Đang cuối đông, trời se se lạnh, vậy mà áo ba đứa thấm mồ hôi, đành tìm nơi nghỉ ngơi, kiếm cái lót dạ. Đến đầu một làng khá trù phú, chúng tôi thấy kho gạo mới dựng, chỉ che chắn bằng những tấm tôn rất sơ sài. Nhìn quanh chẳng thấy ai, chúng tôi bèn lẻn vào “xin” ít phòng đường xa. Vừa lấy xong, tôi đang cột lại miệng bao tải gạo đã vơi non nửa để xếp vào chỗ cũ thì có tiếng quát:
- Ê. Giơ tay lên!
Tôi giật mình, nhìn ra cửa kho, thấy hai cô gái đang chĩa hai khẩu AR.15 vào chúng tôi, vẻ mặt rất nghiêm trọng.
Tôi lúng túng:
- Ấy. Hạ súng xuống kẻo lỡ... Bọn tôi chỉ xin ít gạo đi đường.
- Đứng im! - Một cô gái to cao, ra dáng chỉ huy quát rồi xăm xăm tiến đến gần ba anh em tôi, trong tay vẫn lăm lăm khẩu súng - Các người là ai?
- Chúng tôi là bộ đội giải phóng. Chẳng lẽ mấy o không thấy à. - Cần vừa nói vừa chỉ vào ba lô, quân phục của chúng tôi.
Một cô trẻ, nhỏ người hơn, giọng lạnh tanh:
- Ai tin được các người là giải phóng hay Việt gian.
Vậy là nghiêm trọng chứ không phải chuyện đùa rồi. Cần vội lên tiếng:
- Bọn tôi vừa đi viện về, đang tìm đơn vị, thấy có gạo.
- Giấy tờ các anh đâu? - Cô chỉ huy cắt ngang lời Cần.
- Có chứ. Chúng tôi có giấy ra viện.
- Đưa coi!
Đoán đây là du kích làng mới thành lập sau ngày giải phóng, rất máy móc, lơ mơ ăn đạn thì thật ngớ ngẩn, nên ba chúng tôi đành theo lệnh. Cần và tôi móc tìm được hai tờ giấy ra viện màu nâu, chỉ to bằng bao thuốc lá, đã ít thông tin lại nhiều dòng bệnh viện bỏ trống. Còn Tiến lui hui mãi cũng không thấy, cứ ngơ ngác.
- Cái giấy chi chi mà kì cục. - Cô chỉ huy xem đi xem lại rồi nhìn tôi - Giấy ni ai mà nỏ làm giả được, cái triện cũng không có.
- Thì có chữ kí của bệnh viện trưởng kia thôi. - Tôi giải thích.
- Hứ! Chữ kí ni ai mà nỏ kí được. Nghi lắm! - Cô ta nói rồi xốc súng lên - Các anh bị bắt!
- Hả? - Tiến hốt hoảng - Bắt là thế nào. Các cô dám...
- Im! Giơ tay lên!
Cô chỉ huy hô lên làm Tiến sững người, đưa mắt nhìn tôi và Cần rồi từ từ giơ tay. Tôi và Cần cũng đành giơ tay. Lần đầu tiên trong đời lính tôi giơ tay hàng, không phải hàng địch, mà hàng quân ta mới đau chứ. Nhưng cũng không đùa được, mọi chuyện trong chiến tranh đều có thể xảy ra.
Cô chỉ huy dõng dạc:
- Đồng chí Thiu! Trói ba người ni lại. Ai chống đối, tôi bắn bỏ.
Nói rồi cô ta mới chợt nhớ chưa lên đạn nên kéo cần khóa nòng đánh rốp làm cả ba chúng tôi giật mình. Cô tên Thiu lấy dây dù trong túi đạn, trói cả ba lại. Chưa hết, cô ta còn xé bao bì gạo bịt mắt từng người. Cục tức tôi trào tận cổ. Tôi muốn hét vào mặt họ, chúng tôi đã giải phóng quê hương họ, vậy mà bây giờ… Nhưng lúc này đành chấp hành mệnh lệnh một cách tuyệt đối, đừng dại dột. Lơ mơ, họ lỡ cò, nhận cái chết lãng xẹt thì thật vô nghĩa.
- Giải đi!
- Ấy. Cái ba lô, bao tượng... - Tiến thốt lên.
- Không được nói. - Vẫn tiếng như ra lệnh của cô chỉ huy.
Họ giải ba chúng tôi đi. Thực ra, cô tên Thiu trói tôi cũng lỏng mà bịt mắt cũng rất hớ, đến nỗi tôi vẫn nhìn rõ mồn một cảnh vật xung quanh. Các cô tưởng khôn, giải chúng tôi đi quanh mấy bụi tre làm ra vẻ giữ bí mật rồi dẫn đến một cái lán, có hầm thùng khá rộng và các hầm trú kiên cố xung quanh. Các cô đỡ chúng tôi lần bước xuống từng bậc hầm vì tưởng không ai nhìn thấy gì. Thậm chí, cô Thiu còn ôm chân tôi đặt vào đúng bậc vì sợ tôi ngã. Kệ. Tôi cứ coi như mình không thấy gì, nhưng suýt phì cười. Họ mở băng bịt mắt cho chúng tôi, bắt ngồi thành hàng trên chiếc ghế dài được làm bằng một khúc gỗ. Hai cô dựng súng vào thành hầm rồi ngồi ghế đối diện qua chiếc bàn tạm bợ bằng tấm gỗ dán.
Không khí im lặng. Mấy phút sau, có thêm hai cô nữa xách ba lô và bao gạo của cả ba vào hầm. Một cô, xinh xắn và trẻ nhất hội đặt ba lô lên bàn rồi nói, giọng vui vui chứ không như mấy bạn cô:
- Ủa. Ba lô mấy ảnh nhẹ ru, lính chi mà nghèo rớt à.
- Lính tráng đi viện thì chỉ quân trang, ai mang súng đạn như đánh trận, lấy chi mà nặng.
Tôi quên cảnh mình là “tù binh”, đáp lại. Nhưng cô chỉ huy không để ý, chăm chú xem mấy tờ giấy ra viện rồi cười khúc khích, khác hẳn thái độ căng thẳng lúc trước:
- Tụi bây. Cái ông bác sĩ Vượng bệnh viện trưởng kí giấy ni thiệt giỏi. Ảnh cũng thương người lắm nghe.
- Có phải cái ông đẹp trai, trắng trắng không? - Cô tên Thiu hỏi rồi sán lại, giật tờ giấy ra viện xem. Hai cô khác cũng chụm vào như xem ảnh.
- Chứ sao. Cái hồi bệnh viện mới vô, đóng ở làng mình đó, tau thấy ông mổ cả đêm, cắt tay, nẹp chân, mổ bụng cứ xèo xèo như mổ gà, mà chết ít lắm nghe.
Một cô da đen đen, tóc xù liếc cô chỉ huy:
- Bởi vậy mà bồ thích ảnh ra mặt còn chi.
- Con quỷ nè. - Cô chỉ huy đấm vào lưng bạn - Nói tầm bậy không. Ảnh có vợ rồi chứ bộ.
- Chứ sao lúc mô cũng thấy bồ theo ảnh?
- Thì tau ngưỡng mộ “đôi tay vàng” thôi. Mà tau là du kích thì phải giúp bộ đội giải phóng chứ. - Cô ta bỗng cười, dí ngón tay vô đầu cô trẻ xinh xinh - Có mà ảnh thích con ni nè.
- Đâu có. Đừng đổ oan cho em.
- Có mà oan. Hay con ni thích anh y sĩ đã còm nhom lại quàu quạu, cả ngày không nói một tiếng í?
- Ứ chị. Em không giỡn mô. - Nói rồi cô ta phụng phịu.
Tôi thấy lạ. Bốn cô du kích như quên nhóm “tù binh” chúng tôi. Đến khi Cần lấy túi thuốc rê ra hút rồi ho sằng sặc, họ mới như sực nhớ nhiệm vụ của mình. Cô chỉ huy trả giấy ra viện cho chúng tôi rồi cười, xởi lởi:
- Mấy anh thông cảm, vùng mới giải phóng nên đề phòng kẻ gian. Mà mấy anh về mô rứa?
- Chúng tôi về đơn vị. Xa lắm. - Cần đáp.
- Xa thì mai hãy đi vì trời cũng gần tối rồi. Bữa ni ở lại nhậu với tụi em một bữa nghe.
Cả ba đứa ớ người khi nghe cô chỉ huy nói vậy, đưa mắt nhìn nhau. Chẳng cần chúng tôi đồng ý hay không, cô chỉ huy bảo ba cô bạn mang ba lô và bao tượng gạo cất vào hầm rồi nói với cô xinh nhất:
- Con ni về nói thằng Quả cụt mang rượu ra uống với mấy ảnh nghe. Tụi du kích với mấy anh giải phóng uống mừng Hiệp định Paris vừa kí.
Không khí trở nên náo nức. Các o chạy kiếm đâu về mấy con cá lóc nướng, lại có cả rượu, vừa nhậu, vừa chuyện trò. Toàn bộ bàn ghế trong hầm thùng dẹp hết, thay vào đó là chiếc chiếu làm bằng ni lông. Cô chỉ huy phân công mỗi cô ngồi cạnh một anh giải phóng, cô ta bị thừa, đành ngồi với Quả cụt. Các cô bắt chúng tôi tập bài hát miền Bắc. Khổ cho ba anh em, hát đã kém, lại làm mấy chén nên cứ lừ đừ, tập sai bét be. Họ hát cũng sai be bét. Bài nào cuối cùng cũng thành nhạc vàng hoặc ca vọng cổ. Sau ai hát nấy nghe. Chuyện trên trời dưới bể, chẳng liên quan gì đến nhau cũng kể.
Anh chàng Quả cụt nhập cuộc vui đáo để. Chỉ mấy chén, cái gì cũng thành “chuyện nhỏ”, đến khi anh ta trêu cô chỉ huy thì tôi mới ngã ngửa chuyện bắt mấy đứa tôi là trò đùa, do chính cô ta đầu têu. Thật quá đáng. Quả cụt sau khi cụng với cô chỉ huy, thả li xuống bàn, giọng líu ríu như chim:
- Mấy anh giải phóng chọn đi he, còn chị cả ni là của cụt rồi nghe. Phải không các em?
- Xí! - Cô chỉ huy lườm Quả cụt - Còm rom được mấy hơi mà xạo.
- Răng chị biết? - Cô tên Thiu ngặt nghẽo. Rồi chỉ sang Cần - Chị cả có công bắt “tù binh” thì chọn anh ni, đẹp trai là khỏe nhất đám. Phải không anh gì ơi.
Quả cụt với tay rót đầy li của Cần, ca cải lương: Uống đi chàng ơi để đêm ni hai chúng mình tha hồ dzùng dzẫy, thấm đậm tình quân dân Nam Bắc í... a... một... í... nhà... Tang tang tính... tang tang tình tang...
Cả hội cùng đổ theo giọng cải lương rất bùi của Quả cụt, đũa bát gõ vui hết biết.
Tôi bị xếp ngồi bên một cô không được đẹp lắm, lúc đầu cũng hơi ghen tị tí chút với thằng Tiến ngồi cạnh cô xinh xinh, nhưng sau đó bị cuốn vào cuộc nhậu vui quá trời quá đất, dù tôi chỉ a dua, chẳng biết nói gì. Cô Thiu ngồi cạnh tôi uống thì thôi rồi. Hết chúc vòng theo từng người lại chúc riêng tôi:
- Anh uống riêng với út Thiu hé. Cái chi mà mặt rầu rầu đầy tâm trạng zậy. Uống đi. Hay nhớ chị hai ở nhà.
Tôi đã chuếnh choáng vì không ham rượu lại quá lâu không uống, tiếng bắt đầu dính vào nhau:
- Ừ thì uống. Nhưng làm chi có chị hai nào mà nhớ.
Hơ hơ. Cả hội cười vang
- Rứa thì. Anh ở lại ấp em nhé.
Tôi nhầm ấp nghĩa là ôm, nên vừa ngượng vừa sợ:
- Ấy. Đừng đùa kiểu nứ, chồng hay người yêu của cô Thiu hiểu nhầm thì chết tôi.
- Làm chi có con trai vùng ni nữa mà chồng với lại yêu. Hô hô. Mấy ông giải phóng hóa ra lành quá trời, hổng có biết chi.
- Út Thiu ni thiu lâu rồi. - Cô Thiu chỉ cô đẹp nhất cạnh Cần - Đẹp như ri mà còn ế xỉa ra đó.
- Không có lẽ. - Tiến bây giờ mới lên tiếng.
Cô chỉ huy cướp lời Tiến:
- Răng không? Đàn ông đi lính ngụy hay giải phóng hết từ lâu rồi hà. Đến như thằng cụt ni mà thành vật “quý hiếm” nhất ấp đó.
Cô xinh xinh có vẻ ngượng, phân bua:
- Mấy ảnh đừng tin. Các chị cuồng trai nên hay cà trớn. Một hồi nữa còn ôm nhau khóc cho coi. Gái ấp ni kì lắm, điên hết cả rồi.
Tiếng cười vang lên trong ánh đèn dầu nhạt nhòa. Rồi tôi xỉu, chỉ loáng thoáng thấy mấy người hò nhau dìu ba chúng tôi vô các hầm đi nghỉ.
Mờ sáng hôm sau, Cần lay tôi dậy. Tôi ngạc nhiên vì cả ba chúng tôi và Quả cụt vẫn đang ở ngoài hầm thùng này. Rõ ràng đêm qua họ đưa bọn mình vào hầm ngủ rồi mà. Tôi còn mang máng nhớ được ngủ trên chiếc võng dù ai đó trải sẵn. Đoán được thắc mắc của tôi, Quả cụt giải thích:
- Đêm qua mấy anh ngáy như pháo dàn, lại ọe hết ra hầm, mấy cô hết chịu nổi, phải thức tôi dậy, hè nhau khiêng lên.
Tôi thấy ngượng, hỏi:
- Bậy quá. Thế họ đâu rồi?
- Mấy chị đi giặt rồi. Chắc sắp về.
Thằng Tiến đã tỉnh hẳn:
- Bọn mình mau mau chuồn, chớ họ về lại trở chứng như hôm qua thì khó đi sớm được.
Tôi và Cần nhất trí. May quá, ba lô, bao gạo họ đặt sẵn góc hầm. Quả cụt nghe vậy, bảo:
- Mấy chị bảo chờ họ về làm cái chi ăn sáng cho mấy anh đi.
- Thôi. Cho bọn tôi gửi lời cảm ơn, hẹn dịp khác quay lại.
Không giữ được bọn tôi, Quả cụt đành đưa ra đường lớn rồi hướng dẫn lối tắt đi ra trục đường 9.
*
* *
Chúng tôi đi tắt qua Tân Lâm, tức cao điểm 241 hồi đầu chiến dịch cùng đơn vị góp phần giải phóng cụm cứ điểm vô cùng vững chắc này. Được nghênh ngang bước trên con đường to nối từ đường 9 vắt qua giữa cao điểm, tôi bồi hồi nhớ ngày nào đánh chiếm nó. Vẫn còn đó, 4 khẩu “vua chiến trường” 175 li, hai khẩu nguyên trên bệ, nòng vẫn hướng về phía bắc như thủa nào. Hai khẩu nòng bị hất xuống đất trông to và dài như những cột đình. Tháp nước, chòi quan trắc trên núi Kiếm bên cạnh và bạt ngàn xác xe, súng ống, đạn dược vẫn ngồn ngộn, bừa bãi như trận đánh mới vừa hôm rồi.
Ba đứa bắt đầu thấy đói, định nấu cơm ăn nhưng gió mạnh quá, không tài nào nhóm lửa được, đành chui xuống căn hầm dưới lưng chừng dốc để tránh gió. Căn hầm khá to, sặc mùi hăng hăng và ẩm mốc, rộng hơn chục mét vuông, có bê tông xung quanh, trần cao đứng thẳng người được. Lửa bùng lên. Căn hầm sáng dần. Thoạt đầu tôi thấy sát góc hầm có ba đôi giầy cao cổ của lính ngụy vẫn dùng trong chiến trận xếp thành từng đôi, cái nào cũng thò ra những chiếc tất màu vàng sẫm, vắt về một phía. Cần cùng tôi đến lấy tất đi giặt để dùng, vì ai cũng thích tất Mĩ rất bền. Nhưng khi nhấc từng chiếc, cái nào cũng lạo xạo. Lúc đầu tôi nghĩ do hầm ở sườn dốc, nước và bùn hay tràn qua mỗi khi mưa lớn, nhưng khi đổ ra lại là những mẩu xương chân đã rời nhau thành từng đốt. Chúng tôi lấy que lửa, soi kĩ thấy rõ ba xác người đã hoai rữa, một nửa dưới bị lấp trong bùn đất, nửa trên vẫn nhận ra áo giáp, màu vải rằn ri, binh phục của lính ngụy đã bị bục nát lỗ chỗ, để lộ ít dẻ xương sườn. Ba xác người đều hướng chân ra cửa hầm. Những đôi giầy bị đứt lìa khỏi chân do gân thịt hoai rữa, sát tường hầm là ba đầu lâu, có hai cái vẫn nằm trong mũ sắt, một ngoài cùng không, lộ rõ sọ người màu vàng xỉn, những lỗ đen hướng về chúng tôi, như ngạc nhiên, như đang há to cố nói điều gì.
Chúng tôi lặng nhìn nhau, chẳng ai nói một lời, lại bỏ từng chiếc tất vào như cũ, sợ mai ngày người ta quy tập sẽ thiếu đi những bàn chân. Chuyện thấy hài cốt hay xác những người lính, lúc của ta, khi bên địch, chúng tôi từng gặp, có lúc nằm ngủ đè lên cả đêm, đến khi mùi tanh và xương lộn nhộn dưới lưng mới phát hiện ra, nên lúc ấy chẳng mảy may e sợ. Tôi chỉ ngạc nhiên tự hỏi, từ trận đánh ấy đến lúc bấy giờ mới tám tháng, sao xác người hoai nhanh thế. Đúng là vùng miền Trung, mưa nắng dữ dằn, bom đạn dữ dằn, đến đất cũng dữ dằn. Đồ áo giáp, binh phục rằn ri từ Mĩ quốc trang bị hầu như còn nguyên, mà thịt đang hoá thành đất. Chúng tôi chẳng biết làm gì với ba xác người lính kia, cũng chẳng biết báo cho ai.
Trở lại bên cái hăng gô treo trên bếp lửa đã bắt đầu lụp bụp sôi, tôi thấy bứt rứt, hỏi hai bạn mình:
- Làm chi bây giờ. Thà rằng không biết.
- Tau cũng thấy thế. Hay thế này - Thằng Cần tỏ ra hào hứng - Ta lấy than viết lên tấm ván báo có ba người chết trong hầm để người ta biết.
- Hay! - Tiến tán thưởng - Nhưng mưa gió vùng ni dữ lắm, vài trận là trôi hết.
Nghe Tiến nói, tôi nảy ra sáng kiến, lấy một tấm tôn, dùng đinh đục dòng chữ: “Trong hầm có ba thi thể lính Cộng hòa”, rồi đóng vào cửa hầm, hi vọng chẳng bao lâu sẽ có người thân tìm được họ. Ba người vội làm theo, thấy đỡ day dứt. Dẫu sao, họ còn may mắn hơn nhiều đồng đội tôi đã hi sinh ở chiến trường, sau này tìm lại hầu như không có danh tính, ai may mắn còn nguyên lọ thủy tinh ghi mẩu giấy trích ngang thì mộ còn tên, còn tuổi. Lính ngụy ai cũng đeo dây treo thẻ lính bằng inox ghi số lính, nên tìm danh tính cũng dễ.
Hăng gô cơm cạn, chúng tôi nhặt rau tàu bay hái xung quanh, luộc trong chiếc mũ sắt nhặt cạnh hầm, đặt lên ba cọc gỗ vừa đóng vội làm kiềng. Lúc này mấy đứa mới nhớ không còn muối. Vừa lúc đó, có tiếng xe ô tô và tiếng cười nói ồn ã trên đỉnh cao điểm. Cần chạy lên đấy xin muối. Nó vừa ra khỏi hầm bỗng hét tướng lên:
- Thanh ơi. Tiến ơi. Lên đây mà coi. Nhiều lắm.
- Nhiều gì? - Tôi ra khỏi hầm, hỏi.
- Nhiều… ấy. Toàn… đẹp.
Khiếp! Bậy quá trời. Nếu toàn lính với nhau nói bậy nói tục cho vui chẳng sao, đàng này, nhiều phụ nữ thế kia. Tôi và Cần chạy đến xe ô tô chở đạn có tốp chị em hỏa tuyến đang bốc xuống, xếp vào những căn hầm kiên cố giữa đồi. Họ không để ý hai chúng tôi, vừa bốc vừa chuyện, trêu chọc nhau ầm ĩ, toàn tiếng Quảng Bình nghe vui vui.
- Chị ơi. - Tôi đón một cô gái vừa thả thùng đạn xuống, ngồi nghỉ trên nòng khẩu vua chiến trường 175 li - Cho bọn ni xin tí muối.
- Cái chi anh. Mói hỉ?
Cô ta bỗng nhìn mãi vào tôi rồi reo lên:
- Ủa bọ mạ ơi. Chú ni... à anh... thương binh… Thiệt nè... Rồi cô vẫy vẫy một người đang đứng trên xe - Loan ơi. Anh í đây nè.
- Anh mô? - Cô gái trên xe hỏi.
- Cái anh thương binh mà tụi miềng kêu là chú í, ở đây nè. Nhưng bây chừ khác lắm.
Nói rồi, cô gái lại nhìn chằm chằm vào mặt tôi, như lạ lắm. Cô gái tên Loan nhảy xuống, chạy đến trước mặt tôi, vừa lau vội mồ hôi trên trán, vừa ngắm nghía giây lát rồi reo lên:
- Đúng là anh nứ. Răng bây chừ nom đẹp rứa, trẻ rứa?
Tôi cũng mừng rỡ khi nhận ra hai o dân công hỏa tuyến khiêng mình từ mặt trận bên kia sông Mỹ Chánh đến viện 103 mấy tuần trước. Trông họ cũng tươi trẻ hơn hôm ấy.
- Chứ mấy anh đi mô đó? - Loan hỏi.
- Bọn anh ra viện. Chứ bọn em?
Cô gái nhận ra tôi trước chỉ chiếc xe chở đạn:
- Tụi em được chuyển ra để bốc đạn từ cảng Cửa Việt lên. Chu cha. Chuyến ni ta chuyển vô nhiều vũ khí lắm. Chắc còn đánh nhau dữ.
Bỗng có tiếng còi toét toét: “Lên xe! Lên xe khẩn trương”. Hai cô gái đấm đấm vào vai tôi để “chia tay” rồi quay đầu chay.
- Ê! Muối... muối đâu?
Bấy giờ Cần mới lên tiếng. Nhưng hai cô không nghe thấy, chỉ có những bàn tay vẫy vẫy và tiếng con gái cười rộn rã trên chiếc xe đang từ từ quay về hướng đường 9. Bấy giờ tôi mới nhớ chưa hỏi tên cô kia. Hai lần gặp nhau, có vẻ tình cảm ra phết mà chưa biết tên.
Tôi quay lại, thấy cả Tiến đã đến từ lúc nào, cũng đang giơ tay vẫy vẫy. Xe chạy khuất, Tiến nói với tôi:
- Số bọn ta đào hoa thật. Đi mô cũng gặp toàn người đẹp.
Cần bật cười:
- Rứa mới quên cả xin muối.
Ba đứa chưa về đến hầm đã ngửi thấy mùi khét.
- Thôi chết rồi. - Cần vừa lẩm bẩm vừa chạy vội vào hầm.
Nồi cơm không những cháy mà còn nặc mùi khê. Nồi canh cũng bị đổ sập vì cọc gỗ làm kiềng bị cháy.
Ba đứa nhìn nhau rồi lắc đầu, đành nhịn đói vậy chứ ở chiến trường, ai cũng kiêng cơm khê vì sợ xui xẻo.
- Hay là... - Tiếng thằng Tiến bỗng trở nên lạ lạ. - Ta làm động hầm, nên vong hồn ba người lính Cộng hòa ấy mới...
Nó không nói hết, tôi cũng thấy lòng mình chùng lại. Chẳng tin gì chuyện ma quỷ nhưng không hiểu sao tôi bỗng thấy nao nao trong người, cùng hai đồng đội dập tắt hết lửa, dọn cửa hầm, cúi nhìn ba xác chết lần cuối và tiếp tục lên đường.
*
* *
Ra đến đường 9, chúng tôi đứng chờ ở cầu Đầu Mầu để xin đi nhờ xe ô tô. Xe thì nhiều, nhưng cái nào cũng đầy đạn dược nên không nhờ được đành vừa cuốc bộ hướng phía Tà Cơn, vừa mong bắt được xe. Lúc đầu đi bộ trên đường 9 rải nhựa, quang quẻ, thấy hào hứng lắm. Thì từ ngày vào chiến trường đã bao giờ được thoải mái thế đâu. Nhưng chỉ dăm bảy cây số đã nản vì đường bằng phẳng quá, trống trải quá, cứ đều đều bước, chứ không lên dốc, xuống đèo, chui lủi chạy bom, chạy pháo, tâm lí luôn sợ nên quên cả mệt. Ba đứa bắt đầu bị cơn đói hành hạ. Từ hôm qua đến giờ đã có miếng nào ra hồn vào bụng đâu. Đang mong tìm được nơi nấu nhờ ăn để lấy sức thì bỗng nghe tiếng nổ đinh tai ở cửa rừng, cách chúng tôi chừng dăm chục mét. Đám khói bụi tan đi, chúng tôi nghe tiếng khóc rống lên từ đó rất thảm thiết. Chắc là ai đó bị mìn rồi. Chúng tôi chạy lại, thấy một người lính hai tay đầy máu đang ôm con bò gục chết cạnh hố mìn khét mùi khói.
- Ấy. Làm sao thế? Bị thương à?
Nghe tiếng Cần hỏi như hét, người lính mới hướng khuôn mặt loang lổ máu lên nhìn chúng tôi.
- Bị thương ở đâu. Để chúng tôi giúp.
Người lính lắc đầu, mếu máo:
- Không. Em không sao cả.
- Không sao mà khóc ghê thế, lại còn máu me.
Nghe tôi nói vậy, người lính đứng dậy, chỉ con bò:
- Nhưng con bò. Trời ơi, con bò chết rồi. - Cậu ta lại ôm mặt khóc.
- Con bò chết thì làm sao?
Cậu ta chỉ nồi cơm đã cạn cạnh con suối nhỏ gần đấy:
- Em cho bò vào đây ăn cỏ, tiện thể nấu cơm ăn để đi tiếp. Ai dè nó dẫm phải mìn. Hu hu. - Cậu ta lại tấm tức - Vậy là em không hoàn thành nhiệm vụ rồi. Phải làm gì bây giờ?
- Ở đâu vào đây. Cậu dắt bò đi đâu? - Cần hỏi.
Cậu ta mếu máo:
- Từ Bố Trạch Quảng Bình vào.
- Hậu cứ Sư 304 à?
Cậu ta gật. Tiến nhìn cậu ta lắc đầu:
- Hậu cứ 304 bị đánh tan tác hồi tháng 8 năm ngoái, Sư bộ chuyển đi hết rồi cơ mà. Đừng bịp bọn anh.
- Đúng là bị đánh và chuyển đi, chỉ còn trại bò chúng em vẫn phải ở lại nuôi. Vừa rồi tám đứa trong trại dắt tám con đi vào cho bộ đội ăn Tết. Chúng nó trót lọt cả, còn em thì...
- Thế cậu định dắt bò đi đâu?
- Dạ, cho Tiểu đoàn 19 đặc công trên Tà Cơn, thủ trưởng bảo thế.
Cả ba chúng tôi reo lên khi biết con bò này là của đơn vị mình. Nhưng nó đã chết, biết làm sao đây. Đang đói, chúng tôi lựa miếng thịt tươi luộc lên, cùng cậu ta ăn rất ngon lành. Người lính “dắt bò” sau khi rửa sạch máu me trông rất trẻ, dáng vẻ thư sinh hơn là lính trận. Vừa ăn vừa chuyện trò mới biết cậu này trốn khỏi mặt trận, bị kỉ luật, làm lính chăn bò của sư đoàn. Khi đơn vị chuyển đi, cậu ta cùng đội chăn bò vẫn phải ở lại.
- Em cũng xấu hổ lắm, nhưng sợ đánh nhau, sợ chết nên dù làm chi cũng được, miễn là xa mặt trận. Nào ngờ em cũng suýt chết khi B52 rải vào hậu cứ của Sư 304. Bây giờ lại thêm lần nữa không hoàn thành nhiệm vụ. May mà lúc bò dẫm mìn em không ở gần. Nếu không...
Cậu ta đang kể thì có hai người dân hớt hải chạy đến. Họ nghe tiếng mìn, đang làm ở gần đến xem có ai bị sao. Họ giúp chúng tôi xẻ thịt, lấy những gì còn lấy được để tìm cách đưa về cho đơn vị. Họ còn về nhà lấy thêm bao bì, đựng thịt bò, cùng chúng tôi khiêng ra đường 9. Tất nhiên, thủ, chân bò chúng tôi để lại “tặng” đồng bào.
Ba chúng tôi và người lính “dắt bò” chưa kịp vẫy thì chiếc xe bánh xích chở khối máy móc gì to nặng, phủ kín bạt, kéo rơ mooc tạt vào đường.
- Ê. Mấy bố có gì như thịt ấy. Đi đâu đây chở cho.
- Lên Tà Cơn.
- Mình cũng lên hướng ấy. Đi.
Anh ta còn hào hứng giúp chúng tôi khuân từng bì thịt lên rơ mooc rồi gạ, “một túi nhé!”
Có xe là may rồi, chúng tôi đồng ý ngay và hào hứng nhảy lên thùng rơ mooc.
Đây là lần đầu tiên tôi được ngồi trên xe bánh xích, lại ngồi sau rơ mooc, khốn khổ hơn cả đi xe công nông, vừa chậm, vừa ồn, vừa liên tục lắc lư, nhưng khổ nhất là bị đất đá, bùn từ xích vứt lên tới tấp, buộc mấy anh em phải mang ba lô và ngồi úp mặt vào nhau tránh đất đá. Con đường 9 huyền thoại đã từng nghe bao chiến tích hào hùng chạy dọc theo con sông Đakrông đẹp thế mà chẳng mấy khi dám ngắm. Mờ tối cũng đến ngã ba Cao Bốc, xe dừng lại. Tôi thấy từng cụm lửa lập lòe trên đồi và tiếng cười nói quen thuộc của đơn vị mình.
- Có phải D19 đấy không?
- 19 đây! Ai đó.
Đúng là đơn vị rồi. Mấy anh em mừng phát khóc. Trên đồi tiếng gọi nhau truyền đi “bọn đi viện về rồi mọi người ơi...” râm ran. Như những đứa con đi xa được trở lại nhà, chúng tôi cười nói, ôm chầm lấy nhau. Nhưng có mấy người bạn thân không thấy đón chúng tôi. Họ đã hi sinh trong thời gian chúng tôi nằm viện.
Ở chiến trường chẳng có cuộc vui nào trọn vẹn.
Nguồn: http://vannghequandoi.com.vn/