Nhớ lại từ thời rất xa xưa cho đến tận ngày nay, con người Việt Nam ở nhà tranh vách đất. Gia đình khá giả thì có nhà tranh năm gian, trung bình có nhà tranh ba gian, nghèo thì chỉ làm một gian hoặc dựng túp lều để ở (mãi sau này mới có nhà gô, nhà ngói, gần đây mới có nhà xây, nhà cao tầng, nhưng chưa chiếm tỉ lệ đa số). Khái niệm nhà tranh vách đất không phải ai cũng hiểu, nhất là lớp người trẻ tuổi. Nhà tranh là nhà làm bằng tre. Một ngôi nhà ba gian phải cần khoảng một trăm cây tre to, già, đẹp mới làm nổi. Ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, dân ta có câu: “chưa có trăm cây tre, đừng đe làm nhà”. Tre chặt tốt nhất vào cuối mùa thu. Lúc ấy tre hầu hết đã già. Tháng Tám tre non làm nhà, tháng Ba tre già chẻ lạt. Nghĩa là tre tháng Tám tưởng còn non nhưng thực chất đã đủ độ cứng như tre già. Cây tre tháng Ba trông tưởng già nhưng vẫn chưa cứng. Tre chặt về, đem ngâm dưới ao từ một đến ba năm, vớt lên rửa sạch bùn rêu, phơi khô mới tiến hành làm nhà. Đã gọi là nhà tre thì hầu hết các bộ phận đều làm bằng tre như cột nhà, kèo nhà, chồng nóc, xà ngang, đòn tay, rồi đến rui, mè ở trên mái. Tất cả đều bằng tre. Các bộ phận ấy chỉ có mấy vị trí như đầu kèo gắn vì kèo này với vì kèo khác; đầu kèo gắn với cột; vị trí kèo gắn với xà ngang là đục lỗ để cài “con xỏ” (cũng bằng tre) nối chúng với nhau. Tất cả các vị trí khác như đòn tay, gắn với xà, rui gắn với đòn tay, mè gắn với rui… đều dùng lạt tre để buộc (cũng có nhà dùng dây mây buộc một số điểm lớn). Trong quá trình lợp bằng rạ cũng phải dùng lạt tre để buộc, đặc biệt là buộc hàng dân (hàng rạ cuối cùng của mái). Nhiều nhà cẩn thận trong lúc lợp, thỉnh thoảng buộc một nút để chống bão gió. Phần thân nhà, hầu hết cắm dứng (có nơi gọi là trầy). Dứng tre là tre chẻ nhỏ bằng hai ngón tay, cắm vào ngưỡng tre hoặc đất, rồi buộc hàng ngang thành ô vuông chừng đút lọt nắm tay. Sau đó, trộn rơm với bùn để vài ba hôm cho rơm mềm mới đem trát thành vách. Đấy là vách đất. Quá trình cắm dứng trong một ngôi nhà tốn rất nhiều tre và phải buộc không biết bao nhiêu là lạt và cũng mất khá nhiều công sức. Dân ta nói: “nút lạt bát cơm” là nói về làm nhà đấy.
Một ngôi nhà như thế không hề có dây thép, đinh vít, chỉ lạt tre thôi mà rất chắc. Nó chống chọi được với giông bão. Nó tồn tại đời này qua đời khác. Nếu không có cái lạt tre thì lấy gì kết nối các cây tre rời rạc thành một khối vững vàng. Vì thế, muốn làm ngôi nhà, người ta phải chẻ tới dăm ba cây tre, làm lạt buộc. Tre chẻ lạt là “tre non đủ lá” (tức là cây tre non phát triển đủ cả ngọn, các cành ở thân, hết tuổi măng). Không phải cây tre non nào cũng chẻ lạt được. Nó phải là tre cái gióng dài, mình mỏng, mắt nhỏ. Tre non quá lạt sẽ giòn, tre già quá lạt cứng buộc hay gẫy. Chẻ lạt càng khó. Ở cây tre, mỗi đốt có một mắt để mọc cành. Các mắt mọc đối nhau. Chẻ lạt không chẻ qua “mắt” được. Người thợ phải lọc khéo léo để bỏ các mắt tre. Còn lại sẽ phân ra lạt dài, ngắn tùy theo ngôi nhà để ước tính cho sát. Có lạt dài tới bốn gióng tre, có lạt dài hai gióng, ba gióng. Lạt chẻ, phơi qua cho khô rồi đem luộc cho dẻo mới buộc được. Buộc lạt khác buộc dây chuối, dây đay. Buộc lạt sau khi quàng hai (ba) vòng thì cầm cả hai đầu lạt kéo mạnh, ghì chặt rồi xoắn cho lạt bện chặt vào nhau. Cuối cùng là cài đầu lạt vào chính vòng buộc cho đầu lạt khỏi bung ra.
Ngoài lạt tre, người ta còn dây mây, dây ràng, dây chuối, dây đay… để buộc, nhưng lạt tre vẫn là phổ thông nhất. Ngoài việc làm nhà, lạt tre còn dùng hàng ngày để buộc các vật dụng: phên tre, liếp nứa, rổ, rá, dần, sàng, chổi, rễ, gói bánh, bó giò… “Lạt này gói bánh chưng xanh/ Cho mai lấy trúc cho anh lấy nàng” (ca dao). Lạt còn làm dây gầu tát nước. Lạt tước thật mỏng rồi chắp nối, vắn lại thành dây, rồi vắn ba dây lại thành “thừng”. Thừng rất bền, dùng để bó rạ, tát nước, dắt trâu, néo lúa, kéo thuyền nhỏ chở mạ, chở lúa… Vì thế, trong các gia đình ở nông thôn Việt Nam, nhà nào cũng có vài ba nắm lạt để trên gác bếp để chống mối mọt. Khi buộc phải ngâm vào nước cho dẻo. Nắm lạt tre là vật thường trực trong mỗi nhà để phục vụ lao động và sinh hoạt.
Đất nước ngày một phát triển. Dây thép, dây đồng, dây nilon… ngày một phát triển và có nhiều ưu thế vượt trội hơn lạt tre. Sự gắn kết vật dụng nay thường là ốc vít, keo, hàn điện, đinh sắt,… vừa cứng, vừa bền. Nhiều làng quê san sát nhà xây mái bằng, mái bê tông lợp ngói, hoặc mái lợp tấm xi măng, mái lợp tôn lạnh… nhà tranh vách đất đã vắng nhiều. Cả đồ dùng nay cũng vậy, đồ nhựa, nhôm, gỗ… thay thế dần đồ tre, nứa. Tất cả làm cho vị trí của cái lạt tre bị mờ dần. Nhiều người, nhất là lớp trẻ không hiểu gì về cái lạt tre. Song đó cũng là quy luật phát triển. Cái lạt tre đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó một cách vẻ vang đầy tình nghĩa với con người Việt Nam, nhất là cái thời nghèo khổ.