Tạp chí Văn nghệ Hải Dương
Sân khấu: Kịch ngắn "Đêm văn nghệ mừng công" của tác giả Trần Phương Hạnh
10/07/2024 04:08:43

 

NHÂN VẬT

1. Nguyễn Chí Thanh: Chủ nhiệm Tổng cục chính trị.

2. Nhà thơ Hoàng Cầm: Trưởng Đoàn văn công Tổng cục Chính trị.

3. Toàn: Phó Trưởng Đoàn văn công Tổng cục Chính trị.

4. Thảo: Cô gái Kinh Bắc, diễn viên Đoàn văn công.

5. Thái Dũng: Anh hùng giải phóng Điện Biên...

Và các nhân vật quần chúng khác.

Mở màn: Chuyện kịch xảy ra vào cuối tháng 5 năm 1954, tại phòng làm việc của nhà thơ Hoàng Cầm - khi đó là Trưởng Đoàn văn công Tổng cục Chính trị.

Hoàng Cầm: (Đọc) "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên

Chiến sĩ anh hùng, đầu nung lửa sắt

56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt

Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn!".

(Một mình) Hay thật! Thơ Tố Hữu ra đời rất đúng lúc, kịp thời và nóng hổi. Bật cái đài, nghe tin tức tí nào…

(Bài hát "Giải phóng Điện Biên" của nhạc sỹ Đỗ Nhuận được vang lên từ chiếc đài cát sét)"

Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về

Giữa mùa hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui...".

Toàn: (Hớt hải, gọi to) Anh Hoàng Cầm! Anh Hoàng Cầm ơi…

Hoàng Cầm: Tôi đây. Có chuyện gì mà đồng chí Toàn gọi ầm lên thế?

Toàn: Anh vặn bé cái đài có được không? Hoặc tắt hẳn đi thì càng tốt.

Hoàng Cầm: Được. (Tắt đài) Sao! Có việc gì? Cậu nói đi!

Toàn: Việc này rất hệ trọng mà còn gấp gáp nữa. (Rút tờ giấy ra) Đây, em vừa nhận được cái này. Chỉ thị của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh đấy. Anh xem đi.

Hoàng Cầm: Chỉ thị của anh Thanh sao? Xem nào (Đọc): "Chuẩn bị một chương trình biểu diễn đặc sắc nhất để mừng công. Đối tượng của đêm diễn là toàn thể cán bộ từ tiểu đoàn trưởng trở lên, ước chừng một nghìn người".

Toàn: Chúng ta sẽ phải tổ chức đêm văn nghệ mừng công dành cho các chiến sĩ vừa giành chiến thắng tại Điện Biên Phủ hả anh?

Hoàng Cầm: Đúng thế. Để đọc tiếp! (Đọc) Lễ khao quân dự kiến diễn ra vào hạ tuần tháng 5. Hạ tuần tháng 5 à? Nghĩa là vào cuối tháng này, mà hôm nay đã là ngày 21 tháng 5. Gấp gáp quá!

Toàn: Gấp gáp vậy, phải làm sao để chuẩn bị kịp mọi việc đây?

Hoàng Cầm: Toàn này! Đọc xong chỉ thị của anh Thanh, anh cứ thấy trong người lâng lâng khó tả. Vừa mừng, vừa lo. Nói thật, từ thủa cha sinh mẹ đẻ đến giờ, hình như anh chưa từng đọc ở đâu cảnh tượng mừng công của các vị tướng soái và binh sĩ ngày xưa, khi đại thắng quân xâm lược trở về.

Toàn: Thì … thế mới khó! Hoàng Cầm: Không ngờ, đến chiến thắng Điện Biên Phủ này, dưới thời Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh, anh em nghệ sỹ Đoàn văn công Quân đội lại may mắn được làm chứng nhân lịch sử. Đặc biệt là được chứng kiến lễ mừng công, khao quân bằng văn nghệ. Thật tuyệt vời!

Toàn: Tuyệt vời gì chứ? Đang nghỉ ngơi, ngồi chơi xơi nước, tự dưng lại có cái chương trình từ "trên giời rơi xuống", lại phải cong đuôi chạy đôn, chạy đáo lo toan mọi bề... Thật chán chết đi được.

Hoàng Cầm: (Nghiêm giọng) Đồng chí Toàn! Tôi cảnh báo đồng chí không được nói năng như thế, rõ chưa? Tư duy như vậy là lười biếng, ngại việc, ỷ lại.

Toàn: Em chỉ nói sự thật thôi. Gấp gáp thế đấy! Nhưng nếu không làm tốt là rách việc đấy anh ạ. Còn em, em chỉ làm về công tác hành chính văn phòng, chất lượng chuyên môn nghệ thuật đều do anh cả đấy chứ.

Hoàng Cầm: Đương nhiên, tôi sẽ đảm nhiệm chất lượng nghệ thuật. Còn cậu, cậu lập tức triển khai công tác nhân sự, hậu cần… rồi đi thông báo tới toàn thể anh em của Đoàn về chỉ thị của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Thông báo cho anh em, đúng 16h30 chiều nay sang phòng tôi họp để triển khai công việc.

Toàn: Rõ.

(Âm nhạc).

(Toàn đi khuất, còn lại nhà thơ Hoàng Cầm. Ông bắt tay vào viết kịch bản chương trình văn nghệ, lên danh sách các tiết mục… Ông cố gắng sắp xếp cho đủ mười tiết mục. Thế nhưng, lựa chọn mãi vẫn chỉ có chín tiết mục có giá trị. Đang ngồi thừ người ra vì bí ý tưởng thì một giọng hát từ đâu đó lọt vào tai ông).

Tiếng hát của Thảo: "Gió rằng gió lạnh cái đêm đông trường

Nửa chăn, nửa chiếu, nửa giường... đợi ai..."

Hoàng Cầm: Quan họ! Đúng rồi! Tiếng hát làm mình nhớ mẹ, nhớ quê, nhớ những làn điệu dân ca quan họ ngọt ngào, đằm thắm quê mình… tuổi thơ mẹ vẫn hát cho nghe. Phải rồi. Ai hát? Có phải con cái Thảo vừa hát không? (Gọi) Thảo ơi! Thảo!

Thảo: Dạ, chú Cầm, chú gọi cháu ạ?

Hoàng Cầm: Thảo, vào đây chú bảo!

Thảo: Dạ… Cháu chào chú ạ!

Hoàng Cầm: Có phải cháu vừa hát quan họ không?

Thảo: Dạ… vâng ạ!

Hoàng Cầm: Cái bài cháu vừa hát ý, nó tên là gì?

Thảo: Dạ, thưa chú! Đó là bài "Ngồi tựa song đào" ạ.

Hoàng Cầm: Cháu hát quan họ hay lắm! Thế mà hôm nay chú mới có dịp được nghe. Thật sơ suất quá!

Thảo: Dạ thưa chú, một phần vì cháu mới được tuyển vào đoàn mình, phần nữa, từ trước tới giờ, đoàn mình thường biểu diễn những tiết mục ca múa nhạc hoặc các bài hát chèo nên cháu chưa có dịp được diễn các tiết mục dân ca quan họ.

Hoàng Cầm: Chú hiểu rồi. Bây giờ cháu về tập kỹ bài này, hôm tới hát tại lễ mừng công chiến thắng Điện Biên nhé.Thảo: Ôi! Cháu được hát trong lễ mừng công sắp tới ạ?

Hoàng Cầm: Tiết mục quan họ sẽ là tiết mục thứ 10.

Thảo: Ôi! Cháu cám ơn chú! Cháu cám ơn chú nhiều lắm! Cháu sẽ về tập luyện ngay ạ! (Thảo đi).

(Âm nhạc. Vừa lúc đó có tiếng mọi người lao xao nói chuyện bên ngoài).

Tiếng Toàn: Nhanh nhanh… vào họp đi. Anh Cầm triệu tập họp gấp. (Toàn gõ cửa).

Hoàng Cầm: Mời vào!

(Toàn, Mạnh Thắng, Doãn Nho, Lê Đóa và Kim Ngọc vào).

Mọi người: Chào thủ trưởng Cầm.

Hoàng Cầm: Mọi người vào đi. Đồng chí Toàn, đồng chí Mạnh Thắng, Doãn Nho, Lê Đóa và cô Kim Ngọc. Đủ cả rồi. Các đồng chí ngồi xuống cả đi. Ta họp nhanh thôi.

Toàn: Báo cáo anh! Em đã thông báo cho toàn thể anh em nghệ sỹ và các bộ phận chuyên môn kế hoạch tập luyện chương trình lễ mừng công của đoàn ta, sẽ tập trung cao độ trong tuần tới. Có những buổi sẽ phải tập ngày 3 ca: sáng, chiều, tối. Anh chị em đều vui mừng, phấn khởi và sẵn sàng nhận nhiệm vụ anh ạ.

Hoàng Cầm: Tốt rồi.

Mạnh Thắng: Anh Cầm! Nội dung chương trình văn nghệ tại lễ mừng công là quan trọng nhất. Anh có tính toán gì chưa ạ?

Hoàng Cầm: Tôi viết kịch bản, lên nội dung chương trình xong cả rồi. Các đồng chí xem đi. (Đưa kịch bản cho mọi người).

Mạnh Thắng: Các tiết mục khác thì em nhất trí. Riêng màn quan họ gồm mười bài: Lý cây đa, Lý trúc xinh, Chàng buông vạt áo, Hoa thơm bướm lượn, Trống cơm, Chanh chua, Ngồi tựa song đào, Giã bạn, Người ở đừng về… Em hơi lăn tăn, có nên không anh Cầm? Em sợ… đưa vào… sẽ bị lẻ loi. Đang không khí chiến thắng hào hùng, sôi nổi… tiết mục này có thể bị chệch anh ạ.

Hoàng Cầm: Cứ làm. Tôi đoàn trưởng, tôi chịu trách nhiệm. Phải làm thật hay! Tôi giao cho đồng chí Mạnh Thắng việc tập luyện phần hát cho diễn viên trong bốn ngày. Đồng chí Doãn Nho và Lê Đóa hướng dẫn anh em nhạc công tập luyện nhạc cụ dân tộc. Cô Kim Ngọc lo công tác hóa trang, phục trang; cố gắng hết mức cho gần với trang phục của các "liền anh, liền chị" ở Hội Lim ngày xưa. Đồng chí Toàn lo công tác hậu cần, đạo cụ sân khấu và các điều kiện cần thiết khác. Các đồng chí lập danh sách nội dung công việc, cả chuyên môn nghệ thuật, chương trình cụ thể chi tiết, liệt kê tất cả những khoản cần mua sắm, sáng mai đưa lên tôi xem, tôi ký. Cứ thế tiến hành ngay.

Tất cả: Báo cáo Đoàn trưởng! Rõ.

Hoàng Cầm: Chúng ta chỉ có vừa đúng 7 ngày. Chiến thắng Điện Biên đã là lịch sử đất nước, của dân tộc, thì đêm diễn mừng chiến thắng cũng phải là lịch sử của đoàn, của quân đội, của văn nghệ kháng chiến.

Tất cả: Đúng vậy. Anh Hoàng Cầm nói rất hay, rất chí lý.

Hoàng Cầm: Trong 7 ngày này, tôi sẽ trực tiếp lên sàn để chỉ huy việc luyện tập, sẽ chia bên "liền anh" bên "liền chị" đều nhau và có đến năm điệu đồng ca nam nữ, bè trầm nam đi với bè nữ trung, nghe cũng có vẻ đích thực quan họ và còn "hiện đại" nữa. (Ngừng ngắn) Tôi tin chắc, những hội mừng chiến thắng của tổ tiên chúng ta, ngoài những yến tiệc thịnh soạn, rượu nồng, dê béo, điều tất yếu và linh hồn của đại lễ mừng công tất thảy đều phải là "tiếng hát". Từ vô thức cả hai Đại tướng thắng trận Điện Biên đã đề xướng ra "Tiếng hát". Do vậy, chúng ta không thể làm hai vị Đại tướng và anh em chiến sỹ thất vọng.

Tất cả: Nhất trí, Đoàn trưởng.

Hoàng Cầm: Nếu không còn ý kiến gì nữa, tôi tuyên bố cuộc họp kết thúc tại đây. Các đồng chí về làm nhiệm vụ.

Tất cả: Rõ, Đoàn trưởng.

(Âm nhạc).

2. (Dẫn: Đêm diễn mừng công được mở màn đúng tác phong quân sự: 19 giờ 30 phút. Đèn sáng choang, hội trường bát ngát mái lá, cột vầu, bốn bề liếp nứa đan. Màn nhung màu xanh rêu dịu nhẹ...

Phía khán giả, hàng ghế đầu dành riêng cho các tướng lĩnh. Bài hát "Chiến thắng Điện Biên" mở đầu, tiếp đến là các điệu múa xòe, múa lượn, múa sạp Lai Châu, không khí buổi biểu diễn càng lúc càng sôi động. Đến tiết mục thứ 10, Thảo bước ra sân khấu với chiếc nón quai thao e ấp, nửa thẹn thùng bỡ ngỡ che đi nửa mặt, nửa lại mở ra tròn trịa tình tứ).

Thảo: (Hát) "Gió giục đêm đông trườngNửa chăn nửa chiếu nửa giường để đón chờ ai".

Nhóm khán giả: Hạ màn xuống! Đả đảo!

Mọi người: Đả đảo văn công! Hạ màn xuống! Vứt hết đi! Lãng mạn! Suy đồi!

Mèo mả, gà đồng! Hạ màn xuống…

Nhóm khán giả: Đúng, đúng, ủy mị, suy đồi, lãng mạn rởm! Đả đảo văn công! Hạ màn, hạ màn… Đả đảo văn công! Đả đảo!

Hoàng Cầm: (Vội quay sang Toàn) Đồng chí Toàn! Đồng chí Toàn đâu?

Toàn: Em đây! Anh Cầm. Khán giả hỗn loạn như vậy, phải làm thế nào bây giờ hả anh?

Hoàng Cầm: Mau báo đồng chí Lê Khang chỉ đạo hậu đài lập tức hạ màn.

Toàn: Rõ.

Hoàng Cầm: (Với Nguyễn Chí Thanh) Anh Thanh! Không hiểu sao, khán giả làm loạn như thế…

Nguyễn Chí Thanh: Để tôi, tôi lên sân khấu. Dừng lại! Các ông làm loạn đấy à? Kia, có phải ông Thái không? Các ông toàn là sĩ quan quân đội lâu năm, sao lại vô kỷ luật như thế? Các ông vừa chiến thắng xong một trận lớn thật đấy, nhưng vẫn là nhỏ so với công lao xây dựng quân đội nhân dân. Sao lại đả đảo văn công đã diễn để chào mừng mình? Đáng lẽ tôi thi hành kỷ luật ngay lập tức, nhưng thôi, đây là tiệc ăn mừng. Tôi tạm tha. Vậy, bây giờ ông nào không ưa văn công nữa, xin mời về mà ngủ, ai muốn xem thì ở lại, nhưng phải có trật tự, có kỷ luật. Nào, ai về thì về đi!

Thái Dũng: Được. Tôi về. Tôi không thích xem cái thứ văn nghệ lãng mạn, suy đồi, mèo mả, gà đồng…

Nguyễn Chí Thanh: Anh Thái! Tôi biết anh có nhiều chiến công cho chiến dịch Điện Biên; thậm chí còn để lại một bàn tay trong trận chiến đấu với địch hồi đầu kháng chiến. Báo chí Pháp ở Paris và Hà Nội, Sài Gòn đã có nhiều bài viết tỏ vẻ kính phục anh. Tên tuổi anh đang rất lẫy lừng. Tiểu sử và những chiến tích của anh tôi đều biết cả… Nhưng chuyện gì ra chuyện đó, thái độ của anh hôm nay đối với anh em nghệ sỹ Đoàn văn công quân đội là thiếu ý thức, vô cảm. Họ cũng là người lính như anh, những người lính trên trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Sao anh nỡ đả đảo rồi quay lưng lại với họ?

Thái Dũng: Tôi… tôi xin lỗi đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Nhưng tôi khẳng định lại là tôi không làm gì để gọi là thiếu ý thức, vô cảm. Tôi chỉ không thích xem tiết mục văn nghệ này. Vậy thôi. (Quay sang mấy cậu lính) Mấy cậu kia, có về cùng tôi không? Vừa nãy tôi nghe rõ các cậu đả đảo văn công to lắm cơ mà.

Tốp 5,6 lính: (Ngập ngừng) Dạ… Có ạ. Trung đoàn trưởng cho chúng em theo về cùng với!

Nguyễn Chí Thanh: Này, các ông bỏ về hả? Được! Nhưng nhớ chiều mai, đúng 2 giờ, tôi mời văn công đến nhà riêng của tôi, đoàn của anh Hoàng Cầm phải diễn lại màn quan họ này, cái tiết mục mà ông đả đảo ấy, diễn tại sân nhà tôi. Mai, các ông nhớ phải đến để tranh luận, tha hồ ý kiến! Thế nhé, ngày mai, tôi nhắc lại, đúng 2 giờ chiều, mời ông và các đồng chí đến xem lại, rồi thảo luận dân chủ! Còn bây giờ, anh Hoàng Cầm! Cho mở màn, diễn tiếp!

Hoàng Cầm: Rõ…

(Âm nhạc).

3. (Dẫn: Chiều hôm sau, nhà thơ Hoàng Cầm và anh em đoàn văn công đến nhà tướng Nguyễn Chí Thanh đã thấy trong cái sân rộng có ba bốn dãy bàn chạy dài, phủ vải trắng, lại có cả lọ hoa rừng đỏ chói. Trên bàn có những đĩa bánh kẹo, thuốc lá, lạc rang. Nhiều người đã có mặt… Hàng ghế đầu đã thấy ông Thái ngồi đó. Tướng Nguyễn Chí Thanh ra đón đoàn văn công, vẻ mặt rạng rỡ).

Nguyễn Chí Thanh: Anh em nghệ sỹ đoàn văn công đừng ngại gì nhá! Cứ bình tĩnh hát, hát thật hay vào! (Rồi anh đi ra ngồi bên cạnh ông Lê Quang Đạo, ông Võ Hồng Cương) Các đồng chí ạ! Tôi đã cho người treo một lá cờ hội đình ngày xưa vào một cành sồi cao ở đầu sân, các đồng chí thấy có đẹp không? Khí thế vui tươi như đi hội. Văn nghệ là phải vui; cảm xúc phải thoải mái và hạnh phúc. Bây giờ, mời các đồng chí xem lại cho thật kỹ cái mà hôm qua, khá đông các đồng chí đả đảo. Xong thì chúng ta góp ý, tranh luận, phê bình hoàn toàn tự do dân chủ. Rồi đoàn văn công được phép biểu diễn hay không, sẽ tùy kết quả của cuộc tranh luận này.

(Âm nhạc).

(Dẫn: Màn hát quan họ lại được diễn lại, kết thúc, nhiều người đứng dậy vỗ tay lâu đến vài ba phút, pha với những tiếng "hoan hô!", "tuyệt vời!". Đứng bên cạnh các diễn viên trong tiếng vỗ tay như sấm ấy, nhà thơ Hoàng Cầm chăm chú vào vẻ mặt, cử chỉ, thái độ ông Thái. Ông ấy cũng vỗ tay nhưng không mặn mà, có vẻ "bất đắc dĩ").

Nguyễn Chí Thanh: Bây giờ tôi yêu cầu tất cả các đồng chí hãy thẳng thắn phê bình và tranh luận. Đề nghị anh Hoàng Cầm, người triển khai tiết mục hát quan họ này, người chịu trách nhiệm về nó, phát biểu trước.

Hoàng Cầm: Thưa các đồng chí, sở dĩ tôi đưa quan họ vào chương trình vì theo tôi, đây là làn điệu đã gắn liền không chỉ với tôi mà với rất nhiều người từ khi còn thơ ấu đến khi trưởng thành. Đó là hồn cốt quê hương. Trong đêm văn nghệ hôm qua, chúng ta đã được thưởng thức những cái hay cái đẹp của điệu múa xòe của các vùng miền, thêm một làn điệu quan họ vùng Kinh Bắc, tôi nghĩ là sẽ trọn vẹn hơn.

Thái Dũng: Tôi có ý kiến!

Nguyễn Chí Thanh: Mời đồng chí Thái!

Thái Dũng: Trước hết, tôi thành thực xin lỗi các đồng chí cấp trên ở Tổng cục, xin lỗi đồng chí Nguyễn Chí Thanh, nhất là xin lỗi anh Hoàng Cầm và đoàn văn công Tổng cục vì thái độ của một số anh em chúng tôi tối qua. Đó là vì chúng tôi quá nóng nảy và hấp tấp. Nhất là tôi từ mười lăm tuổi đã theo cách mạng, mười bảy tuổi đi đánh trận, cứ liên miên trận mạc, rồi kiểm điểm, rồi luyện tập, rồi chỉnh huấn, chỉnh quân, tôi chưa hề thấy một đoàn văn công to nhỏ nào hát những lời như thế bao giờ. Quanh năm, tôi chỉ lo sao cho trận nào mình chỉ huy cũng phải thắng. Cấp dưới mà có anh nào lơ là, nhớ nhà, nhớ vợ con, là tôi "chỉnh" ngay, có khi tôi đuổi ra khỏi đơn vị, vì thế cái tính thẳng thắn, cứng nhắc ấy nó quen đi nên mới quát to lên lúc tối qua, thành ra có lỗi với cấp trên và đồng chí Hoàng Cầm.

(Thái Dũng trở lại với cách phát ngôn cao giọng, lấn át).

Nhưng, còn về tư tưởng, tôi vẫn giữ nguyên những ý nghĩ của mình. Dẫu màn quan họ này không phải do anh Hoàng Cầm soạn ra cả nhạc điệu và lời hát, đúng nó là từ dân ca xưa, nhưng anh Hoàng Cầm cố tình đưa ra lúc này, khi mà Bác Hồ vừa nhắc nhở toàn quân, toàn dân rằng chiến thắng Điện Biên mới chỉ là bước đầu, chúng ta còn phải gian khổ chiến đấu cho đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng toàn quốc, thống nhất đất nước, thì cái màn hát đó chỉ có một tác dụng duy nhất là làm giảm ý chí chiến đấu của quân đội. Rõ ràng là những sự tỏ tình quá thô lỗ: "Yêu nhau cởi áo cho nhau!", rồi con gái chờ con giai về đêm, nửa chăn nửa chiếu nửa giường để đó chờ ai, như xúi giục chuyện trai gái nhảm nhí. Tôi không dám quy lỗi cho anh Hoàng Cầm, vì người đã viết bài thơ "Đêm liên hoan" cổ vũ chiến đấu hay như thế, không thể nào lại muốn cho bộ đội ta sa sút tinh thần. Nhưng màn hát này hiện nay không thể dùng được. Báo cáo, hết ý kiến!

Nguyễn Chí Thanh: Có ai có ý kiến gì khác nữa không? (Một lát im lặng) Mời anh Lê Quang Đạo, Cục Tuyên huấn.

Anh Đạo: (Từ tốn) Theo tôi, bộ đội ta không dễ sa sút tinh thần ngay sau một màn dân ca, tình ca này đâu. Nhưng, anh Hoàng Cầm chưa thông qua tôi, đã cho đem diễn. Kể ra cũng sai nguyên tắc đấy anh Hoàng Cầm ạ, nhưng tôi nghĩ trong ngày vui hể hả mà Đại tướng cho phép thì cũng coi tối diễn hôm qua như một buổi ra mắt nội bộ, vừa để ôn tập, vừa để duyệt, nên tôi không trách cứ gì anh Hoàng Cầm. Dẫu sao ý kiến của các đồng chí vừa phê bình, tôi cho là đúng về căn bản. Mới chiến thắng bước đầu, từ nay đến hòa bình thực sự cho cả nước, thời gian hẳn không ngắn. Biết đâu còn phải vài ba cái Điện Biên nữa, ta mới hoàn toàn thắng lợi. Bộ đội vẫn phải cầm chắc tay súng, không nên để những tình cảm lãng mạn làm lơi lỏng ý chí và tinh thần đánh giặc của cả quân và dân. Nên vui với cái vốn cũ của dân tộc một chút thế thôi, còn diễn đại trà thì không nên.

Nguyễn Chí Thanh: Đây là ý kiến cá nhân của anh Đạo hay là ý kiến của Tuyên huấn đấy?

Lê Đạo: (Dè dặt đáp) Là ý kiến cá nhân tôi thôi ạ.

Nguyễn Chí Thanh: Nào, thế có ai ủng hộ màn hát này không? Cứ nói thoải mái, không sợ ai kiểm điểm lập trường lập chiếc gì đâu. Cả tôi đây, tí nữa, nếu có nói gì, cũng chỉ là nhân danh cá nhân thôi, đừng ai nghĩ là ý kiến của Chủ nhiệm Tổng cục vội. Cá nhân với cá nhân, bình đẳng bình quyền. Kìa, vừa ăn bánh kẹo vừa nói. Mới có 3 rưỡi, sớm chán. Ta có thể nói chuyện với nhau đến 5 giờ, 5 rưỡi. (Sau một lát im lặng) Này, tôi hỏi mấy ông chính ủy và chính trị viên nhé. Trước mỗi chiến dịch, mỗi trận đánh lớn nhỏ, các ông thường động viên các anh binh nhì ấy thế nào nhỉ?

Đồng chí 1: Báo cáo anh, cứ tuân theo tất cả các chỉ thị của Tổng cục và các cục trực thuộc mà động viên.

Nguyễn Chí Thanh: Các ông không có sáng kiến riêng gì à?

Đồng chí 2: Chả cần, vì các tài liệu Tổng cục gửi xuống đều rất tỉ mỉ và đầy đủ rồi.

Nguyễn Chí Thanh: Này các ông, tôi có thể nói ngay rằng, Đảng cần những đảng viên có nhiều sáng kiến, nhiều cách thức riêng để động viên chính trị ở các đơn vị khác nhau, chứ Đảng không cần đến những con người máy, bảo sao làm vậy đâu nhé! (Bị bất ngờ đánh một đòn khá nặng, mấy anh hùng ngồi im re. Anh Thanh bỗng cười vui) Các ông ơi! Cứ giả dụ như tôi đây đang là học trò cấp 1 phổ thông, tôi xin các thầy chính ủy giảng cho "em" Tổ quốc là gì ạ?

Đồng chí 1: (Hơi đùa) Thế thì khác gì học trò đòi thầy giáo giảng tại sao một cộng với một lại thành hai.

Nguyễn Chí Thanh: (Cười lớn) Ấy thế mà giảng được cũng không dễ đâu nhé! Nào, ông nào nói trước đi. Em sẵn sàng nghe các thầy đây.

Đồng chí 2: Màn quan họ vừa rồi bắt nguồn từ nông dân miền trung du, tỉnh Bắc Ninh. Chỉ có hơn 20 phút cái màn này mà tôi thấy cả một vùng quê cổ kính, có văn hóa bậc nhất, văn hóa lâu đời, hiện lên qua tất cả những diễn viên có mặt ở đây. Thì tôi phải nói ngay: màn quan họ vừa rồi là Tổ quốc đấy! Mà dân tộc cũng ở trong bài hát ấy… Cả hạnh phúc cũng ở đấy. Yêu nhau mà được cởi áo cho nhau thì còn gì hạnh phúc bằng…

Đồng chí 3: Đúng thế. Tổ quốc ta có quan họ, đẹp biết chừng nào, đáng yêu biết chừng nào. Thế thì hát lên có 20 phút lọt vào giữa những sùng sục chiến đấu, những tươi đẹp rộn rã của lượn, của xòe, của sạp, rồi tưng bừng chiến thắng thì tôi thấy nó rất hay. Chả hiểu các đồng chí nghĩ sao mà lại cho rằng nó có thể làm nhụt ý chí chiến đấu?

Đồng chí 4: Tôi nghĩ ngược lại đấy anh Thái ạ. Quan họ dĩ nhiên làm chiến sĩ nhớ nhà, bố mẹ, vợ con hoặc người yêu vụng thầm còn gửi lại làng quê. Càng nhớ họ càng căm thù giặc chỉ lăm le cướp phá, giết những gì thân yêu của họ. Căm thù càng sâu, tinh thần chiến đấu càng cao, nếu chỉ mới thế này mà họ đã mất tinh thần thì… Xin lỗi anh, anh khinh quần chúng quá đấy.

Đồng chí 5: Nói anh Hoàng Cầm bỏ quá cho, chứ những bộ đội đã thừa khói lửa, thừa nghe ùng oàng, đùng đùng, tạch tạch rồi, được lúc xem văn công lại thấy toàn cảnh bắn nhau, nghe toàn tiếng hô tiến lên, xung phong thì đến cả anh có thấy phát ngấy lên không? Vậy thì đêm qua, chúng tôi cảm ơn anh Hoàng Cầm và cả đoàn văn công đã cho chúng tôi vài chục phút say sưa. Thanh cao đấy, làm gì có chuyện nhảm nhí mà anh Thái cứ át giọng người ta?

(Lúc này những tiếng vỗ tay nổi lên mạnh mẽ. Bỗng nhiên có một giọng nữ lanh lảnh cất lên, đó là chị Tý).

Chị Tý: Em đề nghị anh Thanh cho văn công vào trại tù binh diễn cả cho thằng Đờ-cát-tờ-ri xem, để nó biết người của đất nước ta xinh đẹp duyên dáng thế nào, liệu mà bảo nhau cút ngay đi!

Nguyễn Chí Thanh: Tôi nghĩ các ông tranh luận thế này là rất thẳng thắn mà vẫn đầy tình đoàn kết với nhau, phải không ông Thái Dũng? Tối qua, một số năm bảy ông hô đả đảo cái quan họ này chắc chưa thể nghĩ rằng mình đã giơ quả đấm của cánh tay phải thụi ngay vào giữa ngực mình. Các ông nhiều gân cốt quá hay là mấy ông cố làm ra thế cho oai, để ra cái điều ta là anh hùng, khí phách? Có cô gái đẹp dịu hiền, lướt qua trước mắt, lại quay ngoắt đi không thèm nhìn. Đã không nhìn, chưa biết cô gái đẹp là ai, có xấu tính xấu nết hay không, chưa chi gọi người ta là con đĩ ư? Ừ thì không mê mẩn cô ta, nhưng tại sao lại không nhìn, không thưởng thức cái nhan sắc mà trời phú cho cô ấy? Các ông sợ cái đẹp nó quyến rũ mình à? Ồ, nếu thế thì đâu phải là khí phách? Người có gan, vẫn có thể kết bạn với một cô gái đẹp, miễn là giữ lòng mình không sa ngã thì mới hay chứ! Sao lại xua đuổi cái đẹp? Cá nhân Nguyễn Chí Thanh nghĩ: màn quan họ này có đủ ba phẩm chất cơ bản của văn nghệ là chân - thiện - mỹ. Mà lại là cái vốn lâu năm của dân tộc, cụ thể là tỉnh Bắc Ninh, chứ đoàn văn công cũng chưa đủ tài năng mà sáng tác được vậy đâu. Như tranh dân gian của làng Hồ, quê anh Hoàng Cầm, cái "Đánh ghen" mà tôi đã được xem, tôi rất thích. Cái anh đàn ông ôm giữ khư khư hai quả dừa của cô vợ bé (có tiếng cười ran ran) bảo vệ không cho bà vợ cả xâm phạm vào, thật là hay! Ai bảo là thô tục nào? Vậy nên cái vốn văn hóa của dân tộc, chỗ nào là thô kệch, là nhố nhăng, tôi chắc các cụ hàng trăm năm nay đã lọc, đã gạn đi hết rồi. Còn lại là trong sáng, là cao quý, tồn kho được càng lâu, không bị chuột gặm, mối xông, lại càng có giá trị. Uống nước nhớ nguồn, phải biết ơn Nguyễn Du tả nàng Kiều tắm, mà hẳn là tắm trong trướng rủ màn che thì khỏa thân gì chứ? (Cười). Mà có thô tục đâu? Cô Kiều tắm trần, mà nhà thơ vẽ ra thành một bức tranh thanh tao, đẹp lồng lộng, ta được thưởng thức, vậy chắc chắn ông Thái Dũng cũng không nỡ mắng Nguyễn Du (Cười to), ông cũng không nỡ giằng lấy Kiều trong tay con giai ông lúc nó đang đọc đến chỗ ấy chứ? (Lại càng cười to). Đấy là ý kiến cá nhân Nguyễn Chí Thanh, chưa phải ý kiến của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Đồng chí nào phản đối mấy lời tôi và nói, xin cứ tự do, và tôi cũng hoan nghênh… Sở dĩ tôi có được mấy ý kiến này là nhờ công giúp đỡ về văn nghệ của các anh Hoàng Cầm, Đỗ Nhuận, Mai Văn Hiến, Thanh Tịnh và nhiều anh chị em nữa trong Tổng cục. Chứ hồi mới chỉ là một anh huyện ủy viên ở Bình Trị Thiên, tôi chưa có đủ hiểu biết mà nói như vừa rồi. Nào, ai có ý kiến gì, xin mời…

(Những tiếng vỗ tay vang rền. Nhiều người đứng cả lên vỗ tay, vỗ tay rất dài. Hơn chục diễn viên thì muốn ôm hôn ngay vị tướng vừa đanh thép lại vừa mềm mại, xanh tươi như hoa lá mùa xuân).

Nguyễn Chí Thanh: (Nhìn đồng hồ) Thế mà cũng gần 6 giờ rồi. Vậy anh Hoàng Cầm và các diễn viên có muốn nói gì nữa không?

Hoàng Cầm: Thưa đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục, câu nói cuối cùng của chúng tôi, của cả đoàn văn công là xin hết sức cố gắng trau dồi nghệ thuật dân tộc để phục vụ bộ đội tốt hơn nữa…

(Tất cả vỗ tay...)

(Cuộc họp kết thúc, mọi người ra về trong niềm vui hân hoan. Gió chiều nồm nam thổi mạnh hơn. Trời rất xanh, mây rất trắng... Lá cờ hội đình gặp gió càng lay động nhịp nhàng với những niềm rung cảm mới mẻ trong lòng anh em nghệ sỹ đoàn văn công.

Anh Thái Dũng đã xuống đến chân đồi. Mọi người nhìn theo, thấy anh bước đi ung dung thư thái mà vẫn dũng mãnh. Cái ống tay áo thõng thượt bên trái anh cũng như xoắn bay theo chiều gió…).

(Âm nhạc. Ca khúc "Gửi về quan họ" do cố nhạc sỹ Đức Miêng sáng tác vang lên. Kết kịch, các diễn viên ra chào khán giả).

 
 
 
Các tin mới hơn
Trang Văn nghệ Trẻ: "Hạ ơi" của tác giả Nguyễn Hưng Thiện(26/07/2024)
Các tin cũ hơn
Hoài niệm ngày nắng nóng(10/07/2024)
Ngọn đuốc (10/07/2024)
Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình và Văn nghệ dân gian: "Danh xưng của các làng xã xưa và nay"(08/07/2024)
Trưa nay, biển(28/06/2024)
Tản văn "Ngọt ngào hương hoa vải" của tác giả Đào Thanh Tùng(28/06/2024)
na
na
na
na
na
na
na
na
na
na