Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Kiến trúc: "Cần tránh khi thiết kế, xây dựng nhà ở" của KTS. Nguyễn Văn Thường
24/03/2022 12:00:00

 
 
 

Trong bài viết “Đôi điều về nghệ thuật kiến trúc nhà ở” tôi đã đề cập đến các yêu cầu công năng, nghệ thuật, tâm sinh lý và phong thủy đối với nghệ thuật kiến trúc nhà ở. Những yếu tố về mặt kỹ thuật cũng vô cùng quan trọng, có liên quan trực tiếp, mật thiết đến những yếu tố nêu trên. Thực tế đã cho thấy rất nhiều công trình nhà ở (riêng lẻ) khi đi vào sử dụng đều gặp những sự cố kỹ thuật không lớn thì nhỏ. Những sai sót về mặt kỹ thuật trong quá trình thiết kế, xây dựng ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình. Vì thế mặc dù có chút phân vân khi trên những trang văn học nghệ thuật, nơi cho người đọc những cảm xúc “thăng hoa” vẫn mạnh dạn xin đề cập đến một số vấn đề kỹ thuật khô khan nhưng hết sức cần thiết này.

Trước tiên xin nói đến sự cố thấm dột mái. Có tới hơn 50% công trình nhà ở “hình ống” có mái nứt ngang và bị thấm dột. Để có được một ngôi nhà ở cho riêng mình mọi gia đình đều phải chuẩn bị rất lâu với bao công sức, tiền của để xây dựng, thế mà không được bao lâu đã bị sự cố thì thật là khó chịu. Thấm dột mái gây ra hệ lụy không chỉ về mặt sử dụng mà còn làm han rỉ cốt thép, hư hỏng kết cấu công trình. Việc khắc phục sửa chữa thường khó triệt để (ngoại trừ phải phủ lên một lớp mái tôn). Nhiều người thường cho rằng vết nứt là do võng mái từ nguyên nhân đặt thiếu thép hoặc thiếu chiều dày bê tông sàn. Nhưng quan sát vết nứt ngang mái (và tường) cho thấy hầu hết rộng ở phía trên và nhỏ dần xuống phía dưới chứng tỏ đã có một lực căng theo chiều dọc nhà, càng lên trên lực căng càng lớn và phá vỡ kết cấu sàn mái trước rồi tiếp theo xuống đến tường. Nguyên nhân chỉ có thể là do nhà bị lún móng ở hai đầu trước, sau hoặc do biến dạng vì nhiệt. Giải pháp thiết kế đặt ra là cần phối hợp xử lý bốn yếu tố: một là tăng kích thước móng phía trước, sau; hai là giảm tải trọng của ban công phía trước, sau; ba là gia cường thép sàn, dầm theo chiều dọc nhà ở tầng trên cùng; bốn là tăng chiều dày sàn mái để hạn chế chênh lệnh biến dạng vì nhiệt giữa sàn với dầm và tường nhà.

Sự cố thấm dột ở khe tiếp giáp với nhà bên cạnh. Trường hợp này thường xảy ra khi chống thấm bằng cách trát cứng khe tiếp giáp bằng vữa xi măng. Nhưng dùng phương pháp này là hoàn toàn sai lầm, vì giữa hai nhà và lớp vữa trát luôn có sự biến dạng, tách nứt. Giải pháp hợp lý là chống thấm dột khe tiếp giáp bằng “liên kết mềm”. Dùng lá tôn bắn vít cố định vào bức tường của nhà cao hơn dọc theo khe tiếp giáp, tạo thành một góc 45 độ so với mặt phẳng đứng. Đắp gờ vữa xi măng dày khoảng 3 đến 4 cm (vào tường nhà cao hơn) để che mép tôn phía trên. Mép dưới của lá tôn để tự do (không vít cứng) phủ qua chiều dày của tường chắn mái (của nhà thấp hơn) sao cho nước mưa từ tường của nhà cao hơn chảy qua gờ vữa, lá tôn và chảy hết xuống sàn mái của nhà thấp hơn.

Sự cố thấm dột từ ô kính, cửa sổ nhà ở. Nhiều công trình nhà ở theo phong cách hiện đại gần đây không có ô văng che mưa cho ô kính, cửa sổ. Do người thiết kế quá chú tâm đến hình thức kiến trúc mà quên để ý đến các chi tiết cấu tạo kiến trúc. Người thợ xây cũng như thợ cửa thường bỏ qua những chi tiết cấu tạo gờ chắn nước, thay vào đó dùng keo dán bịt kín khe tiếp giáp giữa khuôn cửa và tường. Nhưng keo dán rất nhanh bị lão hóa và nứt tách trước thời tiết khắc nghiệt, chỉ sau một thời gian ngắn là nước mưa tiếp tục thấm dột vào nhà. Giải pháp hợp lý là cần có ô văng che mưa hoặc nếu không thì phải có chi tiết gờ móc nước (tốt nhất bằng vữa xi măng hoặc bê tông liền khối với tường) để đảm bảo rằng trong trường hợp có vết nứt giữa tường và khuôn cửa thì nước vẫn không thể thấm dột được vào trong nhà.

Sự cố thấm dột sàn khu vệ sinh nhà ở. Sẽ rất phức tạp khi phải khắc phục thấm dột khu vệ sinh, thậm chí có thể phải phá dỡ sàn vệ sinh để làm lại. Không những gây tốn kém mà còn phiền phức cho cuộc sống, sinh hoạt thường ngày. Khi thi công khu vệ sinh chúng ta cần ngâm chống thấm nước xi măng thật kỹ; ngoài ra nên dán lớp chống thấm cho sàn vệ sinh (phòng trường hợp vì lý do nào đó sàn có rạn nứt vẫn không bị thấm, dột). Nếu có điều kiện thì dưới hệ thống đường ống thoát nước chỉ đóng một lớp trần nhựa để dễ dàng kiểm tra, sửa chữa.

Sự cố trong quá trình thi công nhà ở làm lún công trình liền kề. Cần phải tìm hiểu hiện trạng nền móng của công trình bên cạnh trước khi đề ra phương án xử lý nền móng. Nếu móng của công trình bên cạnh đặt trên nền thiên nhiên thì phải có phương án dự phòng sự cố và chỉ sau khi đã ép cọc gia cố nền xong mới được đào móng theo nguyên tắc phải nông hơn đáy móng nhà bên cạnh. Nếu công trình bên cạnh đã xử lý nền bằng cọc tre và độ lún đã ổn định thì có thể đào sâu gần bằng đáy móng của công trình bên cạnh theo hình thức cuốn chiếu, đào từng đoạn một (khoảng 1,5 đến 2 mét) và ép cọc xong rồi mới lại đào tiếp. Công trình nhà ở trong điều kiện xây chen, nền đất yếu thì cần phải có kỹ sư chuyên ngành thiết kế xử lý nền móng.

Sự cố do hệ thống giàn giáo không đủ chịu lực. Công trình nhà ở thường có kích thước không gian nhỏ. Tuy nhiên một số sự cố về giàn giáo vẫn xảy ra. Khoảng cách cây chống thưa, độ cứng cây chống yếu hoặc liên kết giằng giàn giáo không đủ ổn định đều có thể xảy ra sự cố làm đổ, xập. Một số trường hợp chân cột chống bị lún cũng gây ra sự cố. Lưu ý cần kiểm tra kỹ hệ thống giàn giáo, cốp pha trước khi tiến hành đổ bê tông dầm, sàn.

Sự cố do chất tải sớm khi sàn bê tông cốt thép chưa đạt cường độ cần thiết. Do chạy theo tiến độ mà người thi công nhiều khi không tuân thủ yêu cầu kỹ thuật, chuyển gạch, đá, cát lên sàn sau khi đổ bê tông được vài ngày. Hậu quả của việc chất tải sớm khi bê tông chưa đạt độ cứng làm cho hệ thống giàn giáo bị lún gây võng, nứt sàn bê tông. Trường hợp giàn giáo không bị lún thì bê tông sàn vẫn bị bầm dập rạn nứt. Những vết nứt do chất tải sớm đều khó nhận biết bằng mắt thường. Hậu quả là giảm khả năng chịu lực, gây thấm dột hoặc han rỉ cốt thép sàn.

Sự cố khí từ bể tự hoại thoát ngược lên bồn cầu hoặc qua các vết nứt dưới nền nhà (trường hợp này ít gặp). Nguyên nhân chủ yếu là do thiết kế hệ thống thoát hơi cho bể tự hoại không đúng nguyên lý, để khí trong bể tự hoại tích tụ tăng áp suất làm nứt bể thoát qua nền nhà hoặc ngược qua bồn cầu. Cần lưu ý khi đặt ống thoát nước từ bể tự hoại ra ngoài phải khống chế để mực nước lưu trong bể thấp hơn mặt nắp bể tối thiểu 20cm. Có lỗ liên thông giữa các ngăn bể ở phía trên sát mặt nắp bể và thông với ống thoát hơi chung vượt qua mái nhà.

Sự cố bong rộp lớp gạch lát sàn. Một số công trình đang trong quá trình sử dụng bỗng nhiên tại một thời điểm nào đó lớp gạch lát nền bị bong rộp một cách đột ngột. Ta nhận thấy kích thước của toàn bộ lớp gạch sau khi bong rộp lớn hơn kích thước lớp gạch trước khi bong rộp. Như vậy đã có sự giãn nở của các viên gạch dẫn đến tăng kích thước phá vỡ liên kết giữa lớp gạch và sàn nhà. Nguyên nhân có thể là do qua thời gian, gạch lát hút hơi ẩm và giãn nở dần, cũng có thể là do giãn nở vì nhiệt. Nguy cơ bong rộp tùy theo chất lượng gạch cũng như diện tích ô sàn. Hạn chế hiện tượng bong rộp gạch lát sàn bằng cách chọn loại gạch tốt ít bị giãn nở do thay đổi độ ẩm, nhiệt độ hoặc để khe biến dạng khi diện tích lớn hơn 20 mét vuông.

Một sự cố nữa không thể không nhắc đến là nắng nóng chiếu vào nhà. Nắng chiếu vào trong nhà gây bức bối, khó chịu cho người ở, làm hạn chế hiệu quả của điều hòa nhiệt độ, gây hư hỏng đồ đạc, trang thiết bị. Nguyên nhân chủ yếu cũng là do người thiết kế quá chú tâm đến hình thức kiến trúc mà quên để ý đến đặc điểm khí hậu nước ta là nhiệt đới gió mùa, “nắng lắm mưa nhiều”. Mùa hè bức xạ nhiệt rất cao, đặc biệt là hướng Tây. Theo kinh nghiệm thì ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ diện tích tổng của ô kính, cửa sổ, cửa đi (giả thiết bằng kính) hợp lý bằng khoảng một phần sáu diện tích sàn. Giải pháp là lựa chọn chiều cao hợp lý của ô kính, cửa sổ, cửa đi phối hợp với thiết kế chi tiết kiến trúc ô văng, chớp chắn nắng. Hạn chế làm ô kính và mở cửa lớn ở hướng Tây.

Như chúng ta đã biết nhà ở là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi, thư giãn và tái sản xuất sức lao động của mỗi con người. Có một ngôi nhà ở tiện dụng, an toàn là nhu cầu thiết yếu, quan trọng nhất đối với mọi gia đình. Việc trang bị những hiểu biết để tránh một số sai sót đáng tiếc trong quá trình thiết kế, xây dựng nhà ở là hết sức cần thiết. Trên đây đề cập hiện tượng, nguyên nhân và hướng khắc phục những sự cố thường gặp nhất, hy vọng góp phần giải đáp những thắc mắc và cung cấp một số kinh nghiệm hữu ích cho người đọc có ý định hoặc đang chuẩn bị xây dựng nhà ở tham khảo. 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Sân nhà(23/03/2022)
Háo hức xuân quê(23/03/2022)
Giếng làng(23/03/2022)
Thể lệ bình chọn tác phẩm hay trên Tạp chí Văn nghệ Hải Dương năm 2022(22/03/2022)
Trang văn nghệ Trẻ: Truyện ngắn "Gió và hoa" của Nguyễn Thị Hạnh(21/03/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na