Văn xuôi
“Nhà văn phải đi sâu vào đời sống mới có thể hiểu và đáp ứng nhu cầu đọc của độc giả”
11/01/2022 12:00:00

Sáng 6/1, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi và Giải thưởng Tác giả trẻ tại trụ sở số 9 - Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.

 
 
 

Chủ trì họp báo là nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và nhà thơ Hữu Việt - Trưởng ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: PV

 

 
Nói về Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đang kêu gọi toàn xã hội dành những gì tốt nhất cho thiếu nhi, cho cuộc vận động này để có những tác phẩm dành riêng cho các em nhỏ, thế hệ tương lai của đất nước. Hội Nhà văn cũng có chiến lược tặng sách cho trẻ em miền núi để tăng khả năng tiếp cận văn học của trẻ em vùng cao. Và cuộc vận động chính là tiền đề cho chiến lược này.
 

Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi sẽ kéo dài từ nay đến tháng 5 năm 2025, chia làm hai đợt, với mục đích thông qua các sáng tác để ca ngợi, cổ vũ, tôn vinh những đức tính, hành động, suy nghĩ tốt đẹp, từ đó khơi gợi, bồi đắp, làm giàu cho tâm hồn thiếu nhi trở thành những con người có nhân cách, có ích trong tương lai.

Hai thể loại được chọn là văn xuôi và thơ trong đó, mỗi tác giả không giới hạn số lượng tác phẩm (cần thống nhất tên, bút danh đăng kí). Tác phẩm tham dự cuộc vận động chưa tham dự một cuộc thi nào khác, chưa từng in trước thời hạn cho phép và không tham dự các cuộc thi khác cho đến khi kết thúc cuộc vận động này.

Nói về giải thưởng Tác giả trẻ, nhà thơ Hữu Việt nhấn mạnh, giải Tác giả trẻ không phải giải thưởng phụ của Hội Nhà văn. Đây là giải độc lập nhằm cổ vũ, khích lệ, phát hiện để các tác giả hôm nay là thế hệ nhà văn tương lai. Chúng tôi cũng rất lạc quan và vui mừng vì năm nay dù có nhiều khó khăn nhưng các tác giả trẻ đều có những đột phá và sáng tạo riêng cho tác phẩm của mình.

Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam, về giải Tác giả trẻ, văn hóa hiện nay có nhiều thách thức, trong đó có ba yếu tố: sự gia tăng của đời sống nên thời gian cá nhân dành cho văn học ít, do sự hỗ trợ tối đa của công nghệ dành cho giải trí mà văn học không tận dụng được, do sự phát triển đa dạng của đời sống mà văn học với sự phát triển chậm chãi sẽ không thể theo kịp. Chính những lí do này khiến văn học bị đẩy ra ngoài trung tâm của đời sống tinh thần. Muốn thoát ra khỏi vị trí đó, các tác giả cần tận dụng cơ hội để bứt phá, tạo sự thu hút cả nội dung và hình thức và chính nhà văn phải đi sâu vào đời sống mới có thể hiểu và đáp ứng nhu cầu đọc của độc giả.

Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng cho rằng tác phẩm xét giải phong phú về nội dung, thể loại, các tác giả cũng không nề hà đề cập đến các khía cạnh của đời sống, đi sâu để khái quát con người từ bên ngoài hay chính nội tâm. Đặc biệt, các tác phẩm mang tính tri ân sự nghiệp dựng và giữ nước cũng được chú trọng chứng tỏ ý thức cao của tác giả với đời sống xã hội.

Nói về lĩnh vực lí luận phê bình, nhà văn Nguyễn Bình Phương cho biết số lượng tác phẩm nhận được khá hạn chế bởi nhiều lí do. Ban chấp hành sẽ phải kiểm điểm sâu sắc việc này. Phê bình có giá trị với những người sáng tác, bởi những tác phẩm, công trình ấy giúp người sáng tác nhìn ra mình đang ở phân khu nào để có những điều chỉnh cần thiết cho sự nghiệp của mình.

Về lĩnh vực dịch văn học của Giải Tác giả trẻ, Trưởng ban Sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài là sự đau đáu của rất nhiều thế hệ chúng ta. Đến thời đại hôm nay thì vấn đề đó là nỗi day dứt của những người yêu văn học. Văn học là diện mạo tâm hồn của dân tộc và tôi nghĩ tâm hồn dân tộc chúng ta xứng đáng để thế giới biết và cảm thụ bởi nó rất độc đáo và riêng biệt. Quả thật thời gian vừa qua việc giới thiệu văn học Việt còn rất ít, còn hạn chế. Ban tổ chức và hội đồng chung khảo, sơ khảo khi nhận được tín hiệu mới, trong đó có tác giả trẻ, người dám cả gan đi con đường mà rất ít người dám đi, đó là dịch Truyện Kiều, một danh tác thuộc dạng khó dịch bậc nhất trong văn học của chúng ta ra tiếng Anh. Chúng tôi đánh giá đây là hành động vượt qua cả tâm huyết, đam mê để trở thành sự dấn thân. Tôi nghĩ văn học Việt Nam có nhiều tác giả có sự dấn thân như thế để chúng ta bước ra nước ngoài.

Ông cũng chia sẻ: “Chúng tôi vừa ghi nhận, đòi hỏi, khích lệ để chọn ra 5 tác phẩm trao giải. Các tác giả đều cho chúng ta thấy rằng văn học là sự cần thiết cho chúng ta và là điểm tựa cho đời sống tinh thần và đang có dấu hiệu khắc phục được những nguy cơ tụt hậu hay đi ra khỏi trung tâm của đời sống văn hóa tinh thần”.

Lễ phát động Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài Thiếu nhi và Lễ trao giải thưởng Tác giả Trẻ lần thứ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam sẽ có sự tham gia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, dự kiến diễn ra ngày 9/1/2021 tại Hà Nội.

Nguồn: http://vannghequandoi.com.vn/ 
 
Các tin mới hơn
Mắt phù sa(23/09/2022)
Trương và Nguyễn(21/09/2022)
Nàng Sita cù lao(25/08/2022)
Tiếng trăng(11/08/2022)
Tiếng rắn hoang(10/08/2022)
Các tin cũ hơn
Nhà văn đoạt giải Nobel 2021: “Viết không thể chỉ là luận chiến”(10/01/2022)
Vượt qua bóng núi – Truyện ngắn Ksor H’Yuên(10/01/2022)
Văn học đích thực là nguồn dưỡng khí nuôi tâm hồn hướng thiện(10/01/2022)
Truyện ngắn "Bến mê" của Nguyễn Thị Lê Na (24/12/2021)
Phép màu(20/12/2021)
na
na
na
na
Chuyên mục nổi bật
na
na
na
na