Gió không còn thun thút thổi, trời vẫn rét ngọt nhưng hình như man man đâu đó đã có hơi ấm. Đêm măn mắt đã bay đầy nhà báo hiệu hoa xoan bắt đầu bung cánh thì trong chuồng đàn hươu sao cũng dần trút bỏ bộ áo ấm lông bông để khoác lên mình tấm áo màu vàng óng ả điểm những chấm sao trắng thẳng tăm tắp mượt như được thoa một lớp dầu bóng. Hươu đực bắt đầu dồn sức cho những cú va đầu vào gióng chuồng, va mãi đến khi bật nắp đế để cho một mùa nhung mới. Còn hươu cái cũng ngúng nguẩy cái đuôi ngắn cũn cỡn trêu ngươi gọi mời. Mùa tình đến. Cũng vào độ đó ông nội tôi lại lấy cây cưa cung cất từ mùa trước xuống tỉ mẩn mài mài, dũa dũa. Còn cha tôi dậy sớm hơn mọi ngày mải mê luyện lại những miếng bắt hươu gia truyền. Mẹ tôi chuẩn bị than củi chim chim với chiếc thau mẻ để sấy nhung.
Minh họa: Đỗ Khải
Nghề nuôi hươu ở làng tôi không biết có từ bao giờ và ai là ông tổ. Chỉ biết rằng, khi tôi lớn lên thì đã thấy ông nội tôi là người cắt nhung mát tay số một trong làng. Còn cha tôi là người bắt đầu. Năm tôi lên mười, sáng sáng cha chọn một góc vườn tập cho tôi những miếng bắt hươu bí truyền. Ở bên trại nuôi tập thể, người ta bắt hươu bằng dây, nhưng quê tôi không học theo mà vẫn giữ mãi cách bắt của tổ tiên để lại. Vì mọi người quan niệm, nuôi hươu không phải chỉ đơn thuần đưa lại lợi nhuận từ lấy lộc nhung mà lộc nhung chính là lộc trời, trời chỉ duy nhất ban cho làng tôi nghề nuôi hươu vì vậy mà ngày cắt lộc hươu cũng là ngày vui, ngày hội nho nhỏ của làng. Nhưng sở dĩ kén người cắt nhung là vì đã không ít người cắt xong mùa sau hươu không chịu đổ đế, không lên nhung, mất toi cả một năm chăm sóc. Cơm, đỗ, lạc, ngô… cho hươu ăn thúc đều trôi sông trôi biển cả. Đối với gia đình tôi, hình như trời ban cho cái thiên chức đó, truyền đời làm nghề cắt nhung với bắt đầu. Trong nhiều ngón bắt hươu, quan trọng nhất vẫn là người bắt đầu, phải vừa nhanh nhẹn, khoẻ lại khéo léo để giữ được nguyên vẹn cặp nhung, an toàn cho cả người, cả hươu. Không ít người bắt đầu thiếu kinh nghiệm làm cho nhung gãy, dập, bán chỉ được một phần ba giá. Thậm chí còn làm cho hươu gãy chân, mù mắt… xui xẻo cả năm. Chính vì vậy tôi phải tập chạy, tập xà cho tay cứng và dẻo như sợi chão, sau đó mới tập được các ngón nghề của người bắt đầu. Chả có ai quy định, nhưng một người bắt đầu giỏi luôn được mọi người trong làng ngước nhìn với đôi mắt vị nể và trọng vọng. Đằng đẵng năm này qua năm khác, cha con tôi vừa tập thể dục vừa tập luyện các ngón nghề. Bao giờ cũng vậy, miếng cuối cùng là khi cha và tôi đứng đối diện. Cha múa may những vòng tay biến ảo, tôi cũng phải múa và lựa thời cơ, thật nhanh, hai tay tôi phải chụp đúng và nắm chặt được hai cổ tay cha ấn xuống. Ban đầu, cha chỉ cần hơi xuống tấn, tôi đã chẳng làm được gì rồi, nhưng dần dần cha phải vận công mới trụ lại được lực ấn của tôi. Và mùa tình năm nay tôi mười bảy tuổi, sau một lúc hai cha con quần nhau, múa như lượn, rồi mặt đối mặt, tôi chụp đúng hai cổ tay cha, vận công ấn mạnh xuống, cha đã chùng chân trụ lại. Đun đẩy nửa giây, tôi ém bụng hít căng lồng ngực ấn tiếp, tay cha đuối dần, đuối dần, hơi thở bắt đầu lỗi nhịp, cuối cùng cha thở hắt ra, hai tay buông xuôi. Trước khi đi vào nhà, cha chỉ nói mỗi một câu: “Anh đã trưởng thành, đã thay được cha. Nhớ lấy, sức con tuyệt đối không được uống huyết hươu”. Tôi thấy trong mắt cha hình như có cả những tia sáng chợt quắc lên của niềm vui khi con trai trưởng thành nhưng trong đó cũng đi kèm những tia u uất của người chợt thấy mình đã bắt đầu tụt xuống bờ dốc bên kia của cuộc đời.
Cha buông thõng hai tay đi vào nhà và đến bên ông nội tôi khi đó mắt đã kéo màng. Cha gục đầu đứng vậy đợi chờ. Cũng khó khăn để đón nhận một sự thay thế như cha, ông tôi chống gối đứng dậy, leo lên gác lấy cây cưa cung từ từ trao lại cho cha. Cha cẩn thận dũa mài chuẩn bị cho mùa tình mới.
***
Con hươu đực cồ trong chuồng nhà tôi là giống hươu quý, nó to lừng lững như một con nai đực trưởng thành. Năm nào cũng vậy, đúng độ giữa mùa tình, trên đầu nó đội cặp nhung trắng hồng, ba nhánh đòn dài oai lầm lẫm. Giống hươu tốt nên trong làng ai cũng muốn đưa hươu cái đến phối. Nhưng năm nay, lần đầu tôi làm người bắt đầu, cha cương quyết không cho nó phối giống, cha muốn nó phải trường sức nhất, sung mãn nhất để như là một buổi sát hạch lần cuối trước khi tôi chính thức vào nghề. Rồi cái ngày đó cũng đã đến. Sáng sớm nhà tôi đã rộn ran tiếng dao thớt với bát đũa. Nách chái hồi trên đã tập trung trên trăm loại lộc non được hái từ núi cao xuống chuẩn bị cho bữa tiệc lá có một không hai. Trong nhà, mùi xôi, mùi mẻ, mùi bỗng rượu làm lồng bác đã thơm dậy lên. Cha tôi cẩn thận đặt lên bàn thờ Thần Lộc mâm cơm cúng với đầy đủ các món trong ngày còn kèm theo những lộc non mơn mởn và một lọ nước suối lấy ở đầu nguồn. Xong mọi thứ. Cũng lạy như tế tổ, ông nội tôi khấn: “… Cha già đã có con thay, mong Thần Lộc chứng giám. Sức trẻ của cháu đích tôn đã thay được cha nó việc bắt đầu. Bản thân con mắt đã mờ, tay đã yếu cũng giao lại tay cưa cho con trai. Lễ mọn lòng thành đây là nước suối tự nguồn, đây là lộc non trên núi cao kính mời thần về dự tiệc và ban cho điềm lành. Cả họ truyền đời được thần ban lộc chưa một lần dám sao nhãng chuyện dạy dỗ con cháu biết ơn thần. Lộc thần ban chỉ dám để làm điều có ích, làm thuốc cứu người, làm những chuyện thanh cao. Ai phạm vào điều cấm kỵ mong thần ra tay trừng trị. Lời mộc, lễ bạc, lòng thành mong thần về chứng giám…”. Lễ cúng đã xong, sáu thanh niên lực lưỡng đã đứng cả sau lưng tôi, cửa chuồng hươu he hé mở. Sau một lúc lồng lộn trong chuồng, con đực cồ thấy có lồng nữa cũng vô ích. Nó đứng lại nghếch đôi nhung tươi hồng lên như thách thức. Một thoáng chợn rợn làm mặt tôi hơi đỏ, tôi hít sâu lấy lại tinh thần, chiếu thẳng ánh nhìn vào cặp mắt lên máu đỏ đòng đọc của con đực cồ. Tôi biết, sau lưng tôi, cũng đang có hàng chục cặp mắt đang theo dõi từng hành động của tôi. Tôi nhìn nó không chớp mắt, hình như nó có một thoáng rùng mình rồi cụp mắt xuống. Nó đã bị tôi khuất phục liền quay đầu lồng trong tuyệt vọng. Liếc thấy lần lượt mọi người đã vào hết, ai nấy lưng đã ép sát vào gióng chuồng, mặt quay ra căng thẳng theo dõi từng bước lồng của hươu. Vòng người đã dần khép. Thời điểm quyết định đã đến, đợi con đực cồ muốn thử bản lĩnh tôi. Nó ngước cao đầu, chồm hai chân trước lên cuốc. Tôi lùi một bước, nó lỡ đà hụp đầu xuống. Chỉ chờ có thế. Nhanh như bản năng loài hổ vồ mồi, hai tay tôi đã vung lên, chộp đúng vào hai cội nhung. Xuống tấn, vận hết lực toàn thân ấn mạnh xuống. Chưa chịu chấp nhận ngay, nó cũng chùng hai chân trước nhanh xuống và dùng sức mạnh của cần cổ với hàng bờm cứng như cước nhằm hất bổng tôi lên. Hình như hai chân tôi có một tích tắc bị nhấc lên, trượt lùi trên nền chuồng. Hít một hơi thở tràn lồng ngực mười tám, tôi ấn mạnh đầu con đực cồ xuống đưa nhanh vào giữa hai bẹn, ngay lập tức khẹp đùi lại bịt luôn đôi mắt nó. Sau một lúc trù trì, thở phì phì, nó đã không trụ lại được sức nặng của tôi. Với lại hai mắt đã bị bịt, nó khuỵu hẳn hai chân trước xuống. Tôi hét: “Vào!”. Đồng loạt những người vào sau đã được luyện từ trước, mỗi người một bộ phận, đè nghiến con đực cồ xuống nền chuồng. Tôi vơ rơm khô độn xuống nền và ngồi lên đó, xoay chân kẹp chặt cổ con đực cồ cho cặp nhung nằm ngang. Đến khi đó cha tôi mới đạo mạo dáng người già, kính cẩn như một nghi lễ lách cửa chuồng bước vào với cây cưa cung trên tay. Trịnh trọng không kém, cha ngồi xuống liếc hỏi: “Chắc chưa?”. Tôi gật. Cha cầm lấy một nhánh nhung, bấm tay làm khức trừ lại chừng nửa hạt gạo phía cội, đặt cưa. Khi sắp đẩy, cha lại nói: “Chắc nè...!”. Cưa rào rạo ăn nhung, một cái rùng mình của con đực cồ, bờm cổ lại dựng lên. Tôi triển mạnh hai đùi kẹp chặt cổ nó, giữ chắc đầu cho cha cưa nhung khỏi bị chác. Máu từ vết cưa ròng ròng chảy xuống thau rượu nếp, có hai tia bắn thẳng vào miệng tôi, cha quát: “Không được uống”. Huyết nhung chan chát, ngòn ngọt và thơm quyến rũ vô cùng. Con đực cồ đang trường sức, ăn thúc tốt, cắt nhung đến độ, tia máu bắn khoẻ như ai đó cầm xi lanh mà ấn ra. Tôi miễn cưỡng ngậm miệng lại cho huyết phun đầy mặt. Đợi cha cúi xuống cưa tiếp. Không cưỡng được, tôi lại há miệng đớp những tia huyết nóng hôi hổi. Khi cha cưa xong nhánh nhung thứ hai, cũng là lúc tôi đớp đầy hai ngụm huyết tươi. Tôi đã phải trả giá đắt cho hành động nông nổi đó.
***
Làng tôi ở giáp Lào nên chỉ cần trượt một cái dốc là gió Lào thông thống thổi hết ngày đêm. Nhưng ánh sáng văn minh từ miền xuôi muốn lên lại phải vượt qua quá nhiều dốc với đường trồi sụt bao ổ gà ổ trâu. Nếu không có đặc sản nhung hươu thì chắc không ai biết đến làng tôi - làng vô danh như trăm vạn làng nghèo khác. Nhưng rồi cửa khẩu Cầu Gác được mở, quốc lộ Bát A được bạt bớt đèo dốc và trải nhựa. Làng nằm trong khu tam giác kinh tế trọng điểm. Từ đó người xe nườm nượp đổ về mang theo cái nhộn nhạo thập phương. Thị trấn vùng biên lập loè xanh đỏ đèn chùm, chộn rộn xốn xang váy áo, ồn ã giọng Bắc, Trung, Nam, lượn lờ má đỏ, môi đỏ, móng đỏ, chân dài. Lộc hươu bây giờ mới thực sự là lộc trời. Đàn ông luôn tự tin trong mọi chuyện, trừ chuyện làm tình. Không tự tin nên họ tìm đến sâm nhung, quế, phụ, tắc kè, hải mã, rắn, dâm dương hoắc… Nhung hươu lên giá từng ngày, tiền ào ào đổ vào làng và đổ luôn bao thứ nhộn nhạo khác. Cửa khẩu càng đông người thì lớp học càng vắng. Tôi cũng bỏ học năm cuối cấp ba. Đã làm anh thợ vào đầu chắc tay rồi, hươu, nhung lại lên giá như thế này cần chi phải học, phải đi đâu cho mệt. Mấy thằng bạn tôi đã bỏ học trước lên cửa khẩu làm cửu vạn, mỗi lần về đều tấm tắc khen em Thy chân dài ở quán bia Lá Đa. Tấm tắc khen bởi cái ngữ chúng nó với đồng tiền cửu vạn mạt rệp thì chỉ dám đứng xa mà nhìn vô. Thỉnh thoảng còn dư chút sức lực sau một ngày làm thân con ngựa thồ cõng hàng qua biên giới. Bí bách, dăm ba thằng mới dám bao một ả điếm hết thời dưới xuôi mò lên kéo vô rừng. Khổ! Đàn ông thường gieo những hạt giống khoẻ mạnh nhất, chắc mẩy nhất vào những chỗ không đáng gieo và không được gieo nên nó chả mấy khi mọc mầm, lên cây, tụ quả. Nghe chúng kể, tả về Thy tôi cũng rậm rực lắm nhưng không thể đi. Năm đầu tiên tôi bắt đầu. Tôi đã chiến thắng được sự chèo kéo của mấy thằng bạn nhưng lại không cưỡng được cái vị chan chát, ngòn ngọt, thơm thơm của huyết hươu. Không nghe lời cha nên tôi đã phải trả giá…
Con đực cồ đã được băng bó cẩn thận, mọi người đồng loạt buông tay, nó vùng dậy lấc lấc láo láo cái đầu nhẹ tênh hênh vì cặp nhung hơn một kg vừa bị cắt mất. Mọi người lục tục bước ra khỏi chuồng. Như có thuốc tiên, người tôi bắt đầu thấy rạo rực lạ, bụng dưới tức anh ách. Tuy vậy tôi vẫn giữ được sự thăng bằng tối thiểu. Ngửng cao đầu với khuôn mặt nhuộm hồng huyết hươu. Tôi hiên ngang như võ sỹ chiến thắng bước ra từ xới vật trước những ánh nhìn ngưỡng mộ của đám trai làng và những con mắt ướt rượt của gái tơ. Tôi đã có bằng chứng nhận trưởng thành. Cắt xong nhung là vào tiệc. Tôi được ngồi mâm trên với các cụ. Mâm trên với lá lộc non nhất, những con tôm to nhất, thịt mỡ luộc cắt đúng độ nhất, lồng bác thơm nhất. Như những lần khác, tôi đã quấn lấy quấn để rồi đưa lên nhai phình mồm những miếng gỏi lá để tận hưởng vị chan chát của lá trâm, bùi bùi của lá mít, ngòn ngọt chua chua của chua ngút, thơm bùi của lộc xoài, ngọt thịt tôm, béo thịt mỡ, ngậy lồng bác, cay ớt hiểm… Nhưng lần này, tôi không tài nào chú tâm vào miếng ăn được khi trong người không thôi rậm rực. Không uống được rượu nhưng tôi đã ngửa cổ ực cạn liên tiếp hai chén rượu huyết mong nó dìm bớt sóng lòng. Tôi lại sai lầm. Lửa gọi lửa đám cháy càng cháy to. Không còn chịu được, tôi lẻn ra sau nhà tìm đường đến với mấy thằng bạn. Vừa qua khỏi bờ chè mạn, tôi chợt đứng sững người khi thấy con Lành mới chui từ bếp ra, má bắt hơi lửa đỏ hây hây, mồ hôi thấm ướt nách áo. Thấy tôi nó còn cười duyên rồi đưa hai tay lên vén tóc làm cái áo ngắn cũn cỡn bị kéo lên để lộ một khoảng bụng nây nẩy. Ma xúi, quỷ xui, một cú ngã vờ của người say rượu, tôi đã đè nghiến lên người nó. Nó ú ớ hốt hoảng còn tôi hối hả lần tìm. Bỗng người tôi nhẹ tênh tênh, mắt mờ mịt sương khói. Tôi bị cha túm sau cổ áo kéo giật về cõi phàm trần. Vừa kéo cha vừa nói át cả tiếng con Lành: “Say rồi vấp ngã hả, đứng dậy cha dìu về. Con Lành đỡ anh nặng quá hả, tội nghiệp, nó say ngã đè cả lên cháu”. Lành len lén cài áo chạy ào vào nhà. Tôi ngượng nghịu đứng lên cố đi xèo nẹo. Cha vừa dìu tôi đi vừa rít vào tai: “Đồ phản phúc, đồ đực chóc, sức mày đổ đi không hết vậy mà còn nốc huyết nóng, nốc cả rượu huyết. Không nghe tao. Rồi đến tán gia bại sản vì mày thôi”. Trong cơn say, trong nỗi tẽn tò xấu hổ tôi vẫn không thể quên được con đực chóc mà cha vừa nhắc. Con đực mới lên nhung mùa đầu cha nhốt gần chuồng con hươu cái già, đến mùa tình nó thò của quý qua gióng chuồng đã bị con cái già cắn cụt. Mấy mùa sau nó cho nhung to bất ngờ nhưng trông nó vật vã trong mùa tình tôi không thể chịu được, bàn thiến nó đi, cha nói: “Con trâu sinh ra để cày, con ngựa để kéo còn con hươu nuôi để lấy nhung. Thiến đi nó không còn lên nhung thì nuôi cho đẹp à?”. Bàn thế nào cha cũng không thiến, càng trưởng thành đến mùa tình nó càng vật vã tợn. Đến khi không còn chịu được nữa, nó lao sầm sầm vào gióng chuồng, lao đến vỡ đầu mà chết. Cái chết của nó ám ảnh tôi mãi về sau.
***
Chiều đó mẹ bắt đầu chẻ than chim chim cho vào nồi đốt. Còn cha đem cái thùng phuy lớn đặt chận ngay cửa buồng tôi. Than đượm, mẹ bỏ vào gióng dòng xuống đáy thùng phuy, cha cẩn thận để nghiêng nghiêng hai nhánh nhung vào đó để sấy. Thùng phuy với người cha ngồi đã bít hết lối ra, mọi sinh hoạt tôi đều phải thực hiện trong buồng. Cứ như vậy ba ngày, ba đêm. Đến khi sự vật vã trong tôi giảm dần. Nhung cũng bắt đầu nhuôn nhuốt, lửa than gìm dần để nhung không bị nứt. Thấy tôi đã ổn, cha cho phép tôi ra khỏi buồng. Xổng chuồng tôi tìm đến mấy đứa bạn thân. Thị trấn nhỏ vẫn đèn màu với váy áo, những cặp chân trần thì dài mà váy lại ngắn lượn lờ mời chào. Những câu chuyện mà hình như ở tuổi tôi bất kể ai cũng muốn nghe và tưởng tượng, đồng sáng tác. Và cú kích cuối cùng là bộ phim ở quán cà phê Phố Núi. Ừ sao không thử một lần cho biết - tôi nghĩ - mấy đứa bạn, cả mấy đứa em đứa út ngồi nói chuyện đó cứ vanh vách mà mình thì ngu nga ngu ngơ như hươu gạc. Không thể để chúng nó khinh, với lại còn lâu mới phải vào đầu tiếp. Phải thử thôi, thử hẳn em Thy luôn cho chúng nó nể. Một lần nữa tôi lại lẻn cửa sau, nhưng lần này tôi tìm đến quán Lá Đa. Cố làm ra bộ mình đã đến đây nhiều lần, tôi hất hàm hỏi thằng bảo kê:
- Có em nào mới không?
Hắn nhìn tôi nhăn nhở cười, nói như hát:
- Mới trúng quả gì to í à? Sự đời ơ là cái lá đa, ở đây ơ là cái mới ơ là cứ ra ra a vào vào. Mới hay cũ cũng ơ là chỉ để ơ là ra ra vào vào... Xin đại ca ơ cho kiểm tra túi ơ cái nào.
Nói xong hắn thọc tay vào túi áo tôi, không thấy gì, nóc túi quần trái cũng chả có một xu, hắn chuyển tay vào túi quần phải, cũng trống không nốt. Một thoáng ngập ngừng, tay hắn chộp nhanh qua vải quần rồi bẻ nghéo một cái đánh rụp. Tôi đau nhói đến lộng óc. Chưa kịp hoàn hồn đã bị hắn vần ra cửa, giơ chân đạp vào mông. Pha tiếng Nam Bộ hắn nói: “Bộ muốn giỡn chơi với ông nội he con. Không có tiềng mà đòi làm phách”. Tôi vừa đau, vừa điên, vừa xấu hổ. Hình ảnh trên màn hình trong quán Phố Núi lại hiện về rõ nét. Tôi phải trở lại quán Lá Đa! Nói là làm. Tôi lẻn về nhà, nhẹ như mèo nhấc nắp thùng phuy, gỡ một chiếc nhung đang nhuôn nhuốt, âm ấm ra khỏi sào sấy, kẹp vào nách, trở lại quán Lá Đa. Vẫn thằng bảo kê đó nhưng hắn chưa kịp ngân nga ca bài ca chết tiệt kiểm tra túi, tôi đã thò tay vào bụng rút ra chiếc nhung hươu. Hắn há hốc mồm nhảy giật lùi đến sau cánh cửa vơ lấy cây kiếm rồi hét đồng bọn. Tôi bình tĩnh tiến lại gần nói trịch thượng: “Xem lại đi, không phải hàng nóng đâu mà sợ”. Nói xong tôi dúi vào mặt hắn chiếc nhung hươu. Hắn vội chộp lấy, mừng rú lên. Lại một cái hất hàm nữa tôi lệnh: “Em Thy!”. Hắn dạ như phường chèo rồi gọi với vào: “Con Thy, nhớ hết ga, phòng số ba! Là lá la cái lá đa…”. Tôi nghênh ngang, háo hức bước, nhưng khi đến trước cửa phòng số ba lại thấy chờn chờn, da mặt sần sần. Hay là quay lại. Nhung hươu chỉ làm chuyện thanh cao… chỉ làm thuốc cứu người… Ai phạm vào thần phạt… Một nhánh nhung mất… rồi ngày mai chuyện vỡ lỡ... Ông nội lại đang ốm… Tôi chả nghĩ được lâu. Cửa phòng ba đã mở. Thy đã bước ra cầm tay tôi kéo vào. Thy đẹp hơn những gì mấy thằng bạn đầu đất tôi tả. Đẹp thế này, nếu là người yêu tôi, nếu là vợ tôi… Tôi đang nghĩ vẩn vơ Thy đã cởi hết đồ.
***
Mùa tình là mùa của vạn vật giao phối, sinh sôi. Của cây lá đâm chồi nảy lộc, của hoa cà, hoa bí đơm nụ kết bông. Chẳng mấy ai chết trong mùa tình. Vì vậy khi thấy ông nội ốm không ai nghĩ là ông sẽ ra đi. Nhưng có lẽ trường hợp của ông là ngoại lệ. Và chính tôi là người khiến ông kết thúc cuộc hành trình khổ ải của kiếp người nhanh hơn. Sáng hôm đó tôi về. Không cần đoán, cha đã biết tôi lấy đi chiếc nhung và làm gì suốt đêm qua. Không một lời trách móc, không cả nhìn tôi, không trò chuyện. Cha coi tôi là đứa lạc loài. Chuyện chắc rồi cũng sẽ qua nếu mấy ngày sau tôi đi tiểu thấy buốt và nhiêu nhiểu ra một ít mủ. Người tôi hầm hập lên cơn sốt. Đến khi đó, buộc lòng cha phải đến bên giường ông nội quỳ xuống, vừa khóc vừa nói:
- Con có tội với cha, con không dạy được con con.
- Anh đứng lên đi. E cũng là ý trời. Trời đã cho nhà ta hưởng lộc mấy đời rồi nay trời lấy lại.
- Nhưng nếu con dạy cháu tốt hơn…
- Lần đầu tiên kể từ khi lập làng đến nay mới có đĩ. Cái mới thường lạ. Trai tham của lạ. Tuổi trẻ lại càng thích của lạ... Nhưng cái lạ nó đến nhanh quá, chầm vập quá, người làng chưa kịp phòng bị…
- Giờ cháu… cháu nó… bị…
- Hả? - Đang nằm dính giường nghe cha nói đến đó ông bỗng giật nẩy mình, nhưng sức đã cạn, cái giật nẩy thảng thốt cũng chỉ làm cho chiếc chăn lông hươu đắp trên bụng ông hơi động đậy mà thôi. Dìm cơn thở dốc, ông bảo cha lấy giấy, bút viết những thứ cây ông đọc. Đó là bài thuốc bí truyền của họ tôi. Hình như cứ truyền mãi, truyền mãi đến đời tôi mới phải dùng. Khi cha viết xong, ông nội nói tiếp trong khó nhọc - Thôi, năm nay nhà mình đang thiếu mấy cái móc áo…
Khi ấy mẹ tôi đang bưng bát cháo nhung đến bên giường nhìn ông. Đứng bên ông nội tôi nhưng chắc mẹ đang nhớ đến lần ông ngoại tôi cũng ốm nằm liệt giường như thế này. Sau trận ốm của ông ngoại cha mẹ đã thành đôi. Chuyện là: Mười tám tuổi, cha tôi đã là một thợ bắt đầu nổi tiếng khắp vùng. Cha là ước mơ của bao cô gái làng, nhưng với mẹ tôi thì không, mẹ cũng kiêu sa với cái tuổi mười sáu bao trai làng đã phải đi cho mòn đường chết cỏ. Cha tài cán còn mẹ kiêu sa nên hai người chưa khi nào chịu ngồi nói chuyện với nhau. Năm mẹ tôi mười tám, làng bị trận dịch kiết lỵ hoành hành. Ông ngoại bệnh nặng, phục thuốc cả tuần không giảm, người tong teo nằm như muốn dính chặt vào cái vạt tre. Nghe người chỉ bảo, mẹ đánh bạo đến gõ cửa ông nội tôi. Chỉ với nửa lạng nhung khô nấu cháo với mấy chén mật ong ngâm nhung đã cứu được mạng ông ngoại. Cảm kích trước tấm lòng của ông nội tôi, cha mẹ tôi đã về một nhà. Từ ngày tôi biết nghĩ đến giờ, chưa một lần thấy cha mẹ giận nhau. Thấy ông nội đã mở mắt, mẹ nói:
- Con đút cha ăn miếng cháo.
- Thôi - ông nội nói - Để dành nhung mà làm thuốc, đừng đem nấu cháo nữa, tới đây sẽ chả còn. Tôi không ăn nữa đâu. Hưởng lộc trời như thế này cũng là nhiều quá rồi.
Nghe ông nội nói thế, mẹ không dám nài. Cả nhà tôi đều hiểu, mùa tình này, mấy cặp nhung hươu còn lại trong chuồng nhà tôi sẽ không được cắt nữa, chúng sẽ già, rụng lông, tróc da, tròi xương, đợi mùa tình sau tự rụng xuống. Khi ấy công dụng duy nhất của nó là để đóng lên tường làm móc treo áo. Nghiệt ngã quá. Chỉ vì tôi mà nhung đang là vàng phải để quá lứa chuyển thành xương khô. Tôi, tự tôi đã đạp đổ tất cả. Chưa, chưa một ai dám dù trong ý nghĩ đưa nhung hươu đi để đổi lấy sự khoái lạc. Vậy mà tôi đã dám làm. Tôi đã lấy đi của gia đình từ miếng cơm manh áo, cho đến danh dự và những gì tốt đẹp đã truyền bao đời. Tôi hay con thú bản năng mạnh mẽ trong con người tôi đã kéo tôi đi lầm lối, kéo tôi đi chệch đường đi của tổ tiên tôi từng đi?! Bây giờ tôi không còn sức để bắt đầu. Cha đã cầm cưa, không thể quay lại làm người vào đầu. Còn ông nội đã bàn giao cưa cho cha không thể cầm lại. Sĩ diện của một gia tộc truyền đời ăn lộc trời, ăn tiên chỉ, không cho phép cha tôi nhờ người khác vào chuồng bắt hươu cho mình cưa nhung. Dù ông nội không dặn thì chắc kết cục cũng phải vậy. Phải để nhung già trên đầu hươu. Thôi thì đành, nín nhịn chờ mùa sau, mọi việc chắc tốt hơn. Hình như ông nội đã làm một cuộc bàn giao trọn vẹn. Kể từ đó ông không hề ăn uống gì nữa, ông cứ nằm vậy, mở mắt nhìn lên trần nhà, nơi đó cha tôi đang treo cái cưa cung sau khi cắt cặp nhung con đực cồ. Đến giữa mùa tình thì ông đi.
***
Cả nhà tôi ai cũng nghĩ: Thôi thì đành chờ mùa sau. Nhưng mãi mãi trong chuồng nhà tôi không còn có mùa tình nào nữa. Những tiếng tác của hươu đực chóc, những ức ọ của hươu đực cồ, những tiếng than vãn, e éo của hươu cái động tình chỉ còn lại trong quá khứ. Tôi đã lành bệnh nhưng không sao đến gần được chuồng hươu. Đàn hươu toác, nhảy cỡn, nhớn nhác như động rừng. Nhất là mỗi lần thấy tôi, ngửi thấy hơi tôi là đàn hươu trong chuồng lồng lên như thấy cọp. Những con hươu đực trên đầu đang mang những cặp nhung trắng hồng, mơn mởn. Vậy mà thấy tôi, chúng liền lao đầu sầm sập vào gióng chuồng mặc cho nhung gãy, vỡ choe choét máu. Còn hươu cái chửa thì lộng, vật nài cho đến truỵ thai. Chỉ có con hươu đực cồ là có biểu hiện khác bầy đàn. Thấy tôi đến gần, mắt nó vằn lên đỏ đòng đọc như hai cục máu, cả thân mình triển căng cơ, hai chân sau choãi ra thủ thế, nghênh cái cổ cao dựng ngược bờm cước rồi khi tôi không để ý, nó bất thình lình lao thẳng vào người tôi. May có những gióng chồng chắc chắn ngăn cách, nhưng những cú lao của nó cũng đủ làm cho cả dãy chồng hươu run lên bần bật.
Cả nhà tôi nhìn đàn hươu đang chết dần chết mòn mà không còn cách nào cứu chữa nổi. Sau cái tang ông nội, giờ đến đàn hươu và những đêm thức trắng. Tóc trên đầu cha tôi không còn một sợi đen. Mẹ nhìn cha xa xót. Trong nhà tôi nỗi buồn đám tang dài tưởng chừng như vô tận. Tôi cũng đã bao đêm không ngủ. Tất cả những dày vò, hối hận bây giờ đều đã muộn. Muộn quá rồi, một người nuôi hươu gia truyền như cha mà còn chịu bất lực, bó tay thì tôi hỏi còn nghĩ được cách gì? Tôi quyết định ra đi. Tôi sẽ đi mãi cho đàn hươu trong chuồng nhà tôi được sống và sinh sôi, để ông trời lại cho lộc. Nhưng khi biết ý định đó của tôi, cả cha và mẹ đều không đồng ý. Tôi là người duy nhất nối dõi, tôi ra đi hỏi có còn ai. Lộc trời để mà làm gì khi con người sống không còn ý nghĩa? Lộc là lộc để lại mai sau cho tôi, cho con cháu tôi, chứ còn ông bà tôi, cha mẹ tôi họ còn cần chi nữa. Họ chỉ mong để lại lộc cho con cháu. Vậy mà nay… Ôi cái giá phải trả sao mà nghiệt ngã quá.
***
Thêm những đêm thức trắng nữa của cha rồi đến một sớm mai, cha mặc quần áo chỉnh tề, kính cẩn dọn sạch bàn thờ gia tiên, bàn thờ Thần Lộc. Xong! Đốt hương lầm rầm khấn vái. Xong! Cha rút con dao quắm bên vách đưa ra tỉ mẩn ngồi mài, mài đến khi thổi đứt sợi tóc cha mới đứng dậy đi vào rừng. Mẹ hốt hoảng chạy theo. Cha cười héo úa nói: “Không sao đâu, chiều tôi về mà”. Đúng, xẩm tối cha về vác trên vai một vác nứa tươi, ống nào ống nấy to bằng cổ chân. Tối, cha nhóm bếp lửa to phía sau chuồng hươu. Lửa bén, cha bắc những ống nứa ngang ngọn lửa. Chừng như đã đến độ, cha vào kính cẩn rút từng then cửa chuồng hươu. Đồng loạt gióng nứa nổ giòn. Giật mình, hoảng hốt, đàn hươu tông cửa chuồng nhộn nhạo chạy ra đường cái. Cha cầm một bó đuốc hú hét chạy theo. Con đực cồ gồng cổ đứng lại chặn đường cho cả đàn chạy. Mắt nó long lên sòng sọc bắt ánh lửa đỏ đọc, bờm cứng như cước dựng cả lên. Chó sủa inh ỏi. Cha cầm đuốc tiến lên, nó lùi dần, lùi dần, khi thấy đàn đã chạy xa, nó ngoắt người phóng đi. Sau một lúc loạng choạng, hươu đã quen với bóng tối, quen chân chúng đua nhau chạy như tế cờ. Chạy mãi, chạy mãi, mất hút vào bóng đêm. Cha cầm đuốc chạy theo đến bìa rừng mới quay lại. Thế là đàn hươu đã trở lại nơi mà tổ tiên chúng từng sống. Chúng sẽ ra đi mãi, đi mãi không bao giờ trở về với con người. Đúng vậy. Hình như hươu sao là loài duy nhất không bao giờ quen với người dù nó, cha mẹ nó, ông bà nó đã mấy mươi đời ở với con người. Chúng không chịu thoả hiệp với cuộc sống mà con người áp buộc với nó. Nó ăn uống ngảnh ngót và bắt con người phải phục vụ nó như ông hoàng, bà hoàng chúng mới cho lộc. Trái ý chúng, chúng sẽ lồng lộn, bỏ ăn, uống cho đến chết. Chúng luôn khát cuộc sống tự do, khát sự khoáng đạt của thiên nhiên, đại ngàn. Vì vậy chỉ cần xổng chuồng là hươu tìm về với rừng xanh, với đại ngàn muôn thuở bao dung với chúng.
Trở về nhà trong ánh đuốc tàn trông cha chẳng còn gì dáng dấp của thợ bắt đầu lừng lẫy một thuở. Buông đuốc xuống góc sân, còng lưng xuôi tay, xoà mái tóc bạc cước cha đi vào nhà. Mẹ con tôi len lén đứng nhìn theo. Mãi một lúc lâu, cha mới gọi tôi lại và nói: “Anh đã lớn và đã thấy mọi việc. Xưa nay người làng ta ăn lộc của trời. Lộc trời có hạn, ăn lâu cũng cạn, đến nay đã cạn thật rồi. Anh đang trẻ, nên tìm đường mà đi. Đi đâu cũng được nhưng tôi khuyên anh không nên đi về hướng Tây - hướng cửa khẩu…”. Cha chỉ nói vậy thôi, người miền núi chúng tôi vốn nói ít. Và không phải đợi đến khi cha nói tôi mới nghĩ đến chuyện ra đi. Vâng ngày mai tôi sẽ ra đi, tôi sẽ tìm, sẽ làm một việc gì đó từ khả năng mình chứ không thể trông mãi vào lộc trời. Tôi sẽ đi, ra đi là để tìm một con đường về!