Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi lễ.
Đến dự cùng Chủ tịch nước còn có ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Văn Hùng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Kim Sơn – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; cùng đông đảo đại diện các cơ quan, ban ngành. Đại diện Hội Nhà văn gồm có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cùng một số nhà văn, nhà thơ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam khu vực Hà Nội tham gia buổi lễ và tiếp đón Chủ tịch nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vui mừng và bày tỏ sự trân trọng của mình khi gặp gỡ các thế hệ nhà văn của Hội Nhà văn Việt Nam, trong đó, ông cũng nhấn mạnh việc sáng tác các tác phẩm để đời không phải ai cũng có thể làm được nhưng lãnh địa của văn học luôn là nguồn suối không thể thiếu cho tâm hồn mỗi con người.
Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi
Chủ tịch nước bày tỏ với các nhà văn: “Văn học đích thực là nguồn suối trong lành tưới mát tâm hồn, rũ bỏ bụi bẩn và sự mệt nhọc của cuộc sống. Sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi lại càng hiếm hoi hơn, rất cần được khuyến khích và lan tỏa mạnh mẽ… Văn học chính là nguồn dưỡng khí nuôi tâm hồn hướng thiện, lành mạnh, vị tha, giàu lòng nhân ái; đồng thời hun đúc ý chí, nghị lực vươn lên của con người, nhất là đối với thế hệ trẻ, thanh niên, thiếu niên, thiếu nhi, nhi đồng. Những gì chứa đựng trong tâm hồn của trẻ em Việt Nam hôm nay chính là bản thiết kế quan trọng cho chân dung những công dân Việt Nam trong tương lai”.
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần có các sáng tác cho thiếu nhi: “Ở bất cứ thời đại nào và ở bất cứ quốc gia nào, một câu hỏi lớn luôn được đặt ra là: Một đứa trẻ lớn lên sẽ thành một con người như thế nào nếu trong tâm hồn chúng không tràn ngập những vẻ đẹp văn hóa dân tộc, tràn ngập tình yêu con người, tình yêu thiên nhiên và những giấc mơ trong trẻo. Những thành tựu của khoa học công nghệ đã và đang làm cho thế giới văn minh hơn, giúp con người sản xuất ra nhiều của cải vật chất hơn và mang lại cho con người nhiều tiện ích hơn trong cuộc sống. Nhưng chính những tác phẩm văn học nghệ thuật làm cho con người sống một đời sống có nhân phẩm, nhân văn và tâm hồn phong phú”.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng cần tạo không gian sáng tạo riêng cho trẻ em, nhất là các cuộc thi sáng tác trong trường học để các em được cất lên tiếng nói, thể hiện ước mơ, hoài bão của mình.
Trong dịp này, Chủ tịch nước cũng ủng hộ 600 triệu đồng cho Cuộc vận động Sáng tác văn học về đề tài Thiếu nhi.
Giải thưởng Tác giả Trẻ
Giải nằm trong hệ thống giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam, trao tặng những tác phẩm văn học xuất sắc trong năm (xuất bản từ mùng 1 tháng 10 năm trước đến 30 tháng 9 năm trao giải) của các tác giả tuổi từ 35 trở xuống (tính tại thời điểm xuất bản sách). Giải thưởng Tác giả Trẻ trao cho bốn thể loại văn học là: Thơ, Văn xuôi, Lí luận phê bình và Văn học dịch.
Nói về giải, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Đây là cách mà Hội Nhà văn hiện thực hóa chiến lược giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Hội Nhà văn có sứ mệnh tập hợp đội ngũ những nhà văn trẻ trong cả nước, gợi mở họ, khích lệ họ, bồi dưỡng họ và đặt lòng tin vào họ. Chỉ như vậy, chúng ta mới có quyền hi vọng và đợi chờ vào những nhà văn trẻ sẽ viết lên những tác phẩm xứng đáng với nhân dân mình, với đất nước mình”.
Ngoài ra, Chủ tịch nước cũng nhắc nhở, các cơ quan có chức năng cần tạo ra một không gian sáng tạo để nhà văn sáng tạo nhưng không được làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, dân tộc và của Đảng.
Trong bài phát biểu tại lễ trao giải, đại diện nhóm tác giả, nhà thơ Lý Hữu Lương chia sẻ: “Văn học Việt Nam hiện đại có một mảng khá sâu viết về miền núi, về người thiểu số. Và nhiều nhà văn đã thành công. Nhưng , để truyền tải được lối sống, ăn ở, đối xử xã hội nhất là tư duy thì phải là người sinh trưởng trong môi sinh đó mới là người làm tốt nhất. Tôi nhìn và viết ở điểm nhìn, cách nhìn hiện đại, truyền tải tinh thần dân tộc qua ngôn ngữ hiện đại, đọc Dao không có nghĩa chỉ ám ảnh riêng về Dao tộc qua mấy ngàn năm thiên di, về những mồ ma lưng núi, những chuyện đường rừng… mà tôi tin, còn tìm thấy hình dáng, tư tưởng, lịch sử của sắc tộc khác trong đó”.
Trước những thời cơ và thách thức trong bối cảnh hiện nay, văn học vừa có chỗ đứng riêng trong lòng độc giả vừa có những thách thức nhất định, như nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nói trong bài tổng kết giải thưởng Tác giả Trẻ: "Để tồn tại đàng hoàng, văn học phải biết biến nguy cơ thành cơ hội để thay đổi, bứt phá. Chí ít văn học cần phải giành lại thời gian từ phía độc giả, bằng chất lượng cô đúc, đi thẳng vào vấn đề, tận dụng tối ưu nhất phần thời gian ngắn ngủi kia. Văn học phải biết từ bỏ sự dễ dãi, xềnh xoàng để tiến tới độ sang trọng vốn có không chỉ ở chất lượng nội dung mà ngay cả từ chất lượng hình thức, có thế mới mong lấp được khoảng cách với các ngành nghệ thuật và giải trí khác".
NĂM 2021, GIẢI THƯỞNG TÁC GIẢ TRẺ LẦN ĐẦU ĐƯỢC TRAO CHO 5 TÁC GIẢ: - Đinh Phương với tiểu thuyết Nắng Thổ Tang - Lý Hữu Lương với tập thơ Yao - Phương Đặng với tập thơ Con người - Vũ Thị Trang với tập lý luận phê bình Phê bình phân tâm học - phía của những ám ảnh nghệ thuật - Nguyễn Bình với bản dịch tiếng Anh Truyện Kiều (The tale of Kieu) của đại thi hào Nguyễn Du |
|
Một số hình ảnh Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các nhà văn:
Các thành viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam tiếp đón Chủ tịch nước.
Chủ tịch nước thay mặt Đảng, Nhà nước tặng quà cho các nhà văn lão thành của Hội Nhà văn Việt Nam.
Chủ tịch nước trao giải cho các tác giả đoạt giải thưởng Tác giả Trẻ năm 2021.
Các nhà văn tham dự buổi lễ.
Nhà thơ Lý Hữu Lương thay mặt nhóm tác giả tặng sách và hoa cho Chủ tịch nước.
Chủ tịch nước cùng các lãnh đạo bộ, ban, ngành chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam