Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Tuỳ bút "Âm vang tháng Tư" của tác giả Vũ Hoàng Luyến
30/05/2023 03:01:30

Tháng Tư về, trong âm vang chiến thắng của những ngày tháng Tư 1975, lòng ta vang lên tiếng hát: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng”… Thế đó mà đã 48 năm chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Nhớ lại những ngày này cách đây 48 năm, sau trận đánh thắng mở màn Ban Mê Thuột 10/3/1975 giải phóng Tây Nguyên, đại quân ta hùng dũng xông lên, giải phóng thành phố Huế và cả chiến trường Trị - Thiên. Tiếp đến là giải phóng các tỉnh miền duyên hải Nam Trung Bộ: Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận… buộc bọn Mỹ và tay sai phải tháo chạy co cụm về Biên Hòa, Xuân Lộc, cửa ngõ tử thủ Sài Gòn.

Bằng mưu trí dũng cảm, đại quân ta trên 5 mũi tiến công với khí thế hùng mạnh nhất, gần 20 sư đoàn bộ binh, xe tăng, pháo rầm rập ngày đêm tiến về Sài Gòn giải phóng Thành Đô. Nhân dân Sài Gòn – Gia Định nổi dậy, vùng lên giương cao cờ cách mạng chào đón quân giải phóng. Chỉ trong vòng hơn 20 ngày từ 9/4 đến 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các đã phải đầu hàng, lá cờ của Mặt trận giải phóng miền Nam đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Cả Sài Gòn vang lên lời ca chiến thắng: “Sài Gòn ơi ta đã về đây, ta đã về đây”.

Để có được chiến thắng 30/4, nhân dân ta đã phải đổ biết bao xương máu để giành lại nền độc lập tự do cho dân tộc. Phải mất 30 năm chiến đấu hy sinh gian khổ, dân tộc ta mới đi trọn con đường của mình như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Để làm rạng rỡ, sáng ngời chân lý “Nước Việt Nam là một” dân tộc ta đã phải chấp nhận chiến đấu hy sinh gian khổ trong hai cuộc chiến tranh tàn bạo do thực dân Pháp và đế quốc Mỹ gây ra. Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải quyết tâm giải phóng cho được hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là ý chí, quyết tâm, niềm tin sắt đá của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Cho nên những năm chiến tranh ác liệt, gian khổ luôn cận kề giữa sống, chết, lớp lớp thanh niên xung phong tình nguyện rời mái trường, xưởng máy, làng quê… ra trận “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu). Biết bao bà mẹ nghẹn ngào, gạt nước mắt tiễn chồng ra trận, nay lại tiễn đứa con trai út của mình lên đường. Biết bao cô gái ngày đêm quên tuổi thanh xuân mở đường cho xe ra tiền tuyến. Đi “B” – hai tiếng ấy trở thành niềm tự hào của lớp lớp những con người vào Nam chiến đấu. Những đoàn quân rầm rập vào Nam, vượt Trường Sơn gian khổ nhưng lòng vẫn phơi phới niềm tin: “Đêm nay ta đi Trường Sơn lộng gió, trời vắng trăng sao nhưng tim ta rực lửa”…

Trong rừng già Tây Nguyên, những người dân đồng bào Kơ – Tu vừa đốt nương làm rẫy vừa gùi gạo cho bộ đội, vừa vót chông, giương lẫy nỏ nhằm bắn giặc. Ở rừng đước Năm Căn, các mẹ, các chị lợi dụng địa thế hiểm trở chằng chịt của kênh rạch tổ chức đánh du kích, gài chông, mìn đánh lui và tiêu diệt hàng tiểu đoàn địch. Tại chiến khu rừng Sác, cuộc chiến đầy gian khổ thiếu thốn trăm bề, nhịn đói ăn rau, cháo đánh địch. Hay từ những đêm dài quằn quại trong chiến dịch tố Cộng, kìm kẹp trong hàng rào dây thép gai ấp chiến lược, chi khu quân sự, lê máy chém đi khắp miền Nam trong các trại giam Phú Lợi, Duy Xuyên… của giặc, nhân dân miền Nam đã dùng dao, búa vùng lên. Biết bao người con ưu tú của miền Nam đã phải hy sinh trước máy chém của giặc – những tên đao phủ của thời đại. Máu đã nhuộm đỏ các kênh rạch, mương nước, hàng dừa. Tiếng thét gọi sự căm hờn. Cả miền Nam hừng hực đứng lên… Và hôm nay, đất nước đổ ra đường “Tiềm lực lớn những binh đoàn chiến lược”, cả nước dồn sức cho trận quyết chiến cuối cùng:

“Con đường Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh, chiến sĩ vừa đi vừa hỏi, vừa đi vừa giục, vừa đi vừa hát, cành ngụy trang qua gió thổi ba miền” (Đường tới thành phố - Hữu Thỉnh). Đại quân ta tiến vào thành phố với tinh thần: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!” (Điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Ở sở chỉ huy tiền phương, tướng Trần Văn Trà vừa mới hôm nào ở trại Đa –Vít, trưởng phái đoàn Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam, nay là Tư lệnh mặt trận, cùng với Bộ chỉ huy chiến dịch, lệnh cho các quân đoàn, sư đoàn tiến thẳng vào Sài Gòn, bỏ qua những cứ điểm kháng cự của địch, đánh thọc sâu vào đầu não ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn.

Đường Tự Do rẽ trái – Cô gái tự vệ Sài Gòn trong bộ quần áo bà ba đen, thắt lưng da, mũ tai bèo tay kẹp khẩu CKC tươi cười chỉ cho xe tăng ta tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Chiếc xe tăng 390, trên tháp pháo lá cờ quân giải phóng phần phật tung bay, hùng dũng xông lên húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Tiếp đến, người chỉ huy xe tăng 843 - Bùi Quang Thận băng mình xông lên đánh sập lá cờ ngụy quyền Sài Gòn, cắm lá cờ cách mạng. Lúc đó là 11 giờ 30 ngày 30/4/1975. Cờ cách mạng tung bay, cả Sài Gòn mừng vui vỡ òa trong niềm vui chiến thắng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ “Ba mươi năm mới có một ngày/ Cả đô thành phấp phới cờ bay…”.

Từ đó đến nay đã 48 năm. 48 năm chiến thắng 30/4 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, cả nước tiến lên xây dựng CNXH với mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

48 năm qua, vừa xây dựng vừa bảo vệ vững chắc Tổ quốc, nhất là hơn 35 năm đổi mới nhân dân ta đã thu được nhiều thắng lợi quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại. Từ là nước nghèo kém phát triển đến nay đã thành nước có nền kinh tế đang phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao cả vật chất và tinh thần. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Song, trước mắt chúng ta còn nhiều khó khăn, thử thách. Toàn Đảng, toàn dân ta quyết tâm khôi phục và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Khó khăn không làm chùn bước ta đi. Ta đi từ trong gian khó, từ đổ nát sau những năm ác liệt của chiến tranh. Với tư thế của những người chiến thắng của dân tộc anh hùng để lập nên những kỳ tích mới “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như di chúc của Bác Hồ kính yêu!

Tháng Tư về, trong âm vang tháng Tư, âm vang của chiến thắng 30/4 bản anh hùng ca bất diệt của dân tộc Việt Nam với niềm kiêu hãnh tự hào. 
 
 
 
Các tin mới hơn
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Sự tích Thành hoàng làng Đồng Niên, phường Việt Hòa, phành Phố Hải Dương"(11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Âm nhạc thiếu nhi và sự đóng góp của các nhạc sĩ Hải Dương" (11/10/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Lớp học trong ngôi chùa cổ - một truyện ngắn đậm chất thơ của Nguyễn Hải Yến"(08/10/2024)
Mùa thu và phone(08/10/2024)
Tự khúc(07/10/2024)
Các tin cũ hơn
Sống mãi với non sông!(30/05/2023)
Những khẩu súng thần công trước cửa bảo tàng(30/05/2023)
Những chuyển mình của văn học nghệ thuật Hải Dương(30/05/2023)
Về quê thăm mẹ(12/05/2023)
Truyện ngắn "Giọt nắng bên thềm" của tác giả Đỗ Xuân Thu(12/05/2023)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na