốn khổ cho ông Nam. Rõ là “Tình ngay, lý gian”. Mặc dù cô ta đã ra sức thanh minh rằng, đó là bài thơ cô viết cho một người bạn khác, nhưng bà vẫn không tin. Bà cho rằng cô đã có ý đồ quyến rũ chồng bà. Thế là ngay đêm ấy, bà đuổi cô ta ra khỏi nhà, mặc cho ông Nam đã hết lời bênh vực cô gái.
Tuy chuyện của ông Nam và cô gái kia không có gì, nhưng sau vụ ấy, bà vợ ông Nam càng thấy thiếu niềm tin với chồng và tình cảm hai nguời càng thêm rạn nứt. Mặc dù vẫn ở một nhà, trong ngôi biệt thự rộng rãi, nhưng lâu nay vợ chồng ông vẫn trong tình trạng “gần mặt, cách lòng”. Nhiều nguồn tin cho rằng “Vợ chồng ông Nam sắp ra tòa ly hôn”. Ngay bản thân ông Nam cũng lờ mờ nhận thấy tình cảm của hai ông bà khó bề hàn gắn được như trước. Vì vậy ông rất buồn, nên ông càng cần có người để chia sẻ. Và, người đầu tiên mà ông tìm đến với nhiều hy vọng đó là nhà văn Nguyễn Thùy Trang. Dẫu chỉ coi giáo sư Nam là bạn văn chương bình thường, nhưng hôm nay ông hẹn đến thăm, bà Trang cũng rất vui, vì lại có dịp đàm đạo với ông về văn chương, nghệ thuật.
Đúng bẩy giờ tối thì ông Nam xuất hiện, trong tay ông là một bó hoa tươi. Ông trao cho bà kèm theo là một lời chúc thật văn vẻ: “Anh chúc em, chúc nhà văn Thùy Trang luôn vui khỏe, trẻ đẹp và có nhiều tác phẩm xuất sắc hơn nữa!”. Ông nói rồi cúi đầu chào bà Trang bằng một động tác rất diệu nghệ. Bà Trang gật đầu cảm ơn rồi cắm bó hoa vào chiếc bình thủy tinh lớn đặt trên bàn. Bà Trang để ý ông Nam hôm nay trông thật phong độ, lịch lãm. Ông đã vào tuổi năm tám, hơn bà hai tuổi, nhưng trông ông trắng trẻo, trẻ trung như chưa đến năm mươi. “Chả trách nhiều cô ngưỡng mộ ông, làm cho vợ ông lo lắng là phải.” - Bà nghĩ trong bụng và khẽ cười một mình.
- Trang này! Sao hôm qua anh điện cho em mấy lần mà em không trả lời? - Ông Nam chủ động phá vỡ không khí im lặng ban đầu với một vẻ giận dỗi.
- À! Hôm qua em đến chỗ các cháu. Nhưng vì điện thoại hết pin mà em không để ý, đến khi sắp đi mới cắm điện, nên em để điện thoại ở nhà. Anh thông cảm! Em bây giờ chán lắm cơ! Già rồi, nhầm lẫn lung tung cả! Cho em xin lỗi nhé!
Nghe bà Trang nói như vậy, ông Nam thông cảm và vui vẻ trở lại. Ông nhìn quanh nhà rồi bảo:
- Em có thích bức tranh “Thiếu nữ bên hoa hồng” không? Cái bức được treo ở giữa phòng khách nhà anh ấy? Em có biết bức ấy có giá trị bao nhiêu không? Có người trả anh hai nghìn đô la Mỹ mà anh không bán đấy. Nếu em thích thì anh tặng em bức ấy. Em mà treo bức ấy trên tường, đối diện với cửa sổ, nhìn ra ngoài đường thì hợp với không gian nhà mình lắm. Anh thấy em rất am hiểu về nghệ thuật, thích hội họa, nhưng trong nhà mình ít tranh, ảnh quá! Hơi bị trống trải đấy!
Bà Trang nghe nói vậy chỉ cười xòa:
- Cảm ơn anh đã quan tâm, nhưng em cũng không am hiểu hội họa mấy đâu! Với lại, em thấy gian nhà này chật hẹp, cũ kĩ, không xứng với bức tranh lớn và quý giá như vậy! Em không dám nhận đâu. Anh đừng mang đến!.
- Nếu thế, anh sẽ vẽ tặng em bức khác nhé! Em thích cảnh đồng quê, cảnh biển, hay là tranh tĩnh vật, kiểu như bình hoa này, cũng rất đẹp?
- Thôi! Đừng mà anh! Em biết rồi, tranh của anh bức nào cũng đẹp, cũng quý giá! Nhưng mà em không thích treo tranh trong nhà! Em thích tĩnh lặng, yên ổn, thế thôi! Nhìn bức tường xanh nhạt, màu hòa bình này em thấy quen rồi, không cần trang trí, tô điểm gì thêm nữa!
Nghe bà Trang nói vậy, ông Nam có vẻ hơi tự ái. Ông cảm thấy buồn và hẫng hụt. Rồi ông tự hỏi mình: “Không biết bà này, bà ta thích cái gì để mà chiều đây? Thật không thể hiểu nổi! Một bà giáo về hưu, không mấy nhan sắc, mà lại tỏ ra kênh kiệu thế này! Bà ta sánh sao được với những cô gái trẻ, đẹp, trong đó có khối cô còn chết mệt về ông, mà ông còn chưa để ý tới kia kìa! Ông tự tin rằng, đối với những cô dở dang kiểu bà Trang, nhưng tất nhiên phải còn trẻ và đẹp, ông mà chí cô nào, là cô ấy sẽ đổ! Thế mà đằng này đứng trước bà Trang, ông lại có nguy cơ thất bại. Hóa ra, một giáo sư, nghệ sỹ danh tiếng, tài năng và giàu có, biết bao người ngưỡng mộ, lại không chinh phục được một người đàn bà luống tuổi, cô đơn! Ông chợt thấy xấu hổ và hẫng hụt. Ông im lặng nhìn ra phía cửa sổ.
Biết mình nói lỡ lời, bà Trang khéo nhã nhặn chuyển sang chủ đề khác:
- Anh ơi! Em pha cà phê anh uống nhé! Cà phê Lâm Đồng thứ thiệt đó anh ạ! - Rồi bà nở nụ cười thân thiện. Hàm răng trắng đều cùng nét tươi duyên trên khuôn mặt bà ngước nhìn như chờ đợi một sự đồng tình nơi ông, làm ông Nam thấy xao lòng. Ông khẽ gật đầu tán thưởng.
Nhìn theo bà Trang với dáng đi thanh thoát, khuôn hình cân đối, với cái cổ cao, khuôn ngực còn vun đầy, cùng giọng nói thật trong trẻo, ông Nam thấy xao lòng. Ông bỗng nhớ lại những truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ của bà mà ông đã đọc, quả là những tác phẩm hay. Qua tác phẩm có thể nhận ra tác giả là một con người nhân hậu, đa cảm và thiết tha với cuộc sống. Tuy nhiên, nếu đọc thật kỹ và suy ngẫm cũng có thể thấy ở bà có cái gì như tiếc nuối một thời trẻ trung, sôi nổi và hình như có ẩn chứa cả một mối tình dang dở... Rồi, ông chợt nhớ lại, có một nhà văn đã nhận xét về nhà văn Thùy Trang trong một bài giới thiệu về tác phẩm mới của bà, thế này: “Nhà văn Nguyễn Thùy Trang giống như một bông hoa sen trong một bình hoa lớn nhiều màu sắc. Bông sen không rực rỡ, nhưng có mùi thơm riêng, mộc mạc nhưng vẫn thanh cao. Nếu đọc kỹ văn của Thùy Trang, cũng như ta ghé sát mặt vào bông sen nở thì sẽ thấy rất dễ chịu, bởi hương thơm dung dị mà sâu lắng của loài sen. Một loài hoa đẹp mang cốt cách, tâm hồn Việt Nam...”. Nghĩ đến đây, trái tim ông bỗng xao xuyến lạ. Ông muốn hôm nay sẽ bày tỏ lòng mình với bà, sẽ nói thật rằng, ông sẽ cùng bà đi tiếp con đường phía trước.
Chừng như cũng đoán được phần nào ý định của ông Nam trong cuộc viếng thăm hôm nay, vừa pha cà phê, bà vừa nhỏ nhẹ thăm dò: “Lâu nay anh em mình quen nhau, nhưng chị và các cháu thế nào em chưa được biết! Anh kín tiếng quá!”.
Nghe bà Trang hỏi vậy, ông Nam mừng lắm, bởi ông vẫn sợ bà biết chuyện nhà ông mà ngại tiếp xúc với ông. Ông Nam lấy hết can đảm, nói:
- Chẳng giấu gì em! Anh không kể thì chắc em cũng biết! Anh khổ lắm! Bà ấy cứ nghi anh với cô nọ, cô kia. Nhưng nào có gì đâu! Em là nhà văn chắc em hiểu, cánh văn nghệ sỹ thì thường có chút đa cảm hay xúc động, nhưng cũng giàu tính nhân văn. Anh cũng thế. Anh hay giúp đỡ học trò và những người thân thiết, nên họ cũng yêu quý và gần gũi anh. Các cụ nói “Ta mến yêu người thì người cũng mến yêu ta”. Tình cảm của anh với họ chỉ là tình cảm bạn bè, đồng chí, thầy trò, thế thôi! Chứ anh không hề có ý phản bội bà ấy! Nhưng bà ấy cứ không chịu tin thì anh biết làm thế nào? Có lần trao đổi với cánh báo giới, bà ấy còn nói văn vẻ rằng: “Tôi bây giờ như bức tranh cũ, lạc hậu, ông ấy bỏ đi rồi! Cái ông ấy cần là những phác thảo mới, hợp thời đại cơ! Ở đời, nhiều thứ đồ càng cổ thì càng quý hiếm, lên giá vùn vụt, còn con người càng cũ, càng cổ thì giá trị lại càng tụt xuống. Vậy thì tôi níu kéo làm sao được một ông giáo sư, nghệ sỹ tài hoa, phong độ như ông ấy!... Chắc rồi tôi cũng phải chia tay với ông ấy thôi!...”. Thế đấy! Em bảo anh có đau khổ không? Ước gì bà có được sự hiểu biết bằng một phần của em, thì đời anh đâu đến nỗi!”.
Ông Nam nói một mạch với giọng đầy xúc động và chân thành. Khi ông nói đến đoạn cuối, ông hơi nghẹn lời, còn bà Trang thì cũng thấy xúc động và có phần thương cảm cho ông. Bà nghĩ rằng ông đã nói thật hoàn cảnh của mình và bà cũng chợt nhận ra điều ông nói chính là ám chỉ rằng vợ chồng ông khó bề tồn tại, nên ông ấy rất mong có được bà. Bỗng, ngoài cửa có tiếng chuông điện reo vang. Bà Trang ngẩng lên nhìn ông Nam, nói: “Anh chờ em một chút nhé! Em ra xem có ai cần gì”.
Trước mặt bà là một người đàn ông dong dỏng cao, trông chững chạc trong bộ com-lê đen vừa vặn với thân hình ông. Đứng cạnh ông là một người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu, khoác trên người là một chiếc áo đờ-mi màu hồng nhạt. Bà Trang khẽ hỏi:
- Thưa! Hai bác hỏi thăm ai ạ?
- Dạ! Chúng tôi là người quen của bà Thùy Trang. Đây có phải là nhà bà Trang không ạ? - Người đàn ông lễ phép hỏi.
- Đúng rồi ạ! Mời hai bác vào nhà!
Sau ít phút bỡ ngỡ ban đầu của cả hai bên chủ và khách. Bà Thùy Trang quan sát người đàn ông mới đến có nét gì quen quen, hình như đã gặp ở đâu mà không nhận ra được. Để phá tan không khí yên lặng, bà lên tiếng:
- Xin lỗi! Tôi trông bác trai đây có nét quen mà không sao nhớ được! Xin hỏi quý danh của hai bác? Và... các bác từ đâu đến nhỉ?
- Dạ! Thưa hai bác chủ nhà! - Người đàn ông mới đến trả lời hàm ý thưa chuyện với hai vợ chồng bà chủ - Chắc bác gái không nhận ra tôi, nhưng tôi đã nhận ra bác rồi. Vì lâu quá không gặp lại, mấy chục năm rồi còn gì! Tôi, tôi chính là… Nguyễn Quang Vinh, Vinh gầy… ngày xưa cùng học lớp Văn 1A của khoa Văn đây mà!
- Trời ơi! Đúng là anh Vinh đây rồi! Anh Vinh! Sao em lại không nhận ra anh nhỉ! Anh thay đổi nhiều quá! Đúng là Nguyễn Quang Vinh giỏi nhất khoa Văn năm xưa đây rồi! - Bà Trang nhào đến nắm tay ông Vinh với nét mặt rạng ngời - Ừ nhỉ, bốn mươi tư năm rồi còn gì mà không khác! Nào! Anh nói đi! Bây giờ anh làm gì, ở đâu, gia cảnh ra sao? - Bà Trang hỏi ông Vinh với cử chỉ ân cần, thắm thiết như với người thân yêu lâu ngày không gặp, ngay trước mặt ông Nam làm ông thấy khó chịu. - Còn chị đây chắc là vợ anh? Chị nhà còn trẻ đẹp thế này cơ mà! Anh thật hạnh phúc quá!.
- Không! Không phải đâu chị Trang ơi! Đây là cô Hồng, nhân viên kế toán, đồng thời cũng là một lái xe của công ty tôi. Hôm nay lên Hà Nội có công việc, tiện thể cô ấy lái xe cùng tôi đến thăm gia đình. Còn chuyện về tôi thì dài lắm, nhưng nói gọn là thế này: Sau khi học xong đại học, tôi về quê dạy học ở một trường trung học phổ thông, được mấy chục năm thì tôi nghỉ hưu sớm để xin cho con dâu vào làm việc. Sau đấy tôi chuyển sang làm nghề kinh doanh, nhưng chẳng có gì to tát, một công ty trách nhiệm hữu hạn nho nhỏ, mấy chục lao động, buôn bán vật tư xây dựng ấy mà. Tôi được hai con, một trai, một gái đều đã có gia đình và ở riêng còn vợ tôi bà ấy mất gần chục năm rồi! Tôi, tôi biết địa chỉ nhà chị Trang đây là do tình cờ tôi gặp cô Xuyến “danh ca” của lớp ta, cái cô… cùng nhóm với tôi và chị Trang đấy!...
- Thì ra là như vậy! Em rất mừng đã gặp lại anh và biết những công việc mà anh đã làm, nhưng em cũng xin chia sẻ và thông cảm với anh về hoàn cảnh riêng! - Nói đến đây bà cúi xuống, giọng ngậm ngùi - hoàn cảnh em bây giờ cũng giống như anh. Chồng em cũng mất lâu rồi! Còn đây là giáo sư Nam, bạn em đến chơi đấy! Bây giờ chỉ có một mình em ở nhà này thôi, các cháu cũng ở riêng hết rồi!
Sau giây phút sôi nổi gặp gỡ ban đầu, bà Trang xúc động ngồi xuống ghế, và những kỷ niệm về những năm học với ông Vinh cùng một lớp cứ hiện về như một cuốn phim. Ngày ấy, Nguyễn Quang Vinh là một chàng trai tỉnh lẻ, học cùng lớp Văn 1A với bà. Vinh dong dỏng cao nhưng gày gò, bù lại anh ta có khuôn mặt sáng sủa, nói năng nhỏ nhẹ và học giỏi. Cuối năm thứ nhất, người học nổi tiếng của lớp là Nguyễn Thùy Trang có điểm trung bình cả năm 8,7 bất ngờ bị xếp sau Nguyễn Quang Vinh 8,9. Cái tên Quang Vinh nổi lên từ đấy. Sang năm thứ hai, tình cờ Vinh, Trang và Xuyến lại được xếp vào cùng tổ, cùng nhóm học tập. Từ đây, bộ ba này gắn kết với nhau bởi những buổi tối học nhóm; những buổi sinh hoạt chi đoàn, lao động, hành quân dã ngoại… Kỷ niệm của ba người nhiều không kể xiết. Dần dà, cô Thùy Trang xinh đẹp, người con gái Hà thành đã bị cuốn hút bởi khả năng học tập, kiến thức rộng lớn của Vinh. Đặc biệt, Vinh có cách nói năng nhẹ nhàng tình cảm, cách ứng xử với mọi người hết sức chân tình, nên các bạn trong lớp đều yêu mến. Trang còn nhớ rõ một kỷ niệm. Đêm ấy, có buổi liên hoan văn nghệ của khoa. Lớp Văn 1A được chọn biểu diễn hai tiết mục. Một tiết mục đơn ca của Kim Xuyến, cũng khá hay, nhưng không mấy ấn tượng. Tiếp đến tiết mục song ca “Trước ngày hội bắn” của Thùy Trang và Quang Vinh thì hội trường sôi nổi hẳn lên. Vinh có giọng hát vang, sáng, truyền cảm. Anh lên những nốt cao rất vững vàng, khỏe khoắn, làm nền cho giọng hát của hai người thêm ngân vang, bay bổng. Hôm ấy, Vinh và Trang biểu diễn rồi giao lưu bằng ánh mắt, nụ cười rất ăn ý, hệt như một đôi ca sỹ chuyên nghiệp vậy. Đặc biệt, khi đến đoạn kết: “Quê hương ta ới, núi cao suối ngàn của ta, mùa xuân hoa thắm núi đồi, rừng xanh in bóng hai người, và hai cây súng đang ngồi bên nhau” thì Vinh vòng một tay ra phía sau, ôm gọn vòng eo của Trang, rồi hai người ngả đầu vào nhau và cùng nở nụ cười thật tươi. Tiếng vỗ tay nổi lên như sấm. Có ai đó ở dưới gào lên: “Hôn nhau đi, Vinh Trang ơi!”.
Tiết mục song ca duy nhất của đêm liên hoan văn nghệ được xếp loại xuất sắc cả về biểu diễn và trang phục dân tộc. Sau lần ấy, tên tuổi của anh chàng Vinh lại càng nhiều người trong khoa biết đến. Cô Kim Xuyến cây văn nghệ của khoa cũng phải trầm trồ khen ngợi giọng hát của Vinh. Mà Vinh không chỉ hát hay, học giỏi mà viết văn, làm thơ cũng đều khá. Có lần cái Xuyến còn không tiếc lời ca ngợi Vinh trước mặt Trang: “Tôi thấy những bài luận của ông Vinh viết còn hay hơn giáo trình!”. Trang cũng phải thừa nhận văn của Vinh viết chắc mà rất sâu sắc. Rồi, không biết từ khi nào Trang thấy Vinh thật gần gũi đối với cô. Tuy không dám chắc, nhưng cô cảm thấy hình như cô đã yêu anh chàng Vinh, bởi vắng anh ta, cô thấy rất nhớ. Từ cuối năm thứ tư, sau khi đi thực tập về thì tình cảm hai người càng gắn bó. Trang còn nhớ như in cái đêm cuối cùng của đợt thực tập tại trường Trung học phổ thông Tân Thành. Lúc ấy, mọi người đã về hết, chỉ còn Vinh và Trang ở đầu hội trường. Đêm vắng vẻ, trời đầy sao. Trang và Vinh đã hôn nhau. Nụ hôn đầu đời của Vinh trao cho người yêu thật nồng nàn, đắm đuối. Và, cũng cái đêm ấy, Vinh đã tặng Trang một chiếc bút máy Hồng Hà và một chiếc khăn mùi xoa thêu hai chữ T và V lồng vào nhau. Vinh bảo: “Anh tặng em món quà này làm kỷ niệm, để mỗi khi nhìn thấy nó, em như nhìn thấy anh vậy”. Hai người sánh bước bên nhau trong đêm sương lành lạnh. Bầu trời tĩnh lặng, chỉ có những vì sao nhấp nháy như cùng thức với hai người. Vinh dừng lại, tựa lưng vào một gốc cây phi lao, anh ôm gọn Trang trong lòng và thì thầm vào tai Trang: “Chúng mình sẽ cố gắng để cùng được giữ lại trường em nhé! Chỉ có như vậy chúng mình mới được ở bên nhau mãi mãi. Em có hiểu ý anh không?”. Trang gật đầu: “Em hiểu mà!”.
Vinh và Trang được đánh giá là hai sinh viên giỏi nhất khóa, được làm luận văn, không phải thi tốt nghiệp. Thầy cô và các bạn đều tin tưởng hai người sẽ được giữ lại trường. Nhưng khi cộng các loại điểm của toàn khóa học thì cả Vinh và Trang đều không đủ điểm để giữ lại trường! Hỏi ra mới biết, có năm người điểm cao nhất khóa, đó là: Bích Hạnh – Phó Bí thư Liên chi đoàn khoa Văn 9,1; Cẩm Vân con thầy Hiệu phó nhà trường 9.0; Lệ Quyên con một ông Vụ phó của Bộ Giáo dục đào tạo 8,9; Nguyễn Quang Vinh 8,8; Nguyễn Thùy Trang 8,7. Nếu như mọi năm, cứ năm người có điểm tổng kết cao nhất khóa và từ 8,5 trở lên thì được giữ lại trường, nhưng không hiểu sao năm nay nhà trường lại chỉ lấy có ba người, thành ra Vinh và Trang đều không đạt! Nhận được tin này, Vinh vô cùng buồn bã, anh cảm thấy mình như có lỗi và không còn xứng đáng với Trang nữa. Từ hôm báo kết quả ấy, anh đều tránh mặt Trang, vì anh nghĩ, nếu có yêu Trang thì anh cũng khó có thể lo cho Trang một công việc giảng dạy ở một vùng quê nghèo, như quê anh. Thêm nữa, Trang là con gái Hà Nội, lại là con một của ông cán bộ cao cấp trong quân đội, chắc gì ông đã cho con công tác xa Hà Nội! Nghĩ thế, Vinh đã im lặng xin về quê dạy học. Đã mấy lần Trang gọi điện và gửi thư, nhưng Vinh đều không trả lời. Trang rất buồn và đau khổ. Trang trách Vinh là người yếu đuối, không dám tự tin vào khả năng và tình yêu của mình. Cuối cùng Trang không thể chờ đợi được nữa, cô đành đồng ý lấy một anh cán bộ ngành tài chính của thành phố, anh ta là con một người bạn chiến đấu của bố Trang. Từ đấy, Trang không còn tin tức gì về Vinh, nhưng những kỷ niệm đẹp đẽ, êm đềm về mối tình đầu ấy Trang không khi nào quên được.
Chừng như đoán được vẻ khó chịu hiện lên khuôn mặt của vị giáo sư đang ngồi lơ đãng, bà Trang bèn chuyển chủ đề về phía ông Nam. Bà trịnh trọng nói:
- Thưa với cả nhà! Em xin giới thiệu, đây là giáo sư Trương Nhất Nam, một giáo sư, một nghệ sỹ đa tài. Anh giảng dạy nhiều bộ môn như tâm lý, mỹ học, xã hội học ở nhiều trường đại học trong nước và quốc tế. Anh còn là nhà văn, nhà thơ, họa sỹ, nhà phê bình văn học nổi tiếng của nước nhà, với nhiều giải thưởng danh giá. Thật hiếm có giáo sư, nghệ sỹ nào có được khả năng như anh ấy!
Ông Nam đang khó chịu về câu chuyện của bà Trang với hai người khách lạ, nhưng khi nghe bà giới thiệu về mình với sự ngưỡng mộ và chân thành như vậy, lòng ông phơi phới trở lại. “Thế là bà ấy hiểu mình và có phần cảm phục mình đấy chứ!”. Thế thì ông yên tâm rồi! Đúng lúc ấy thì bà Hồng cũng mau mắn nói:
- Vâng! Thế thì em cũng xin giới thiệu về anh Vinh đây! Anh Vinh em không những là một thầy giáo giỏi, là nhà giáo ưu tú, một người kinh doanh khá thành đạt, mà anh ấy cũng viết văn, làm thơ và có nhiều bài được đăng ở báo tỉnh và Trung ương đấy ạ!
- Ôi! Thế thì hay quá! Anh vẫn không bỏ niềm đam mê với văn chương! Em chúc mừng anh! Em đã biết tài văn của anh khi còn ở trường rồi. – Bà Trang tỏ vẻ ngưỡng mộ ông Vinh thật sự.
Đụng đến chuyên môn của mình, lại nghe bà Trang nói đến “tài văn” của ông Vinh, một anh chàng không tên tuổi trong làng văn chương, thì ông Nam không chịu được nữa, ông quay lại phía ông Vinh hỏi với một giọng gần như giễu cợt:
- Thế ra anh cũng viết văn à? Anh viết lâu chưa? Đã có mấy tác phẩm được công bố rồi? Hình như tôi chưa được đọc tác phẩm nào của tác giả Nguyễn Quang Vinh!
Lại đến lượt ông Vinh bối rối:
- Khổ quá! Cô Hồng cô ấy lại đùa các anh, các chị rồi. Tôi có phải nhà văn, nhà thơ gì đâu. Chị Trang biết đấy, tôi là anh giáo làng, thỉnh thoảng có bài đăng ở báo tỉnh thôi, chứ đã có tập văn, tập thơ nào được giới thiệu ở Trung ương đâu! Mấy cái tin ngắn, mấy bài thơ con cóc ghi chép lại những sự kiện ở xung quanh mình, có cái gì đáng gọi là tác phẩm! Cô Hồng nói đùa cho vui đấy!
- Anh Vinh ạ! - Bà Trang dàn hòa khi cảm nhận được ông Nam chuẩn bị “tấn công” ông Vinh, một vị khách “không mời mà đến” làm lỡ dở buổi đến chơi của ông ta tại ngôi nhà này. - Em biết công việc chính của anh bây giờ là kinh doanh, công ty của anh ngày càng phát triển như vậy, em rất mừng. Tuy bận rộn nhưng anh vẫn dành thời gian để sáng tác văn học, em cho là một việc làm có ý nghĩa, một lối chơi tao nhã. Dẫu chưa có tác phẩm lớn, nhưng những gì anh đã viết, đã được giới thiệu, cũng là ít nhiều giúp ích cho đời. Em mong rằng khi nào có tác phẩm mới nhớ gửi cho em xin một cuốn nhé!
- Phải đấy, anh Vinh ạ! Tôi cũng mong như thế! - Ông Nam đế thêm vào - Nếu có tác phẩm nào mới nhớ tặng tôi một cuốn. Biết đâu tôi lại chẳng có bài giới thiệu về tác giả và tác phẩm ấy! Chị Trang thì đã biết về tôi rồi. Tôi mà viết bài “lăng xê” tác giả nào, thì tác giả ấy nhanh chóng nổi danh lắm! Phải không chị Trang?
Ông Vinh như bị kim châm vào người. Giáo sư Nam nói như vậy chẳng khác nào ví ông như một kẻ võ vẽ cầm bút, cần một sự nâng đỡ của người “lăng xê” để được nổi danh! “Nhầm! Ông Nam Nhầm!” - Ông Vinh nghĩ vậy. Văn chương đối với ông chỉ là một thú vui, một niềm đam mê, như người ta mê bóng đá, mê bản nhạc hay, hoặc một thần tượng nào đó. Tôi đâu cần văn chương để khoe mẽ với đời mà cần lăng xê! Ông thấy mình ngồi chơi đã lâu, hơn nữa lại vào thời điểm không lấy gì làm vui vẻ, nên chủ động cáo lui trước. Ông đứng dậy nhẹ nhàng nói: “Thưa chị Trang và anh Nam! Hôm nay, nhân chuyến công việc mà chúng tôi qua đây vào thăm để biết nhà bạn cũ. Thực lòng tôi rất phấn khởi được gặp chị Trang và giáo sư Nam, tôi chúc anh chị mạnh khỏe, hạnh phúc và mọi sự tốt lành. Bây giờ chúng tôi xin phép về trước. Hẹn có ngày gặp lại”. Cô Hồng cũng đứng dậy cúi chào và bước theo ông Vinh.
Bà Trang tiễn hai người ra ngoài cổng. Bà nắm bàn tay ông Vinh thật chặt. Bà nhìn ông với ánh mắt thân thương trìu mến như ngày hai người còn đang học. Bà nói nhỏ đủ hai người nghe, giọng thật xúc động: “Anh Vinh ạ! Em thành thật xin lỗi anh về cuộc gặp gỡ ngày hôm nay. Em không ngờ hai anh lại gặp nhau ở nhà em như thế này! Em không biết nói thế nào cho anh hiểu! Chúng mình là bạn bè thân thiết, đã... hiểu nhau từ thời còn là sinh viên. Tuy lâu ngày không gặp anh, nhưng em vẫn nhớ nhiều kỷ niệm… Em không quên được đâu anh Vinh ạ!” – Nói đến đây bà siết chặt hơn bàn tay mình vào bàn tay ông, làm ông Vinh rùng mình xúc động, ông hiểu được ẩn ý của bà. Trời ơi! Nếu ngày ấy ông cứng rắn và tự tin hơn, không bỏ chạy, thì đâu đến nỗi để mất người con gái xinh đẹp, ngoan hiền và giỏi giang này! Ông chợt thấy xấu hổ và ân hận khi đứng trước mặt Thùy Trang. - Còn ông Nam ấy mà, ông ấy chỉ là bạn bình thường của em thôi, anh Vinh ạ! Không có gì đâu! Hôm nay nếu có gì anh thấy không vừa lòng trong câu chuyện, anh bỏ quá cho nhé! Em thực lòng xin lỗi anh đấy! Vì... em làm sao mà ngăn được suy nghĩ và lời nói của ông ấy chứ? Em mong anh thỉnh thoảng lên thăm em nhé! Bây giờ em chỉ có một mình ở nhà thôi! Buồn lắm anh ạ! Anh nhớ... nhé! Và, nếu có dịp em cũng sẽ xuống nhà thăm anh và các cháu! - Giọng bà càng nói càng nghẹn ngào, ông Vinh cũng xúc động không kém. Bỗng, ông cảm thấy hơi ấm cơ thể bà Trang truyền sang ông. Thì ra, bà đã ngả sát vào người ông từ lúc nào. Nhưng rồi ông choàng tỉnh, khi tiếng còi chiếc xe Camry “toe toe”, đấy là tín hiệu của cô Hồng lái xe báo rằng ông cần phải ra xe để trở về. Ông ôm choàng lấy bà Trang, một cơ thể vẫn còn chắc lẳn, tràn đầy sức sống, mùi thơm trên mái tóc bà làm ông ngây ngất. Ông đặt lên môi bà một nụ hôn nồng cháy, chẳng khác nào những nụ hôn dịu ngọt ngày xưa. Rồi ông thì thầm vào tai bà: “Tạm biệt em! Anh về nhé! Anh sẽ trở lại!”. Bà Trang bồi hồi nhìn theo chiếc xe con khuất vào cuối phố.
Đêm ấy, bà Trang không sao ngủ được. Bà bâng khuâng nhớ lại cuộc gặp gỡ ông Vinh hôm nay. Bà thầm nghĩ: “Thế là anh ấy vẫn còn nhớ đến mình! Vẫn còn… yêu mình? Nếu không thì sao anh ấy lại hôn lên môi mình?” - Nghĩ đến đây bà thấy tim mình đập mạnh. Bà bồi hồi hy vọng giây phút ông sẽ tới. Một niềm vui tràn ngập trong tâm hồn của bà lâu nay giá lạnh. Nhưng, bà sẽ phải đối mặt với giáo sư Nam thế nào đây? Một con người cũng đầy nhiệt tình và quyết tâm không kém bất cứ ai. Nếu mình chỉ cần hé mở cho dù chỉ một chút ít thôi, thì có lẽ khó mà giữ được!... Ông ta chẳng đã nói kín hở rằng rất cần mình đó sao? Bà cảm thấy mình chông chênh như đứng giữa hai dòng nước vậy! “Ô kìa! Cái bà này! Già rồi mà còn nghĩ... vẩn vơ à? Hãy dẹp đi!...” - Bà chợt xấu hổ khi nghĩ về chuyện ấy!... Nhưng, hình như không thể! Mình vẫn còn khỏe mạnh, vẫn cần một vòng tay yêu thương để chia sẻ, một điểm tựa vững vàng lúc cuối đời! Có ai cấm mình đâu nhỉ? Đầy người, họ bảy mươi tuổi vẫn đến với nhau, mà vẫn hạnh phúc đấy thôi! Vậy điểm tựa của mình là ai đây?... Ừ! Đúng rồi! Có lẽ sâu đậm, tin cậy nhất vẫn là Nguyễn Quang Vinh, người yêu năm xưa với bao kỷ niệm ngọt ngào không thể nào quên được! Chính là anh ấy!.
Bà thiếp đi lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy thì đã là lúc phố phường tấp nập đông vui. Một ngày mới lại bắt đầu.
HOÀNG HÔN PHÍA CHÂN TRỜI
Truyện ngắn của BÙI THU HẰNG
Chị là một cô giáo, nhưng nhiều người quen thường hay trêu đùa vì cái tướng của chị khiến người ta liên tưởng đến công việc đồng áng. Chị có dáng khỏe mạnh, hơi đậm, lại có nước da nâu pha đỏ mà các cụ thường gọi là da cam sành, đã thế lại có bầu lỗ mũi to, tròn. Chị lúc nào cũng vui vẻ. Mỗi khi cười, mắt nhắm tịt lại… Nhà chị ở xóm bờ sông, gần cầu Nguyện Thê, nối hai đầu quốc lộ, bên này là con đê Thanh Tuyền, uốn lượn ven sông, đi tiếp là đến chợ Lương Phú. Thật đúng như các cụ đã nói: “Nhất cận thị, nhị cận giang!”.
Giá như không có chiến tranh, thì đây quả là một nơi non nước hữu tình, không khí thì trong lành, rời xa chốn phồn hoa đô hội nhưng vẫn trù phú ấm cúng bởi cuộc sống quần tụ, chan hòa, làng trên xóm dưới. Giặc Mỹ đánh phá cầu Nguyện Thê, là điểm “yết hầu” nối Hà Nội với Hải Phòng, thành ra, trường, lớp sơ tán, cô theo trò, con theo mẹ về làng hẻo lánh, xa cầu.
Chồng chị là công nhân lái tàu đường sông, thường xuyên xa nhà, công việc của anh chủ yếu là chuyên chở hàng quân sự cho bộ đội. Có lần, tàu rơi vào vùng địch thả bom, anh bị văng xuống sông, chìm nổi tưởng mất xác, may mắn anh em tìm thấy, vớt được. Anh về nhà với chị, được chị chăm bẵm gần hai tháng, khi bình phục, anh lại tiếp tục công việc. Chiến tranh ác liệt, công việc của anh lại mang tính khẩn trương cập rập nên có khi đến hai, ba tháng anh mới ghé qua nhà, đưa chị ít tiền, thủ thỉ với nhau một hai đêm, rồi lại vội vã ra đi. Chiến tranh phá hoại kết thúc, anh bảo sẽ thu xếp xin về gần vợ con, còn trước mắt, anh vẫn phải xa nhà.
Đồng lương giáo viên ít ỏi, nuôi bốn đứa con nhỏ, trứng gà trứng vịt thì không đủ, cho nên tranh thủ ngày nghỉ hè, chị te tái đi kiếm hàng về bán trên hai đầu cầu Nguyện Thê. Ngày ấy, cây cầu sắt làm từ thời Pháp đã hẹp lại xuống cấp, xe đi Hải Phòng - Hà Nội phải chịu phân luồng hàng giờ đồng hồ, là cơ hội để đội quân bán rong kiếm ăn bằng cách mời chào: Nào mía róc sẵn, bánh chưng, bánh rợm, bánh gai, kẹo dồi chó, thuốc lá Tam Đảo, Điện Biên. Lúc xe khách đỗ tạm cho tàu hỏa đi qua, các bà, các chị, các cháu nhỏ lại ùa ra bám vào cửa xe, rao hàng, chào khách. Họ nhanh như sóc, kiễng chân đưa hàng qua cửa xe. Một người đàn ông, tóc bù xù che kín mặt, vẻ ám muội trên ánh mắt, cậy sức đàn ông chen bật mấy chị và tụi nhóc để gí vào tay khách chiếc bánh chưng vuông vức, còn thơm mùi lá chín, vừa lấy tiền xong thì xe chạy. Khách giở bánh ăn.
- Ôi, bánh chưng đất! Vừa kêu họ vừa tức tối ném vèo ra cửa xe, rơi bịch xuống chân mấy người bán hàng, “bánh” nát bét.
Các chị vừa giận, vừa lo:
- Khéo, bánh chưng đất Hải Dương mà nổi tiếng, chị em mình mất miếng ăn!
Cũng may, kẻ gian lận kia bị phát giác.
Bán hàng cũng như đi câu, lúc may lúc rủi, thành ra, cứ cuối tháng, tiền hết, gạo không. Tan lớp, chị tìm vào nhà cô bạn cùng dạy vay vài bò gạo về nấu tạm. Cái thời tem phiếu, ăn dè lắm, một tháng cũng phải thiếu đến vài ngày gạo. Một vài chị em ăn gạo quê, thừa gạo sổ, họ cho vay. Mùa gặt, chị đong gạo mới, kèm vài cân nếp thơm, đem trả cho bạn, vui vẻ nói:
- Tớ chỉ nhỡ thôi, đến mùa gặt, có nhiều thóc, kể cả nếp. Nhà cấy được mà!
Cứ tào lao cho vui, nhưng đêm về, sâu thẳm trong lòng, nỗi buồn tủi cứ len lỏi khiến chị mất ngủ, đan xen là sự lo lắng vô cớ đến bâng khuâng. Có chồng mà cũng như không, có tháng nào là chị không phải vay mượn chạy vạy nuôi con đâu.
*****
Phải rất lâu, anh mới có chuyến về phép.
- Eo ôi, sao lần này, bố nó ít về thế, để mẹ con mong ngóng suốt!
Anh cười, rồi vui vẻ nói:
- Tôi cũng muốn lắm, nhưng tình hình chuyên chở hàng khẩn cấp, không thể về được, mà về cũng nguy hiểm!
Anh vừa nói vừa quàng chiếc áo khoác vào cái đinh trên cột nhà. Đàn con thấy bố cứ ríu rít, quanh quẩn không rời nửa bước, chỉ có thằng cu lớn là lầm lì, ít nói, hỏi gì, nói nấy, không thôi.
- Thằng Uyển giận bố à?
Uyển chừng hơn mười tuổi, gầy khô, nước da đen nhưng hàm răng lại trắng muốt, chỉ hơi nhếch mép. Rồi bất ngờ nó nhìn bố đăm đăm, nói một mạch:
- Bố đi bao lâu, bố chẳng về, ở nhà mẹ và chúng con khổ! Nhiều bữa đói, ăn rau là chính, ăn rồi cứ tưởng như chưa, phải chia nhau từng lưng cơm. Định đưa bát xin cơm, chợt nhớ ra, con hỏi mẹ “Con còn suất không?”. Mẹ đưa tay ra đón bát tức là còn, mẹ lắc, là hết. Có lúc thương con quá, tuy cũng hết suất, mẹ thêm cho con một ít cơm!
Nói đến đây, họng nó nghẹn lại rồi nó òa lên khóc, lao vào lòng bố, úp mặt vào đùi bố, nức nở. Tiếng khóc dễ lây, thằng bé làm cả nhà khóc theo.
- Anh ơi! Con nó nói đúng đấy. Nhờ trời phật, tuy bom đạn, đói khát thế, may mà còn sống cả cho đến ngày hôm nay.
Anh kéo hai đứa vào lòng, tay vuốt nhẹ mái tóc lơ thơ của thằng anh:
- Bố biết rồi, bố có lỗi với mẹ và các con. Bố cũng vất vả lắm, có lần bị bom, đã ngất, chìm nổi trên sông.
Chị bảo:
- Thôi các con, cả nhà ta cùng khổ, tại thằng Mỹ hết. Rồi chị gạt nước mắt.
Sau đấy, lâu hơn, không thấy anh về, mẹ con trông ngóng, lo lắng. Bạn chị bảo:
- Sao không đi tìm xem cơ quan ông ấy ở đâu, công việc thế nào, ăn ở ra sao? Chồng nói gì, nghe nấy, biết đâu...
Thực tình chị cũng nóng lòng lắm, chị quyết định:
- Các con ở nhà trông nhau. Hai con Hoan, Hoa phải nghe lời anh Uyển. Mẹ đi tìm bố, vài hôm mẹ về!
Chị chuẩn bị đủ gạo, rau, mắm cho các con rồi sang nhờ bà hàng xóm:
- Bà ở nhà, để ý các cháu giúp con!
- Được, cứ yên tâm, ở nhà có bà, không phải lo!
Bà hàng xóm vừa nhai trầu, phơi cái chiếu lên hàng rào rồi quay sang thủng thẳng. Mọi lần có việc đi đâu hoặc về muộn, chị đều nhờ bà cụ trông giúp. Hôm nào bà cũng sang vài lần. Buổi tối, chờ lũ trẻ học xong, cài cửa, tắt đèn đi ngủ, bà mới nhẹ nhàng khép cổng ngoài, khóa vào rồi mới về.
Thắc thỏm cả đêm, chị không sao chợp được mắt. Trời còn tối đất, chị đã đi ra bến, cái bến ca-nô đang vào mùa nước cạn. Bãi cát dài rộng, đã ửng hồng. Nhiều người no giấc, chui ra khỏi khoang thuyền, đứng trên mui, hít thở không khí trong lành của sớm mai yên bình. Chị giật mình, tưởng anh từ khoang tàu đang lên, gọi tên chị rồi ào tới dắt tay chị cùng về.
Không đâu, đó chỉ là tưởng tượng, anh còn đang ở góc bể chân trời nào kia. Hôm qua, hăng hái thế, bây giờ trước cảnh sông nước mênh mông, chị lại dự cảm lo lắng, nghĩ nếu mình làm sao thì các con thế nào. Nhưng rồi chị rướn người, hít thật sâu và tự nhủ: “Không được, không được quay về, đã nói đi là phải đi!”.
Chiếc ca-nô chở khách, đầy khoang hàng và người, ghé vào bến. Một tay chị xách túi du lịch đầy quần áo và đồ lặt vặt, tay kia, một người trai trẻ dắt chị vào khoang. Khách lên đã hết, tàu mở máy với tiếng kêu lạch bạch và kéo nước ì oạp vang cả khúc sông. Mũi tàu rẽ sóng, sóng xô vào bờ. Lòng chị càng lo lắng, bồi hồi: “Biết đi thế này thì đến đâu, chỉ biết con tàu ngược tận Lục Nam!”.
Con sông Thương bên đục, bên trong, chị đang đi giữa dòng, lòng mình như chia hai nửa: “Chẳng lẽ đời mình cũng nửa đục, nửa trong?”. Chính dòng sông này, chị đã theo chị em ngược lên mua sắn, đong gạo, khoai khô chống đói. Nghĩ mà cực, ở đồng bằng mà phải lên tận miền trung du mua lương thực ngày giáp hạt, bao giờ thì no đủ, bao giờ thì hết khổ...
Nghĩ miên man, chị chợp mắt, bỗng thấy khách lục tục thu xếp hành lý, có lẽ đã đến nơi. Tia nắng cuối cùng đã tắt, bầu trời còn màu sẫm nhẹ. Chị như cái máy, tay xách túi, vịn thành tàu, bước xuống, lảo đảo, nôn nao vì mệt. Trên bến, có đến mấy ngả đường với các mũi tên chỉ dẫn. Chị để ý có một mũi tên nhỏ “Nhà trọ cách tám mươi mét”. Chị đi thẳng về hướng đó. Là một xóm trọ với những dãy dài, có nhiều gian. Chị chú ý đến một nhà nhỏ hơn, gọn gàng, trước là quầy bán hàng ăn, bán nước. Chị dừng lại bên thềm. Một phụ nữ lớn tuổi, ăn mặc gọn gàng, nhanh nhẹn chào:
- Chị cần nghỉ trọ?
- Vâng ạ!
- Sáng mai chị đi tiếp chứ?
- Vâng ạ! Đây là đâu hả bà?
- Đây là bến Ba Tràng, trên bến, dưới thuyền, vui lắm, không có sự đổ nát do bom đạn Mỹ thì phố này sầm uất lắm. Chị có cần ăn tối không?
- Dạ! Con có cơm nắm rồi ạ, phiền mua bà bát canh và nước uống.
- Chị chờ một tí, em nó sẽ đem lên!
Lúc sau, một cô gái trắng trẻo, nhẹ nhàng, tóc búi gọn đằng sau gáy, cổ quàng chiếc khăn voan mỏng, tay bưng bát canh nóng hổi:
- Chào bác, canh của bác đây, chiều muộn hơi lạnh, bác nên mặc ấm!
Cô gái nói xong rồi lui ra. Một bé gái, tay xách cái xuyến nhỏ, tay cầm một cái chén con đi sau mẹ, đặt xuyến nước xuống bàn:
- Cháu mời bác xơi nước ạ!
- Cháu ngoan lắm, cho bác xin. Con xin phép bà!
Rồi chị giở cơm nắm ra ăn.
- Chị cứ tự nhiên! Bà cụ thủng thẳng.
Chị nhìn lên, bé gái chừng ba, bốn tuổi, vui vẻ, cái miệng giống hệt miệng anh, hai hàm răng trắng tinh. Thấy chị để ý đến cháu, bà vui vẻ nói:
- Cháu hơn ba tuổi rồi đấy, chỉ ở nhà với bà và mẹ. Mẹ con, bà cháu buôn bán nhì nhằng nuôi nhau. Chả giấu gì chị, ông nhà tôi mất sớm, được mụn con gái. Nó cũng là cái duyên, cái số, có nhiều người ngỏ lời nó chẳng ưng ai, gặp bác này sau lần đi phục vụ hỏa tuyến.
Chị nghe như đại bác bắn bên tai, cố tỏ vẻ bình thường, gật đầu theo quán tính “Vâng, vâng.”.
Bà nhìn cháu bé rồi nói tiếp:
- Bố cháu bận lắm, nhà dưới xuôi cơ, đi lái tàu sông, chở hàng bí mật, họa hiếm mới về qua nhà.
Chị quay ra, thấy bé vẫn đứng đấy, chị kéo bé vào lòng.
- Con tên gì?
- Dạ, con tên Hương, Phạm Thu Hương.
- Con bố nào?
- Bố con tên Tuyên, mẹ con tên Lan.
Chị lấy một miếng cơm chấm muối vừng đưa cho bé.
- Cháu xin! Bà ơi, cháu ăn cơm với bác nhé!
- Ờ, ăn cơm bác, bà cho theo về xuôi làm con bác.
Bé hơi ngần ngừ.
- Bà nói đùa đấy, cháu ăn với bác cho vui!
Chị ngẩng lên nhìn bà:
- Con ở Hải Dương, gần cầu Nguyện Thê. Con được bốn cháu. Hôm nay, con theo tàu lên đây, đong ít gạo, mua ít sắn, nghe nói trên này hạ hơn.
- Thế thì sáng mai, chị ra chợ ngay đây, đong sớm có thể về chuyến tàu sớm, để tôi bảo em Lan, mai đưa chị ra chợ, đong giúp.
- Không cần đâu, con tự đi được, đã có lần con lên đây rồi!
Đêm nay mệt là thế, nhưng chị không thể chợp mắt, chị suy nghĩ nhiều về anh “Nơi đây là chỗ trú thân của anh, anh nhờ vả họ là chính, anh cũng chẳng thể chăm sóc họ được gì. Anh là kẻ gan lì, cậy răng không nói, chị giận anh lắm”. Sáng sớm, chị cảm ơn bà, rồi lẳng lặng ra bến khi mẹ con Hương chưa thức dậy.
Trở về trên chiếc ca-nô nhỏ hơn, nhưng chạy nhanh hơn, mà sao chị thấy nó chậm rề rề, mãi không đến bến nhà. Vào lúc cò về tổ, thị xã tỏ đèn thì tàu cập bến. Chị bước lên bờ, trong lòng bao nỗi niềm. Mấy đứa trẻ ngóng mẹ, ùa ra đón. Đứa xách túi, đứa vác ba-lô, trong đó có ít sắn tươi, mấy cân hạt dẻ. Chị ngồi phệt xuống thềm nhà:
- Các con, bố có nơi, có chỗ rồi, không về với mẹ con mình nữa. Các con càng phải ngoan, chịu khó học hành. Mẹ con mình chẳng cần, trước kia còn được, nữa giờ!
- Thế mẹ có gặp bố không! Bố ở đâu?... Tụi trẻ nhao nhác!
Chị không nói được nữa rồi, chị vào giường úp mặt xuống gối, khóc nức nở, hai vai run bần bật. Rồi chị vùng dậy, chạy sang bà hàng xóm, biếu bà chút quà.
- Thế nào, chị có gặp được anh ấy không?
- Không ạ! Lúc nào rỗi con sang chơi kể chuyện cho bà nghe
******
Theo năm tháng, các con lớn lên, có công ăn việc làm, chị đỡ vất vả nhưng cũng là lúc tuổi cao, sức yếu, chị nghỉ hưu. Áp tết, chị và các con sắm đồ lễ tết, chuẩn bị gói bánh chưng, những tàu lá dong bánh tẻ xanh mượt, được rửa sạch, rọc cuống để trên mâm. Nồi thịt ba chỉ xào, thơm phức, lưng giá gạo nếp cái hoa vàng, hơn chục nắm đỗ chín, bó lạt giang mềm. Chị ngồi trên chiếu, trước cái mâm, chải sẵn bốn tàu lá theo hình chữ thập, đổ miệng bát gạo gạt đều, chia đôi nắm đỗ, hai miếng thịt đặt vừa kín đỗ, rồi nửa nắm đỗ nữa, cùng miệng bát gạo sau trùm lên. Đôi tay ngoăn ngoắt gấp lá, ập hai bên trước, gấp mặt thứ ba, rồi dựng hẳn bánh lên, rỗ rỗ, gấp mép cuối, buộc lạt, thế là được chiếc bánh chưng vuông vức. Các con cháu ngồi xem, không chớp mắt. Chị véo cho mỗi trẻ ít đỗ rồi nắn vỗ chiếc bánh nói vui:
- Năm nay, nhà ta ăn tết khá hơn, biết đâu, bố lại về ăn tết thì vui!
Anh thiêng thật, chị vừa nói xong thì anh xách chiếc ba-lô, cùng đi vào với một người, miệng reo lên:
- Ai đây? Ai “lại về ăn tết thì vui” đây.
- Trời, bố nó về đấy à? Năm nay cả nhà ta ăn tết vui rồi, bé con ra với ông.
Anh mặc cho cháu bộ áo mới tinh, mùi vải thơm phức. Các con, ai cũng có quà. Anh phần chị hai mét vải sa-tanh Nam Định với lại ít măng khô, nấm hương, mộc nhĩ.
- Từ nay, tôi ở nhà với mẹ con, bà cháu, tôi được nghỉ rồi.
*****
Vết thương cũ tái phát, anh không được khỏe, ốm đau luôn, chị và các con vất vả nhiều năm liền. Bây gờ, chỉ còn lòng yêu thương sự chăm sóc, không còn sự giận dỗi nữa. Mùa đông năm đó, cái lạnh kéo dài, miền núi, trung du nhiều nơi mưa tuyết, trâu bò, cây cối, chim muông chết nhiều, đến con chuột đồng cũng không thể rời hang, nhưng vì thế không có chuột phá. Gian khổ, thiếu thốn đau đớn đã rút đi sức lực của anh thời trai trẻ, nay tuổi già, bệnh tật, cái rét thấu xương kéo dài, anh không trụ nổi, ra đi vĩnh viễn vào một ngày lạnh giá…
Chiều nay, chị và các con, cháu ra thăm mộ anh. Bãi sông mênh mang, lúa non mới hồi sau trận rét, lá phun lên còn trắng nhạt, chứa đầy sức sống, báo hiệu chỉ một tuần nữa, cả cánh đồng sẽ xanh mướt. Trên bờ mương, cỏ bắt đầu nảy mầm, nước loang loáng gợn làn sóng nhẹ. Đàn cò trắng đang lò dò bắt tép.
Trên mộ anh, lạ thay, bó hoa huệ tươi, ai vừa đặt, khói hương nghi ngút tỏa thơm, đóm than còn đỏ hồng. Chị nhìn theo con đường trước mặt, một người thiếu phụ trong bộ đồ đen và cô gái trẻ, vành khăn xô trắng trên đầu đi chưa xa. Rảo bước theo họ, nhưng không kịp vì hai người đã lên xe, nổ máy, chạy về phía bến ca-nô. Chị bước nặng nề về chỗ các con.
- Ai thế mẹ? Có phải mẹ con họ không?
- Thôi các con, thắp hương cho bố rồi ta về, trời tối rồi.
Hai nắm hương cùng đỏ, khói bay nghi ngút, quấn vào nhau, tỏa hương. Chị dắt đứa cháu đi rề rề, lòng nặng trĩu nỗi buồn.
Ngày tháng trôi đi, một buổi chiều như vạn buổi chiều, chị dạo một mình trên bãi cát chân cầu Nguyện Thê. Bất chợt, bắt gặp ánh mắt của người đàn ông luống tuổi, đi dạo một mình từ hướng thành phố. Người đàn ông mặc bộ ka-ki màu xám, tóc cắt ngắn, da đen, hơi gầy. Ánh mắt vui, miệng cười tươi, giọng nói giòn giã:
- Chị cũng đi dạo mát à?
- Vâng, hôm nào tôi cũng đi.
- Tôi cũng vậy.
- Sao hôm nay, tôi mới gặp anh?
- Tôi hay đi muộn, đi khi thành phố lên đèn.
- Thành phố lên đèn thì tôi về, nhà gần đây, chị chỉ tay vào xóm nhỏ.
Hai người cùng cảnh ngộ gặp nhau. Họ nói chuyện cởi mở chân tình. Dưới sông, sóng vỗ bong banh vào mạn tàu, trên bãi cát, sóng ào, tuôn chạy lên cao, rồi lại tự nguyện rút, lùi xa bờ như chẳng bao giờ ngừng. Hai người ngồi xuống, thả mắt ngắm dòng sông hiền hòa, bầu trời đầy sao lấp lánh như thi với ánh điện lung linh. Họ tâm sự với nhau như hai người bạn thân quen từ lâu. Họ nói đến nỗi cô đơn của mình. Khuya, trời hơi lạnh, hai người ngồi sát vào nhau, hơi thở nồng nàn pha mùi cỏ nội thơm nhẹ. Giọng người đàn ông trầm ấm, run run, ngập ngừng:
- Hay là mình.
- Anh bảo sao cơ?
Anh nói lảng:
- Mai ta lại cùng đi dạo cho vui nhé! Hay là mình… Tôi nói ra, có thế nào, mình đừng cười cơ!
Chị mạnh dạn hơn:
- Xin hứa!
Người đàn ông thong thả, bình tĩnh:
- Hay là mình với tôi về ở chung cho vui.
Sau lời đề nghị ngắn gọn, thiết tha của anh, lòng chị bồn chồn, xao xuyến, khuôn mặt nóng bừng.
- Mình về ở với tôi! Mong sao hai đứa mình gắn bó lâu bền, bù lại những ngày thiệt thòi, mất mát được không? Anh siết chặt tay chị, cùng đứng lên, đôi bàn tay nóng ấm run run. Vai sóng vai, lên dốc đê với ánh hoàng hôn ửng hồng pha tím.
*****
Những ngày đằm thắm nồng nàn, tiếng nói vui vẻ, tiếng cười giòn giã trong nhà. Có tiếng trẻ thơ gọi:
- Bà nội ơi!
- Cún đấy à? Vào đây, vào đây với bà.
Bé chạy vào, thấy người đàn ông đứng đó, do dự một lát, bé khoanh tay trước ngực:
- Cháu chào ông ạ!
- Cháu ngoan lắm, vào đây nào.
- Mẹ cháu bảo không được quấy rầy ông bà.
- Không sao, xin mời cháu vào!
Tiếng cười vui rộn rã cả gian nhà, những hôm ấm áp, anh chị dắt cháu cùng dạo chơi trên bãi cát. Thằng bé chạy nhảy vui đùa, luôn miệng hỏi: Ai? Cái gì? Tại sao?...
- Vì sao ông mặt trời bây giờ lại đỏ và to hơn lúc ban trưa? Làm sao sóng ở xa lại nhỏ hơn sóng ào vào bờ? Ai làm ra nước mà nhiều thế? Ai làm ra cát mà cũng nhiều và nhỏ thế, ông ơi!
- Giỏi lắm, cháu giỏi lắm, bây giờ ta xuống sông tắm cho mát cái đã.
- Ông, bà dạy cháu bơi mấy!
- Được, nhưng phải dũng cảm, không được sợ nước đấy!
Càng lúc, cháu càng ham, vùng vẫy trên tay ông, chân đạp, tay quơ, đầu lắc, bọt tung trắng xóa. Bà đứng cạnh, nói như ra lệnh: "Hai tay cháu phải khua mạnh xuôi về bên sườn, quạt nước về phía chân, hai chân co lên, đạp mạnh lại, nổi nông lên, rướn mình về phía trước".
Đến lượt bà cho cháu tập. Chị thấy ngực và bụng cháu tì nhẹ vào lòng bàn tay mình, chị dần dần buông tay ra. Cháu chìm nghỉm, uống ngụm nước, khoạc ọe, đỏ mặt, tía tai, nước mắt, nước mũi giàn giụa.
- Cháu không tập nữa đâu, cháu sợ lắm!
- Không sao, cháu sẽ quen thôi, rồi cháu sẽ nổi, bơi được, cháu sắp bơi được rồi còn gì, không sặc nữa đâu!
Dần dần, cháu bơi được một hai đòn gánh, nó thích lắm, bắt đầu tập bơi sải, bơi ngửa. Khi bơi, tóc ướt, toàn thân chìm dưới nước, mỗi cái mặt đúng hơn là hai con mắt và hai lỗ mũi hở trên mặt nước. Xuôi dòng, cháu bơi không khác gì một con chuột đang ngoi nước. Ông bà theo cháu vất vả mới kịp, nhưng lòng họ hạnh phúc lắm, họ như được sống lại thời son trẻ…