Cũng như nhiều nơi, hát ru ở Thượng Cốc là di sản hình thành và tồn tại từ thuở lập làng, từ khu dân cư thưa vắng, đến thời cộng đồng “Nhất xã tam thôn”. Bấy nhiêu thiên niên kỷ bên lũy tre làng, không nhà nào bồng con, ẵm em, đưa em trên võng lại không có tiếng hát ru. Hát ru còn gọi là hát ru con, hát ru em, hát đưa em, hát đưa con, hát ru ngủ, hát đò đưa, hát cò lả.
Hát ru thường gắn với hoàn cảnh trông con, giữ em, bồng con, bế cháu hay đặt con trên võng rồi đưa qua, đưa lại của các bà, các mẹ, các chị nơi thôn dã, khi đời sống cộng đồng còn tự cấp, tự túc trong phạm vi gia đình, làng, xã.
Người phụ nữ trong mỗi gia đình là kho lưu giữ gia sản hát ru. Người chân quê Thượng Cốc không mấy ai là không được hưởng sự che chở, mến thương, chăm bẵm của các bà, các mẹ, các chị qua tiếng hát ru êm ái, bổng trầm.
Là di sản văn hóa phổ thông và phong phú, nên hát ru là thể loại sinh ra do đòi hỏi tất yếu của sinh tồn, như sinh con, đẻ cái của người mẹ, người chị. Vì thế, tiếng hát ru cùng với nội dung ca từ hòa nhập vào tình cảm cộng đồng như loại ca từ “Mẹ”.
Trước 1945, ở Thượng Cốc từ bà già cho đến em gái mười ba, mười bốn tuổi không ai là không nhớ và thuộc một đến nhiều khúc hát ru. Ngược lại vào thời ấy, sự chẳng may đến với phụ nữ nào không có kiến thức, kỹ năng tối thiểu về hát ru, coi như cuộc đời bất hạnh. Tiếng hát ru cùng với ca dao là bạn đồng hành sinh ra trong lao động, luôn có mặt thường nhật với cộng đồng người Việt từ thượng cổ. Ở Thượng Cốc, các bà, các mẹ, các chị sử dụng tiếng hát ru khi chăm nom, nuôi dưỡng giấc ngủ con em mình, họ thường hay mượn lời ca dao cổ để bộc bạch, giãi bày lòng mình, như một lẽ tri ân công sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ. Điều như có tính nguyên tắc, trước khi cất lên lời ru thiết tha, trầm bổng, kéo dài, thường phải mở đầu bằng những âm điệu: À... ơi... ơi... hỡi... ơi... hời...
Ơi... ơi... ơi... hỡi... ớ... ới... hời... à... a... a... à... ơi...
Sau đó, nhập vào thân bài sao cho những âm trắc, âm bằng trở nên man mác, ngọt ngào của người mẹ, người chị ngấm sâu vào tâm trí trẻ, khiến chúng từ vòi vĩnh, khóc lóc, đòi hỏi, khó chịu cũng dần dần được quên đi. Cứ thế cùng với cử chỉ vỗ nhẹ hoặc đu đưa, âu yếm, khiến đứa trẻ thiếp đi trong lời ru thiết tha... à... à... ơ... ơi...
“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Những lời ca ru tương tự như vậy cứ nối đời xuất hiện trong lòng các bà mẹ, những người chị làng Thượng Cốc bền bỉ lao động, tần tảo nuôi chồng, nuôi con ăn học, để lần lượt ra đời nhiều thế hệ những người con khoa danh hiển hách, võ công danh lừng, hết lòng chí hiếu, chí trung với gia đình, quê hương, xã tắc, như: Nguyễn Công Nguyên, Đô úy Đại tướng quân, thời tiền Lý (544-548), khi giặc tan, ông về thăm quê rồi hóa tại làng. Triều đình tri ân, phong ông “Thượng đẳng Phúc thần - Đại vương” và là Thần hoàng bản quán. Vững bước theo ông, có Trần triều liệt nữ đã anh dũng bỏ mình trong công cuộc chống xâm lược Nguyên - Mông, thế kỷ XIII. Tiếp theo chặng đường, có Nguyễn Duy Minh, Nguyễn Khắc Hài, Nguyễn Trọng Hổ, Nguyễn Địch Giáo, Phạm Pháp Tuấn, Nguyễn Nho Lâm, Nguyễn Nho Hoàn, Nguyễn Tiến Quý, Nguyễn Quý Tân, Nguyễn Đức Nhượng, Nguyễn Đức Tú, ông Quản Chấn, Phạm Văn Đức và sau này có Nguyễn Văn Hới, Nguyễn Khắc Xứng, Nguyễn Năng Hách, Phạm Văn Quyện, Nguyễn Ngọc Vũ, Nguyễn Văn Thu...
Công lao học hành, lao động và cống hiến của các vị kể trên cũng như rất nhiều vị không sao kể hết, chẳng những là niềm tự hào, mà còn mãi khắc sâu trong tâm khảm người con quê hương địa linh, nhân kiệt, là minh chứng sống động cho thành công, quang vinh trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy bảo của các bà, các mẹ nhiều thế hệ. Thành công này, có sự đóng góp lớn lao vô hình của tiếng hát ru.
Hát ru ở Thượng Cốc từng làm cầu nối giữa quan hệ gia đình với thôn làng và xã hội, gắn bó với nhau như một pháo đài về tư tưởng, tinh thần, cùng với pháo đài về lũy tre, lũy đất vững chắc, kiên cường trước tiến trình lịch sử chống xâm lược.
Tiếng hát ru, qua hình ảnh thiên nhiên như trăng, sao, con cá, con nhện, nước chảy... đều bộc lộ tình cảm của người chân quê. Qua đó, khẳng định nghĩa tao khang vợ chồng, xây dựng gia đình hạnh phúc:
“Đêm qua ra đứng bờ ao,
Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ.
Buồn trông con nhện chăng tơ,
Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai?
Buồn trông chênh chếch sao mai,
Sao ơi, sao hỡi, nhớ ai sao mờ?
Đêm đêm tưởng dải Ngân Hà,
Bóng sao Tinh Đẩu đã ba năm tròn”.
Qua tiếng hát ru, người dân quê Cốc xây dựng cho mình cùng với cộng đồng thế hệ sau tình yêu lao động, yêu thiên nhiên, yêu lứa đôi giữa các anh trai làng với các cô thôn nữ lãng mạn mà chân thật. Ngày nay, lớp người “hiện đại” khó lòng đạt được:
“Đêm qua tát nước đầu đình,
Để quên cái áo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin,
Hay là em để làm tin trong nhà?
Áo anh sứt chỉ đường tà,
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
Áo anh sứt chỉ đã lâu,
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Khâu rồi anh sẽ trả công,
Đến khi lấy chồng anh lại giúp cho.
Giúp em một thúng xôi vò,
Một con lợn béo, một vò rượu tăm!
Giúp em đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo.
Giúp em quan tám tiền treo
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau...”.
(Thơ ca dân gian Bắc Bộ, thế kỷ XVIII)
Tiếng hát ru mộc mạc, chân thành, đơn sơ, không có phương tiện gẩy, gõ phụ trợ mà người nghe vẫn lĩnh hội được mặt trái, mặt phải của xã hội...
“Con cò mà đi ăn đêm,
Đỗ phải cành mềm, lộn cổ xuống ao.
Ông ơi! Ông vớt tôi vào,
Chớ có lòng nào ông lại xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong,
Chớ xáo nước đục đau lòng cò con...”
(Thơ ca dân gian Bắc Bộ, thế kỷ XVIII)
Vào nửa cuối thế kỷ XIX, sau khi thực dân Pháp thôn tính xong toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, người nông dân trở thành đối tượng khai thác lao động dân binh. Nên không ai khác, người phụ nữ phải chịu cảnh đơn côi, lo toan ruộng vườn, nuôi con và cha mẹ trong khó khăn, bần hàn, cùng thường trực tâm trạng mất, còn người thân yêu nơi chiến địa, nên có lời ru:
“Ngang lưng thì thắt bao vàng
Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài
Một tay thì cắp hỏa mai
Một tay cắp dáo, quan sai xuống thuyền
Thùng thùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền, nước mắt như mưa...”
(Thơ ca dân gian Bắc Bộ, nửa cuối thế kỷ XIX)
Hát ru từng ngàn đời gắn bó với người dân quê Việt. Đặc biệt, ở Thượng Cốc vào thời tiền lập ấp, tiếng hát ru làm vơi đi mệt nhọc nơi ruộng đồng, làm thăng hoa khi mùa vàng sắp tới. Đồng thời, bộc lộ những nỗi lòng đắng cay trong tâm trạng các bà, các mẹ, các chị dưới mái tranh, bên lũy tre làng.
Thời nay, lũy tre, cây đa, quán nước ở Thượng Cốc không còn. Mặt trái kinh tế thị trường ngày càng tác động vào đời sống và tinh thần người dân thôn trang, liệu tiếng hát ru còn đứng vững trên nền tảng tinh thần nông thôn mới được chăng?...