Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Tản văn "Tây Bắc ư, mùa thu gấm vóc những nẻo đường" của tác giả Hồ Huy
07/10/2024 08:08:17

Nỗi buồn đã ngưng thở trên những rẻo cao Tia Ma Mủ (xã Tà Tổng, Mường Tè) hay Khua Chá (xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo, Lai Châu). Người Mông nói cây anh túc đã đi theo con ma rừng khuất núi, chỉ còn mùa thu đang vàng lên muôn gấm vóc ở những nẻo đường.

 

Tây Bắc ư, tôi yêu. Tây Bắc ư, em yêu. Tây Bắc ư mùa thu dịu dàng khoanh tròn những làng bản, những con đường, những thung sâu, những dòng sông tha thiết về đâu.

Trời xế chiều, những cung đường dồn nắng vàng vào chân núi, con trâu bước mỏi, mục đồng ướm hỏi, thu hiu thu hắt ngàn xưa giờ đã lên màu. Ấm no…

Từ vùng cửa ngõ Tây Bắc, nhà ai Thung Nai ban mai, ban trưa, dìu thứ ánh nắng sánh vàng như mật lên đôi môi cô gái tỏa xuống ruộng đồng, thỏa ước mộng một lần trong đời được đi hết con đường này, được say hết con đường này, được yêu hết con đường này. Có gì đâu, ấy là mùa vàng Tây Bắc.

Cũng từ Thung Nai - Hòa Bình nơi nước chảy vào non, nơi non mềm vào nước, nơi dáng hình Việt Nam mở đường lên Tây Bắc tôi nhập mình vào một nhóm phượt nữ tú nam thanh. Con đường ở lại sau mắt, phố xá ở lại sau lưng, vui buồn ở lại sau tai, còn mùa thu Tây Bắc thì hiện hữu trước mặt.

Là đèo đó. Nó đổ từ dốc bên này, nó bò từ dốc bên kia, nó láng ướt mắt nhìn, nó vắt vẻo suối tóc giai nhân, nó cười dưới thung, nó hát trên đỉnh, nó chấm phá những màu vàng của lúa, nó nhấn nhá trên môi cười này cô gái đường xa.

Này cô gái đường xa có nụ cười môi hoa. Cho tôi ướm hỏi chân đèo, cho tôi ướm hỏi lưng đèo, cho tôi trả lời đỉnh đèo. Mùa thu Tây Bắc như mắt tôi nhìn em. Dịu dàng.

Này cô gái, đèo Ô Quy Hồ hay còn gọi là đèo Hoàng Liên Sơn là một trong số những cung đường đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ vào bậc nhất ở Tây Bắc. Mùa thu cũng theo đó mà nằm trên tuyến quốc lộ 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, đèo nối liền mùa vàng hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu với đỉnh đèo cũng chính là ranh giới.

Này chàng trai, đèo Ô Quy Hồ còn có tên gọi là đèo Mây do trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ. Đây là một con đèo gần như giữ kỷ lục về độ dài tại vùng núi Tây Bắc, với chiều dài lên tới gần 50 km. Độ cao, sự hiểm trở và chiều dài của Ô Quy Hồ khiến đèo được mệnh là "vua đèo vùng Tây Bắc". Cho tôi hỏi nhỏ, đường lên đèo có hiểm trở bằng đường vào trái tim em?

Phải là Mã Pí Lèng thì Tây Bắc mới chạm đến cái đỉnh của mùa thu. Ai đó đã từng ví Mã Pí Lèng như là Vạn Lý Trường Thành của Việt Nam? Tôi lại bảo Mã Pí Lèng chẳng giống một cái Vạn Lý Trường Thành nào hết, sắc thu của nó, màu vàng của lúa, màu non xa xa nước xanh xanh của nó đã làm nên một linh hồn Tây Bắc rạo rực Việt Nam.

Bám đuổi theo đoàn xe, rượt theo những khúc cua, tôi nghiêng mình vào vẻ đẹp mùa màng, vẻ đẹp mơ màng, vẻ đẹp Việt Nam cứ đôn đáo mà bám riết lấy mùa thu. Ừ nhỉ, Tây Bắc ư, mùa thu gấm vóc những nẻo đường...

Mã Pí Lèng này Mã Pí Lèng, sao tôi có cảm giác Mã Pí Lèng như một cô gái vùng cao, ít nói mà thân thuộc, thích trơi trò trốn tìm, ham chơi trò đuổi bắt, đem cả mùa thu về trong đôi mắt. Long lanh.

Đèo Mã Pí Lèng như một dải âm thanh có tần số cao vắt qua giữa lưng chừng núi đá tai mèo hùng vĩ, vắt qua những yêu thương thầm thĩ nối liền thành phố Hà Giang - Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Đây là con đèo ngắn nhất nhưng tưởng chừng mùa thu lại dài nhất ở nơi đây. Đừng lưng chừng yêu, đừng lưng chừng thu, đừng lưng chừng sắc vàng no tròn bóng lúa. Hãy thu đi cho thỏa những cung đường Tây Bắc. Này cô gái cô có lắng nghe, lời thu đang gọi, màu thu đang nói, tình tôi đang gói? Yêu thương?

Lại nhớ tới Hà Giang nơi tiếng khèn man dại của Lò A Sùng đã thủng thẳng mà găm sâu vào trí não tôi, vào lòng dạ tôi những buổi mùa thu say tình, những đêm mùa thu vươn mình, những ban mai mùa thu rung rinh.

Lại nhớ là lúa đó, nó chín từ chân đèo, nó ngả từ xanh lá mạ tới vàng ruộm trăng non, là nếp đó nó vắt từ lưng chừng nương đến bộn bề thôn bản. Đâu đâu cũng thấy một màu vàng nhớ thương day dứt. Tây Bắc ư mùa thu gấm vóc những nẻo đường.

Nỗi buồn đã ngưng thở trên những rẻo cao vùng trời Tây Bắc. Người Mông đã bỏ tập quán trồng cây anh túc. Thay vào đó là các loại giống lúa mới, ngô, lạc, đậu xanh, cây cải dầu, cây ăn quả, giống cỏ, giống cây lâm nghiệp. Đứng từ bên sườn đèo trong một buổi chiều tà, tôi thấy mùa thu đang cười ở dưới, ở cuối những con dốc. Nắng còn đang nấn ná vàng ngọt trên những vai áo cô gái Mông. Nắng còn đang nấn ná làm tổ làm kho trên những vạt lúa chín vàng ở những thửa bậc thang miên man gió, miên man màu khói lên chiều. Này cô gái, này chàng trai, Tây Bắc ư, mùa thu gấm vóc những nẻo đường...
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Mục Tác giả, tác phẩm: "Tác giả của những bức họa Bác Hồ" của Ngọc Hùng(07/10/2024)
Đêm Côn Sơn(04/10/2024)
Lục bát đêm thu(04/10/2024)
Tản văn "Hương lúa" của Hồ Đăng Thanh Ngọc(04/10/2024)
Hoa Ban(03/10/2024)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na