Tin tức
Thư pháp Quốc ngữ và Graffiti, những tương tác Đông - Tây
15/09/2022 03:24:07

Cuộc triển lãm Đối thoại Thư pháp và Graffiti với tinh thần từ “Khác biệt đến Đồng cảm” đang diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

 

Các tác giả đã mang đến triển lãm 39 tác phẩm của cả hai loại hình sáng tác, nội dung xoay quanh các chủ đề về đạo nghĩa thầy - trò; học tập, rèn luyện bản thân; sách và văn hóa đọc; Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Việt Nam và các địa danh nổi tiếng của đất nước. Triển lãm như một cuộc đối thoại trải qua bốn giai đoạn: từ gặp gỡ, đối thoại đến giao lưu với nhau và cuối cùng tìm được sự đồng cảm, chia sẻ những điểm chung. Đối với Thư pháp Quốc ngữ: Nhà hoạt động thư pháp Ngẫu Thư - Nguyễn Thanh Tùng, Võ Tuấn Xuân Thành, Nguyễn Hữu Pháp. Đối với Graffiti: Nghệ sĩ Đỗ Thế Thành, Nguyễn Tấn Lực, Trang Nhơn Khoa, Lưu Đoàn Duy Linh.

Ở phạm vi hẹp, ngôn ngữ có ở dạng tiếng nói/ âm thanh và dạng kí hiệu/ hình. Ở khía cạnh tiếng nói, ngôn ngữ có những đời sống riêng trong tiếng nói mỗi quốc gia, vùng miền; trong giọng ca, ngâm, ngân của từng nghệ sĩ. Ở khía cạnh chữ viết, ngôn ngữ có những biểu hiện rất riêng, trong từng đôi tay, từng mặt giấy, trong từng hệ, chi, nhánh của các loại hình chữ và nghệ thuật chữ. Nói đến nghệ thuật chữ, không thể không kể đến Thư pháp, Thư đạo, Thư nghệ của phương Đông hay Calligraphy, Graffiti, Typography…của phương Tây. Ở mỗi quốc gia, trong từng bộ môn cũng có rất nhiều phong cách riêng rất đa dạng. Sự phong phú ấy tùy vào môi trường, thời kì xã hội, ảnh hưởng và tương quan với tư duy người viết. Sự sinh động ấy thuộc vào sự ảo diệu trên đôi bàn tay và linh biến qua từng loại chất liệu.

Thư pháp chữ Việt và Graffiti có những điểm riêng, chung rất thú vị. Graffiti xuất hiện ở Mĩ những năm 1970, có nguồn gốc Hy Lạp. Thư pháp chữ Việt xuất hiện ở Việt Nam những năm 1930, có nguồn gốc từ sự thay đổi chữ viết trong đời sống kết hợp với những bản sắc nghệ thuật Á Đông. Thư pháp thiên hướng ẩn tàng. Graffiti lại ưa hướng ngoại. Nhắc đến graffiti, ta tưởng tượng ra ngay những bức tường lớn ngoài phố, và hình ảnh các chàng trai trẻ trung, phóng khoáng tự do. Có vẻ như ngược lại, thư pháp với những màu sắc cơ bản của giấy, sắc đen của mực và điểm son bởi các ấn chương. Tất cả đều lãng đãng, trầm tĩnh, ẩn dụ. Graffiti lại khoác lên mình chiếc áo với đủ các loại màu sắc đường nét hình khối. Tất thảy đều nổi lên với những ấn tượng thị giác mạnh mẽ. Thư pháp mang hồn cốt đông Phương, Graffiti mang hơi thở tây Phương.

Truyền thống cần được bảo tồn, những đặc trưng của từng bộ môn cần được gìn giữ, nhưng nếu không tiếp nối và làm sáng lên, lâu dần sẽ thành chấp nệ. Đặc biệt với nghệ thuật, khi ấy sẽ không còn là sáng tạo. Những nét quen, lối cũ, đường mòn sẽ trở nên nhàm, cạn sức sống, ít gây được xúc động thẩm mĩ. Một phần vì nó đã ngự trị quá lâu, công chúng đã "ăn" chán rồi, phần vì cuộc sống luôn thay đổi, mĩ cảm về tiết tấu, màu sắc, ngôn ngữ cũng đã khác xưa. Trên nhiều bình điện cuộc sống, Đông Tây đang có những bước tiến về nhau, giao lưu, bổ khuyết và cộng hưởng. Rất nhiều nghệ sĩ Tây phương đã tìm đến với bút lông mực nho để hiểu văn hóa phương Đông, hoặc để tìm kiếm ý tưởng, chất liệu cho sáng tác của mình. Rất nhiều bạn đã đến Việt Nam để học viết thư pháp Việt, và viết lên những bức thư pháp về Truyện Kiều của Nguyễn Du hay những câu hát về Hà Nội. Ngược lại, nhiều tác phẩm calli, typo, graffiti được sáng tác từ chính đôi tay của các bạn trẻ Á Đông. Với tinh thần cởi mở, đồng cảm và tôn trọng sự khác biệt, các nghệ sĩ thư pháp và Graffiti đã có một hành trình đối thoại đầy ý nghĩa.

Một số hình ảnh tại triển lãm:

 
 
 
 
 
 
Nguồn: http://vannghequandoi.com.vn/ 
 
 
Các tin mới hơn
Xã hội hóa để lan tỏa các giá trị của văn học nghệ thuật(17/04/2024)
Giới thiệu Giải thưởng văn học Kim Đồng tại Hải Dương(29/03/2024)
Gặp gỡ các tác giả viết cho Thiếu nhi tại TP Hải Dương(29/03/2024)
Giới thiệu giải thưởng văn học Kim Đồng lần thứ nhất ở Hải Dương(29/03/2024)
Giới thiệu Giải thưởng Văn học Kim Đồng với các tác giả viết cho thiếu nhi tại Hải Dương(29/03/2024)
Các tin cũ hơn
Nghệ nhân Tranh kính Vinh COBA đón nhận giải thưởng Quốc tế về Sáng chế và Sở hữu trí tuệ(15/09/2022)
Phát động Cuộc thi truyện ngắn (2022 – 2024): Nhiều niềm tin và hy vọng(15/09/2022)
Quy chế gửi xét Giải thưởng Nhiếp ảnh xuất sắc năm 2022(15/09/2022)
Tọa đàm "Văn học trinh thám hiện đại giao thoa Đông và Tây"(15/09/2022)
Dâng hương tưởng niệm 580 năm ngày mất của Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi(14/09/2022)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na