"Thật khó để mơ về" là một triển lãm hội tụ hơn 50 tác phẩm với nhiều chất liệu và phong cách sáng tác khác nhau. Sau những chuyến đi thực tế qua nhiều vùng miền, các tác phẩm là kết quả của sự lao động nghệ thuật nghiêm túc thể hiện những góc nhìn sinh động đầy màu sắc của các họa sĩ trước cảnh thiên nhiên tươi đẹp của đất nước.
Các họa sĩ chọn lối vẽ trực họa, những ấn tượng, cảm xúc mạnh mẽ trực diện nhất được nắm bắt và diễn đạt lại bằng màu sắc qua cách nhìn, cách cảm riêng của từng người. Trước một không gian rộng lớn của nắng, của gió, của ánh sáng, các họa sĩ có rất nhiều những "gợi ý" để khai thác.
Vẽ trực họa là lối vẽ khá thân quen với họa sĩ, đối tượng được vẽ có thể là người, tĩnh vật, phong cảnh... Với trực họa phong cảnh, họa sĩ phải đi thực tế đến nhiều vùng miền, thậm chí sinh hoạt ăn ở cùng người dân địa phương một thời gian. Khi sống cùng con người, cảnh vật địa phương đó họ sẽ có những cảm xúc chân thật nhất, đề tài, ý tưởng thường nảy ra trong quá trình sinh hoạt, lao động hàng ngày.
Ngoài nắm bắt được những cảm xúc trước thiên nhiên, họa sĩ phải có sự quan sát và kỹ năng để thể hiện. Những yếu tố chính thường được khai thác khi trực họa là không gian, màu sắc và ánh sáng của cảnh vật.
Dù đứng trước cùng một phong cảnh, nhưng mỗi họa sĩ sẽ nhìn nhận và có cảm xúc riêng nên cách dùng màu, bút pháp trên tác phẩm hoàn toàn khác biệt. Điều đó tạo nên sự đa dạng và phong phú về mỹ cảm, đây cũng là yếu tố khá đặc thù tạo nên sự hấp dẫn riêng của hội họa khi so sánh với nhiếp ảnh.
7 họa sĩ trẻ đều chung tình yêu với thiên nhiên cảnh sắc các vùng miền đất nước nhưng họ thể hiện cách nhìn và cá tính riêng biệt. Mỗi họa sĩ là một bảng màu, khi là tông ghi xám dịu dàng, lúc lại là tông màu tương phản mạnh mẽ. Có những họa sĩ khai thác yếu tố mảng miếng, đậm nhạt khúc triết, có người lại tiếp cận một góc nhìn thiên nhiên đầy trừu tượng. Tất cả tạo nên sự phong phú về thị giác cho người thưởng lãm.
Mặc dù thiên nhiên là chủ đề chính nhưng các họa sĩ đã phối lại những màu sắc bằng cảm xúc cá nhân. Thiên nhiên đôi khi là những gợi ý cho họa sĩ, chỉ có một số ít tác phẩm trong triển lãm giữ lối vẽ đậm nhạt, sáng tối lệ thực, đa số thể hiện màu sắc theo ngẫu hứng. Một số bức yếu tố hình cũng được cách điệu giản lược mạnh mẽ.
Bút pháp và phong cách khác nhau nhưng yếu tố ánh sáng và không gian vẫn luôn hiện diện ở hầu hết tác phẩm và được các họa sĩ khai thác triệt để. Người xem có thể bắt gặp ánh sáng dìu dịu của không gian cuối chiều, khi là khoảnh khắc nắng bừng lên giữa những triền núi đá âm u...
Họa sĩ Văn Trọng cho biết, vì sinh ra ở miền quê nên anh thường vẽ những gì gắn bó với bản thân. Khi đi trực họa, cảm nhận tình cảm phong cảnh, con người ở nhiều nơi chính là yếu tố cơ bản giúp anh thể hiện tác phẩm. Với anh vẽ phong cảnh cũng là cách để thể hiện tình cảm của mình với vùng đất và con người đã gặp, đã thấy, mỗi bức vẽ là một lần tìm tòi cái mới.
Đến với triển lãm người xem như được tham gia vào một chuyến du lịch đến nhiều vùng miền của đất nước. Những cảnh sắc miền núi, trung du vùng biển, tất cả được họa sĩ ghi lại bằng những gam màu tươi tắn, sinh động. Qua những tác phẩm trong triển lãm, các họa sĩ mong muốn đưa người xem vượt ra khỏi không gian, thời gian với những áp lực của cuộc sống thường ngày để có những cảm nhận khác nhau về thế giới xung quanh.
Triển lãm mở cửa từ ngày 16/9/2022 đến hết ngày 22/9/2022 tại Phòng Trưng bày chuyên đề tầng 1, nhà B, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.
Một số hình ảnh trong cuộc triển lãm:
Nguồn: https://congdankhuyenhoc.vn/